Trải qua hơn 1000 năm, với bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, ngôi đền vẫn “tọa” cùng “tuế nguyệt” và trở thành một địa chỉ tâm linh không chỉ của người dân An Lạc mà còn của bao du khách thập phương. Ở đền Cao còn có một “báu vật” kỳ vĩ và vô giá, người dân trong làng sẵn sàng hi sinh tính mạng để bảo vệ đến cùng báu vật ấy - đó là rừng lim cổ thụ.
Báu vật của làng
Vào xuân, tiết trời hây hây, cảnh vật cây cối thay áo mới, với màu xanh tươi non của mầm cây đang đâm chồi nảy lộc được điểm xuyết bởi những hạt mưa xuân phơi phới bay khiến trong lòng du khách xốn xang, dâng trào bao cảm xúc. Đang trong mùa lễ hội mùa xuân nên dòng người đổ về đền Cao luôn đông đảo, tấp nập, nhất là vào những dịp cuối tuần. Ai cũng áo quần xênh xang, gương mặt háo hức, phấn khởi. Ngoài thắp hương chiêm bái, du khách còn có dịp chiêm ngưỡng rừng lim cổ thụ khổng lồ tỏa bóng sum sê che mát cho du khách.
Đền Cao nằm trên đỉnh núi Thiên Bồng, giữa quần thể với 99 ngọn núi bao bọc vùng đất này. Còn rừng lim cổ thụ lại bao bọc toàn bộ di tích đền Cao với hàng trăm cây lim, trong đó có 54 cây lim đại thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Hỏi nhiều cụ cao niên trong làng, cán bộ ban quản lý di tích không một ai biết chính xác rừng lim này có từ bao giờ, chỉ biết rằng rừng lim đã có rất lâu rồi.
Cụ Nguyễn Văn Tặng bên cây lim cổ thụ từng bị cháy gốc đã được chính tay cụ dập lửa cứu cây.
Cụ Nguyễn Văn Tặng, 80 tuổi, ở thôn Đại là một trong những người có nhiều năm làm công việc ở đền Cao. Cụ dẫn chúng tôi đi tham quan từng gốc lim cổ thụ ở quanh khu vực đền. Cây nào cũng già mốc thếch, hốc hác, u sần. Nhiều gốc cây bị rỗng ruột, bị sâu bệnh, nhiều chỗ bị chặt, bị gãy, bị cháy qua nhiều năm mà vẫn chưa liền sẹo được.
Nhiều “cụ” lim còn “cõng” trên thân thể già nua, trầm mặc của mình những cây đa sống ký sinh to vật vã. Mặc dù vậy, các “cụ” lim vẫn trường tồn cùng “tuế nguyệt” để che chở cho ngôi đền thiêng và tỏa bóng mát, dưỡng khí cho làng.
Cụ Tặng dẫn tôi đến một gốc cây lim cổ nằm cạnh đền, cụ chỉ tay giới thiệu: “Cây này cũng có hàng trăm năm rồi. Đây là dấu tích của vết cháy của mấy chục năm về trước, chính tôi lúc đó đã chạy lên dập lửa dưới gốc cây. Đến mấy chục năm sau “vết thương” vẫn chưa thể liền được”.
Nói xong cụ lại khoát tay chỉ sang một cây lim cổ to hơn ở cuối sân đền và dẫn tôi đến. Cụ bảo: “Cây nào cũng già lão cả rồi. Từ hồi tôi còn bé, chúng tôi đã thấy những cây lim này đã to cao như vậy”.
Chúng tôi đi đến chỗ cây lim già to cao sừng sững, chắc là cao nhất trong số những cây lim ở đây. Tôi áng chừng nhìn từ mặt đất đến ngọn cây cũng phải vài chục mét. Đứng dưới gốc cây, chúng tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé trước sự khổng lồ, kỳ vĩ của cây lim ngót nghìn tuổi này. Tôi áng chừng đường kính gốc lim này phải 2 người ôm mới trọn. Trên thân cây trồi ra một cái bướu rất to, người thì bảo trông giống mặt hổ, người lại bảo trông giống mặt cáo.
Bên dưới gốc lim cổ thụ có dựng một tấm bia, có biểu tượng một cây cổ và có đề “Cây di sản Việt Nam”. Bên cạnh là một ngôi mộ cổ. Cụ Tặng giới thiệu: “Đây là mộ cụ tổ khai sinh ra 12 họ của làng gọi là “Thập nhị gia tiên”. Chúng tôi coi rừng lim này là báu vật của cả làng. Ai cũng tự hào”.
Nhiều du khách thắp hương khấn "cụ" lim cổ nhất ở đền Cao.
Cũng theo cụ Tặng, trong ngọc phả đền Cao còn giữ có một truyền thuyết kể lại rằng. Vào thời Giao Chỉ, giặc nhà Hán sang xâm lược nước ta, chúng thực hiện chính sách “sát phu hiếp phụ” hòng tận diệt nòi giống dân Việt. Chúng lùng sục khắp nơi, giết sạch đàn ông, con trai ở các vùng quê. Tuy nhiên ở An Lạc có một người đàn ông đã may mắn trốn chạy vào rừng sâu thoát thân. Nhờ địa thế rậm rạp, nhiều cây cối nên người đàn ông đó đã tìm được nơi ẩn trốn an toàn trong một thời gian ngắn.
Quân giặc hay biết đã tìm cách truy sát đến cùng người đàn ông này. Chúng đã cho quân lùng sục khắp các bụi rậm, đến đâu chúng dùng dao băm nát cây cối đến đó. Một lần, đang ẩn trong một bụi cây rậm thì giặc đi lùng, chúng băm nát bụi cây nơi ông nấp, chẳng may bị chúng chặt đứt một cánh tay. Trong lúc đang hết sức đau đớn, máu me đầm đìa, lo sợ bị quân giặc phát hiện thì bỗng có một con cáo từ bụi rậm bên cạnh chạy ra, lũ giặc mới chịu bỏ đi.
Sau khi giặc rút quân, người đàn ông đó đã lấy cả 12 cô gái làm vợ. 12 cô gái đẻ con đều mang họ mẹ. Chính vì vậy 12 dòng họ khác nhau ra đời gồm: Dương, Phạm, Lê, Nguyễn, Mạc, Hoàng, Bùi, Đỗ, Cao, Lỗ, Tạ, Đào và phát triển cho đến ngày nay. Nhiều người cho rằng, cái bướu lớn ở thân cây cổ thụ này chính là hiện thân của vị ân nhân đã từng cứu giúp ông tổ 12 dòng họ thoát khỏi vòng vây của giặc. Vì lẽ đó, ngay dưới gốc cây lim, dân làng lập một ban thờ nho nhỏ, hương khói quanh năm.Hồi đó, giặc Hán lấy cớ ép 12 cô gái trong làng làm vợ bằng cách bắt họ trồng 12 loại hoa với điều kiện, khi nào cây lên xanh tốt thì phải theo hầu. Hằng ngày 12 cô gái này đã bí mật mang cơm tiếp tế cho người đàn ông sống sót kia. Chính người đàn ông này đã nghĩ ra cách bày cho 12 cô gái đun nước sôi tưới quanh gốc hoa để cây cứ khô héo rồi chết dần. Giặc vốn tin chuyện phong thủy nên khi thấy hoa chết dần thì cho rằng vùng đất không tốt. Vì vậy, chúng cũng nhanh chóng thu quân để chuyển sang vùng đất khác.
Nhiều cụ cao niên trong làng cho chúng tôi biết thêm rừng lim cổ thụ ở đây trước kia trải rộng đến tận tỉnh Quảng Ninh. Hiện ở huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) vẫn còn 2 cây lim cổ thụ. Rất có thể đây là hậu duệ của rừng lim mà Ngô Quyền khi xưa đã sai quân chặt cây, vót nhọn đầu rồi bọc sắt cắm xuống cửa sông Bạch Đằng đánh giặc Nam Hán và làm nên chiến thắng lịch sử năm 938.
Khoảng 10 năm trước, các nhà khoa học Viện Khoa học lâm nghiệp có tiến hành các biện pháp xác định tuổi của các cây lim ở đền Cao. Kết quả cho thấy 54 cây lim còn đến nay có tuổi khoảng trên dưới 700 năm. Đây là rừng lim có tuổi thọ cao nhất nhì Việt Nam hiện nay.
Còn Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường Việt Nam đánh giá cây lim to nhất ở đền Cao có đường kính lên đến 1,3 m, cao trên 20 m và có độ tuổi hơn 800 năm. Cây bé nhất có đường kính trên 0,3m, độ tuổi hơn 200 năm. Còn theo các chuyên gia ngành lâm nghiệp thì cây lim to nhất ở đây chỉ có niên đại hơn 300 năm. Ngày 25-2-2011, 54 cây lim cổ thụ tại đền Cao đã được vinh danh là “Cây di sản Việt Nam”.
Ôm cây “quyết tử” bảo vệ rừng lim
Cụ Tặng tự hào nói rằng: “Dân làng Đại và cả xã An Lạc chúng tôi coi đó là “báu vật” và không tiếc công sức, thậm chí tính mạng để bảo vệ “báu vật” vô giá này. Chuyện bảo vệ rừng lim cổ cũng hết sức gay cấn ly kỳ”.
Những năm 50-60 của thế kỷ trước, lúc này rừng lim còn 60 cây. Khi ấy, chính quyền đã cho phá bỏ một số di tích đền chùa. Rừng lim này cũng nằm trong chủ trương bị đốn hạ. Nhân dân trong làng, trong xã đau đớn, xót xa khi chứng kiến những cây lim cổ thụ khổng lồ bị chặt hạ. Khi mới chặt được 6 cây, chẳng ai bảo ai các cụ già ở làng Đại cùng đông đảo người dân An Lạc đã thay nhau, mỗi ngày có 2-3 cụ lên ôm một gốc cây để ngăn không cho chặt cây.
Các cụ thẳng thắn, hiên ngang tuyên bố: “Cưa rừng lim thì phải cưa chúng tôi trước”. Có gia đình lo cho sức khỏe cha già đã kéo cả gia đình lên khuyên nhủ về nhưng cụ không nghe cứ khư khư ôm cây không rời.
Ngoài cắt cử lực lượng hằng ngày lên ôm cây ngăn không cho chặt phá, các cụ còn bàn nhau cử một đoàn gồm các bô lão cơm nắm cơm đùm kéo lên tỉnh, lên Trung ương để đệ đơn kiến nghị không chặt phá rừng lim. Vì với người dân An Lạc không chỉ là lá phổi xanh mà còn là một phần máu thịt đã quá đỗi quen thuộc và thân thiết trong đời sống tín ngưỡng tâm linh.
Cụ Tặng cũng cho biết: “Trong 6 cây lim bị cưa, một số người dùng để đóng các vật dụng như giường, tủ, bàn, ghế... Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà những gia đình sử dụng đồ gỗ lim này lại bí mật mang trả lại đền. Hỏi ra mới biết những người chỉ đạo chặt cây, tham gia chặt cây và sử dụng đồ đạc từ gỗ của cây lim cổ đều gặp chuyện chẳng lành. Nhẹ thì tiêu tán tài sản, nặng thì bỗng dưng bị điên hoặc mất mạng(?). Từ đó đến nay, người dân ra sức bảo vệ rừng lim và không còn cảnh chặt phá lim cổ nữa.Trước sự kiên trì, kiên quyết giải thích thấu tình đạt lý, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký văn bản chỉ đạo tạm dừng việc chặt phá rừng lim ở đây. Tin vui báo về khiến người dân trong làng, trong xã vui mừng đến rơi nước mắt. Các bô lão và dân làng đã bảo vệ thành công rừng lim cổ. Để đến hôm nay, nhân dân và du khách thập phương mới có dịp chiêm ngưỡng rừng lim cổ tỏa bóng mát sum sê che chở mưa nắng cho di tích và du khách về chiêm bái.
Chúng tôi hỏi: “Tại sao dân làng mình lại quyết bảo vệ rừng lim, thậm chí sẵn sàng hi sinh cả mạng sống để bảo vệ rừng cây?”. Cụ Tặng giải thích: “Vì rừng cây này gắn với truyền thuyết về sự ra đời của 12 dòng họ của làng mà tôi vừa kể trên. Thứ nữa, rừng cây có từ lâu đời gắn bó gần gũi, mật thiết đối với đời sống của dân làng tôi từ bao đời nay và rừng lim lại ở đền Cao linh thiêng nên chúng tôi phải bảo vệ di sản của cha ông. Nếu mất rừng lim cũng có nghĩa là mất đi biểu tượng, tín ngưỡng và “linh hồn” của cả làng, của từng dòng họ nơi đây”.
Anh Phan Văn Đức, tổ trưởng tổ quản lý khu di tích đền Cao cho chúng tôi biết: Ngoài không quản công sức, tính mạng để bảo vệ rừng lim cổ khỏi bị chặt phá, các ngành chức năng từ địa phương, đến các cơ quan chuyên môn cũng ra sức tôn tạo, bảo vệ, bảo tồn nguồn gen vô cùng quý giá của rừng lim này.
Cụ thể đối với 54 cây lim trong diện tích rừng 1,2 ha được quy vào rừng đặc dụng, loại rừng dùng để bảo tồn thiên nhiên và được kiểm lâm bảo vệ chăm sóc. Mặt khác, năm 2000 các ngành chức năng đã tiến hành trồng nâng cấp mở rộng diện tích rừng lim lên 12 ha, với mật độ hơn 300 cây/ha ở khu vực phụ cận vành đai tiếp giáp với rừng lim cổ.
Đặc biệt, từ khi được công nhận “Cây di sản Việt Nam”, rừng lim cổ thụ đã được chính quyền địa phương, Ban Quản lý di tích Chí Linh và nhân dân, ngành chức năng chuyên môn chăm sóc tốt hơn. Tuy nhiên, qua quan sát chúng tôi thấy có một số cây lim cổ thụ đã bị mục ruỗng và một số cây bị chết cành, thân cây bị thương, bị sâu, bị mối ăn dần; dưới gốc một số cây lim bị rác lấp kín. Những nguy cơ này nếu không được quan tâm và có chế độ chăm sóc tốt hơn sẽ trực tiếp đe dọa đến sự sinh tồn của rừng lim cổ thụ.
Mặt khác, qua tìm hiểu, các nhà khoa học cũng cho rằng vấn đề cốt lõi nhằm bảo vệ rừng lim cổ thụ di sản này đó là cần sự chung sức bảo tồn cây quý của cả cộng đồng. Cần thường xuyên theo dõi sâu bệnh, nấm mốc và chữa trị kịp thời, định kỳ, làm vệ sinh khu vực dưới tán, phòng chống gió bão làm gãy cành lay gốc. Thường xuyên quan sát, theo dõi phần thân cây bị thối ruỗng để có biện pháp xử lý; không nên lấn chiếm không gian sống của cây; nghiên cứu làm hàng rào bao quanh khu vực để chống lấn chiếm đất đai quanh đền, nơi sinh sống của các cây lim cổ.
Nguồn tin: Công an Nhân dân
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự