Theo người dân thì Ngọc Phụng (Thường Xuân, Thanh Hóa) còn rất nhiều những di vật hay những giai thoại gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Tuy nhiên, đến giờ, theo những cán bộ địa phương thì Hội thề Lũng Nhai có chính xác diễn ra ở nơi này hay không thì vẫn cần câu trả lời của các nhà khoa học…
Bí ẩn những chữ Hán khắc trên phiến đá
Lại nhắc chuyện thầy giáo Lê Văn Minh, sau đận bị thánh thần quở phạt gây những thiệt hại và đau đớn cho gia đình khi cả hai đứa con đều trở điên dại thì cái nhìn của ông về mảnh đất mình đang sinh sống hoàn toàn thay đổi.
Ông Minh khẳng định, Ngọc Phụng là một mảnh đất thiêng, bất kỳ địa danh nào cũng ẩn chứa trong đó vô vàn những lớp lang huyền thoại về nghĩa sĩ Lam Sơn những ngày kháng Minh mấy trăm năm về trước. Cùng với Nguyễn Tập, một thầy giáo dạy lịch sử đã về hưu, các ông kì công sưu tầm, hỏi chuyện người già trong thôn bản để, như lời của ông, tôn vinh những giá trị văn hóa lịch sử của ông cha mà nếu mình không cản thận, sẽ bị lãng quên và như vậy, thì hậu thế sẽ là những tội đồ đối với các bậc cha ông thuở trước.
Chiếc ly cổ người dân nhặt được dưới suối chảy ngang qua đồi Bái
Theo như những gì ông Minh hỏi được từ người già trong bản, thì đã từ lâu lắm, con suối chảy vắt ngang trên núi Bái đã tồn tại hai tảng đá đá to có khắc đầy chữ. “Tôi cho rằng đó chính là nơi diễn ra Hội thề của Lê Lợi và những nghĩa sĩ Lam Sơn. Hai tảng đá khắc đầy những chữ Hán, dẫu rằng theo thời gian, nước chảy đá mòn nhưng không phải không có cách khôi phục vì những dòng chữ vẫn có thể dịch được. Đó là những dòng chữ không phải viết mà do kiếm khắc lên”, ông Minh còn cho biết.
Cũng theo ông Minh, dọc con suối bảy tầng đó, người dân địa phương đã từng nhặt được những chiếc chén bằng đồng chạm khắc tỉ mỉ. “Chiếc chén đồng đó được thiết kế to chỉ bằng chiếc chén mắt trâu bây giờ, nhưng được làm bằng đồng thau, cầm rất nặng. Chiếc chén này được ông Lê Văn Hậu đào được dưới chân núi, trong khi lấy đất làm gạch cách đây vài năm. Nhưng khi mang về nhà thì ông Hậu mang bệnh nặng, cuối cùng phải nhờ một vị thầy cúng giữ hộ thì bệnh mới thuyên giảm", ông Minh kể.
Ngọn đồi nghĩa sĩ dâng hương?
Khi hoàng hôn đã nhuốm đỏ một góc trời, tôi và ông Nguyễn Thanh Lâm quyết định làm một chuyến ngược rừng lên đồi Bái (mà như lời ông Lâm khẳng định, đây chính là địa điểm lịch sử, chứng kiến những vui buồn của nghĩa quân Lam Sơn những ngày áo vải cờ đào). Lũng Nhai trên bản đồ xưa có tên là Lũng Mi, còn dịch theo tiếng Mường thì có tên Pù Mẹ.
Pù Mẹ không quá cao nhưng rộng và muốn leo lên đỉnh thì người đi phải "ngược" ngọn thác bảy tầng. Quả thực, đứng trên đỉnh Pù Mẹ, phóng tầm mắt ra xa, thấy đây là một địa thế tuyệt vời. Phía tây nam có núi cao che khuất tầm nhìn của quân địch theo thế long chầu hổ phục. Bên tả là sông Chu, bên hữu là sông Âm, những nơi có vị trí quan trọng trong chiến lược quân sự (đặc biệt là đường thủy).
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết thêm Pù Mẹ là ngọn núi cao nhất trong vùng, cao khoảng hơn 1000m so với mặt nước biển, xung quanh có hàng trăm ngọn núi khác thấp hơn và đều quay đầu về Pù Mẹ. Dưới lưng chừng núi có một đồi đất bằng phẳng gọi là đồi Bái Tranh. Người dân tương truyền chính đây là nơi Lê Lợi cùng 18 vị hào kiệt đã dâng hương, bái vọng đất trời cùng hồn thiêng sông núi thề cùng sống chết có nhau đánh giặc cứu nước.
Lê Lợi đã lợi dụng địa thế hiểm trở này làm nơi dưỡng thương cho nghĩa quân mỗi khi có ai đó bị thương và ốm đau. Ông Lâm bảo nếu buổi chiều nhìn từ đỉnh núi này có thể nhìn thấy thánh địa Lam Kinh một cách rất rõ.
Những tên làng gắn với cuộc khởi nghĩa năm xưa
Đứng trên đồi Bái một hồi, ông Lâm, lúc này như một nhà khảo cổ học chỉ tay cho ra hướng đông và bảo với tôi: “Cứ ở đây nhìn xuống, mỗi tên làng tên núi đều gắn với lịch sử của cha ông. Thế này anh nhé, nói anh đừng cười, cái ngã ba phía trước dân làng tôi vẫn gọi bằng cái tên rất tục là ngã ba Đồng Chó.
Truyền thuyết kể lại rằng, khi Lê Lai giả làm Lê Lợi, mặc áo vua để quân địch truy đuổi đã chạy về đây thì đàn chó của quân địch xồ đến, đường cùng, ông chạy trốn vào một gốc đa cổ thụ, lũ chó chạy đến thì bỗng đâu một con chồn trắng từ trong hốc đa chạy ra đánh lạc hướng, làm tất cả lũ chó đổ xô đuổi theo con chồn, vì vậy mà Lê Lai đã thoát được nanh vuốt của những con ác thú.
Lại nói chuyện lũ giặc chạy đến, không tìm thấy ai chúng đã xộc thẳng kiếm vào trong hốc đa. Lê Lai đã nhịn đau không kêu mà lấy áo nắm chặt lưỡi kiếm để chúng tuốt ra không để lộ vết máu. Ngã ba có cây đa cổ thụ ấy sau này được Lê Lợi đặt cho cái tên ngã ba “Đồng Chó” là như vậy.
Kể tiếp chuyện Lê Lai, bị thương nhưng ngài vẫn cố chạy ra để vượt sông Âm, tìm đến một ngôi làng cổ (vừa nói ông Lâm vừa chỉ tay về hướng xa xa cho tôi dễ hình dung), lũ giặc cũng vừa lúc tìm đến hỏi dân làng, có thấy một người mặc quần áo như này như này, đi đôi giày như này như này… không? Dân làng khiếp sợ khai thật là có. Lê Lợi sau này biết chuyện, đã đặt tên làng ấy là làng Ngu. Bây giờ dân làng đọc chệch đi thành làng Chu nhưng những bậc cao niên vẫn thừa nhận, làng đã từng có cái tên tục là “Ngu”.
Bị quân giặc phát hiện, Lê Lai chạy tiếp sang nơi khác để lánh nạn. Giặc đuổi theo phía sau, cũng hỏi dân làng những câu như trước. Sợ hãi, dân làng cũng khai thật là có. Về sau Lê Lợi biết chuyện tức giận mà đặt tên làng là làng Ngốc, sau dân gian gọi chệch đi là làng Cốc và mang cái tên ấy cho đến tận ngày này.
Bị giặc phát hiện, Lê Lai lại chạy tiếp đến chân một ngọn đồi thì kiệt sức. Đây là một ngôi làng có nhiều người dân tộc sinh sống. Đang sắp kiệt sức vì đói khát thì Lê Lai gặp một bà cụ dân tộc đang đi đào củ mài. Thấy ngài sắp kiệt sức, bà cụ đã cho ông một chiếc bánh xèo làm từ bột sắn. Về sau Lê Lợi cũng đã đặt tên ngọn núi ấy là núi Xèo, hay con gọi là Pù Mẹ (núi người mẹ). Và núi Pù Mẹ dịch từ tiếng Mường ra được gọi bằng Lũng Mi hay Lũng Nhai. Nơi đây cũng chính là căn cứ địa được Lê Lợi chọn để rèn kiếm luyện gươm giết giặc”.
Tôi mang cái thắc mắc, hầu như các tên làng tên núi ở Ngọc Phụng đều gắn bó với những câu chuyện Lê Lợi chống giặc, mà sự trùng lặp lại chuẩn đến mức không một chút hoài nghi nào với thầy giáo Lê Văn Minh thì ông Mình cười bảo: “Nếu muốn để công sưu tầm thì chắc chắn còn nhiều sự trùng lặp nữa. Ví dụ như Ngọc Phụng bây giờ thực ra tên cổ có tên làng Phụng Dưỡng (là nơi đã nuôi Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn).
Làng Yên Nhân (bây giờ vẫn gọi tên ấy) chính là nơi Lê Lợi đã nghỉ ngơi sau những ngày tập luyện gian khổ. Hay dòng sông Khao thì các cụ cũng đã kể rồi, đánh thắng giặc Lê Lợi và nghĩa quân uống rượu bên dòng sông, đến lúc hết rượu, ngài đã cầm chén rượu cuối cùng của mình, đứng trước ba quân mà đổ chén xuống dòng sông, mọi người cùng cầm chén mà múc nước sông lên, uống chén rượu lòng cùng minh chủ. Thề cùng đồng lòng giết giặc bảo vệ non sông. Trong Bình Ngô đại cáo sau này, Nguyễn Trãi đã viết, có câu: “Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” là cũng bởi lí do như trên…
Ngọc Phụng có phải là nơi diễn ra hội thề Lũng Nhai của nghĩa quân Lam Sơn năm nào? Câu hỏi đó không chỉ những nhân vật tôi đã gặp khi thực hiện bài viết này muốn có câu trả lời từ những nhà khoa học mà là của tất thảy người dân đang sinh sống trên mảnh đất này. Trước khi chia tay tôi, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng đã thiết tha mong muốn những bài báo của tôi sẽ đến tay các nhà khoa học để tìm ra câu trả lời mà người dân trong xã đang mong ngóng ấy.
Nguyễn Quân
Nguồn tin: VTC News
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự