Đức Phật bảo rằng sinh lão bệnh tử là bốn nỗi khổ lớn của đời người, nhưng sao cũng có lúc người lại bảo nghĩ đến thân thể đừng cầu không bệnh tật.
Một ngày cách đây đã mấy năm, nhân một lần có dịp ghé thăm một ngôi chùa ở Đà Lạt, tôi đọc thấy trên tường nhà chùa có ghi mấy điều răn của Phật. Câu nói làm tôi ấn tượng nhất là “nghĩ đến thân thể đừng cầu không bệnh tật vì không bệnh tật thì sinh lòng kiêu ngạo”.
Sức khỏe, từ xa xưa đã là ước mong số một của nhân loại. Cái chết, từ thượng cổ vẫn là nỗi lo bở vía của con người. Chẳng thế mà các vua chúa cũng như những nhà hào phú đời xưa lại rất hăng hái đi tìm thuốc tiên để trường sinh bất tử. Từ khi con người thoát khỏi đời sống mông muội thì đã lo sợ trước cái chết. Chính trong ý nghĩa ấy mà Đức Phật dạy rằng sinh lão bệnh tử là 4 nỗi khổ lớn của con người.
Nhưng Đức Phật cũng dạy: sinh trụ dị diệt là quy luật của tạo hóa. Từ cỏ cây đến vũ trụ đều sinh ra, rồi tồn tại và phát triển, rồi suy tàn và diệt vong. Con người không thể tránh khỏi quy luật ấy. Cho nên từ kẻ bần hàn đến người quyền quý ăn sung mặc sướng vẫn bình đẳng với nhau ở chỗ ai cũng phải chịu bệnh tật.
Bởi vì đó đã là quy luật của kiếp sống nên chúng ta chẳng nên bi quan, sầu thảm quá khi biết mình mang bệnh. Sầu bi đã chẳng ích chi mà chỉ khiến tinh thần thêm suy sụp, tạo cơ hội cho bệnh tật phát triển mạnh hơn.
Nhiều người đang khỏe mạnh đột nhiên đi khám biết mình mắc trọng bệnh, thế là ngày đêm lo lắng. Lo lắng nhiều nên ăn chẳng ngon ngủ chẳng yên kéo theo cơ thể suy nhược. Nhờ thế bệnh phát lại càng mau và dữ dội hơn vì người bệnh đã buông súng đầu hàng bằng thái độ bi quan mất rồi.
Ngược lại, đã có những trường hợp dùng sức mạnh tư tưởng để chống lại bệnh tật thành công. Ví dụ như ông David Servan – nhà thần kinh học người Pháp, người đã 20 năm trời chống chọi bệnh ung thư. Trước khi chết ông đã để lại tác phẩm “phòng chống ung thư” kể lại quãng thời gian chiến đấu với bệnh tật. Một trong các phương pháp đã giúp ông chống chọi được căn bệnh nan y này trong 20 năm là luôn giữ một tinh thần khỏe mạnh không bi quan.
Muốn có một thân thể khỏe mạnh trước hết phải có một tinh thần khỏe mạnh. Tinh thần muốn khỏe mạnh thì trước tiên không được nghĩ những ý niệm xấu, hại người lợi mình. Một người lúc nào cũng sẵn sàng chịu thiệt thòi thì có bao giờ phải buồn. Ngược lại nhìn ai họ cũng thấy đáng thương.
Lòng thiện đã khởi thì tinh thần sung mãn. Tinh thần sung mãn thì bệnh tật không thể tác oai tác quái được. Đó cũng là điều phù hợp với triết lý Đông y “chính khí mạnh thì tà khí (tức bệnh tật) không thể xâm nhập được”.