Tôi đi tìm mộ em trai
Gia đình tôi vốn gốc ở huyện Từ Liêm (Hà Nội). Trước Cách mạng tháng Tám, bố tôi tham gia cách mạng rồi được cấp trên cử lên hoạt động ở miền núi, cụ là một trong bốn chiến sỹ cộng sản đã thành lập nên Chi bộ cộng sản đầu tiên ở xã Văn Lung, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ (nay xã Văn Lung thuộc thị xã Phú Thọ).
Văn Lung cũng chính là quê ngoại tôi. Khi hoạt động cách mạng, bố tôi đã gặp mẹ tôi và nên duyên chồng vợ. Hai cụ sinh được 6 người con. Tôi là cả, tiếp theo là 5 em Phí Văn Cương, Phí Thị Kim, Phí Văn An, Phí Văn Nhàn, Phí Thị Sen. Em Cương tôi sinh năm 1947. Tháng 3/1967, vừa tròn 20 tuổi thì em tôi nhập ngũ, vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam…
Hai tháng sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, gia đình tôi nhận được giấy
báo tử đề ngày 1/6/1975, báo tin em tôi đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống
Mỹ cứu nước, được công nhận là liệt sỹ. Không gì có thể so sánh được với nỗi
đau đớn của gia đình tôi khi nhận được tờ báo tử đó.
Nhưng trong nỗi đau đớn tột cùng ấy, gia đình tôi cũng có được một niềm an ủi, đó là sau bao nhiêu năm chia cắt, giờ đây non sông đã liền một dải, đất nước đã sạch bóng ngoại xâm, trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, chống kẻ thù hung ác nhất hành tinh ấy, có sự đóng góp của em tôi.
Và cũng ngay từ ngày ấy, bố mẹ tôi cũng như tất cả anh em tôi đều có chung một nguyện vọng, là tìm được nơi em tôi đã hy sinh, đưa được hài cốt của em tôi về quê cha đất tổ. Em tôi hy sinh ở đâu? Phần mộ nằm ở nghĩa trang nào hay được mai táng ở chỗ nào? Giấy báo tử chỉ ghi em tôi là thượng sỹ, tiểu đội trưởng thuộc KB, và nơi mai táng là “gần mặt trận”.
Miền Nam rộng mênh mông, suốt mấy chục năm trời, từ phía nam cầu Hiền Lương đến tận mũi Cà Mau, đâu chả là mặt trận? Chỉ cần biết Cương hy sinh ở tỉnh nào thôi, thì anh em tôi sẽ dò tìm đến tận hang cùng ngõ hẻm của tỉnh đó mà tìm. Câu hỏi: "Cương hy sinh ở đâu?", đã day dứt không chỉ với song thân mà còn đối với tất cả anh em chúng tôi.
Vừa ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ, thì biên giới phía Nam, rồi biên giới phía Bắc lại ngút trời khói lửa bởi giặc ngoại xâm. Những năm 80 (TK 20), đất nước vô cùng khó khăn, việc đi lại đầy vất vả, nhưng anh em tôi không nản chí, nghe bất cứ manh mối nào, chúng tôi cũng tìm đến. Nhưng kết quả vẫn là bóng chim tăm cá. Năm 1993, tôi vào Nam, đi mấy tỉnh nhưng không có được bất cứ một thông tin nào.
Năm 1997, nghe được một thông tin, ba em An, Nhàn, Sen của tôi cơm đùm cơm nắm đi Bình Phước, nhưng đi không rồi lại về không. Lúc này, bố tôi đã yếu lắm, đau ốm liên miên. Năm 1999, bố tôi mất ở tuổi 84, lời cuối cùng của cụ trước lúc đi xa là “các con hãy cố gắng, bằng mọi cách phải tìm được hài cốt của Cương đưa về…”.
Năm 2003, em tôi là Phí Văn Nhàn tìm đến một “nhà ngoại cảm” nhờ giúp đỡ. Nhà ngoại cảm này quả quyết rằng em tôi hy sinh ở Bình Phước, ba em tôi là An, Nhàn, Sen lại đi Bình Phước lần thứ hai. Còn tôi, tôi quyết định đăng tin tìm mộ em trai trên báo Cựu Chiến binh, với hy vọng là những dòng tin ấy đến được với đồng đội của em tôi còn sống, và họ sẽ mách bảo thông tin chính xấc về nơi em tôi đã ngã xuống.
Báo đăng được mấy ngày, thì 22 giờ đêm tôi nhận được một cú điện thoại. Người đầu dây tự xưng tên là Đặng Đức Phu, cựu chiến binh, quê ở Hải Dương, hiện đang ngụ tại 26B/88 khu phố 13 phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Anh Phu nói anh cùng đơn vị chiến đấu với em tôi. Ghi lại địa chỉ của anh xong, tôi lập tức thông báo qua điện thoại cho ba người em lúc đó đang lặn lội dò tìm ở Bình Phước.
Các em tôi tìm đến nhà anh Phu, được anh cho biết, anh là Bí thư chi bộ của đơn vị trong đó có em tôi, là người đã kết nạp em tôi vào Đảng. Nhưng rồi sau năm 1968 anh được ra Bắc học tập ở Hà Nội, và cũng chỉ nghe tin tháng 9/1969 em tôi bị thương ở vùng biên giới Tây Ninh, được đưa vào bệnh viện và đã hy sinh ở bệnh viện. Những thông tin đó thật quý giá đối với anh em tôi, nhưng vẫn chưa phải là chính xác.
Và những câu hỏi lại vẫn cứ day dứt. Bệnh viện mà em tôi được đưa vào là bệnh viện nào? Bệnh viện dân sự thì dứt khoát không phải rồi, vì các bệnh viện đó đều nằm trong vùng địch kiểm soát, lúc đó quân ta vẫn phải đóng trong rừng. Còn bệnh viện dã chiến của quân ta, cũng đóng trong rừng, thì nay ở đây vài tháng sau có khi đã phải chuyển nơi khác.
Anh Vy bị bệnh, lúc nhớ lúc quên, nhưng lúc nhớ, anh đã cung cấp cho chúng tôi
một thông tin vô cùng quý giá, đó là em tôi hy sinh ở xóm Mía, xã Tân Hiệp, huyện
Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Đến đây, thì câu hỏi đã khiến anh em tôi day dứt suốt
chừng ấy năm đã được giải đáp.
Năm 2007, tôi vào nhà anh Phu, cũng không được thêm thông tin gì, ngoài một tờ giấy xác nhận của anh: Phí Văn Cương sinh năm 1949 (thực ra thì em tôi sinh năm 1947) vào chiến trường miền Nam tháng 3/1968, được biên chế vào trung đội thông tin trinh sát của tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 1 Bình Giã, sư đoàn 9.
Chúng tôi đã tìm đến các đơn vị theo sự cung cấp của anh Phu, nhưng do chiến tranh, giấy tờ sổ sách mất mát nhiều. Những người chỉ huy, người thì hy sinh, người đã phục viên, người thì chuyển sang ngành khác…nên cũng chẳng thể biết được gì hơn. Cũng trong năm này, chúng tôi nhận được một thông tin, là ở Lâm Thao có một người cùng đơn vị với em tôi là anh Kháng. Nghe nói anh Kháng có giữ một số di vật của em tôi nhưng không hiểu sao từ sau khi phục viên đến tận lúc đó anh vẫn không tìm đến với chúng tôi.
Chúng tôi đã tìm được nhà anh Kháng, nhưng đến nhà rất nhiều lần vẫn không sao gặp được. Tôi không hiểu anh cố tình không gặp hay vì những lý do gì khác nữa. Rồi lần mò, chúng tôi tìm được một người thứ hai cũng cùng đơn vị với Cương, đó là anh Nguyễn Thái Vy ở huyện Sông Thao cùng tỉnh Phú Thọ. Anh Vy bị bệnh, lúc nhớ lúc quên, nhưng lúc nhớ, anh đã cung cấp cho chúng tôi một thông tin vô cùng quý giá, đó là em tôi hy sinh ở xóm Mía, xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Đến đây, thì câu hỏi đã khiến anh em tôi day dứt suốt chừng ấy năm đã được giải đáp.
Suýt sập bẫy nhà ngoại cảm rởm
Ông Phí Văn Kỷ kể tiếp:Do thời gian quá lâu, lại nóng lòng muốn tìm thấy mộ của em trai. Nhất là những năm qua, rộ lên tin đồn hết nhà ngoại cảm này đến nhà ngoại cảm khác đã giúp rất nhiều thân nhân của liệt sỹ tìm được hài cốt của con em mình nên anh em tôi cũng đã mấy lần tìm đến họ. Như phần trước đã nói, là một nhà “ngoại cảm” đã quả quyết rằng Cương hy sinh ở Bình Phước, và ba em An, Nhàn, Sen của tôi đã lặn lội vào đó hai lần, nhưng chẳng có kết quả gì.
Trong khi đó anh Phu, rồi anh Vy, những người là đồng đội của em tôi đều nói rằng Cương hy sinh ở Tây Ninh, thì vào quãng cuối tháng 9 năm 2010, một ông chủ tịch quận, người quen của chú em tôi là Phí Văn Nhàn, đã giới thiệu Nhàn với một “nhà ngoại cảm” tên là Phạm Thị Phương Nghĩa.
Tin vào lời giới thiệu của ông chủ tịch quận nọ, chúng tôi đã tìm đến gặp “thầy”. Không biết “thầy” Nghĩa quê quán ở đâu, gốc gác thế nào, tài năng ra làm sao, chỉ biết “thầy” thuê nhà ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Mấy anh em đến, “thầy” thiết lập đàn tràng, bày lễ lạt ra rồi…thượng đồng, tuyên bố triệu hồn em tôi về cho “nhập” vào nhà tôi. Chẳng biết “thầy” làm thế nào mà nhà tôi cứ mê lên…
Bà Phạm Thị Hiền, vợ ông Kỷ, cho biết :
- Không, lúc đó tôi hoàn toàn không mê. Đầu óc tôi vẫn tỉnh táo. Chỉ có điều
tôi cứ trả lời mụ Nghĩa này như một cái máy. Ví dụ mụ hỏi tôi (vì lúc đó mụ đã
“triệu hồn chú Cương nhập vào tôi” rồi , nên tôi chính là…chú Cương mà) là “anh
hy sinh ở Quảng Trị, phải không ?” thì tôi lắc.
Mụ lại hỏi “anh hy sinh ở Thừa Thiên- Huế phải không?”, tôi lại lắc. Rồi hỏi tiếp mấy tỉnh nữa, tôi đều lắc. Đến lúc mụ hỏi “anh hy sinh ở Đồng Nai, phải không?”, thì tôi gật. Lại hỏi tiếp “anh hy sinh ở huyện nào, có phải huyện Trảng Bom không?”, tôi lại gật. Hỏi “anh hy sinh tháng chín, phải không?”, tôi gật. Hỏi mấy ngày trong tháng 9, tôi lắc, đến một ngày thì tôi gật.
Thật tôi cũng không hiểu ra sao nữa. Hình như bằng một cách nào đó, mụ điều khiển tôi phải gật, lắc theo ý mụ. Tôi thường nghe người ta nói đến chuyện thôi miên, không biết có phải lúc đó tôi bị mụ ta thôi miên không, chỉ biết là mình hoàn toàn không làm chủ được mình…
Ông Phí Văn Kỷ đỡ lời vợ:
- Thượng đồng xong, “thầy” Nghĩa “thăng”, và quả quyết với gia đình tôi rằng em tôi “chết trận” ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, trong một trận đánh “rất ác liệt”, xẩy ra vào tháng 9 năm 1969, được mai táng ở “gần mặt trận”. Muốn tìm được hài cốt thì phải đi ngay ngày hôm sau, nếu không thì không bao giờ tìm thấy. Và nếu đi thì chỉ trong một ngày là tìm thấy. Người nhà tôi đi bao nhiêu tùy ý, nhưng phải có “thầy” và một đệ tử của “thầy” đi cùng.
Đi máy bay vào thành phố Hồ Chí Minh, “thầy” và đệ tử của “thầy” phải đi vé hạng
thương gia (VIP), mà phải là vé khứ hồi. Vào đến nơi, hai “thầy”- trò phải ở
khách sạn hạng sang, còn người nhà tôi ở đâu tùy ý.
Trong quá trình tìm hài cốt, “thầy” sẽ “chỉ đạo” bằng điện thoại từ khách sạn…“Thầy” ra lệnh cho gia đình tôi: phải chuẩn bị một phong bì 3,5 triệu, một phong bì 500 ngàn, một cái lễ 2,5 triệu. Xe do “thầy” bố trí, tiền xe hết 7,5 triệu, sáng hôm sau xuất phát, tìm, đào, bốc hài cốt trong ngày là xong. Hôm đó đã là giáp ngày đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Riêng vé máy bay đi lại cho chuyến đi này đã mất gần 22 triệu đồng.
Thú thật là lúc đó, không chỉ riêng nhà tôi mà tất cả các em trai, em dâu tôi cũng đều tin. Thì rõ ràng là “hồn” em tôi hiện lên, “nhập” vào người đang sống để quả quyết rằng mình chết ngày ấy tháng ấy, ở chỗ ấy, còn gì nữa mà không tin? Vào đến nơi, “thầy” dẫn đệ tử của mình tót vào một khách sạn bốn sao. Từ chỗ trọ, mấy anh em tôi bàn nhau: Mọi thông tin mà chúng tôi nắm được đều nói Phí Văn Cương hy sinh ở Tây Ninh. Sao “thầy” lại quả quyết em tôi “chết trận ở Trảng Bom, Đồng Nai”? Chuyện này có điều đáng ngờ.
Hai phóng viên của tạp chí “Rừng và Môi trường” (tôi làm Phó Tổng Biên tập tạp chí này), thường trú ở trong Nam, biết tin tôi vào tìm hài cốt của em, cũng tìm đến chơi. Vốn là những người rất am hiểu, thông tỏ về đất Đồng Nai, cả hai đều khẳng định không hề có một trận đánh nào xẩy ra vào ngày ấy, tháng ấy như lời phán của “thầy”. Lúc đó, cả nhà tôi mới giật mình tỉnh ngộ: Mắc bẫy rồi, bị lừa rồi. Vợ chồng tôi quyết định đến khách sạn gặp “thầy” Nghĩa, tuyên bố “phá hợp đồng”.
Nghe tôi thông báo chuyện đó, “thầy” làm ầm ĩ lên, “thầy” đe gia đình tôi là: “Không nghe lời tôi, nếu sau này gặp tai họa gì thì gia đình hoàn toàn chịu trách nhiệm, lúc đó có mời tôi tôi cũng không giúp nữa đâu”. Rồi “thầy” dẫn ra chuyện một gia đình khác, cũng đến nhờ “thầy” tìm mộ của thân nhân. “Thầy” đã chỉ rõ nơi thân nhân nằm rồi nhưng cuối cùng thì “lòng không thành”, không chịu tin “thầy” mà lại đi “tin nhảm tin nhí” nên không nhờ “thầy” nữa. “Thầy” bảo:
- Người nhà nhập vào tôi (tức “thầy” Nghĩa), lên miệng mắng cho một trận, và bảo “tao sẽ bẻ hết chân tay chúng mày”. Kết quả là sau đó, một đứa con của nhà ấy gẫy tay, đứa khác thì gẫy chân. Đấy tôi bảo thật cho mà biết, còn thì tùy ông bà
Mặc kệ “thầy” muốn nói thế nào thì nói, chúng tôi ra về. Cũng may mà tỉnh ra sớm, chứ không thì toi mất hơn chục triệu cả xe cộ lẫn lễ lạt. Hôm sau, đúng vào ngày khai mạc Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, tàu xe đều chật ních người, mấy chú em tôi nhanh chân kiếm được vé tàu hỏa nên ra được. Còn tôi, kẹt trong đó đúng một tuần. May mà trong đó có nhiều bạn bè, anh em. Nghĩ thật không cái dại nào giống cái dại nào.
Nguồn tin: Thanh Vũ Báo Nông nghiệp
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự