Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km, làng Phúc Am (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) từ lâu được xem là một trong những “thủ phủ” sản xuất vàng mã lớn nhất miền Bắc. Ngay từ đầu tháng 7 Âm lịch, nhiều gia đình trong làng đã tất bật sản xuất các mặt hàng mã phục vụ khách hàng ở khắp mọi miền đất nước.
Với quan niệm “trần sao âm vậy”, nên các mặt hàng vàng mã ở đây cũng vô cùng phong phú, đa dạng với đủ loại từ các loại tiền vàng, quần áo, nhà lầu, xe hơi… đến cả các hình nhân, công chúa thậm chí cả “ô sin” phục vụ người cõi âm.
Hoàng Quốc Cường (16 tuổi) đang bận rộn hoàn thiện các sản phẩm vàng mã để kịp đơn hàng giao cho khách. Theo Cường, không chỉ riêng dịp cúng “cô hồn” tháng 7 mà tất cả các tháng trong năm, người dân nơi đây đều tất bật với nghề trong đó chủ yếu là cung cấp đồ lễ cho việc hầu đồng, mở phủ, lập đàn và các tiệc hầu thánh.
Hiện nay, việc sản xuất nhà lầu, xe hơi, máy bay… bằng hàng mã đã quá quen thuộc, vài năm trở lại đây người ta đốt cả thời trang hàng hiệu, đồ công nghệ hiện đại cho người cõi âm. Trong nhà Cường, còn có rất nhiều hình nhân tượng trưng cho cặp cô dâu – chú rể.
Theo quan niệm, nếu ai đó không may chết trẻ khi chưa kịp lập gia đình sẽ được người nhà đốt cặp đôi này xuống. Họ hy vọng con cháu mình sẽ có một đám cưới ở bên kia thế giới hay còn còn được gọi là “đám cưới âm”. “Hoặc nếu vợ hoặc chồng mất sớm, người còn lại cũng có thể đốt chú rể hoặc cô dâu để người đã mất có cuộc sống đủ đầy dưới cõi âm", Cường nói.
Tất cả các công đoạn ở đây đều được người dân làm thủ công theo trình tự: chuẩn bị làm cốt, lên khung, tạo hình… rồi dán giấy, làm vàng, đai mũ, quần áo. Giá của các mặt hàng ở đây dao động từ vài chục cho đến bạc triệu, tùy theo độ khó của sản phẩm. Trong đó, một hình nhân bán buôn có giá từ 200-600 nghìn đồng, mô hình nộm ngựa, voi cao 2m có giá trên 200 nghìn đồng/ con.
Năm nay, tại làng Phúc Am các sản phẩm hình nhân “osin” (người giúp việc) được sản xuất khá nhiều. Theo các hộ sản xuất vàng mã, nếu muốn một lễ cúng tươm tất, ngoài các mặt hàng truyền thống như: tiền vàng, nhà lầu, xe hơi, quần áo, trang sức… nhà nào khá giả sẽ sắm thêm 1-2 người giúp việc. Số tiền chuẩn bị có thể dao động từ 10-20 triệu đồng.
Các hình nhân “osin” với đủ loại hình dáng, quần áo phục vụ nhu cầu người “cõi âm”.
Dù là vàng mã nhưng các hình nhân đều được làm chỉn chu, với trang phục bắt mắt, cầu kỳ.
Chị Huyền (SN 1994) tất bật hoàn thiện các sản phẩm vàng mã phục vụ dịp cúng “cô hồn” tháng 7 âm lịch. Ngoài các thành viên trong gia đình, nhà chị Huyền phải thuê thêm khoảng 10 nhân công để sản xuất vàng mã quanh năm.
Không chỉ sản xuất các hình nhân, “osin” cho người cõi âm, các sản phẩm công nghệ cũng được tiêu thụ khá tốt. Trong ảnh là điện thoại Iphone X được làm bằng giấy trông khá bắt mắt.
Các loại quần áo được làm tinh xảo giống như thật.
Các loại khung tre ngựa “khủng” được bày la liệt trước khi được đưa vào các xưởng hoàn thiện bọc giấy.