Bộ đỉnh đồng dưới ruộng
Nằm trên thửa đất rộng thuộc P.Bình Thủy, Q.Bình Thủy (TP.Cần Thơ), đình Bình Thủy hướng về rạch Long Tuyền. Cổng vào sân đình được xây dựng kiên cố, lợp ngói ống lưu ly với tấm biển khắc 4 chữ Long Tuyền cổ miếu, hai bên có câu đối chữ Hán.
Nếu nhìn ở góc độ kiến trúc thì bộ giàn trò của ngôi đình khá đơn giản, nhưng rất kiên cố vì kích thước to lớn, đặc biệt là bộ cột cái to bằng một người ôm. Phía trước là tiền điện, giữa là trung điện, trong cùng là hậu điện. Tiền điện và hậu điện là hai công trình kiến trúc nhà rường. Ông Phạm Văn Huế, Trưởng ban Quản lý đình cho biết ngôi đình có tổng cộng 84 cây cột. Mặt bằng được nới rộng nhờ các cây kèo đấm, kèo khuyết. Đình được xây theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc”, nhưng tiền điện có 2 lớp mái, còn hậu điện có đến 3 lớp mái, ở trong hay ở ngoài nhìn lên đều thấy đình vừa cao vừa rộng.
Đình Bình Thủy nhìn từ bên ngoài
Bên trong đình bố trí rất nhiều hoành phi, bao lam, khánh thờ, hương án… được chạm trổ tinh vi, sơn son thếp vàng rực rỡ. Đặc biệt, tất cả câu đối đều thiết kế dính vào cột trông rất cổ kính. Cũng theo ông Huế, khi xưa vùng đất này thuộc làng Bình Hưng. Tương truyền vào đời vua Tự Đức, quan Án sát Huỳnh Mẫn Đạt trên đường tuần du qua sông Hậu, bất ngờ gặp trận cuồng phong, ông cho thuyền vào vàm rạch Bình Thủy tránh gió, nhờ đó mà thuyền được bình an. Ông lên bờ tìm hiểu dân tình và cho đổi lại tên rạch và tên làng là Bình Thủy.
Theo tài liệu ghi chép của ông Nguyễn Tứ Di (Hương chủ làng Long Tuyền năm 1945-1946) thì làng Bình Hưng thành lập từ giữa thế kỷ 18. Bấy giờ có 2 người là ông Lê Thành Hiếu và Võ Văn Tựu đem gia quyến từ Mỹ Tho sang khai khẩn, mở mang đường sá ở ấp Hưng Hòa, Bình Lạc, Bình Dương... Khi mới lập, làng có 6 ấp và 1 đồn điền của quân đội chúa Nguyễn. Thời gian sau, dân làng đông đảo, đời sống khấm khá mới tiến hành cất một đình lợp lá ở vàm rạch Bình Thủy. Sau khi nhận được sắc phong của vua Tự Đức vào năm 1853, dân địa phương mới cùng nhau sửa sang lại đình.
Rạch Bình Thủy dưới cái nhìn của các nhà phong thủy giống như một con rồng và họ cho rằng ngôi đình được xây dựng trên trán con rồng. Theo quan niệm “địa linh sinh nhân kiệt”, vào cuối thế kỷ 19, sau khi thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ, dân làng quyết định đổi tên Bình Thủy thành Long Tuyền. Từ đó đình Bình Thủy còn có tên là Long Tuyền cổ miếu. Ông Huế giải thích: “Rạch Long Tuyền đoạn chảy ngang đình là đầu rồng, còn đuôi rồng ở giáp xã Phong Điền”.
Sau bão lụt năm Giáp Thìn (1904) đình Bình Thủy bị xuống cấp trầm trọng, quan Tri phủ Nguyễn Đức Nhuận thấy ngôi đình sắp sập nên đưa ra ý tưởng dời tới sở đất của làng. Công việc đang dở dang thì quan Tri phủ qua đời. Dân làng cho rằng thần quở trách, không chịu về chỗ mới. Đến năm 1909 Hương cả Nguyễn Doãn Cung cùng các điền chủ trong làng tán thành ý kiến xây dựng lại ngôi đình tại chỗ cũ. Khởi công từ tháng 7.1909, đến năm 1913 ngôi đình mới được khánh thành. Ghi chép của ông Nguyễn Tứ Di còn cho biết thêm, sau năm 1945, ngôi đình có lúc bị bỏ hoang do chiến tranh nên ông phải thỉnh sắc thần xuống ghe đi tản cư nơi khác.
Cũng trong thời gian này, ông Huế cho biết bọn trộm lẻn vào rinh mất bộ đỉnh đồng. Đến năm 1961 có người ở Châu Đốc cày ruộng gặp bộ đỉnh, thấy có ghi chữ Long Tuyền cổ miếu nên báo cho biết. Bấy giờ Ban hội hương đình Long Tuyền cử người lên chuộc lại bộ đỉnh quý giá, cao gần 1 thước, hiện còn lưu giữ tại đình. May mắn qua thời gian dài, đình không bị hư hại nhiều. Năm 2000, đình được trùng tu nâng nền, thay gạch, ngói. Riêng bộ giàn trò vẫn còn nguyên vẹn.
Bộ đỉnh đồng bị mất trộm sau hàng chục năm quay trở về đình
Vị “phó thần” của đình
Đình Bình Thủy được sắc phong Bổn cảnh Thành hoàng chi thần vào ngày 29.11 năm Tự Đức thứ 5 (8.1.1853). Ngoài thần Thành hoàng, trong đình thờ rất nhiều các vị thần phối tự. Theo ông Phạm Văn Huế, tổng cộng đình có 32 bàn thờ và khi cúng tế phải có 6 bàn nghi cho học trò lễ thực hành nghi lễ. Đặc biệt là có bài vị thờ Chiêu Thuần Hiếu hoàng hậu, cùng công chúa Trầm Hương, Huệ Cô và hai cung nữ, gọi chung là Quí lê Ngũ vị Thánh nương vương.
Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, trong thời gian bị Tây Sơn truy đuổi, có lẽ chúa Nguyễn Phúc Ánh và gia đình về đây ẩn náu nên được người dân ghi nhớ lập bài vị thờ. Trong thời gian đó, dân Bình Thủy có 30 người xung phong thành lập một “đội quân cứu chúa”. Đội quân này cũng được người đời sau lập bài vị thờ ở bàn tiền hiền với danh hiệu “Nam triều Trung dũng Tam thập nhị Tướng quân Tế cấp Phò nguy Nghĩa sĩ Tráng võ Oai ứng Linh hóa tôn thần”.
Sau khi cất lại ngôi đình mới, người dân địa phương đưa thêm hình ảnh các vị anh hùng dân tộc, các nhà yêu nước thờ hai bên hông tiền điện như Nguyễn Trung Trực, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và các danh nhân tại địa phương như Võ Duy Tập, Bùi Hữu Nghĩa... Đặc biệt là Phó thần Đinh Công Chánh được thờ ở gian giữa.
Ông Đinh Công Chánh sinh năm 1823, từng làm Bồi bái làng Bình Thủy. Sinh tiền ông là một hương chức thanh liêm ngay thẳng. Khi họp việc làng thì xách trầu nước theo để không đụng vào của công. Trong làng nếu có người xích mích thưa kiện được ông phân xử ổn thỏa.
Đình Bình Thủy Tương truyền ông Chánh bị bệnh mất sau khi làm lễ thượng lương xây dựng đình Bình Thủy năm 1887. Năm 1913, làng Long Tuyền có dịch tả, nhiều người chết. Trong lúc bối rối, các vị chức sắc trong làng tổ chức cầu cơ, hương hồn ông Bồi bái Đinh Công Chánh ứng nghiệm, ban cho dân làng phương thuốc ngăn chặn dịch bệnh đồng thời cho biết mình được “bề trên” phong làm Phó thần làng Bình Thủy.
Lễ hội quý mô nhất ở đình Bình Thủy là lễ thượng điền Kỳ Yên tổ chức từ ngày 12 đến 15 tháng 4 âm lịch hằng năm. Trong ngày Kỳ Yên, lễ rước sắc thần được tổ chức quy mô hoành tráng.
“Ngày xưa sắc thần được ông Chánh bái giữ. Khi cúng, ban Tế tự tổ chức rước sắc về đình bằng thuyền hoa, còn gọi là bè thủy lục. Về sau, do nhiều cầu bắc ngang qua rạch, vì sợ ô uế nên phải sử dụng xe rồng thay thế. Hồi đó, lễ rước tổ chức giữa đêm nhưng nhà nào cũng lập bàn hương án đón tiếp long trọng. Ngày nay do sắc thờ tại đình nên chỉ tổ chức đưa thần “đi du ngoạn” ra chỗ vàm ngã tư Bé rồi quay trở lại đình”, ông Huế kể.