Giúp gia chủ phát tài
Vào đầu tháng 8-2008, tại khu vực xã Thđưng, huyện
Skirivong, tỉnh Tà Keo, Campuchia lan truyền tin có đến 2 con “rồng” nổi ở hai
địa điểm khác nhau. Những người chứng kiến 2 con “rồng” nổi này còn phân biệt:
Một con là “rồng” trắng hiền lành; con còn lại là “rồng” đen, rất hung dữ. “Rồng”
đen nổi tại nhà ông Chau Nhum ở phum Cà Na, xã Thđưng.
Điều lạ là con “rồng” này nổi từ ngoài cửa vào tận trong buồng ngủ của nhà ông Chau Nhum. Theo quan sát của chúng tôi, cái mà nhiều người cho là “rồng” thực chất là những vạt đất lô nhô, chạy dài trong căn nhà của ông Chau Nhum.
Dãy đất u nần được cho là “rồng” nổi ở Campuchia vào năm 2008
Địa điểm thứ hai “rồng” xuất hiện là trong nhà một gia
đình người Campuchia nghèo ở phum Tơ Tưng, “rồng” nổi tương tự như ở nhà ông
Chau Nhum. Sau khi nghe tin đồn “rồng” nổi tại hai địa điểm trên, đã có hàng
ngàn người VN, Thái Lan và dân bản xứ ùn ùn kéo nhau đến để được tận mắt chứng kiến,
cúng vái.
Khi theo dòng người hiếu kỳ này sang bên kia biên giới, đến chợ Thđưng, chúng tôi được một Việt kiều bán hàng ở đây cho hay: “Mấy chú từ VN qua đây coi “rồng” nổi hả? Con “rồng” đen hung dữ lắm, sau khi nổi, nó nhập vào và làm ông chủ nhà nằm cứng đơ một chỗ nhưng chưa chết”. Khi đến nơi, chúng tôi chứng kiến rất nhiều người đang vây kín ngôi nhà lá xác xơ. Phía trước nhà mới dựng lên hai bàn cúng gồm lư hương và những thùng đựng đầy tiền của khách đến xem và cúng.
Bên ngoài sân có rất nhiều dịch vụ như bán nhang đèn,
nước giải khát, ảnh “rồng” nổi (10.000 đồng/ảnh). Nơi dải đất lô nhô được cho
là “rồng” nổi luôn có người nhà canh giữ nghiêm ngặt. Rất khó khăn, chúng tôi mới
chụp được vài tấm ảnh.
Người nhà tuyệt đối không cho gặp ông Chau Nhum. Họ giải thích rằng ông Chau Nhum bị “rồng” nhập, chỉ còn là cái xác, hồn đã bị “thần rồng” bắt rồi. Nếu ông Chau Nhum bị người lạ nhìn thấy, “thần rồng” nổi giận thì ông Chau Nhum bị mất mạng.
Nhiều người kéo đến cúng vái “rồng”
Sau đó, chúng tôi lần theo con đường nhỏ, cách nhà
ông Chau Nhum khoảng 3 km để đến nơi “rồng” trắng nổi. Nơi đây ít người xem và
cúng vái hơn nên chúng tôi được chủ nhà dành nhiều thời gian tiếp đón. Ông chủ
nhà oang oang với khách: “Mấy bữa đầu, “rồng” độn lên cao cỡ 3 tấc, nay vừa bị
xẹp xuống.
Chắc “rồng” muốn lên nhưng không lên nổi nên xẹp xuống”. Thấy thời tiết nắng nóng, chốc chốc chủ nhà cho “rồng” trắng “giải khát” bằng một ca nước lạnh. Sau khi chúng tôi cúng tiền, thấy chủ nhà tỏ ra thân thiện hơn, tôi cùng với hai người bạn dùng tay cạy thử một cái “vảy rồng”. Đó là một lớp đất sét cứng và trơn bóng được đắp trên nền đất pha cát đặc trưng của vùng núi này.
Sau lần “rồng” nổi đó, chúng tôi có dịp trở lại xã Thđưng thăm bạn thì thấy căn nhà lá mục nát của ông Chau Nhum đã được thay bằng căn nhà tường khang trang. Nhiều người bảo “rồng” nổi thiêng quá nên gia chủ nhanh chóng phát tài!
Xử lý kịp thời
Mới đây, ngày 4-12, lại có tin đồn “rồng” nổi tại nhà ông Nguyễn Văn Đậu ở ấp Phú Nhứt, xã An Phú. Tin đồn lan nhanh khiến người dân khắp nơi ùn ùn đổ về cúng vái. Vậy là quầy bán nhang đèn, nước giải khát, bàn thờ và thùng tiền cúng được bày ra. Khi làm việc với chính quyền địa phương, ông Đậu cho biết đột nhiên nền nhà mình bị nổi sóng lươn. Sau đó, nhiều người đến xem rồi phát tin “rồng” nổi chứ không phải ông tung tin.
Ông Nguyễn Văn Sính, Chủ tịch UBND xã An Phú, cho biết khi sự việc xảy ra, UBND xã kết hợp với lực lượng biên phòng, công an địa phương đến vận động gia đình ông Đậu cuốc bỏ khu đất nhô lên. “Tuy nhiên, gia đình ông Đậu không chấp hành vì cho rằng đó là chỗ... linh thiêng(?!). Ngoài ra, nhà ông Đậu có bày biện mâm cúng, nhang đèn nghi ngút, trong mâm có tiền do những người đến xem cúng, UBND xã chỉ đạo dẹp ngay việc làm này. “Chuyện “rồng” nổi có thể nhằm trục lợi bất chính” - ông Sính phân tích.
“Rồng”... đỏ
“Học” cách làm giàu của dân nước bạn, cuối tháng 8-2008, tại khu vực thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, nhiều người dân truyền tai nhau “rồng” lại nổi ở khóm Xuân Hòa. Một người dân tỏ ra am tường, phân tích: “Rồng” này khác với “rồng” bên Campuchia, cả mình “rồng” có một màu đỏ chót”.
Tin này cũng mau chóng lan nhanh làm cho hàng trăm người kéo nhau về đây xem thử. Song, khi “rồng” này nổi, gia đình chưa kịp lập bàn cúng và nhận tiền thì bị lực lượng công an địa phương đến cuốc bỏ. Khi chứng kiến cảnh lực lượng công an cuốc bỏ “rồng” mà chẳng thấy “thần rồng” nổi giận như nhiều người dự đoán nên nhiều người bảo đó là “rồng” giả, do con người tạo ra để kiếm tiền. Vậy là căn nhà có “rồng” nổi này vẫn còn vách lá, mái tôn cũ kỹ.
Nguồn tin: Lao Động
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự