Chùa Lá ẩn mình bên dòng kênh Xáng (xã Đức Hòa Hạ, H. Đức Hòa, Long An) từ nhiều năm nay. Chùa có tên gọi chính thức là Tịnh thất An Nhiên. Hiện vẫn chưa xác định chùa được xây dựng từ năm nào. Nhưng giới thương hồ qua lại trên kênh quen gọi là chùa Lá vì khởi thủy nơi đây chỉ là một ngôi nhà lợp lá nhỏ trên khuôn viên 2000m2.
Mãi đến năm 2008, người trông nom ngôi chùa này là ông Xuân nhuốm bệnh không còn khả năng cai quản đã mời bà Nguyễn Thị Sự, một doanh nhân kiêm một đông y sĩ về tiếp quản lập nên cơ sở khám chữa bệnh từ thiện.
Sau khi tiếp nhận ngôi chùa, bà Sự xuống tóc qui y bỏ lại sau lưng những ưu phiền thế sự. Sư cô Thích nữ Diệu Thiện (pháp danh của bà Sự) - đã bán đi số tài sản có được cộng với sự giúp đỡ của thập phương bá tánh, lập nên ngôi chùa như ngày nay.
Người bệnh đến với chùa Lá được miễn phí hoàn toàn, thậm chí cả với những người điều trị dài ngày. Không một ai phải mất một đồng nào, lại được đối xử rất nhiệt tình và thân thiện.
Chữa những bệnh các cơ sở y tế "chê"
Khu bệnh nhân nghỉ dưỡng và điều trị dài ngày có 10 phòng với sức chứa 40 người hiện vẫn còn nhiều phòng trống. Ở đây hầu hết là những người bệnh nặng - thậm chí đã được các bệnh viện tây y bó tay tìm đến. Người thì đến bằng băng ca, người thì được dìu vào.
Anh Nguyễn Thanh Bình, 36 tuổi, công nhân ngành may. Tháng 10/2015, trong lúc đang làm việc, bổng dưng huyết áp tăng cao làm anh không còn đứng vững. Bạn bè đồng nghiệp đã đưa anh vào bệnh viện Bình Tân cấp cứu. Sau một tuần điều trị, kết luận của bệnh viện là suy thận mãn và cao huyết áp.
Anh được cho chạy thận và chữa bệnh được vài tháng thì bác sĩ cho biết theo tây y căn bệnh này chỉ chữa như thế không có khả năng cao hơn. Sau khi chạy chữa vài nơi mà không có kết quả, anh được nhiều người mách bảo tìm đến chùa Lá. Lúc đến đây, sức khỏe anh đã xuống nhiều, hai chân phù to và phải có người dìu mỗi khi muốn di chuyển.
Ngồi trên giường bệnh, gương mặt anh tươi tỉnh. Anh cho biết, cuối tháng 11 anh vào đây theo lời mách bảo của một người bạn. Đến nay, sau gần nửa tháng uống thuốc, bệnh nhẹ nhiều, huyết áp giảm hẳn. Hy vọng đang nhen nhóm trong anh.
Cùng chung với anh Bình, một chị nông dân người Trà Vinh cũng đang được tích cực chạy chữa căn bệnh khối u trực tràng.
Chị Nhành là một nông dân ở huyện Châu Thành (Trà Vinh), vợ chồng chị có 2 con trai. Quanh năm hai vợ chồng bán mặt cho đất bán lưng cho trời mới đủ miếng ăn qua ngày.
Một ngày, trong lúc đang làm cỏ ngoài đồng chị bất ngờ đau bụng quằn quại. Chị đi cầu liên tục. Người nhà đưa chị vào bệnh viện Trà Vinh để khám và điều trị. Các bác sĩ tại đây cho biết chị không sao hết, chỉ đau bụng thường uống thuốc vài hôm sẽ hết.
Nhưng vẫn không khỏi sau nhiều tuần dùng thuốc, chị lên Sài Gòn vào khám tại bệnh viện Chợ Rẫy. Kết luận của bác sĩ, chị bị rối loạn tiêu hóa. Chưa yên tâm với kết luận đó, chị đề nghị được nội soi. Kết quả khá bất ngờ, một khối u nằm ngay trực tràng.
Sau nhiều lần đề nghị được phẩu thuật tại Chợ Rẫy không thành công, chị tìm đến bệnh viện Bình Dân để thực hiện ca mổ. Sau khi mổ xong chị được đưa về bệnh viện ung bướu để hóa trị.
Sau hai đợt hóa trị dài, chị gần như kiệt sức, tóc rụng sạch. Thân thể gầy nhom, đôi chân chị sưng phù lên...
Không còn sức để tiếp tục điều trị, chị nghe lời nhiều người tìm đến Chợ Mới (An Giang) để điều trị thuốc nam nhưng trải qua nhiều tháng vẫn không có triệu chứng gì thuyên giảm.
Ngày 26/11 vừa qua, chị được người nhà chuyển đến chùa Lá. Lúc này thì chị không đi được nữa mà phải có người dìu. Đích thân sư cô sắc thuốc đem đến tận giường bệnh cho chị ngày 3 lần.
Chị uống thuốc được một tuần cảm thấy trong người nhẹ hơn trước và đến hôm nay thì tuy bụng vẫn còn to nhưng đã mềm và xẹp hơn trước. Sinh hoạt vệ sinh đã ổn và gần như bình thường.
Chết đi, sống lại
Đang ngồi trò chuyện với chị Nhành, ni sư Diệu Thiện bước vào. Ấn tay vào bụng chị, ni sư hỏi tôi, anh có biết nhờ gì mà nó xẹp không? Ni sư trả lời luôn: "Để trị được chứng to bụng, cần đến đậu đỏ, tùng chi, gạo nếp mỗi thứ 100gr kèm với 30gr tỏi. Nấu đậu đỏ và gạo nếp lấy nước sắc với tùng chi và tỏi rồi cho uống. Nhờ có thế mà chỉ nửa tháng bụng cô ấy đã mềm và xẹp bớt.
Những người có mặt tại đây cho chúng tôi biết, hầu hết những người làm công quả tại chùa đều là những bệnh nhân trước đây giờ đã khỏi bệnh. Họ không về nhà mà nguyện hiến thân nơi cửa Phật để đền đáp nơi đã cứu họthoát chết.
Trong số những người này phải kể đến sư Thiện Minh. Ông thế danh là Trần Văn Cẩm, 48 tuổi, quê Quảng Ngãi. Bà con cho biết ngày ông mới đến, hai lá phổi xem như đã hỏng. Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã xác nhận phổi ông bị viêm ở giai đoạn nặng. Ông ho ra máu liên tục, tức ngực và không ăn uống được. Người ông gầy nhom và khô đét.
Cha ông đã phải bán đi tài sản để có tiền chạy chữa cho ông nhưng theo các bác sĩ, phổi ông đã hư hết một lá và khả năng chữa khỏi bệnh rất thấp. Ông về quê chờ chết.
Ông chết thật. Gia đình tổ chức tang lễ. Trong lúc chuẩn bị tẩm liệm ông thì bất ngờ ông phát ra tiếng nói. Gia đình cấp tốc chuyển ông vào bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
Vào lại bệnh viện, sức khỏe ông có khá hơn nhưng những cơn ho dai dẳng không hề thuyên giảm. Tiền hết, tình cũng trôi theo. Người vợ đầu ấp tay gối bao nhiêu năm lẳng lặng xách gói ra đi. Ông hụt hẫng tột độ.
Trong lúc ông định thu xếp để về quê thì một người bạn đến thăm và mách bảo ông đến chùa Lá. Nếu có chết, thì nơi đây cũng là nơi thanh thản nhất.
Hàng ngày, ông được sư cô chẩn bệnh và sắc thuốc. Ông ăn chay, tụng kinh niệm Phật. Nhờ thuốc và nhờ sự thanh thản trong tâm hồn, bệnh của ông ngày càng thuyên giảm và sau 3 năm, đến nay đã khỏi hẳn.
Từ đó, ông qui y cửa Phật, ở lại chùa Lá để làm những công việc Phật sự. Ông cố gắng sống những ngày còn lại để chiêm nghiệm giá trị của sự sống...
(Còn nữa)
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự