Bóng bồ đề che chở cô nhi

Thứ bảy - 15/06/2013 08:29
Chùa Vạn Đức đang nuôi 29 trẻ mồ côi, nơi đó có thầy trụ trì Thích Lệ Hiếu chịu thương, chịu khó với công tác hoằng pháp độ sanh...
Dưới cội từ bi

Tìm đến chùa Vạn Đức(ấp 2, xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, Bến Tre) vào buổi trưa nắng gắt, hỏi về thầy trong lúc sang sông, ngồi cùng phà, cô Hiếu, người dân địa phương kể: “Thầy về đây được 2 năm rồi. Trước khi thầy về nơi này, chùa chỉ là thảo am. Chùa nghèo, chỉ có 2 pho tượng và vách lá; nóc nhà thì mục nát. Lúc trời mưa, thầy và Phật tử chui dưới tượng Quan Âm núp rồi thay phiên nhau tát nước ngập. Trời nắng thầy cũng chịu cảnh ngủ ngồi bởi chùa cập mé sông, mỗi khi con nước lên là chùa ngập lênh láng.

Chùa trống trước trống sau, có bữa không có gạo nấu cơm, vậy mà người ta còn đem con nít đến bỏ trước chùa. Người ta ép thầy, nếu không nhận nuôi, họ bỏ xuống sông. Đêm hôm khuya khoắt, không còn sự lựa chọn, thầy đành nhận nuôi rồi ẵm đi khắp xóm xin nước cơm cho uống. Thấy thầy như vậy, vài bữa sau lại có người dắt con đến bỏ ở hiên chùa, rồi đi mất dạng, thầy phải dẫn vào nuôi. Cứ như vậy mà giờ thầy nuôi đến mấy chục chú tiểu. Mà các chú, ai cũng dễ thương hết”.

Như lời giới thiệu của cô bác, hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng cho tôi khi vừa bước chân đến chùa là các chú tiểu trong độ tuổi cắp sách đến trường, chú lớn nhất học lớp 8, chú nhỏ nhất học lớp 1 đang cặm cụi phụ các chú Phật tử chuyền lá, lợp nhà. Mái nhà mà các chú tiểu lợp là nơi để các chú ngủ và cũng là giảng đường. Cười tươi, chú tiểu Trung Giới, học lớp 3 khoe: “Lá này là sư phụ và các bác đi chặt ngoài mé sông. Rọc lá, đi phơi là việc của các cô Phật tử, còn chuyền lá lợp nhà là nhiệm vụ của mấy chú và anh, em chú tiểu tụi con”.

Trên mái nhà đang lợp, chú Diệp tiếp lời: “Toàn xã không có trung tâm nuôi trẻ mồ côi; nếu không có thầy, các chú tiểu sẽ không được ăn no, mặc ấm và được cắp sách đến trường như thế này. Thầy thương trẻ đến nỗi mà, công an ở huyện Ô Môn, TP.Cần Thơ cũng biết. Mới đây, họ còn gửi một bé 10 tuổi, mồ côi để thầy nuôi”.

Hỏi ra mới biết, trung bình một tháng, gói ghém lắm thầy phải chi đến 20 triệu. Chùa có hơn 10 gốc nhãn, một mùa bán không được bao nhiêu, thiếu tiền, thầy phải vận động Phật tử khắp nơi để xin. Cô Huệ, quận 10, TP.HCM chia sẻ: “Bữa thầy điện lên, thầy nói, cô ơi coi ở đâu có sữa, xin cho thầy ít; mấy chú ở đây không có sữa uống. Nghe thấy thương quá, mình chạy đi khắp chợ Nhật Tảo xin sữa cho mấy chú”.

Thương các chú như thương bản thân mình, nhưng từ ngày thầy nuôi trẻ mồ côi thầy chịu không ít tai tiếng. Cô Tâm, Chủ tịch xã bảo: “Nhiều người khác đạo ác ý, ganh tỵ gửi đơn tố cáo thầy đánh trẻ con. Lúc nhận đơn, mình thấy giật mình. Công an xã liền đi xác minh thì không phải vậy và xã cũng biết người vu cáo thầy. Nhưng thầy nói, thầy không muốn làm lớn chuyện, miễn sao thầy không như người ta nói là được nên ở xã ai cũng quý thầy”.

“Thương lắm”

Đó là câu nói mà khi nhắc đến thầy, hầu hết bà con nơi đây đều chia sẻ như thế. Và lý do mà thầy về đây trụ trì, gầy dựng, đem ánh sáng Phật pháp đến vùng nước nổi này cũng là vì một chữ “thương”.

Thầy kể: “Lúc trước thầy ở chùa Ấn Quang, quận 10, TP.HCM. Bữa nọ, thầy mời các cô Phật tử về đây làm từ thiện. Đến đây các cụ cứ cầm tay nói hoài một câu: thầy ơi, ở đây mà có cái chùa, có ông thầy là con chết cũng ưng ý. Ông bà già tụi con khát giáo lý lắm, tối muốn tụng kinh lắm mà đâu có nơi để tụng. Bà con tha thiết, thấy thương quá, chịu không nổi nên mình mới rời Sài Gòn về đây”.

So với ngày thầy mới về, đến thời điểm này chùa đã có trùng tu được chút đỉnh, ít ra là không còn chịu cảnh sống chung với nước ngập như ngày xưa và buổi tối cũng có chỗ cho bà con đến tụng kinh. Nhưng chùa vẫn là mái lá, cột dừa, chỉ có nơi các chú, thầy ngủ là lợp bằng tôn. Chùa vẫn nghèo và thầy thường xuyên đi mượn tiền trang trải sinh hoạt nhưng nhắc đến các chú tiểu là thầy lạc quan, rạng ngời hạnh phúc. 

“Chỉ cần khuya nghe tiếng các chú tụng kinh, gõ mõ; trưa thấy các chú công phu nghiêm chỉnh; rồi tối học bài chăm chỉ, nói chuyện lễ phép, hồn nhiên; gọi nhau í ới anh anh, em em… có mệt mấy, cũng trôi qua hết”, thầy tâm sự.

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây