Bí ẩn hòn đá mặt quỷ và cây đa thần che chở cho làng

Thứ tư - 16/09/2015 08:10
Trên ngọn núi cao ở đầu thôn Phú Hiệp (xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) có hòn đá mà người dân cho là kỳ lạ. Hòn đá mặt quỷ luôn mang lại tai ương cho làng. Nhưng ở cuối làng mọc lên cây đa đẩy lùi mọi quỷ dữ từ hòn đá tai ương kia, phù hộ cho dân làng tránh mọi thiên tai.
Vậy sự thật về câu chuyện như thế nào?Trên ngọn núi cao ở đầu thôn Phú Hiệp (xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) có hòn đá mà người dân cho là kỳ lạ. Hòn đá mặt quỷ luôn mang lại tai ương cho làng. Nhưng ở cuối làng mọc lên cây đa đẩy lùi mọi quỷ dữ từ hòn đá tai ương kia, phù hộ cho dân làng tránh mọi thiên tai. Vậy sự thật về câu chuyện như thế nào?

Hòn đá mặt quỷ
Theo cụ Nguyễn Thị Giai (82 tuổi), một trong những bậc cao niên còn minh mẫn ở thôn Phú Hiệp thì từ khi cụ 17 tuổi, đêm đêm được nghe cha kể về hòn đá mặt quỷ trên ngọn núi cuối làng. Ngọn núi cũng có cái tên kỳ lạ, núi Mặt Kính. Gọi tên như vậy là vì quả núi dựng đứng, tuy không cao lắm nhưng lại dốc vô cùng, đứng từ xa nhìn lên ngọn núi chẳng khác gì một tấm kính chắn ngang lưng trời. Trên núi, có rất nhiều khối đá lớn bé nằm rải rác. Trong đó, khối đá to nhất nằm trên đỉnh núi và hướng về làng Phú Hiệp, đó là đá mặt quỷ. Hòn đá kỳ lạ này cao khoảng 10m, bề ngang 20m, một mặt hướng về phía làng. Trên bề mặt tảng đá có nhiều vết nứt nẻ, lồi lõm tạo nên đường nét giống gương mặt người nhưng trông rất gớm ghiếc, dữ tợn. Bất cứ ai nhìn vào cũng thấy rùng mình, ớn lạnh. 

Chẳng những mang hình thù dị biệt và to lớn, hòn đá này còn gắn với nhiều câu chuyện ly kỳ. Chuyện là cha cụ Giai trước đây có phát rừng làm rẫy dưới chân núi. Khi đốt rẫy, đám lửa từ chân núi theo chiều gió cháy lan về phía đỉnh núi, thiêu rụi cánh rừng phía trên. Nhìn ngọn lửa cao cả chục m, cháy ngùn ngụt như muốn nuốt chửng cả ngọn núi, dân làng ai cũng hốt hoảng. Thế nhưng ngọn lửa như vũ bão khi đến cách hòn đá mặt quỷ khoảng vài trăm mét thì bỗng nhiên tắt ngúm.

Sự việc này sau đó lặp lại nhiều lần, thế nên dù bốn phía chân núi là nương rẫy thì đỉnh núi vẫn là rừng nguyên sinh. Khi những lời đồn thổi còn lưu truyền gây tâm lý hoang mang, một sự lạ nữa lại xảy ra. Mùa mưa lũ năm 2013, ngọn núi Mặt Kính bị sạt lở một đường dài từ đỉnh núi xuống chân. Nhiều tảng đá bị cuốn phăng xuống suối nhưng đá hòn mặt quỷ được ma quỷ níu giữ nên vẫn sừng sững nằm đó. “Sau đêm mưa to gió bão ầm ầm, tôi vừa ló mặt ra khỏi nhà, ngước mắt nhìn lên thì thấy ngọn núi bị lở một đường dài. Tôi nghĩ bụng hòn đá ma đã bị ông trời trừng phạt, hất ngã. Ai ngờ sau đó nhìn kỹ lại thì hòn đá vẫn còn đó và càng đáng sợ hơn xưa”, cụ Giai vừa kể vừa nhìn xa xăm về phía ngọn núi.

Theo lời của cụ Đặng Trang (80 tuổi), cuộc sống dân làng thời đó chẳng được bình yên no ấm mà luôn bị thiên tai, dịch họa hoành hành. Người dân truyền tai nhau rằng, trong những đêm mưa gió, nơi đỉnh núi vang lên những tiếng gầm gừ, rên rỉ của các oan hồn. Sau mỗi lần như vậy, trong làng không sớm thì muộn cũng xảy ra điều chẳng lành. Từ thiên tai như lũ lụt, hạn hán, mất mùa đói kém đến bệnh tật và thậm chí là những cái chết bất đắc kỳ tử. Tai họa cứ mỗi năm lại đến một lần. Ngôi làng mới lập chưa được bao lâu thì ngày một lụi tàn vì người lớn chết yểu, con trẻ sinh ra cũng còi cọc chậm lớn.

Những tai ương được cho là từ hòn đá mặt quỷ được kể lại đầy đau thương. Trong đó phải nói đến trận mưa liên hoàn 7 ngày 7 đêm, khiến người dân sống dở, chết dở. Sau thiên tai khủng khiếp ấy, hơn nửa số dân trong làng bị chết, số còn lại sống thoi thóp, cố gượng dậy để vượt qua tai ương kiếp nạn. Cụ Trang cho biết:  “Nghe ông bà kể lại, thời đó, hòn đá mặt quỷ làm mưa làm gió ở xứ này. Năm nào làng cũng bị lũ lụt, người làng chết như rạ, cái nghèo cái đói bủa vây quanh năm suốt tháng. Một số người chịu không được phải bỏ xứ mà đi, một số thì cố bám trụ sống cho qua ngày, để nhờ điều kỳ diệu xảy ra”. 

Cây đa “thần” xuất hiện?
Truyền rằng, cách đây hơn 200 năm, sau một đêm mưa to gió lớn, ở mảnh đất ven con đường làng Phú Hiệp mọc lên một cây đa. Ban đầu chẳng mấy ai để ý tới cây bé nhỏ, mọc bờ mọc bụi này. Đồn rằng sau khi cây đa mọc được vài năm, nhiều người bị ốm đau, điên dại trong làng bỗng nhiên khỏi bệnh. Thấy sự lạ, dân làng vui mừng vô cùng nhưng không biết vì sao mình tai qua nạn khỏi. Theo năm tháng, cây đa cứ thế lớn dần lên rồi trở thành cây cổ thụ cao lớn, uy nghi. Dù nhận thấy vị trí cây đa mọc nằm trên đường thẳng nối liền đỉnh núi Mặt Kính và xóm làng nhưng không ai nghĩ đến cây đa chính là “bùa hộ mệnh” của làng.

Sau nhiều năm chiêm nghiệm, những bậc cao niên phát hiện ra rằng từ ngày có cây đa án ngữ ở cuối làng, từ thiên tai đến dịch họa đều giảm đi. Từ đó, các cụ cho rằng ông trời muốn ngăn chặn hòn đá mặt quỷ gieo rắc tai họa lên con dân nên ban cho cây đa để án ngữ nơi cuối làng. Khi cây đa cao lớn, dùng thân mình che khuất tầm nhìn của mặt quỷ trên tảng đá lại, những tai ương vì thế cũng dần dần được đẩy lùi. Trong những lần họp làng, các cụ trịnh trọng đem chuyện cây đa là vật trấn yểm hòn đá mặt quỷ ra để kể lại cho con cháu. Truyền thống cha ông cùng với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, dân làng xem cây đa nhưng một vị thần sức mạnh chống lại hòn đá mặt quỷ.

Đến nay, dân gian vẫn còn lưu truyền về những lần đối đầu giữa hòn đá mặt quỷ và cây đa “thần”. Truyền rằng, vào những đêm mưa to gió lớn, khi hòn đá mặt quỷ phát ra những tiếng gầm gừ, gào thét thì dưới cánh đồng, cây đa “thần” cũng rung chuyển, thổi gió ào ào hướng về phía ngọn núi. Hòn đá càng hung hăng bao nhiêu thì những trận cuồng phong đáp trả cũng uy lực bấy nhiêu. Cuộc chiến diễn ra một hồi đến khi hòn đá im lặng thì cây đa mới chịu đứng yên. Nhờ cây đa gồng mình che chắn, những hôm sau đó người làng không hề gặp phải bất cứ điềm xấu hay tổn hại gì.

Cụ Trang cho biết: “Vào ngày rằm hàng tháng dù có mưa gió hay không, đúng vào lúc nửa đêm, từ hòn đá mặt quỷ phát ra ánh sáng rồi “điệp khúc” dọa nạt, gào thét vang lên. Ngay lập tức, cây đa “thần kỳ” ở cuối làng chuyển động, thổi những cành lá ào ào như sóng dữ hướng về phía hòn đá mặt quỷ. “Cuộc chiến đấu” diễn ra khoảng 5 phút, đến khi hòn đá mặt quỷ im lặng thì cây đa cũng bắt đầu nghỉ ngơi để tránh làm mất giấc ngủ của người dân”. Theo cụ Trang, trận chiến đấu đầu tiên giữa hòn đá mặt quỷ và cây đa “thần” diễn ra vào tối rằm tháng Giêng. Do đó, từ xưa đến nay, người dân thôn Phú Hiệp chọn ngày 16 tháng Giêng hàng năm làm ngày cúng tế thần linh, cũng là ngày ăn mừng chiến thắng của cây đa “thần” trước hòn đá mặt quỷ. 

Một mặt phù hộ dân làng, cây đa cũng trở thành bất khả xâm phạm. Chuyện kể rằng, vào năm 2002, có một người từ xã khác đánh máy cày đến làng cày thuê. Khi đến đám ruộng cạnh gốc đa, chiếc máy cày đang nổ giòn tan thì đột nhiên tắt ngúm mà chẳng rõ nguyên do. Người lái máy cày loay hoay mãi nhưng chẳng hiểu được vì sao máy đang chạy ngon lành lại hỏng. Một đám thanh niên trong làng tới hợp sức sửa chữa nhưng vẫn không có kết quả. Các cụ thấy chiếc máy cày hỏng ngay cạnh gốc đa thì biết nguyên do nên mách nước người này hương khói khấn cầu. Quả thật sau khi dứt lời cầu xin, khởi động lại thì máy hoạt động bình thường như chưa hề hỏng hóc gì.        
 
“Điềm xấu” hay chỉ là hiện tượng tự nhiên
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều “thầy” địa lý khi đến thôn Phú Hiệp đều cho rằng hòn đá mặt quỷ chính là điềm xấu của vùng đất này. Tuy vậy, vạn vật tương sinh tương khắc, nếu trời đã sinh ra hòn đá mặt quỷ thì cũng ắt có vật chế ngự. Vạn vật hữu linh, nếu đá là ma quỷ, đại diện cho cái ác thì cây đa lại là hiển linh của thánh thần. Hơn 200 năm qua, hòn đá mặt quỷ không ngừng tác oai tác quái, luôn tìm cách gieo rắc tai họa xuống làng. Cây đa “thần” mỗi năm một cao lớn, vươn cành tỏa lá che chắn tầm nhìn của hòn đá mặt quỷ giúp dân làng dần thoát khỏi tai kiếp. Hai thế lực thiện - ác ấy giao tranh từ năm này qua năm khác mà phần thắng thường nghiêng về bên thiện. 

Theo quan sát, quả thật hòn đá được nói tới nằm trên ngọn núi cao, thuộc một nhánh núi trong hệ thống dãy Trường Sơn. Địa hình nơi này vô cùng hiểm trở, nhiều khe, vực xen lẫn những đỉnh núi trập trùng. Đứng trên đỉnh núi chỉ cần hét vang cũng nghe được âm thanh mình vọng lại. Phía bên dưới tảng đá có một vũng nước nhỏ nhưng không bao giờ cạn. Đó có lẽ là bức tường chắn lửa, tránh cho khu rừng phía trên bị thiêu rụi dù bên dưới người dân đốt rừng làm rẫy. Trong khi đó, cây đa “thần” nằm giữa cánh đồng, cách đá mặt quỷ 4km. Mỗi khi có cơn gió nhẹ thoảng qua cũng làm cây đa đung đưa. Những chiếc lá đa va đập vào nhau, rung động phát ra những tiếng rì rào. Có lẽ trong đêm mưa to gió lớn, cây đa oằn mình chống chọi và được dân làng coi là sự chiến đấu chống lại hòn đá mặt quỷ. Ông Trần Đức Bảo, Trưởng thôn Phú Hiệp, cho biết: “Mỗi khi mưa gió giông bão, tiếng sấm chớp bị những vách núi cao khuếch đại làm vang vọng như có ai đó đang gầm gừ, gào rú. Có lẽ tiền nhân từ xa xưa chưa lý giải được hiện tượng này nên gọi đó là đá rên rỉ, dọa nạt người.

Chuyện từ xa xưa dân làng thường gặp phải tai họa cũng là lẽ thường. Vì làng Phú Hiệp được thành lập từ thời nhà Tây Sơn, lúc đó nơi đây là chốn rừng thiêng nước độc, những người đầu tiên đến khai hoang lập ấp thường gặp phải thiên tai, bệnh tật. Về sau, cha ông biết chế ngự thiên nhiên, xây đê đắp đập nên dần tránh được thiên tai, hạn hán”. Cũng theo ông Bảo, cây đa cuối làng khá linh thiêng, có thể phù hộ độ trì dân làng nhưng không có chuyện cây và đá đánh nhau. Những trận “quyết chiến” đó thực ra chỉ là những hiện tượng tự nhiên. Cây đa gặp gió cũng rung chuyển phát ra tiếng ào ào và âm thanh chỉ ngừng lại khi gió ngừng thổi. Những câu chuyện lưu truyền qua các thế hệ được thêm thắt để thêm phần thần bí, ly kỳ, nhằm thỏa mãn trí tưởng tượng, phục vụ đời sống tinh thần người dân lao động mà thôi.

Nguồn tin: An ninh Thủ đô

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây