Tọa lạc trên mảnh đất thiêng thôn Thượng Phúc - xã Tả
Thanh Oai (Thanh Trì - Hà Nội), chùa Bảo Tháp đã đi cùng với chiều dài lịch sử dân
tộc gần 800 năm và trở thành một địa chỉ Phật giáo linh thiêng gắn với nhiều
nhân vật nổi tiếng trong lịch sử bằng bản thần phả còn lưu giữ lại có giá trị
văn hóa vô cùng độc đáo.
Theo nhiều tư liệu lịch sử còn ghi chép lại từ Đại Việt
sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục chính biên, An Nam hình thắng đồ…, chùa Bảo
Tháp được xây dựng vào năm 1225 (cuối triều Lý đầu triều Trần) do Lý Thầm vốn
là hoàng thúc vua Lý Huệ Tông trong truyền thống vương triều “Giúp nước, tu
hành, dòng dõi tám đời nhà Lý”. Ông đã tu hành và đắc đạo hóa Phật, tiên khai
phát sáng đạo Phật tại ngôi chùa Bảo Tháp hiện còn tồn tại đến ngày nay.
Theo bản thần phả 1270 chữ viết trên giấy rồng do Thượng
thư Đông các Đại học sĩ Chính Biên ghi chép lại, việc ra đời ngôi chùa Bảo Tháp
gắn liền với truyền thuyết “Hóa thân thần phật của bà Minh Từ Hồ Thuận Nương” vừa
mang yếu tố huyền thoại vừa đậm chất hiện thực bởi nhân vật cụ thể của lịch sử.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: bà Hồ Thuận Nương là
người Diễn Châu lấy vua Trần Minh Tôn (1314-1329) sinh hạ vua Trần Nghệ Tôn.
Con vua Trần Nghệ Tôn lấy con gái Hồ Quý Ly. Sau khi Hồ Quý Ly giết con rể lập
cháu ngoại làm vua, trong thời gian ChamPa đánh vào Thăng Long, bà tìm đến chùa
Bảo Tháp để lánh nạn. Tại đây, bà gặp Hồ Bà Lam, là chú họ của bà và cũng là
người hết sức mộ đạo. Tại chùa Bảo Tháp, bà cùng với Hồ Bà Lam tu đạo, làm từ
thiện và đã đắc đạo tại đây.
Trong một lần vua Lê Lợi dẫn quân ra Bắc đánh giặc
Minh đã nghỉ doanh trại ở chùa Bảo Tháp, được bà Minh Từ báo mộng phù hộ, báo mộng
chuyến đi sẽ thắng lợi. Sau khi thắng giặc trở về, vua Lê Lợi đã phong tặng sắc
phong mỹ tự “Thượng đẳng phúc thần hưng quốc” cho bà Minh Từ Hồ Thuận Nương.
Đặc biệt, cho đến ngày nay, các cụ cao niên trong làng
vẫn không quên câu chuyện kỳ lạ về cuộc vây bắt Việt Minh của giặc Pháp trong chùa
Bảo Tháp. Khi giặc Pháp ào ạt đổ vào chùa, không thấy Việt Minh đâu, chỉ thấy
khám thờ có tượng Đức cao tăng Hồ Bà Lam. Chúng hò nhau khuân ra, không được mà
toàn thân ướt sũng. Quá sợ hãi, chúng bỏ chạy nhưng toàn thân đau đớn. Trước sự
hiển linh đó, chúng phải sắm đồ lễ đến chùa khấn vái, xin tạ tội. Kính lễ xong,
chúng hết đau đớn và từ đó chúng coi đây là cõi thiêng không bao giờ dám quấy
phá và các cán bộ Việt Minh coi đây là nơi họp bàn, ẩn náu được Đức Phật che chở.
Không chỉ có giá trị tâm linh và văn hóa lâu đời, hiện
quần thể Chùa và Miếu Bảo Tháp còn lưu giữ được nguyên vẹn 32 đạo sắc phong trải
qua các đời vua từ năm 1663 (đời vua Lê Huyền Tông) đến năm 1850 (đời vua Tự Đức)
và tập thần phả viết trên giấy rồng của Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính. Đó là
những di sản vô cùng quý báu không chỉ của riêng chùa Bảo Tháp mà còn của cả
dân tộc.
Với khuôn viên trên 5.000 m2, chùa Bảo Tháp được bố
trí theo hình chữ Nhị, từ ngoài vào là Tam Quan. Sân chùa dựng hai cây Bảo
Tháp: một tháp thờ phật Tây Trúc, một tháp thờ Phật nhà Lý. Hệ thống tượng Phật
trong chùa có niên đại khoảng 300 đến 400 năm vô cùng quý giá. Những hoành phi,
đại tự, quấn thư đều có niên đại mấy trăm năm.
Khi chúng tôi đến chùa Bảo Tháp, toàn bộ 7 gian tam bảo
đã bị dỡ xuống, san phẳng. Những cây cột lim cả người ôm không hết vứt chỏng
chơ thành từng đống vì hầu hết đã bị mối mọt xông rỗng thân. Toàn bộ số tượng
Phật được “di cư” tạm vào gian nhà chật chội sau chùa. Hoành phi, câu đối, cuốn
thư mấy trăm tuổi bó lại xếp vào xó nhà ẩm mốc, Những đầu rồng, trạm trổ
vứt vương vãi cả đống dọc hai bên hành làng. Cả khuôn viên ngôi chùa dang dở
như một đống đổ nát hoang tàn.
Bác Nguyễn Đình Hưng - Ban chấp hành Hội người cao tuổi
thôn Thượng Phúc cho biết: “Chúng tôi đã báo cáo với các cấp lãnh đạo về tình
hình xuống cấp của chùa Bảo Tháp. Thành phố đã cử cán bộ về khảo sát 7 gian tam
bảo nếu trung tu hết 1 tỷ 284 triệu và quyết định cấp 800 triệu trong kinh phí
để trùng tu, phần còn lại nhân dân tự đóng góp.
Người dân địa phương chúng tôi cố gắng hết sức để
nhanh chóng tôn tạo lại ngôi chùa nhưng có một thực tế là gắn liền với 7 gian
tam bảo còn có 3 gian hậu cung chưa được khảo sát. Mà khi tháo dỡ 7 gian tam bảo
thì 3 gian hậu cung gần như xuống cấp hoàn toàn. Hơn nữa, nhiều hiện vật được
khảo sát là có thể tái sử dụng như hệ thống 12 cột chùa có thể giữ lại 9 cột
nhưng thực tế khi tháo dỡ gần như 12 cột gỗ đã hỏng hoàn toàn do mối mọt đục rỗng”.
Sư thầy Thích Minh Nguyệt trông nom ngôi chùa thốt
lên: “Nhà chùa cùng nhân dân địa phương cố gắng hết sức mà không xuể. Nếu cứ để
thế này thì bao nhiêu tượng Đức Phật, bao nhiêu hoành phi, câu đối, sắc phong
không có chỗ an tọa, theo mưa nắng mà hỏng hết mất thôi”.
Ông Đỗ Trọng Hội - Phó chủ tịch UBMTTQ xã Tả Thanh Oai
cũng không khỏi sốt sắng: “Ngôi chùa Bảo Tháp là ngôi chùa quý gần 800 năm tuổi
mà không một người dân nào trong vùng không biết. Sự xuống cấp nhanh chóng của
ngôi chùa, chúng tôi biết mà không làm thế nào được. May mắn là vừa rồi nhà nước
có khảo sát và quyết định chi 800 triệu trùng tu. Nhưng với thực trạng xuống cấp
như vậy, chúng tôi nghĩ vẫn còn phải cần thêm rất nhiều kinh phí mới có thể
hoàn thiện được.
Chính quyền địa phương rất mong muốn các cơ quan văn
hóa cấp trên tiếp tục khảo sát cấp thêm kinh phí và đặc biệt mong muốn các tấm
lòng hảo tâm phát tâm công đức để cùng nhân dân địa phương giữ gìn cho thế hệ
mai sau ngôi chùa vô giá này”.
Cổng chùa xập xệ nên không thể mở cửa
Cả ngôi chùa chỉ còn nguyên vẹn cổng tam quan
Các cụ cao tuổi trong làng kiểm tra hòm công đức để góp trùng tu chùa
Các pho tượng đất lớn chỉ còn biết đậy bạt che tạm
Hoành phi câu đối mấy trăm năm bó tạm trong góc nhà
Đầu rồng dọc hành lang
Những cột lim bị mối mọt xông rỗng
Tượng phật di cư chen chúc tại nhà sau
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự