Lời tiên tri về số phận anh em Ngô Đình Diệm

Thứ năm - 15/11/2018 17:25
Cuộc đảo chính lật đổ anh em Ngô Đình Diệm diễn ra năm 1963 nhưng từ mấy năm trước, một chỉ huy tình báo của ta đã dự đoán điều này.
Lời tiên tri về số phận anh em Ngô Đình Diệm

Năm 1958, mật vụ của chính quyền Sài Gòn bắt được một cán bộ cấp cao của quân giải phóng và tình nghi đó là Phó Giám đốc Nha Tình báo Bắc Việt. Chúng đã chuyển người tù này qua nhiều nhà giam và sử dụng nhiều ngón nghề nhưng không khai thác được gì. Sau cùng chúng đưa ông về Huế giam ở khu Chín Hầm khét tiếng là địa ngục trần gian của Ngô Đình Cẩn.

Lý do người tù được đưa ra Huế là vì trước đó Đoàn công tác đặc biệt miền Trung của Ngô Đình Cẩn đã “thu phục” được một số phần tử kháng chiến cũ. Tuy nhiên, Cẩn đã cho đàn em sử dụng hết các mánh khóe mà vẫn không khai thác được chút gì từ người tù này. Bí bách, Cẩn phải gọi cho anh trai là Ngô Đình Nhu – người được xem là “mưu sĩ” số 1 của “triều đại họ Ngô” ra để gặp người tù hòng “chiêu hồi”.

Người tù đặc biệt này chính là ông Trần Quốc Hương (thường gọi là Mười Hương) người chỉ huy mạng lưới tình báo chiến lược của Việt Nam với những chiến sĩ tình báo nổi tiếng như: Lê Hữu Thúy, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ…

Chúng bố trí gặp ông Mười Hương trong một cuộc họp đông người tại nhà nghỉ mát của Cẩn ở cửa Thuận An. Cuộc gặp có Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Hà Thúc Luyện – Tỉnh trưởng Thừa Thiên, Hồ Đắc Khương – đại biểu chính phủ Trung phần, Trần Văn Đôn – Tư lệnh Quân khu và một số cán bộ của ta bị bắt.

Mở đầu cuộc họp, Ngô Đình nhu nói về tình hình thế giới và chính sách của họ Ngô nhằm kêu gọi các cán bộ ta bị bắt “chuyển hướng”.

Theo lời kể của ông Trần Quốc Hương được nhắc trong sách Trần Quốc Hương – Người chỉ huy tình báo của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải, khi ông Mười Hương vừa được đưa vào phòng thì Ngô Đình Cẩn phủ đầu bằng một lời trách móc: “Các ông ác lắm, diệt cả gia đình chúng tôi. Các ông đã giết anh cả tôi (Ngô Đình Khôi, Tổng đốc Quảng Nam) lại còn giết con anh tôi, Ngô Đình Huân – cháu đích tôn của dòng họ. Suýt nữa thì gia đình họ Ngô tôi tuyệt tự…

Đáp lại, ông Mười Hương nói: “Ông ạ, nếu Cộng sản ác như ông nói thì ông Diệm không còn sống đến bây giờ. Có lúc bắt được ông Diệm, Cụ Hồ tha đó thôi, còn kêu gọi hợp tác chống đế quốc. Các ông đều biết rõ cả”.

Vào cuộc gặp, khi Ngô Đình Nhu thuyết giảng về chính sách họ Ngô và kêu gọi sự chuyển hướng, ông Mười Hương đã có cuộc tranh luận với Nhu. Ông nói: “Các ông chưa có độc lập đâu”.

Nhu hỏi lại: Tại sao ông lại nói thế. Chúng tôi chỉ dựa vào Mỹ, cũng như các ông dựa vào Nga Xô thôi.

Ông Mười Hương phân tích: “Chính các ông nói: Mỹ viện trợ 80% cho quân sự và vũ khí, 20% còn lại trang bị cho cảnh sát và thông tin tuyên truyền, tức là chỉ giúp các ông điều kiện để đánh nhau và chửi nhau với miền Bắc thôi. Có gì cho xây dựng kinh tế đâu.

Ông Diệm vay tiền làm đập Đa Nhim, nhưng Mỹ không cho. Các ông vay – họ không cho vay, các ông phải xin họ mới cho. Họ không tin các ông. Các ông mua hàng dân dụng ở đâu cũng phải do cơ quan viện trợ Mỹ chỉ định. Ít nhất 10% hàng chở về cũng phải bằng tàu Mỹ.

Các ông phụ thuộc Mỹ. Viện trợ Mỹ là cái thòng lọng. Khi nào các ông chống họ, không nghe họ thì họ thắt lại, các ông hết thở thôi. Kinh tế các ông chả có gì cả. Ở miền Bắc chúng tôi mọi chuyện hoàn toàn khác”.

Ngô Đình Nhu nghe vậy thì im lặng rồi lảng sang chuyện khác bảo: Các ông cứ chửi chúng tôi là tay sai của Mỹ, cứ giữ biên giới Mỹ ở Vĩ tuyến 17. Không biết ông có biết, hay là chỉ các ông lớn ở trên mới biết, là Kennedy và Khrushchyov đã thỏa thuận, xác định Vĩ tuyến 17 ở Việt Nam và Vĩ tuyến 38 ở Triều Tiên làm ranh giới phân chia cân bằng ảnh hưởng của hai phe, hai thế lực. Chúng tôi bước sang Bắc Vĩ tuyến 17 thì Nga Xô không để yên. Còn các ông bước vào phía Nam thì Mỹ cũng không thể nào để yên được. Ông là người Bắc sao lại vào Nam phá Hiệp định?

Ông Mười Hương nhận định Ngô Đình Nhu đang đánh tráo khái niệm. Cũng theo ông, vào thời điểm đó, một số người đã bị luận điểm này lung lạc làm cho hiểu lầm, không cho cuộc kháng chiến chống Mỹ vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước mà cho là chiến tranh ý thức hệ.

Lúc đó, ông Mười Hương trả lời: “Ông Nhu này, tôi là người Việt Nam. Từ nhỏ tôi đã được học nước Việt Nam liền một dải, từ Ải Nam Quan ở phía Bắc tới mũi Cà Mau ở phía Nam. Cụ Hồ từng nói “miền Nam là máu thịt của Việt Nam, dù sông có thể cạn, núi có thể mòn”. Tôi theo Cụ Hồ. Tôi rất tự hào vì đã được ở lại miền Nam để đấu tranh cho thống nhất đất nước.

Nếu muốn biết chế độ nào tốt, xấu, ông thử mở cửa giới tuyến cho tự do lựa chọn xem. Nếu miền Bắc xấu thật thì người ta sẽ theo vào miền Nam với các ông hết”.

Ngô Đình Nhu bảo: Nội 1 triệu người di cư cũng đã đủ chết rồi. Lấy gì nuôi. Nếu thế thì mất ngay với các anh thôi. Các anh nói giỏi. Tôi thừa nhận chúng tôi không có được những cán bộ như thế”.

Ông Mười Hương vặn lại: Nếu chỉ là nghe tuyên truyền thôi, tại sao chúng tôi là trí thức, có học lại vẫn tin theo miền Bắc, Cụ Hồ? Vậy nhất định phải có gì đó chứ!

Nhu lại lấy chuyện Nhân văn giai phẩm và cải cách ruộng đất ra để phản công, cho rằng không có dân chủ. Lúc đó, mặc dù đã ở tù lâu, không được cập nhật thông tin nhưng bằng sự suy xét của mình, ông Mười Hương vẫn không nao núng. Ông trả lời: “Gia đình tôi là địa chủ nhưng tôi không chấp nhận gia đình tôi không làm ruộng mà có hàng chục mẫu trong khi nông dân không có ruộng đất. Tôi tán thành cải cách ruộng đất nhưng không muốn cảnh đấu tố sai. Người ta làm ruộng phải có ruộng đất. Nhưng tôi phản đối cách làm”.

Sau cuộc gặp, anh em Diệm-Nhu có trao đổi với nhau và nhận xét: ông Hai đó (chỉ ông Mười Hương) là Cộng sản ngoan cố nhưng nói nhiều điều phải suy nghĩ”.

loi tien tri ve so phan anh em ngo dinh diem hinh anh 2
Ông Ngô Đình Nhu - cố vấn của chế độ gia đình trị họ Ngô.

Sau cuộc gặp ở miền Trung hơn 3 năm, những điều ông Mười Hương phân tích đã thành hiện thực. Do những mâu thuẫn giữa Mỹ và anh em họ Ngô, Washington đã bắt đầu tính đến việc thay ngựa và CIA đã tích cực tiếp xúc với các sĩ quan trong quân đội Sài Gòn để mưu tính đảo chính. Đến 1.11.1963, cuộc đảo chính đã diễn ra dưới sự ủng hộ của CIA kết thúc chế độ gia đình trị của họ Ngô.

Về phần ông Mười Hương, sau khi chế độ họ Ngô sụp đổ, ông đã được tổ chức tìm cách giải cứu sau đó đưa ra căn cứ Củ Chi rồi được Trung ương gọi ra miền Bắc nghỉ ngơi dưỡng sức. Năm 1968, ông lại tha thiết muốn vào Nam và được tổ chức đáp ứng. Vào Nam ông công tác trong ban An ninh miền (thường gọi là T4). Năm 1970, ông trở thành Trưởng ban An ninh T4 với 3 nhiệm vụ: Diệt ác ôn, tiến hành công tác điệp báo và đảm bảo an ninh khu vực.

Theo Trần Vũ (Người Đưa Tin)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây