Chuyện lạ khó tin: Kỳ 1: “Ẩn tu” trong Thung Phật, xây sửa gần 50 ngôi chùa

Thứ năm - 13/07/2017 06:08
Ẩn tu trong các hang sâu, rừng rậm, núi lớn rồi tạo tác các công trình văn hóa tâm linh một cách bất ngờ và bí ẩn, đó là lý tưởng, là lẽ sống của những người theo phái Mật tông. Cảnh tu hành của họ bao giờ cũng huyền bí, mơ màng, thoắt đi, thoắt hiện giữa điệp trùng mây, nước, núi non, tượng phật, chùa chiền.

Đi tu từ tuổi 13

Nhà sư Thích Thanh Thìn cả một đời ẩn tu ở Thung Phật, thuộc vào danh thắng “Vịnh Hạ Long trên cạn” của vùng Quan Sơn, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội. Dù tiên phong đạo cốt và thanh bần tín Phật vậy, nhưng lần nào gặp, tôi cũng thấy ông Thìn rất đời thường, có khi còn băm bổ hơn cả người trong vòng tục lụy. Ông nói to, nói trúng phóc vấn đề, lật mặt câu chuyện của thế nhân ra giữa cái mật thất ẩn mình. 

Ông Thìn kể, ông quê ở Thanh Trì, Hà Nội. Bố mất sớm, mẹ đổ bệnh rồi mù lòa, ông Thìn và chị gái sớm phải đi ở đợ để kiếm miếng ăn. Chị gái ông bị đánh đập, bạc đãi nhẫn tâm. Rồi chị em ông lạc nhau gần trọn một kiếp người. Bây giờ đã ngoài 90 tuổi, chị ông Thìn vẫn khóc nấc mỗi lần nghĩ về thời thơ ấu quá khổ cực của hai chị em. 

Trở lại số phận của ông Thìn, hồi mới 13 tuổi, mẹ ông đã bắt ông lấy vợ. Người này hơn ông đến dăm tuổi. Đêm tân hôn, cậu bé 13 tuổi nằm quay lưng lại với cô vợ đang tuổi dậy thì... đánh một giấc say. 

Gần sáng hôm sau, hai đứa cãi nhau. Tức giận, ông chờ trời nhờ nhờ sáng, chạy nửa ngày lên tận chùa Hương. Ông bỏ nhà đi tu, quay lưng lại thế tục. Ông được sự truyền dạy của Hòa thượng Thích Thanh Chân (1905-1989). Cụ Chân là một “Động chủ Hương Tích”, Tổ đường đời thứ 7 ở chùa Hương. 

Chuyện lạ khó tin: Kỳ 1: “Ẩn tu” trong Thung Phật, xây sửa gần 50 ngôi chùa

Tệ xá mà nhà sư Thích Thanh Thìn đang sống tạm không có tài sản gì

Sau ngộ được lẽ Phật, 4 học trò xuất sắc của vị sư trụ trì chùa Hương nổi tiếng đã lập tức rẽ đi theo các hướng. Có người theo kinh sách, giảng đạo. Riêng nhà sư Thích Thanh Thìn thì bỏ vào vùng Mỹ Đức tìm cõi để ẩn tu. Ông tu theo hướng giúp đời. Ông thăm bệnh, chữa trị, leo núi lấy thuốc cho bà con. Đi qua triền đê thấy bà con đang cấy, ông xuống cấy giúp. Ông cấy một mạch đến khi trời tối, cấy xong cả sào ruộng mới khoát tay, buông áo nâu sồng, bước ra khỏi ruộng bùn, đi tiếp. Rồi ông đến một thung lũng hoang sơ, đẹp vô cùng. Nhà sư Thích Thanh Thìn tự dưng thấy rùng mình, linh giác báo rằng đây là cõi thiêng. Ông quyết định dừng chân, ẩn tu.

Kỳ công cả một kiếp đi xây chùa

Sư Thìn kể, đầu những năm 1990, khi thầy trò từ bến thuyền heo hút lên thung thì cỏ ken dày không có lối đi. Họ phát lối, muông thú bỏ chạy, rắn rết trườn đi. Các rìa núi cao, chặt hết cây bên dưới thì mới làm được một cái hốc luồn người vào. Cây chằng chịt trên cao, họ phải buộc dao dựa vào cây sào gỗ lớn, rồi đứng bên dưới mà phát ngược lên. Họ mở đường mòn, gùi xi măng, gỗ lạt lên dựng các công trình ở tạm, rồi khám phá từng hang động, vách núi, các nhũ đá. 

Tùy theo từng thế núi, thế rừng mà ông Thìn chỉ đạo học trò, thuê mấy chục thợ giỏi lên tạo tác các công trình “nương” theo tự nhiên mà thiết kế. Không phải là chỉ tay năm ngón, ông Thìn trực tiếp vác đá, khiêng xi măng, thậm chí cầm dao xây tạo tác các bức tượng Phật. Các công trình cứ lần lượt mọc lên kể từ năm 1994. 

Chuyện lạ khó tin: Kỳ 1: “Ẩn tu” trong Thung Phật, xây sửa gần 50 ngôi chùa

Một số hình ảnh những ngôi chùa được nhà sư xây sửa

Bây giờ, đến với Thung Phật, nhiều người vẫn ngơ ngác không hiểu tại sao một vị sư suốt ngày tựa núi non ngồi thiền tu tập, có khi ăn quả xanh, uống nước suối lại có thể xây nổi tòa ngang dãy dọc mênh mông như thế! Ông lấy tiền ở đâu để mua vật liệu và thuê thợ? 

Sư trụ trì chùa Bồ Đề, ông Thích Minh Huyền (chùa Bồ Đề tọa lạc gần khu vực có Thung Phật) kể: “Chùa Bồ Đề này cũng chính do tay thầy Thìn đặt nền móng xây dựng rồi giao cho tôi cai quản. Thầy thông thạo thiên văn, địa lý, bốc thuốc cứu người kỳ tài. Từ khi rời chốn tổ Chùa Hương lên đây, thầy chọn vùng đất này để tác phúc, giúp đời. Riêng xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức có đến 8 ngôi chùa do thầy Thìn xây. Trong cả vùng, có ngôi chùa xây mới, có ngôi chùa được thầy khôi phục lại rất nổi tiếng như: chùa Hinh Hương, chùa Cao, chùa Nong, chùa Bàn Long, chùa Tế Tiêu, chùa Hội Xá, Chùa Mạnh, chùa Linh Sơn, chùa Thung Phật, chùa Thung Chuối, chùa Bồ Đề, chùa Long Bút Sơn, chùa Thanh Lợi…”. 

Trải khắp một khu vực rộng lớn, nhà sư Thích Thanh Thìn đã phục dựng và xây mới đến hơn 50 ngôi chùa. Với lòng mộ đạo vô biên, số tượng Phật thầy Thìn cúng vào các chùa cũng rất nhiều. “Đất là đất của tổ quốc, chùa là chùa của dân của nước, ta chỉ xây sửa chùa cho đẹp, cho thiêng, rồi ta lại cất bước ra đi để tác phúc”, sư Thìn vẫn dặn dò học trò như vậy. 

“Dựng chùa theo phương châm lấy trời làm nóc”

Chuyện lạ khó tin: Kỳ 1: “Ẩn tu” trong Thung Phật, xây sửa gần 50 ngôi chùa

Chúng được ông Thìn nương vào đó mà đặt ban thờ Phật, đặt thêm chữ nghĩa, bát nhang

Độc đáo nhất là hệ thống “di tích” thờ phụng do ông Thìn và các đệ tử dựng lên ở thung Phật. Ông bảo các công trình ở thung không bao giờ phải xây nóc. Nóc của công trình chính là bầu trời. 

Các công trình của hai mươi năm “xả thân” tu tập rồi dựng chùa, đắp tượng, tạo một “cõi Phật” kỳ vĩ và tinh tế. Xin nhấn mạnh, là một bao xi măng, một khối cát hay tấn sắt, để chở vào đến Thung Phật là phải qua 40 phút đi đò, rồi chông chênh vật liệu cõng trên lưng có khi cả ngày trời mới vào đến nơi. Có khi, từ một vách đá nhìn xuống thăm thẳm hồ Quan Sơn đã quá đẹp rồi, bìa đá thò ra đã xứng đáng là một ban thờ kỳ vĩ rồi, ông Thìn không đắp thêm gì nữa. Ông chỉ treo một bức “phướn” đỏ lộng lẫy, chữ vàng rực. 

Bước vào Thung Phật sẽ thấy ngay tượng Bồ Tát làm bằng đá trắng, tay cầm hồ lô với cành dương liễu ban phúc cho nhân gian. Cạnh đó là tệ xá mà nhà sư Thích Thanh Thìn đang sống tạm. Ông không có tài sản gì, chỉ một tấm vải nâu có hình “hào quang Đức Phật” đang lan tỏa. Một khung kính nhỏ treo ảnh thờ người thầy, nhà sư nổi tiếng đã đưa mình vào với đạo pháp. 

Chuyện lạ khó tin: Kỳ 1: “Ẩn tu” trong Thung Phật, xây sửa gần 50 ngôi chùa

Bốn bề là không gian thuần khiết của “cõi Phật”

Còn lại, bốn bề là không gian thuần khiết của “cõi Phật”. Dòng chữ khổng lồ như mọc ra từ núi đá: “Chư thị tướng pháp”, theo PGS Nguyễn Tá Nhí (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, người từng lên Thung Phật nghiên cứu và đàm đạo với ông Thìn) giải thích, đại ý chữ đó nói rằng muốn giúp đời thì phải ẩn mình đi. Cả đời ông Thìn đã ẩn mình vào thiên nhiên vô tận để làm những việc phúc đẳng hà sa cho đời: xây sửa 50 ngôi chùa, cứu hàng nghìn người khỏi bệnh tật hiểm nghèo. 

Không một viên đá, rông núi hay bụi cây nào bị phá. Chúng được tôn vinh, để có thể tô điểm cho không gian thiêng bằng cách dựng thêm một tháp chuông cao, công trình lớn của nhân tạo mà vẫn ẩn mình vào vách núi thiên tạo. Hoặc chúng được ông Thìn nương vào đó mà đặt ban thờ Phật, đặt thêm chữ nghĩa, bát nhang, hay đắp hình các ngón tay huyền diệu của Phật tổ, Bồ Tát. 

Công phu hơn cả ở Thung Phật là bức tượng ông Di Lặc to cao, tựa lưng vào vách đá cao, xám, vỡ vụn xếp chồng tự nhiên tuyệt đẹp. Tầm mắt của ngài nhìn rộng ra bốn cõi. Nhiều kiến trúc sư, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, tâm linh đã phải sững sờ khâm phục năng lực kiến trúc tinh tế thiên bẩm và lòng mộ đạo vô biên của nhà sư Thích Thanh Thìn.

Trần Quân (Theo Tuổi trẻ & Đời sống)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây