Nhiều người hướng đến điều thiện trong quán ăn chay
Bắt đầu từ ngay đầu tháng Bảy (âm lịch) tại những quán ăn chay ở Hà Nội đã đồng nghẹt người. Đến đây có đủ các thành phần từ nhà tu hành đến những phật tử đã quy Tam bảo và cũng có những người chưa biết ăn chay để làm gì và ăn chay thế nào cho đúng.
Phóng viên đã hỏi 5 người ăn chay thì có 3 người chưa biết gì về ăn chay. Chị Thanh ở Cầu Giấy cho biết: Nghe nhiều người nói ăn chay làm sạch cơ thể nên cùng rủ bạn bè đến ăn chay cho biết món chay thế nào. Mình sẽ chiêm nghiệm xem có đúng ăn chay đem lại cho cơ thể khỏe mạnh hơn thì tiếp tục ăn chay.
Bà Quý ở Láng Hạ cho hay, bà đã quy Tam bảo nhiều năm nay. Đã là Phật tử, đối với bà ăn chay vừa giảm những bữa ăn thịt động vật, gây ra sự chết chóc thương đau dù đó chỉ là những con vật. Ngoài ra, ăn chay cũng làm cho giảm bớt những độc tố khi mình ăn nhiều đạm động vật, chuyển sang ăn đạm thực vật làm cho cơ thể khỏe mạnh hơn. Bà chỉ ăn chay 4 ngày trong 1 tháng, nhưng với bà điều quan trọng nhất là sống có lương tâm, yêu thương mọi người.
Tại Tịnh Thực Quán, số 10 Nguyên Hồng 3 ngày đầu khai trương đón khoảng 5.000 thực khách tới ăn chay.
Dạo quanh những quán ăn chay Hà Nội hầu hết vào những ngày mồng Một và hôm Rằm đều chật cứng chỗ, những quán chay nổi tiếng của Hà Nội như: 43 Trần Hữu Tước, quận Đống Đa; cơm chay Trúc Lâm Trai, 39 Lê Ngọc Hân, Hai Bà Trưng; quán chay Tịnh Xưa, số 8, ngõ 78 đường Kim Giang, Hoàng Mai; nhà hàng cơm chay Sen vàng, số 12, ngõ 71 Linh Lang, Cống Vị, Ba Đình; chuỗi cửa hàng cơm chay Âu Lạc … Hầu hết những quán cơm chay kể trên lúc nào cũng đông khách. Những đông nhất vẫn vào 4 ngày là 30, mồng Một và 14-15 âm lịch hàng tháng, nếu khách không đặt trước sẽ không còn chỗ. Tại đây, nhiều người quan tâm đến Phật pháp thường xuyên đến trao đổi kinh nghiệm tu tập thiền đạo, trong đó có khá nhiều bạn trẻ.
Chủ quán Tịnh Thực, số 10, Nguyên Hồng.
Phóng viên cũng đã tìm hiểu tại Tịnh Thực Quán - Buffet Chay tại số 10, Nguyên Hồng, Đống Đa. Đây là quán chay mới khai trương bắt đầu từ cuối tháng 6 âm lịch, với nhiều món ăn ngon, hấp dẫn và giá cả cũng bình dân. Theo chủ quán chay Tịnh Thực cho biết, trong 3 ngày đầu quán miễn phí cho khách đến ăn. Quán đã thu hút khoảng 5.000 lượt khách/3 ngày. Bình quân mỗi ngày có khoảng 1.500 – 1.700 người đến thưởng thức.
Chủ cửa hàng này chia sẻ thêm, gia đình tôi đang bán quán bia cùng với các món nhậu là động vật rất đông khách, nhưng hàng ngày phải chứng kiến những con vật chết tôi thấy rất thương. Hàng ngày tôi ăn chay, niệm phật và xem truyền hình, đọc báo thấy nhiều loài động vật bị diệt vong chỉ vì con người giết hại chúng. Ngày ngày tôi chỉ mong mình làm điều gì đó để cứu đỗi chúng sinh. Khi tôi mở quán chay tất cả mọi người trong gia đình đều phản đối. Nhưng quyết tâm trong vòng 1 tháng tôi đã mở được cửa hàng và đem lại cho nhiều người khác có cơ hội gặp nhau tìm đến những điều thiện.
Ăn chay thế nào cho đúng?
Đức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên duy nhất là chỉ bày cho tất cả chúng sinh con đường thoát khổ. Việc tu tập để giải thoát khổ đau bao gồm nhiều tầng bậc, nhiều phương thức. Nếu chỉ ăn chay thôi thì chưa đủ để đưa đến sự giải thoát và không phải là điều kiện để giải thoát. Tuy nhiên, thực sự muốn đạt đến sự giải thoát chúng ta không thể không hướng đến việc ăn chay.
Nhiều người ăn chay trường và cho rằng đó là một thành quả tu tập mà không quan tâm đến các pháp tu khác ví dụ như tu tâm. Có người ăn chay, nhưng trong tâm luôn muốn hại người khác bằng nhiều ý đồ khác nhau; hiềm khích, công kích với những người hơn mình, … Cũng có người ăn chay cho đó là làm công đức với đời, với mình…
Ăn chay chỉ là một khía cạnh rất nhỏ trong con đường tu tập Phật pháp...
Tuy nhiên, theo giáo lý nhà Phật, ăn chay không tạo ra công đức. Nếu chúng ta chuyển từ ăn thịt sang ăn chay một phần hoặc ăn chay trường đó mới chỉ là bắt đầu dừng lại việc tạo ác nghiệp, nhưng chỉ như vậy chưa tạo nghiệp lành. Mà trong mỗi người phải chuyển hóa tâm thức, thường xuyên nỗ lực tu dưỡng, sửa đổi và hoàn thiện chính mình. Điều này phải xuất phát từ trong tâm chứ không phải từ việc ăn chay.
Kinh Pháp cú dạy rằng: Trước khi bắt đầu ăn chay, mỗi người cần có một sự phát tâm chân chính, đúng đắn. Ăn chay là muốn nuôi dưỡng lòng từ bi, và tin vào hệ nhân quả. Đó là những tín hiệu phát khởi để hướng tâm mỗi người đến những điều thiện và tu dưỡng thân xác làm theo.
Đức Phật không bắt buộc phật tử ăn chay, nhưng cũng không khuyến khích, tán thành cướp đi mạng sống của muôn loài để nuôi sống mình. Con đường tu tập theo Phật pháp của mỗi người chính là kết hợp giữa ăn chay cùng với sửa đổi thói hư tật xấu, bỏ làm điều ác và thù hận, tăng làm điều thiện, cứu giúp chúng sinh, …
Ăn chay cùng với sửa đổi thói hư tật xấu, bỏ làm điều ác và thù hận, tăng làm điều thiện, cứu giúp chúng sinh, … là việc nên làm.
Mỗi khi đến mùa Vu Lan nhiều người lại rủ nhau đi ăn chay và cho rằng sẽ giúp cho chân linh gia tiên siêu thoát về được với gia đình. Nhưng đó chỉ là một khía cạnh rất nhỏ trong con đường tu tập Phật pháp. Trong mùa lễ Vu Lan còn thể hiện rõ thiện tình kính hiếu, phụng dưỡng giữa cháu con với cha mẹ, ông bà; việc phụng thờ tổ tiên; có sự trao đi và nhận lại, kết nối tình cảm giữa người còn kẻ mất. Sự thể hiện tình cảm, báo hiếu của con cháu với cha mẹ, ông bà là việc làm thường xuyên, nối tiếp đời này, qua đời khác, không chỉ có khi qua đời mà ngay cả khi còn sống thì tình yêu thương, sẻ chia của mỗi người với mọi người trong gia đình được bồi đắp. Đó là truyền thống, đạo lý cao đẹp trong dòng chảy văn hóa tình người của dân tộc Việt Nam. Do vậy, nếu ai ăn chay nhưng hàng ngày đối đãi với cha mẹ (những người gần nhất với mình) thiếu tình người, thì ăn chay không có nghĩa gì.
Thời Nguyễn