Đức Dalai Lama nói về lòng từ bi trong nghề y

Thứ hai - 14/03/2016 20:55
Ngày 2-3, trang tin tibetoffice.com.au đã có bài tường thuật về sự kiện Đức Dalai Lama có buổi nói chuyện về lòng từ bi trong nghề y ở nhà cầu nguyện của Bệnh viện Mayo diễn ra 29-2 qua, tại Rochester (Minnesota, Hoa Kỳ).
Đức Dalai Lama nói về lòng từ bi trong nghề y

Buổi nói chuyện có sự chủ trì của giám đốc điều hành bệnh viện - ông John Noseworthy và khoảng 500 khán giả tham dự.

Mỗi người đều là quyến thuộc của nhau

Trong buổi nói chuyện, ngài Dalai Lama nhấn mạnh: Niềm tin tôn giáo từ rất lâu đã là niềm an ủi và động viên cho con người trong những hoàn cảnh khó khăn. Niềm tin mang lại sự hy vọng và lạc quan, thậm chí là khi người ta sắp chết. Và vì con người là bình đẳng với nhau, chúng ta nên nghĩ về nhau như quyến thuộc, anh em.

Sự khác biệt về sắc tộc, quốc tịch, niềm tin, học thức hay giàu nghèo là thứ yếu trong sự tương đồng giữa chúng sinh với nhau. Nhấn mạnh vào các yếu tố này chúng ta chỉ tạo thêm hiềm hằn với nhau mà thôi. Về cơ bản, chúng ta giống nhau.

Khi nhìn vào sự tương đồng giữa hơn 7 tỷ người đang sinh sống trên quả địa cầu hiện nay, chúng ta sẽ giảm thiểu được rất nhiều mối bất hòa với nhau. Đó là lý do vì sao tôi gọi người đối diện mình là những người anh em - ngài nói.

 “Nếu cho tự cho rằng mình khác các bạn, rằng tôi đến từ châu Á, rằng tôi là tu sĩ Phật giáo, một người Tây Tạng hoặc tự xưng mình là Dalai Lama thì khi đó sẽ có một rào cản giữa chúng ta - điều đem đến cho tôi cảm giác đơn độc. Hãy nhớ một điều quan trọng rằng 7 tỷ con người chúng ta thuộc về một gia đình. Đó là cách chúng ta đảm bảo sự hòa hợp trong tình chúng sanh. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nỗ lực để giúp người khác nhận thức được điều này.

Với nghề y, đối diện với người bệnh, điều trước thảy người thầy thuốc làm là không phải hỏi người bệnh đó đến từ đâu, niềm tin tôn giáo là gì mà là tìm hiểu căn bệnh của họ và điều trị cho họ. Nếu chúng ta có thể làm việc bằng thái độ cởi mở này thì tất cả mọi người đều được lợi lạc. Lòng từ bi thể hiện qua sự chăm sóc và quan tâm ta dành cho người khác. Khi làm được điều này, bản thân người thầy thuốc và thân nhân của người bệnh đều cảm thấy an vui.

Làm thế nào để có sự tôn trọng dành cho người khác?

Đó là câu hỏi của Cathay Wurzer, đại diện đài truyền hình địa phương Twin Cities’ TV đặt ra trong buổi nói chuyện. Đức Dalai Lama đáp: Chúng ta đều được hình thành một cách giống nhau, từ thai bào mà ra. Đứa trẻ sơ sinh và người mẹ được gắn kết với nhau một cách tự nhiên. Điều này không sai khác với tất thảy chúng ta. Và chúng ta cũng tương lân nhau trong ước muốn về một cuộc sống hạnh phúc. Đó là điều rất cơ bản mà chúng ta có thể đối đãi với nhau, bằng lòng tôn trọng.

Nhiều khi chúng ta giận dữ với ai đó và thậm chí oán hằn họ. Cơn giận có thể đến từ nhiều nguyên nhân và chính chúng ta, đôi khi cũng là nguồn gốc của cơn sân giận đó. 

Duc Dalai Lama 2.jpg
Ngài xuống tận nơi khán giả ngồi nghe để trình bày

Ngài đã nhắc lại lời của nhà trị liệu tâm thần Aaron Beck rằng, khi ta nổi giận thì người ta giận hoàn toàn trở nên thù nghịch với ta. Lúc đó ta nên nhớ rằng “sự chống trả và kháng đối đó” có 90% là xuất phát từ cảm xúc của chúng ta. Cơn sân hận không cố định hoặc tuyệt đối mà luôn thay đổi, chuyển biến. Nhiều cảm xúc tiêu cực được tạo nên cùng sự khuếch đại của chúng ta. Con người có bộ não tuyệt vời, cho phép chúng ta nhận thức vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau - và đây cũng là cách để đối trị cơn sân giận.

Được hỏi về cách ứng xử với các bệnh nhân không chấp nhận hiện trạng bệnh của mình, ngài Dalai Lama khuyên các thầy thuốc nên giúp bệnh nhân bình tĩnh, thể hiện sự quan tâm dành cho họ, luôn nở nụ cười tươi với họ để họ có niềm tin rằng các bác sĩ  sẽ luôn cố gắng hết sức để chăm sóc cho họ. Và điều quan trọng là cũng phải cần cho bệnh nhân biết đúng sự thật về tình trạng bệnh tình của họ và điều này cũng cần thiết để họ chuẩn bị cho sự ra đi của mình.

Một vấn đề khác mà người thầy thuốc đối diện nữa là cảm thấy mình vô dụng và bất lực khi không thể cứu bệnh nhân. Ngài chia sẻ: Hãy tử tế, hãy hết lòng. Biểu đạt tình yêu thương và lòng tử tế là cách quan trọng giúp người đang đối diện cái chết có tinh thần tốt. Có một tinh thần tích cực, lạc quan trước lúc chết đi là điều quan trọng cho sự tái sinh trong kiếp sống mới.

Ngài cũng nhấn mạnh về tình thương giữa con người với nhau. “Chúng ta là những động vật xã hội và điều mang chúng ta lại gần nhau chính là tình thương yêu. Không ai có thể tồn tại một cách đơn độc, chúng ta lệ thuộc vào nhau. Dù có niềm tin tôn giáo hay không, dưới góc độ là một con người thì hạnh phúc có liên quan đến trạng thái tinh thần, không chỉ bằng sự cảm thụ từ giác quan nghe, thấy, ngửi, chạm…”.

Làm thế nào để giữ tinh thần lạc quan khi khó khăn?

Cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo bình yên từ bên trong bản thân mỗi người. Có hai loại tình thương: Một là sự quan tâm “có định kiến” ta dành sẵn cho người chúng ta quen biết và một là loại tình thương rộng lớn hơn được nhận thức trên bình diện mỗi người là một thực thể và đều có mục đích là được sống hạnh phúc.

Trên nền tảng này, chúng ta có trái tim nồng ấm dành cho người khác. Và để kiến tạo một thế giới giàu lòng từ bi, chúng ta cần thay đổi con tim mình theo hướng đó. 

Duc Dalai Lama 3.jpg
Buổi nói chuyện của ngài mang lại niềm hoan hỷ cho tất cả người tham dự

Đức Dalai Lama kết thúc buổi nói chuyện bằng lời nhắc nhở mỗi người nên dùng chính trí thông minh của mình để phát triển sự bình yên trong tâm hồn cho chính mình.

Tác giả bài viết: Trần Trọng Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây