Tỷ võ cùng cọp rừng
Từ thuở lưu dân từ miền Trung vào đây khẩn đất làm ruộng cho đến nhiều năm sau đó, vùng này vẫn còn nhiều thú dữ. Giai thoại dân gian kể rằng, làng Tường Khánh xưa có một ông lão nông thân hình cao to, giỏi võ nghệ, từng theo quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhân làm Thám kỵ quân, giữ nhiệm vụ trinh sát do thám quân tình. Không rõ tên họ thật của ông, dân gian gọi ông là Thám Xoài vì ông thích ăn xoài rừng (tức trái muỗm hay trái quéo) mỗi khi nhắm rượu với bạn bè trong xóm.
Sau khi chủ tướng Đỗ Thanh Nhân bị giết, lực lượng Đông Sơn tan rã, nhiều đồng đội của ông nhập vào quân của chúa Nguyễn Ánh, còn ông xin xuất ngũ, trở lại quê nhà lo việc ruộng nương, cày cấy. Nhà của ông bấy giờ ở ven khu rừng rậm, phía sau nhà có một cái sân rộng vừa dùng để phơi lúa, đồng thời cũng là sân tập võ nghệ của cha con ông và thanh niên trai tráng trong làng.
Câu chuyện dân gian có phần phóng đại rằng, ông thường lấy việc thi đấu với cọp làm thú tiêu khiển, đồng thời để luyện tập hoàn thiện các miếng võ. Ông bảo, đấu võ với cọp dễ lắm, cọp rất ghét màu đỏ, muốn đấu với nó chỉ cần bịt khăn đỏ lên đầu rồi kêu nó đến. Nhưng phải để ý miếng đòn “tiên hạ thủ vi cường” của cọp. Khi nó xuất hiện lập tức phóng ra tấn công liền. Khi cọp tấn công phải để ý cái đuôi, khi vồ bên phải thì đuôi nó quẹo qua bên trái và ngược lại. Còn nếu cọp có ý chụp thẳng vào mình thì đuôi nó duỗi thẳng ra. Không biết các miếng võ của nó khó lòng né tránh hay phản công lại.
Chiếc sọ cọp mang nhiều giai thoại được lưu giữ qua hàng mấy trăm năm
Chuốc oán với cọp cái ba chân
Mỗi lần Thám Xoài giao đấu cùng cọp, hai đứa con trai của ông lại cầm vũ khí đứng ngoài, để phòng khi cha gặp hiểm nguy thì xông vào trợ giúp. Thám Xoài chưa bao giờ có chủ ý giết cọp, ông chỉ muốn chúng sợ hãi mà mãi mãi nương náu chốn rừng sâu, không dám về làng, gây hại cho người dân. Khi giao đấu với cọp, Thám Xoài chỉ sử dụng trường côn, không cầm vũ khí sắc bén. Và mỗi khi muốn kết thúc trận giao đấu, ông liền xoay người, lách ra phía sau, chụp lấy đuôi cọp và đá mạnh vào hạ bộ nó, khiến cọp đau đớn quay đầu chạy biến vào rừng.
Nhưng cũng chính vì khoan nhượng với loài mãnh thú này mà trong một lần giao đấu với cọp, Thám Xoài suýt mất mạng. Theo tài liệu của cụ Nguyễn Văn Hai ghi lại, năm ấy Thám Xoài tuổi đã về chiều, tuy vẫn còn phương phi, khỏe mạnh nhưng sức lực làm sao sung mãn bằng lúc trẻ trai, vì thế ông suýt chết dưới nanh vuốt của một con hổ cái thành tinh hung hãn.
Như mọi lần, Thám Xoài biết được có “kẻ” đang rình rập mình nên thay võ phục, chít khăn đỏ ra sân chờ tỷ thí. “Đối thủ” lần này của Thám Xoài hung hãn lạ thường, nhưng sau nhiều năm kinh nghiệm giao đấu cùng cọp, ông vẫn nắm được thế thượng phong. Sau, ông lựa thế lách ra sau, tóm lấy đuôi cọp và co chân đá mạnh vào hạ bộ. Nhưng chẳng may, đây lại là một con cọp cái, nên đòn hiểm kia, chẳng “xi nhê” gì, thậm chí còn hung dữ hơn gấp bội.
Quần thảo với con cọp cái gần 2 canh giờ, Thám Xoài đã thấm mệt. Ông liền ném chiếc khăn đỏ trên đầu ra xa, theo thói thuờng, cọp sẽ chạy lại vồ xé chiếc khăn đỏ. Nhưng ả cọp cái này chẳng mảy may chú ý đến chiếc khăn, mà liên tiếp tung những đòn chí mạng hòng xé xác Thám Xoài. Thám Xoài bị dồn vào thành giếng, cọp ta giơ chân trái, sắp tát vào đầu Thám Xoài. Nếu trúng đòn này, Thám Xoài cầm chắc rơi đầu, còn không cũng nát như tương.
Hai con trai của ông đứng ngoài thấy vậy liền tung vũ khí vào, nhanh như cắt, Thám Xoài chụp lấy, chặt đứt lìa cái chân đang chực kết liễu đời ông. Phút sinh tử nhanh như chớp mắt. Cọp ta đau đớn, gầm lên một tiếng thê lương rồi chạy biến vào rừng. Nghe tiếng gầm của thú dữ, bà con trong làng liền xách giáo mác chạy đến hòng trợ lực, nhưng chỉ thấy Thám Xoài đang vận khí điều hòa, và bên cạnh là bàn chân hổ trong vũng máu đầm đìa.
Con cọp cái ngày nào giờ chỉ còn 3 chân vẫn nuôi mối thù xưa cũ, nên thường lảng vảng gần làng chờ thời cơ báo oán. Gần nhà Thám Xoài có một đôi trâu rừng, được dân làng nuôi để cày ruộng. Vốn ghét cọp nên hễ nghe mùi cọp là trâu liền giậm chân, lồng lộn lên, đó cũng là một dấu hiệu để dân làng biết có cọp về. Biết mình khó lòng chiến thắng được ả cọp cái 3 chân đã thành tinh, nên Thám Xoài bàn với dân làng cho trâu rừng chiến đấu với ả cọp này. Vừa mới được tháo dây, hai con trâu rừng đã vùng chạy vào bìa rừng.
Dân làng liền chạy theo, khua chiêng gióng trống trợ oai. Đôi trâu đánh hơi được chỗ cọp đang rình rập thì lao tới, dân làng và Thám Xoài đều nhận ra đó là con cọp cái ba chân ngày nào, nay quay về trả thù. Đôi trâu xông vào giao chiến với cọp, sau một hồi quần nhau quyết liệt, cọp đã bị trâu dùng sừng húc chết. Sau đó, dân làng liền khiêng xác cọp về, xẻ thịt, lấy da, còn chiếc sọ cọp thì đem vào miếu Dao Quang trưng cất đến ngày nay.
Đại đức Thích Thiện Thạnh cho biết, sở dĩ đem sọ cọp về miếu thờ là vì xưa kia dân ta hay tín ngưỡng rằng những con mãnh thú bị thương hay quá hung hãn, mạnh khỏe khác thường là đã thành tinh, đã có linh hồn. Thông thường, loài người vẫn rất sợ những loài thú to lớn hung ác, nên thờ cúng cũng là một cách để tạ lỗi cùng mãnh thú. Những ngôi miếu có thờ phượng thú linh sẽ giúp dân làng trừ tà, trấn yêu, diệt quỷ.
Bởi thế, sau bao nhiêu biển dâu thay đổi, chiếc sọ cọp mang nhiều huyền tích thuở xa xưa vẫn được người làng Khánh Hậu kính cẩn lưu giữ trong chùa Diêu Quang. Và chiếc sọ cọp này, từ lâu đã trở thành vật chứng cho những giai thoại kỳ thú về “Thám Xoài đả hổ”. Dẫu tồn tại hay không, thì Thám Xoài vẫn là cái tên đã khiến người dân nơi đây rất đỗi tự hào.
Nguồn tin: Thanhnien.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự