Ngôi chùa ngàn tượng bằng đất sét
Tọa lạc trên đường Tôn Đức Thắng, khóm 1 (P.5, TP.Sóc Trăng, Sóc Trăng) chùa Đất Sét (Bửu Sơn Tự) là một ngôi chùa cổ chứa đựng nhiều điều kỳ bí.
Chùa Đất Sét do ông Ngô Kim Tây cất lên để tu tại gia. Năm 1906, chùa được trùng tu lần đầu. Năm 1928, ông Ngô Kim Tòng thuộc đời trụ trì thứ tư qua một lần bệnh được báo mộng đã quyết định tu bổ, tôn tạo chùa bằng cách nặn tượng thờ, linh vật bằng đất sét.
Ông Ngô Kim Quang, Phó ban thường trực quản lý chùa Đất Sét kể: đất sét được ông Tòng mang về phơi, giã thành bột, loại bỏ tạp chất, nhào với chất keo đặc biệt gồm bột nhang và ô dước tạo thành hỗn hợp dẻo, thơm đem đi nắn tượng.
Nhờ đôi tay khéo léo, tài hoa cùng tư duy tưởng tượng phong phú mà cột, kèo, phù điêu và trên 1.991 pho tượng lớn nhỏ trong chùa được ông nặn rất tinh tế, không trùng lắp, mỗi tượng một vẻ, thể hiện rõ thần sắc.
Sau khi hoàn thành, các tượng này được phủ sơn bên ngoài nhìn giống như tượng gỗ. Công việc nặn tượng kéo dài liên tục 42 năm, cho đến lúc ông Tòng qua đời ngày 18.7.1970.
Hiện nay, trong gian thờ của chùa Đất Sét có các tượng tiêu biểu như voi trắng to, cao gần 2 m; long mã với chiếc đầu rồng thân ngựa lực lưỡng cao trên 2 m, bờm và đuôi ngựa được thay bằng vẩy rồng và đuôi rồng; đôi thanh sư bạch hổ to như hổ thật; đôi kim lân...
Đặc biệt là Tháp Đa Bảo cao 13 tầng, 208 pho tượng Phật án giữ 208 cửa và 156 con rồng đỡ cho 13 tầng tháp. Toàn bộ tháp này cao khoảng 4,5 m. Kế đó Tháp Bảo Tòa để thờ Phật cao chừng 2 m, phía trên theo hình bát giác tượng trưng cho 8 phương: Càn - Khảm - Cấn - Chấn - Tốn - Ly - Khôn - Đoài.
Trên cùng của tháp là một tòa sen có 1.000 cánh, mỗi cánh có một tượng Phật ngự, tổng cộng 1.000 tượng Phật với nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau. Tháng 9.2013, 2 công trình bằng đất sét lớn nhất này được xác lập kỷ lục Việt Nam.
Phía trên trần nhà của gian thờ có treo một chùm đèn gọi là “Lục Long Đăng” cũng bằng chất liệu đất sét, gồm ba chóp đỉnh với 6 con rồng uốn cong đuôi chụm vào nhau, đầu trổ ra các phía như tượng trưng cho lục tỉnh miền Tây.
Ngoài ra, còn có những bức hoành phi treo khắp điện thờ do ông Tòng tự vẽ, thiết kế, nay được sơn phết lại trông như mới.
Cả mái chùa được chống đỡ bằng 24 cây cột, mỗi cây cột lại được bao bọc chung quanh bằng đất sét; được nặn đắp những hình tượng rồng uốn lượn và những hoa văn trang trí khác từ nền điện lên đến mái vòm. Theo ông Ngô Kim Quang, tuy người dân quen gọi là chùa Đất Sét nhưng đây thực chất là Bửu Sơn Tự được lập để tu tại gia nên không có nhà sư tu hành.
Những cây nến khổng lồ
Nhiều năm qua, chùa Đất Sét không chỉ nổi tiếng bởi hàng ngàn bức tượng làm bằng đất sét mà còn được khách thập phương biết đến bởi 4 cặp nến (đèn cầy) khổng lồ.
Theo ông Ngô Kim Quang, vào những năm cuối đời, ông Ngô Kim Tòng không nắn tượng mà chuyển qua đúc đèn cầy. Ông lên tận Sài Gòn tìm mua sáp nguyên chất có nguồn gốc từ Pháp mang về, rồi dùng tôn lợp nhà làm khuôn, sáp đổ vào chảo lớn nấu liên tục ngày đêm cho nóng chảy rồi đổ vào ống tôn có chiều cao 2,6 m, phía ngoài khảm thêm chữ và hình rồng.
Một tháng sau, các đôi đèn khô, ông dỡ bỏ khuôn nên các đôi đèn có hình dợn sóng cùng với hình rồng lúc ẩn lúc hiện.
Mấy tháng liên tục, ông Tòng đúc được 6 cây đèn cầy lớn, mỗi cây nặng 200 kg, ước tính mỗi cây cháy liên tục phải mất hơn 70 năm; 2 cây đèn cầy nhỏ mỗi cây nặng 100 kg, cặp đèn cầy nhỏ này được đốt lên từ ngày ông Ngô Kim Tòng qua đời đến nay đã hơn 46 năm nhưng vẫn còn khoảng 1/3 cây chưa cháy hết.
Ngoài ra, trong chùa còn lưu giữ 3 cây nhang mỗi cây cao 1,5 m, nặng 50 kg, nếu đốt chắc cùng vài năm mới tàn.
Chùa Đất Sét không quá nổi tiếng về quy mô cũng như kiến trúc xây dựng như là một ngôi chùa độc đáo vì không có nhà sư tu hành nhưng có hàng ngàn pho tượng lớn nhỏ được làm bằng đất sét cùng những cặp đèn cầy và những cây nhang khổng lồ chưa đốt.
Năm 2010, UBND tỉnh Sóc Trăng đã công nhận chùa Đất Sét là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
Tác giả bài viết: Nguyễn Đạt
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự