Quần thể kiến trúc khác lạ
Xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) có diện tích 92km vuông, được bao bọc chung quanh bởi kênh rạch, sông biển. Mặc dù chỉ cách trung tâm thành phố Vũng Tàu 15km nhưng trước đây muốn qua Long Sơn theo trục đường chính phải đi qua 2 lần đò.
Năm 2003, hai cây cầu được xây dựng để nối liền Long Sơn với thành phố Vũng Tàu. Long Sơn có một quần thể kiến trúc độc đáo với những mái nhà được lợp bằng ngói âm dương san sát, chồng lên nhau, đó chính là Nhà Lớn Long Sơn.
Người dân Long Sơn mặc áo bà ba tóc búi cao. Khi đặt chân tới mảnh đất này, dễ dàng bắt gặp những cụ già không kể nam hay nữ đều mặc áo bà ba đen, tóc búi củ tỏi, đầu để trần. Đến Nhà Lớn chúng ta như lạc vào một vùng đất của người Việt xưa với những nét dân dã mà ít nơi còn giữ được.
Tất cả mọi sinh hoạt từ ăn, uống, ngủ, nghỉ nơi đây đều được phục vụ miễn phí với thái độ niềm nở và ân cần. Người nơi đây đều nói chuyện từ tốn, nhẹ nhàng và cách xưng hô giống người thời xưa.
Nhà Lớn Long Sơn gồm nhiều nhà có lối kiến trúc tựa kiểu đình làng Việt Nam, nhưng không theo một qui hoạch tổng thể nào cả. Đây là một quần thể kiến trúc có sự kết hợp tinh tế của ba miền Bắc, Trung, Nam được xây dựng từ cách đây hơn 100 năm.
Các dãy nhà lầu, nhà trệt xen kẽ kế tiếp nhau, không cân đối, không sau trước, đã tạo nên một bố cục kiến trúc khác lạ, phá vỡ nghiêm luật xây dựng đương thời. Điều đặc biệt, người dân Long Sơn hầu như đều theo tín ngưỡng Đạo Ông Trần, một tín ngưỡng đã làm nên nét đặc trưng của xã Long Sơn.
Di tích Nhà Lớn Bao bọc xung quanh Nhà Lớn là năm dãy nhà bằng gỗ, đây là nơi để cho bà con sinh hoạt và ăn nghỉ. Đó cũng chính là các gian phòng mà trước đây Ông Trần đã từng cho những người mới tới mảnh đất này lập nghiệp sinh sống. Sau khi có nhà, có đất thì dọn ra ngoài ở để nhường người khác vào tiếp tục làm nơi trú ngụ.
Ngoài xây dựng kiến trúc Nhà Lớn, ông Trần cũng cho xây dựng thêm hai dãy phòng học, một dãy chợ để người dân có thể giao thương buôn bán và nâng cao trí thức. Đích thân Ông đã lặn lội nhiều nơi để thuê thầy về dạy chữ cho người dân nơi đây. Khu chợ nằm bên cạnh Nhà Lớn chính là nơi người dân bán muối, bán hải sản đánh bắt được.
Ông Trần cho xây dựng một quần thể gần như khép kín từ ăn, ở, sinh hoạt đến nhu cầu học hành và giao thương buôn bán. Ngoài ra nhà máy xay xát lúa gạo, kho chứa thóc, nhà đèn, nhà thợ mộc, nhà bếp, các hồ và lu dùng để tích trữ nước ngọt cũng được xây dựng.
Tín ngưỡng đạo Ông Trần
Gọi là đạo Ông Trần, nhưng thực chất Ông Trần lại không mang họ Trần, ông tên thật là Lê Văn Mưu (1855-1935). Ngày mới khai hoang, lập làng trên đảo, ông Mưu không có áo mặc, ngày nào cũng để lưng trần, chân đất dãi nắng dầm mưa để xẻ gỗ, chặt nứa, dựng nhà, xây dựng đường sá.
Để ghi nhớ những công lao đó người dân nơi đây vẫn gọi ông bằng cái tên thân mật là Ông Trần. Từ ngày khai hoang lập làng, người dân khắp nơi đến xin vào Nhà Lớn và theo Đạo của ông, có đến 70% người dân nơi đây theo Đạo Ông Trần.
Có thể bắt gặp nhiều người mặc áo bà ba búi tóc ở Long Sơn Đạo ông Trần được truyền lại không theo giáo lý, kinh bổn, không có ghi chép lại bằng hình thức nào mà theo “di ngôn bất di tự”, tức là, tất cả lời ông giáo huấn, kinh đạo, được truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Không chỉ những người lớn tuổi, mà cả thanh niên trai gái trong xã ngày nào cũng đến Nhà Lớn để lao động.
Ngay trong Nhà Lớn có để những chiếc máy may, cuối năm những người phục vụ nơi đây đều được tặng vải đen may áo bà ba. Thời gian rảnh rỗi, các cụ cùng ngồi lại và chỉ cho nhau may từng đường kim mũi chỉ bằng tay, nếu phần nào khó quá thì đạp máy. Chiếc áo chỉ vài ngày đã hoàn thành và đẹp mắt không khác gì may ở tiệm.
Cuối tháng, cuối năm trong Nhà Lớn đều tổ chức các cuộc họp. Nhiều vị hương chức trong Nhà Lớn tham dự và bàn bạc những việc cần làm sắp tới như sửa sang lại Nhà Lớn, đóng góp phát gạo cho dân chúng hay sắp xếp lịch trực để đón khách du lịch tới tham quan.
Đàn ông thì lo việc hệ trọng, đàn bà nơi đây thì tự thiêu thùa, làm các món đồ thủ công và làm từ thiện giúp người dân trong xã.
Chết chung một hòm
Hiếm có nơi nào trên đất nước Việt Nam có tục ma chay kỳ lạ như Long Sơn. Theo những người già trong làng kể lại, quan niệm của Ông Trần khi sống là con người đều ở chung một nhà, ngủ chung giường thì khi chết sẽ liệm chung một chiếc quan tài.
Người dân nơi đây đều thuộc câu “sống đồng tịch, đồng sàng. Chết đồng quan, đồng quách”. Cả xã có chung một chiếc quan tài, khi có người chết thì bỏ vào quan tài khiêng đi chôn.
Sau đó chiếc quan tài được mang trở lại Nhà Lớn để cất giữ, những người chết sau lại có thể dùng. Người dân nơi đây gọi là chiếc “bao quan”.
Chiếc bao quan có nắp được làm từ cây lồ ô, xung quanh thân đan bằng tre, tạo thành một cái lồng, phía dưới đáy là miếng gỗ. Phía trên quan tài thắp 5 cây nến, tượng trưng cho Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín.
Từng lớp xác nến được chồng lên nhau, bao phủ gần hết mặt ngoài của chiếc bao quan. Nhìn lớp nến, người ta cũng có thể đoán được đã có bao nhiêu người từng được ủ ấm bằng chiếc bao quan này.
Từ ngày khai hoang lập làng đến nay, đây là chiếc bao quan thứ hai được dùng cho việc chôn cất. Chiếc đầu tiên từ thời Ông Trần còn sống nhưng sau đó vì thời gian và hỏng nhiều nên được làm lễ tiêu hủy và cho người làm chiếc khác để tiếp tục tục lệ trên.
Khi được hỏi, tại sao ở Long Sơn lại có tục khâm liệm chung một bao quan lạ lùng như vậy, bà Lê Thị Kiềm – cháu đời thứ 4 của Ông Trần cho biết: “Tục chung bao quan không chỉ có ý nghĩa không phân biệt giàu nghèo. Ông còn dạy người dân nơi đây tính tiết kiệm.
Đám tang không tổ chức nhiều ngày, không giết gà, mổ heo, không đãi khách tới viếng, chết sáng thì chôn chiều, chết chiều thì chôn sáng hôm sau.
Các cụ già vẫn tự thêu thùa may vá trong Nhà Lớn Khi trong làng có người chết, họ chỉ cần liên hệ Nhà Lớn thỉnh bao quan về, đặt thi hài người đã khuất vào, đậy nắp, thắp đèn cầy lên, đưa ra huyệt chôn rồi lại đưa bao quan về đặt tại nơi đây”.
Trong một ngày nếu như trong làng có 2 đến 3 người chết thì phải phân chia giờ ra để chôn cất. Tục lệ trong làng là từ khi chết đến thời điểm chôn không quá 24 giờ, họ an táng không cần xem ngày giờ đẹp, xấu.
Người chết sẽ được an táng mà không cần áo quan, mộ phần sẽ được xây ngay sau đó. Khi chết, người già, trẻ, trai, gái đều nằm chung một chiếc bao quan như nhau không có sự phân biệt.
Đưa đám không dùng xe tang, thi hài người chết được khiêng bằng dây tới nghĩa địa, có thể là nơi quy định của xã hoặc một khu rẫy nào đó của gia đình. Những người sống xả tang ngay tại huyệt, nam đứng bên trái, nữ đứng bên phải.
Không chỉ ma chay, lễ cưới hỏi nơi đây cũng vô cùng đơn giản. Một tháng, Ông Trần quy định có 2 ngày để tổ chức cưới. Nếu như ăn hỏi 15 thì 16 cưới, ăn hỏi 30 thì mồng 1 cưới. Đám cưới nơi đây cũng khá đơn sơ, tiết kiệm không tốn kém như nhiều nơi khác.
Phát gạo, cứu đói cho dân nghèo
Hàng năm, ở Nhà Lớn Long Sơn có 2 ngày lễ là ngày vía ông Trần (20 tháng 2 âm lịch) và ngày Trùng Cửu (9 tháng 9 âm lịch). Đây là hai lễ hội lớn nhất trong năm được tổ chức thu hút hàng chục nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước.
Đây là một tín ngưỡng khác lạ pha trộn nhiều đạo giáo khác nhau nhưng không hề có kinh kệ, chuông mõ, ăn chay, cũng như tệ mê tín dị đoan mà chỉ có những lời dạy truyền khẩu trong dân gian.
Các bậc cao niên họp bàn việc của xã Bên cạnh đó, nơi đây còn lưu giữ được phong tục viết liễn đã truyền từ nhiều đời nay. Vào ngày 21 tháng chạp, những cụ già mặc áo the đen, đầu đội khăn vấn, ngồi trên chiếu, tay miệt mài viết liễn là nét đẹp được lưu giữ tạo nên nét đặc trưng cho mảnh đất này.
Nội dung những câu viết trên liễn ngày Tết ở Nhà Lớn thường là có nội dung giáo dục, phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín.
Từ trước tới nay, năm nào cũng vậy vào những ngày giáp Tết Nhà Lớn Long Sơn lại tiến hành phát gạo cho tất cả các hộ dân trong xã. Các vị chức sắc trong làng sẽ thuê những chiếc máy xát lúa về để tại khuôn viên rộng nhất, rồi hàng chục người đến để phụ giúp xát lúa, phân phát cho người dân nơi đây.
Hàng tấn gạo được xát ra, các cụ già ngồi quạt, sàng lọc và đổ đầy gạo ra những tấm bạt lớn. Bà Kiềm cho biết: “Ngày nay cuộc sống của người dân khá hơn trước đây nhiều nên những túi gạo được phân phát cũng không phải là món quà có giá trị. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn háo hức mỗi dịp Tết đến bởi nó đã mang đến sự gắn kết cho những con người nơi đây”.
Bà Lê Thị Đến - cháu đời thứ 4 của Ông Trần lý giải về việc Ông Trần chọn áo bà ba đen là chiếc áo gắn liền với tín ngưỡng: Bộ đồ bà ba đen thể hiện sự bình dân, cần cù, tiết kiệm của người nông dân chân lấm tay bùn. Ở áo bà ba đen có 5 hàng cúc đại diện cho Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Cổ áo hình tròn có nghĩa là làm tròn vẹn 5 điều trên.