Khám phá những bí ẩn trong ‘ngôi nhà’ hơn 2 vạn tuổi ở Hòa Bình

Chủ nhật - 16/10/2016 01:16
Đã cả vạn năm nay, đống xương thú chưa kịp hóa thạch, vẫn trắng lôm lốp tại nơi được xem là chiếc nôi của loài người này.
Khám phá những bí ẩn trong ‘ngôi nhà’ hơn 2 vạn tuổi ở Hòa Bình

Ông Bùi Văn Vựng, cán bộ văn hóa xã Tân Lập (Lạc Sơn, Hòa Bình) dẫn tôi len lỏi quanh con đường mòn dưới chân núi tìm xóm Trại. Giữa cánh đồng là ngọn núi trồi lên từ lòng đất hàng triệu năm trước, nơi các nhà khoa học khẳng định là cái nôi của loài người.

“Ngôi nhà” của tổ tiên

Đứng từ xa, núi Khụ Trại như viên đá nhỏ mà ông Trời vô tình đánh rơi xuống thung lũng được bao phủ bởi dãy núi đá vôi hùng vĩ. Dòng suối Lạn như dải lụa vắt qua thung lũng khiến khung cảnh thêm phần mộng mơ. Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Việt (Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á), người gắn bó và có nhiều phát hiện nhất trong hang xóm Trại bảo rằng, với các nhà khảo cổ học, chỉ cần nhìn qua cũng biết đây là địa điểm cư trú vô cùng lý tưởng với cư dân tiền sử.

Nơi đây có hang động, có núi non, có đất bằng, sông suối, có những cánh rừng để loài cây có hạt nảy nở cho con người hái lượm, săn bắn… Ông Việt gọi thung lũng xóm Trại là “thung lũng vàng” của người tiền sử.


Toàn cảnh "ngôi nhà" 2 vạn tuổi 

Trên sườn ngọn núi có một cái hang như một căn phòng rộng, với bề ngang 10m, chiều sâu 20m. Miệng hang có thế cánh cung khiến mưa không hắt, nắng không chiếu thẳng vào, nhưng ánh sáng vẫn có thể ngập tràn trong hang. Trong “ngôi nhà” này, trải hàng vạn năm, hàng ngàn thế hệ tổ tiên chúng ta đã sinh ra, lớn lên, lấy việc săn bắn hái lượm để sống…

Đứng ở miệng hang xóm Trại (người dân nơi đây gọi là hang Chùa) tôi có cảm giác thiêng liêng rất lạ. Cảm giác như lần đầu tiên được trở về với nguồn cội của mình. Ở góc kia ngôi nhà, những tổ bà ngực để trần, đang miệt mài ngồi tách những hạt sồi dẻ, đập đít những con ốc vặn, bắt ở dưới suối, dưới thung lũng rồi đem nướng trên bếp lửa.


Có thể tìm thấy rất nhiều xương trong hang xóm Trại

Xương voi hay xương khủng long? 

Ngoài miệng hang, những tổ ông chỉ đóng chiếc khố bằng vỏ cây, đang dùng búa đá, dao đá lọc thịt con… voi Ma Mút mới săn được hồi chiều… Con hổ to săn được hôm qua các cụ đã chén hết thịt, đống xương vứt lăn lóc ở góc hang.

Ông Bùi Văn Vựng, cư dân trong xóm, mở những chiếc bao mà các nhà khoa học vẫn để ở miệng hang, tôi thấy trong bao toàn xương cốt. Tổ tiên sau khi chén hết thịt thì vất xương đi. Đã cả vạn năm nay, đống xương thú chưa kịp hóa thạch, vẫn trắng lôm lốp. Bám trên vách đá, lẫn trong những khối đất đang hóa thạch dở dang là những khúc xương ống to lớn, không hiểu là xương voi hay xương khủng long nữa! Còn dưới nền hang lớp vỏ ốc dày vài mét.


Ông Bùi Văn Vựng mở bao đựng di vật 

Các nhà khảo cổ học đào một mét khối đất trong hang, sàng ra, đếm được tới 44 ngàn con ốc, trong khi hang Thung Sơn, cũng nổi tiếng nhiều ốc, nhưng chỉ có 11 ngàn con, còn hang Con Moong ở Thanh Hóa cũng chỉ có độ 9 ngàn con mà thôi. Số lượng công cụ bằng đá, gốm khai quật được dưới nền “ngôi nhà” của tổ tiên giữa xóm Trại thì phải tính bằng bao nọ, bao kia.

Nôi của loài người

Di tích hang xóm Trại được các nhà khoa học trong nước phát hiện vào năm 1970. Tuy nhiên, phải đến năm 1980, nhân chuyến nghiên cứu, lập bản đồ của Đoàn địa chất 203, hang xóm Trại mới được biết đến là nơi ở của người nguyên thủy. Thế rồi, các cuộc khai quật diễn ra liên tiếp trong những năm 1980, 1981, 1982, 1986.

Bẵng đi từng ấy năm, đến năm 2004 và năm 2008, các nhà khoa học khảo cổ đầu ngành mới tiến hành khai quật với quy mô lớn. Trong những lần khai quật này, tiến sĩ Nguyễn Việt và các nhà khảo cổ đã có những phát hiện vô cùng quan trọng không những với nền khảo cổ nước nhà mà với cả thế giới.


Vỏ ốc rất nhiều trong lòng hang.


Tượng cảnh tổ tiên chúng ta sống trong hang. 

Năm 2004, các nhà khoa học đã phát hiện ra con đường mòn đi lại có niên đại 9 ngàn năm.

Chắc chắn rằng, trên khắp đất nước ta, có rất nhiều con đường cổ, tuy nhiên, việc tìm ra một con đường thời xa xưa vẫn là mong ước của các nhà khảo cổ học nước nhà.

Thật bất ngờ, trong những ngày cuối năm 2008, các nhà khảo cổ học sau khi đào xuống lòng đất gần 4m đã phát hiện một lối đi cổ. Đó là những vết mòn vẹt, nhẵn thín trên những phiến đá, do bàn chân con người dẫm lên cả ngàn năm mới tạo thành. Phía trên thành hang, những mẩu đá lồi ra cũng nhẵn thín do tay người vịn vào khi di chuyển.

Tiến sĩ Nguyễn Việt đã mang các mẫu vật đi phân tích, đo bằng phương pháp phóng xạ carbon và kết luận đây là lối mòn đi lại của người nguyên thủy có niên đại lên tới 21 ngàn năm, cổ nhất Đông Nam Á, thuộc loại phát hiện hiếm của thế giới.


Các nhà khoa học dựng lại lối đi cổ 21 ngàn năm tuổi để du khách dễ tưởng tượng.


Một lối vào cổ từ ngách hang. 

Ngoài ra, các nhà khoa học, trong quá trình khai quật, đã phát hiện một di cốt người có tuổi đời 17 ngàn năm tuổi, trong tư thế nằm nghiêng, còn khá nguyên vẹn. Đây là một phát hiện vô cùng độc đáo, quý hiếm.

Với việc phát hiện lối đi và bộ xương người, cùng hàng ngàn hiện vật từ thời đại đồ đá, các nhà khoa học đã chứng tỏ với thế giới rằng, xóm Trại chính là nơi mà con người nguyên thủy đã từng cư trú. Như vậy, cũng có nghĩa, mảnh đất Mường Vang này là một trong những cái nôi của loài người.

Các nhà khoa học đã sử dụng các loại keo chuyên dụng phủ lên bề mặt lối đi cổ nhằm giữ lại cho thế hệ sau chiêm ngưỡng tự hào. Các tầng văn hóa đã hóa thạch được làm vệ sinh cho xuất lộ nguyên trạng, mô hình con đường cổ vào hang, tượng mô phỏng sinh hoạt thường nhật của tổ tiên chúng ta đã được các nhà khoa học dựng lại trong hang xóm Trại.

Nguồn tin: VTC News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây