Gặp “thần y” xứ Mường dùng “bùa” chữa bệnh

Thứ sáu - 03/05/2013 04:33

Mế Viển đang trao đổi với phóng viên về các vị thuốc để chữa bệnh

Mế Viển đang trao đổi với phóng viên về các vị thuốc để chữa bệnh
Chỉ cần một gói thuốc nhỏ đã được “yểm bùa”, bà Quách Thị Viển, một người dân tộc Mường, trú tại Yên Tân, xã Lạc Lương, Yên Thủy, Hòa Bình có thể chữa được rất nhiều bệnh.
Đặc biệt, với trường hợp bị gãy xương, bà chỉ cần dùng gói thuốc chạm nhẹ vào sẽ liền ngay(?!). Từ những thông tin có được, chúng tôi quyết định ngược rừng, tìm đến tận nơi để diện kiến bà…
Có duyên được bài thuốc quý

Trong số vô vàn những “thần y” miền sơn cước được đồn thổi rằng có khả năng chữa bách bệnh chỉ bằng phương thuốc đơn giản, ít tốn kém thì bà Quách Thị Viển được mọi người truyền tai nhau hơn cả. Sở dĩ bà được nhắc nhiều như vậy, không chỉ vì khả năng chữa bệnh cực “dị”, nhưng có hiệu quả cao, mà còn bởi tấm lòng nhân nghĩa của bà khi chữa bệnh thường không đòi hỏi bất kỳ điều gì. Có lẽ chính vì thế, người dân nơi đây thường gọi bà bằng cái tên hết sức thân thương: Mế (mẹ).

Đến xã Lạc Lương, hỏi thăm mế Viển, ai cũng biết. Theo người dân nơi đây thì Mế Viển chẳng khác nào Hoa Đà tái thế, một kỳ nhân ẩn giật, một tiên cô giáng trần giúp người bệnh tật. Với phương thuốc “lạ” mà mình học được, mế Viển chữa được nhiều bệnh, cứu sống biết bao nhiêu người. Không biết có phải “yêu quá” hay không, nhưng nếu cứ như người dân nói thì y học hiện đại cũng không thể sánh được với bài thuốc trị bách bệnh của mế.

Sau khi lòng vòng qua những con đường đất nhỏ, chúng tôi có mặt tại ngôi nhà sàn nằm cheo veo bên sườn đồi. Đón chúng tôi là người phụ nữ ngoài sáu mươi, gương mặt tươi, da dẻ hồng hào, vui vẻ hỏi han khách lạ. Bà bảo rằng mình chính là Viển, chuyên chữa bệnh đây.

Khi biết chúng tôi là phóng viên, bà cười hiền mà bảo rằng: “Nhà báo đi nhiều, chắc uống được, cứ vào nhà uống với ta cốc rượu rồi làm việc sau”. Uống xong cốc rượu nồng, đặt cốc xuống sàn nhà, mế Viển bắt đầu khề khà kể: “Đây là phương thuốc gia truyền của gia đình tôi. Xuất xứ của loài thuốc này từ đâu, tôi cũng không biết rõ lắm, chỉ nghe mọi người kể lại rằng, từ xa xửa xa xưa, có một người đàn ông trong họ đi làm ăn tại vùng biên giới giáp với Trung Quốc. Trong một lần đi làm, ông có nghỉ chân lại tại một gia đình người Hoa. Vừa lúc gia đình họ có người con gái đã đến thì sinh con, nhưng đau mãi mà không sinh được. Ông cụ biết “bùa” nên đã “hà hơi” vào bát nước rồi cho thai phụ uống, uống xong bát thứ ba thì người kia sinh hạ mẹ tròn con vuông. Cảm tạ tấm lòng của ân nhân, gia đình người Hoa kia đã truyền cho ông một bài thuốc lạ, nói rằng có khả năng chữa được rất nhiều bệnh. Khi đem phương thuốc này về, ông đã cứu được rất nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo. Đặc biệt, phương thuốc này rất hiệu nghiệm đối với trường hợp bị gãy xương. Từ đó, bài thuốc này được mọi người trong dòng họ Quách giữ lại như báu vật, rồi truyền lại từ đời này qua đời khác. Đến tôi là đời thứ 7 được truyền thừa phương thuốc kỳ lạ kia…”. 
 
Theo mế Viển thì phương thuốc của bà đơn giản chỉ là ít loại cây lá rừng, ít mạt vụn của đồng xu, cùng với một vài câu “thần chú” mà thôi. Không chỉ nói suông, đưa cốc rượu lên uống cạn, mế bảo chúng tôi hãy ngồi đợi một chút, chốc có bệnh nhân, mế sẽ “biểu diễn” cho mà biết. Khi mế chưa dứt lời thì có hai người phụ nữ bước vào. Theo giới thiệu thì người phụ nữ tên Bùi Thị Mến, trú tại xã Lạc Thịnh, đến gặp mế để xin thuốc cho chồng bị gãy tay.

Sau khi hỏi han tình hình vết thương của người bệnh, mế thắp hương khấn vái tổ tiên để “xin thuốc”, tiếp đến lấy một nhúm lá bỏ vào hai túi nilon nhỏ, cạo thêm chút mạt của đồng xu rồi lẩm nhẩm khấn. Sau này mế bảo rằng, lúc mế khấn là đang đọc “thần chú” đấy.

Cũng theo mế Viển thì phương pháp chữa bệnh của bà rất khác với mọi người, thuốc này không phải dùng để uống, hay đắp, mà là “cách bức”. Tức là trước khi đi ngủ, người bệnh treo gói thuốc này trên đầu giường, tùy từng vết thương, loại bệnh và tuổi tác sẽ có độ cao khác nhau, tốc độ hạ gói thuốc khác nhau, nhưng khi gói thuốc đã hạ sát vết thương thì cũng là lúc khỏi bệnh.

Đồng tình với ý kiến của mế, chị Mến ngồi bên cạnh rỉ tai chúng tôi mà nhỏ to: “Tài tình lắm cô chú ạ, phương pháp đơn giản nhưng đặc biệt hiệu quả. Đấy như chồng tôi chẳng hạn, bị tai nạn gãy tay, đi bệnh viện chụp chiếu băng bó nhưng hết thời gian tay chồng tôi vẫn đau, sưng tấy và không đi lại được. Nghe mọi người mách, tôi tìm đến mế Viển, chỉ sau 1 - 2 lần dùng thuốc, chồng tôi đã hết đau và có thể đi lại được…”.

Theo mế Viển chia sẻ thì, bản thân bà đầu tiên cũng nghi ngờ tác dụng của phương thuốc, bởi nó khá “dị”. Tuy nhiên, quá trình xem mọi người trong gia đình mình tự chữa bệnh, rồi chữa cho người ngoài đều khỏi thì bà đã thực sự yên tâm. Với phương thuốc này, bà không chỉ chữa bệnh gãy xương mà hầu hết các bệnh đều cho kết quả tốt như dạ dày, sỏi thận, hay một số bệnh nan y khác.

Giúp người nghèo khó

Với khả năng kỳ dị, cũng như tấm lòng của bà mà nhiều người từ trong làng ngoài xã, thậm chí là những tỉnh xa như Hưng Yên, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Bình, Gia Lai… đều tìm đến mong bà giúp đỡ. Trong số đó, không ít những người đã được bà giúp giành lại mạng sống từ tay thần chết.

Khác hẳn với những thầy lang vườn, tự vỗ ngực xưng mình là “thần y”, khi chúng tôi bày tỏ muốn tận mắt xem thành phần của thuốc như thế nào, mế Viển chẳng ngần ngại đưa cho chúng tôi gói thuốc, mở ra rồi bảo: “Thành phần có gì đâu, chỉ là hai loại cỏ được tôi hái trong rừng, cộng thêm ít mạt của hai đồng tiền có khắc chữ nho và đọc “thần chú” thôi. Từ trước đến nay tôi vẫn chưa bệnh bằng phương pháp đó, nhiều người khỏi bệnh, thậm chí là thoát khỏi cái chết nhờ nó đấy. Quả thực tôi chẳng rõ như thế nào cả, nhưng nếu có nhà khoa học nào về nghiên cứu, rồi nói cho tôi biết cụ thể phương thuốc này như thế nào, vì sao nó lại có tác dụng tuyệt vời như thế thì tốt biết bao…”. Tự tay rót thêm cốc rượu mới, mời chúng tôi uống cạn, mế lại tiếp tục chia sẻ: “Cho đến bây giờ, chỉ có tôi là nắm giữ bí quyết bốc thuốc đệ nhất vô nhị này thôi. Hiện tại tôi vẫn chưa truyền nghề cho ai, bởi muốn làm được nghề này thì phải là người hiền hậu, có tài đức, không ham danh lợi. Việc truyền thừa này chỉ cho một người, không kể trai hay gái, chính vì vậy tôi phải lựa chọn rất kỹ mới dám truyền lại nghề này”.

Lần theo dòng địa chỉ trong cuốn sổ cảm ơn của các bệnh nhân viết lại cho bà, chúng tôi tìm đến gặp anh Bùi Văn Niên, trú tại xã Bảo Hiệu. Theo anh Niên thì trong một lần đi khai thác mỏ, anh bị đá lăn vào, gãy chân. Đi bệnh viện băng bó suốt gần một tháng nhưng chân vẫn cứ sưng tấy, đau đớn. Tuy nhiên, chỉ dùng thuốc của mế khoảng 5 lần, vết thương đã hết sưng, giảm đau, giờ thì đi lại bình thường được.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Lương chia sẻ: Bà Viển đã hành nghề chữa bệnh từ rất lâu tại địa phương. Chuyện chữa bệnh bằng tâm linh bùa chú tôi không rõ. Tuy nhiên, bà Viển chữa bệnh cho mọi người thường không đòi hỏi gì, chưa có khiếu nại của người dân về hoạt động chữa bệnh trên, an ninh trật tự luôn được giữ vững. Không những thế, nhờ phương thuốc của bà Viển, nhiều người dân nghèo đã khỏi bệnh mà không mất đồng tiền nào…

Tác giả bài viết: Thanh Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây