Mùa Vu Lan báo hiếu: Nỗi niềm người già sống trong trung tâm dưỡng lão

Thứ ba - 21/08/2018 08:29
Ngày nay, tư tưởng đưa người già vào viện dưỡng lão hưởng thụ tuổi già trong cuộc sống bộn bề đã được nhìn nhận thông thoáng hơn. Vậy nhưng, đằng sau đó, vẫn là nỗi niềm chất chứa của những bậc làm cha mẹ.

Dù vui vẫn mong được ở cùng con

Đến Viện Dưỡng lão Diên Hồng (ở Hà Đông, Hà Nội), chúng tôi thấy nơi này không đơn thuần là địa chỉ của những người già neo đơn, không còn người thân thích. Mà ngược lại, có không ít trường hợp có con cháu đề huề, kinh tế dư dả mới có điều kiện đưa bố mẹ vào.

Cụ Lê Thị Thịnh (ở Hà Đông, Hà Nội) mấy năm nay, mắc bệnh tiểu đường và bệnh khớp. Các con của cụ đều bận rộn, ở nhà cụ ăn không được kiểm soát, đường huyết tăng cao. Vì thế, các con đã chọn cách gửi cụ vào Viện Dưỡng lão để được chăm sóc tốt hơn. Những ngày sống ở Viện Dưỡng lão, việc ăn uống theo thực đơn khiến sức khỏe cũng như tinh thần của cụ được thoải mái.

Giống như cụ Thịnh, cụ Phạm Thị H (72 tuổi), cũng được con chọn cách đưa vào Viện Dưỡng lão. Cụ H kể, trước khi vào đây, cụ sống cùng vợ chồng người con trai. Tuy nhiên, con trai cụ nghiện ngập khiến cụ buồn lòng. Thấy mẹ buồn, con gái đầu động viên mẹ vào Viện Dưỡng lão. Hàng tháng, cụ bỏ hết số tiền lương hưu cộng thêm sự hỗ trợ của người con gái để vào Viện dưỡng lão Diên Hồng.

Nhắc đến ngày Vu Lan, cụ H chia sẻ: “Tuy nhớ con, nhớ cháu nhưng vì không được khỏe nên ra ngoài sẽ khiến con cái thêm lo. Trong Viện Dưỡng lão, có người này người kia, nên vẫn vui vẻ. Nhiều lúc tôi cũng muốn có con cháu để ăn chung bữa cơm, nhưng nghĩ đến việc phải làm phiền con cháu nên lại thôi”.

Giải pháp tối ưu khi con cái bận rộn

Bà Hoàng Thị Thu Ngân – Phó Giám đốc Viện dưỡng lão Diên Hồng cho biết, hiện tại Viện có 94 cụ đang sinh sống ở hai cơ sở. Các cụ vào đây mỗi người một hoàn cảnh, nhưng đều theo diện tự nguyện. Đa phần các cụ ban đầu vào Viện đều có chung cảm giác nhớ nhà, không có cụ nào vào là thích luôn. Tuy nhiên, sau khi ở một thời gian, các cụ quen với bạn bè đồng tuổi nên không muốn về nhà. Để hỗ trợ cho các cụ nhanh chóng hòa nhập, vơi bớt nỗi nhớ nhà, Viện Dưỡng lão bố trí cả chuyên viên tâm lý.

Bà Ngân cho biết thêm, trường hợp các cụ được gửi vào Viện Dưỡng lão Diên Hồng thường có vấn đề về sức khỏe như bệnh mãn tính, xương khớp, sa sút trí tuệ. Con cái không có thời gian và không có đủ kiến thức về bệnh tật để chăm sóc các cụ. Ngoài ra, cũng có một số cụ không muốn phiền con cháu nên chủ động tìm đến Viện Dưỡng lão.

Ngày lễ Vu Lan để các cụ được vui, Viện đã đứng ra tổ chức một số hoạt động chăm sóc sức khỏe cho các cụ. Điều này tạo không gian đầm ấm cho các cụ khi không sống gần con cháu.

Chúng tôi đến Trung tâm Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức, khi ở đây đang tổ chức các hoạt động hướng đến ngày Vu lan. Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm cho biết, để các cụ vơi đi nỗi nhớ con cháu, năm nào vào ngày này Trung tâm cũng tổ chức một số hoạt động văn hóa văn nghệ và làm bữa cơm thân mật cho các cụ. Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức nhiều hoạt động như tổ chức cầu siêu cho các cụ đã mất. Trung tâm có lập đàn lễ mời các nhà sư tụng kinh, các cụ ở Trung tâm được tham gia sắp lễ, cầu kinh, cầu nguyện…

Giờ đây, khi nhắc đến Viện Dưỡng lão nhiều người già đã không còn nghĩ nơi này buồn tẻ hay quan niệm chỉ mấy người có con “bất hiếu” mới đưa bố mẹ vào nơi này. Giờ đây xu hướng tất yếu và là giải pháp tối ưu khi con cái bận rộn và bối rối không biết cách chăm sóc khi bố mẹ già yếu, mắc nhiều bệnh.

Mỗi người sẽ có lý do riêng, có hoàn cảnh khác nhau để đưa cha mẹ vào Viện Dưỡng lão. Tuy nhiên, chẳng có gì có thể thay thế tình cảm thiêng liêng của tình thân. Do đó, dù sống ở nhà hay Viện Dưỡng lão thì những quan tâm, chia sẻ của con cháu, sẽ giúp người già luôn cảm thấy an nhiên, đầm ấm.

Nguồn tin: Gia Đình & Xã Hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây