Siem Reap là thành phố du lịch nổi tiếng của Vương quốc Campuchia, mỗi ngày thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch đến từ khắp nơi trên thế giới bởi kiệt tác kỳ quan Angkor. Từ TP HCM đến Siem Reap - thành phố lớn thứ hai Campuchia (sau Phnom Penh), bạn đi trên quốc lộ số 6 huyết mạch và qua tỉnh Kampong Cham. Xe sẽ dừng lại cho bạn tận ngắm cây cầu cổ Kampong K’dey và tản bộ.
Kampong K’dey - cây cầu cổ sừng sững qua thời gian
Cầu Kampong K’dey đã hơn 800 năm, được xây dựng từ năm 1186, dài chưa tới 100 m, mặt cầu rộng chừng 14 m và được xây hoàn toàn bằng đá ong, không có chất kết dính. Kiến trúc tương tự những cầu vòm bằng đá do người La Mã xây ở châu Âu. Hai đầu cầu có tượng Thần rắn Naga bảy đầu linh thiêng, được người dân tôn thờ, còn thân cầu cũng mang dáng dấp thân hình của rắn thần này.
Từ cầu Kampong K’dey, bạn đi 45 phút nữa là tới Siem Reap. Thành phố do vua Anong Chanriechievy đặt tên sau khi đế quốc Khmer đánh thắng quân Xiêm (Thái Lan ngày nay) dưới thời vua Ayutthaya vào thế kỷ thứ 12. Nguồn gốc tên gọi Siem Reap có nghĩa là "chiến thắng quân Xiêm". Theo tiếng Khmer, Siem là Xiêm La, còn Reap là thắng lợi.
Những con đường trải nhựa ở trung tâm Siem Reap rộng mở với hai bên khách sạn, nhà hàng san sát nhau. Song sự phát triển của một thành phố du lịch đã không làm cho Siem Reap mất đi vẻ đẹp đặc trưng vốn có. Để phố cổ lưu giữ bản sắc hài hòa với kiến trúc đền đài cổ kính nơi đây, các khách sạn đều mang phong cách Khmer với mái ngói đỏ, hoa văn truyền thống được chạm trổ tinh xảo. Hơn nữa, các tòa nhà không được xây cao hơn 65 m của ngôi đền cao nhất trong quần thể Angkor.
Tuy Siem Reap là điểm đến du lịch bậc nhất Campuchia và tập trung đông du khách, nơi đây vẫn mang lại sự yên bình. Siem Reap không có cảnh xe cộ lưu thông hỗn độn, bấm còi inh ỏi, không có sự chèo kéo khách như những địa danh du lịch nổi tiếng khác.
Angkor Wat - tuyệt đỉnh kiến trúc Khmer
Cách trung tâm Siep Reap 7 km là quần thể di tích nổi tiếng thế giới Angkor Wat. Đây là một trong các di tích lịch sử quan trọng bậc nhất tại Campuchia và được xem là tuyệt đỉnh kiến trúc Khmer. Angkor Wat được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1991 và có thể sánh cùng với Vạn Lý Trường Thành, kim tự tháp Ai Cập...
Thuở xưa, Angkor Wat từng là kinh đô của đế quốc Khmer. Quần thể Angkor được xây dựng 37 năm trên một bề mặt dài hơn 1 cây số trong nửa đầu thế kỷ 12. Đây là nơi thờ thần Vishnu của Ấn Độ giáo. Về sau, khi vương triều Khmer theo Phật giáo, Angkor Wat trở thành quần thể đền thờ Phật linh thiêng. Sau khi kinh đô bị người Xiêm phá hủy, các vị vua dời kinh đô về Phnom Penh vào thế kỷ 15, từ đó Angkor Wat dần rơi vào quên lãng với rừng già bao phủ.
Angkor Wat là ngôi đền duy nhất tại Campuchia có chính điện quay về hướng mặt trời lặn. Thời khắc lý tưởng nhất cho bạn ghi lại hình ảnh tuyệt đẹp của ngôi đền là vào buổi chiều tà khi ánh mặt trời phủ vàng rươm lên những bức tường đá rêu phong nhuộm màu thời gian.
Tản bộ qua những dãy hành lang dài, đi qua mọi ngõ ngách trong Angkor Wat, bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra nét kiến trúc độc đáo. Thời bấy giờ, kỹ thuật chưa hiện đại song người xưa đã sáng tạo ra cách dùng những phiến đá xanh lớn xếp chồng lên nhau, rồi mới chạm trổ hoa văn lên đá theo các câu chuyện trong sử thi Ấn Độ.
Trong những gian phòng lớn của ngôi đền, có một gian rất huyền bí, du khách thường đến đó đứng hơi sát tường nắm chặt bàn tay và vỗ lên ngực nhẹ nhẹ thì lập tức có tiếng vang vọng như mình đang đánh trống. Gian phòng này nếu nhìn từ bên ngoài vào thì được thiết kế ở phía bên trái. Trong số rất nhiều các tiên nữ được điêu khắc trên tường, có một tiên nữ há miệng nhe bốn cái răng do cô này mắc cỡ mới tiến cung nên đứng thầm cười một mình bên phải sát cánh cửa.
Angkor Thom - thành trì lâu dài nhất của Khmer
Cách khu di sản Angkor Wat chừng 5 phút đi xe là quần thể Angkor Thom với các bức tường thành bằng đá ong cao 8 m bao quanh một khu vực đền đài rộng 9 km vuông. Angkor Thom là thủ đô cuối cùng và lâu dài nhất của người Khmer và được vua Jayavarman VII xây dựng vào cuối thế kỷ 12.
Khu Angkor Thom có 4 cổng thành ở bốn hướng đông - tây - nam - bắc. Các khuôn mặt trên các ngọn tháp cao 23 m tại các cổng giống với các khuôn mặt tại đền Bayon, đại diện cho nhà vua, vị thần Lokesvara, các thần hộ vệ các hướng của vương quốc. Dọc theo hai bên lối dẫn vào thành là các hàng tượng thần Deva nâng thần rắn Naga trong tư thế kéo co. Đây là hình tượng liên quan đến truyền thuyết khuấy Biển Sữa tại Angkor.
Bên trong thành có hệ thống kênh đào dẫn nước chảy từ phía đông bắc tới phía tây nam. Khu đất được bao bọc bởi tường thành có thể đã là nơi xây dựng các tòa nhà thế tục của thành phố, nhưng các tòa nhà này đã không còn tồn tại. Ngày nay khu vực được bao phủ bởi rừng cây.
Bayon - ngôi đền núi ấn tượng nhất Campuchia
Đền Bayon nằm ở trung tâm của khu quần thể Angkor Thom và là ngôi đền ấn tượng nhất của kiến trúc đền núi Campuchia, bởi sự hùng vĩ về quy mô và hàng trăm bức tượng 4 mặt tuyệt đẹp. Ngôi đền có 216 mặt tượng trên đỉnh 54 tháp lớn nh. Trên mỗi tháp đều có điêu khắc khuôn mặt thanh thoát của các vị thần, tượng trưng cho sự quan sát của thần linh về bốn hướng của Campuchia.
Đền Bayon được vua Jayavarman VII xây dựng vào thế kỷ thứ 12, là ngôi đền quốc gia duy nhất tại Angkor được xây dựng để thờ đức Phật. Sau khi vua Jayavarman băng hà, đền đã được tu sửa rất công phu. Đến chiêm ngưỡng Bayon, bạn sẽ có những cảm xúc tâm linh kỳ bí.
Ta Prohm - ngôi đền có những rễ cây cổ thụ kỳ quái
Đền Ta Prohm nằm ở phía đông của Angkor Thom, được xây theo phong cách Bayon vào cuối thế kỷ 12, là nơi thu hút nhiều du khách viếng thăm hàng năm. Ngôi đền đã bị bỏ hoang từ sau sự sụp đổ của đế chế Khmer trong thế kỷ 15. Cảnh quan kỳ bí của ngôi đền đã từng làm bối cảnh cho bộ phim Hollywood nổi tiếng “Bí mật ngôi mộ cổ”.
Cây cối um tùm và những thân cây mọc trên khắp các bức tường tạo nên vẻ đẹp huyền bí và ấn tượng đặc biệt cho ngôi đền. Bước vào khuôn viên đền, bạn sẽ có cảm giác choáng ngợp khi nhìn thấy những bộ rễ cây cổ thụ như những con trăn khổng lồ cuốn quanh đền trông thật kỳ quái. Bạn đừng lầm tưởng cây mọc từ dưới lên rồi quấn lấy đền, mà thật ra cây mọc từ trên đền xuống do chim chóc nhả hột cây, gặp điều kiện thuận lợi nên cây phát triển.
Tác giả bài viết: Hạnh Phan
Nguồn tin: Zing
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự