Quả đồi quái dị

Thứ ba - 16/11/2010 14:56
Trên cánh đồng làng Bích Nham thuộc xã An Đức (huyện Chí Linh, Hải Dương) nổi lên quả đồi thấp như một cái bát úp giữa đất bằng, dân trong vùng gọi là đồi Nham.

Nhìn quả đồi chỉ rộng chưa đầy chục héc - ta, cây cối xanh um, đất đai rất màu mỡ, không ít người thắc mắc: “Quả đồi như một miếng xôi gấc giữa một vùng quê đói đất, mà sao chẳng anh nào biết, xin thầu, lên đấy mà lập nghiệp. Như ở vùng khác, thì đó đã trở thành một trang trại cho thu nhập tiền tỷ hàng năm từ lâu rồi”. Nhưng, những thắc mắc ấy sẽ được giải đáp ngay nếu ta gặp những người có tuổi trong làng. Ông Nguyễn Quý chỉ ngôi nhà nằm sát chân đồi, bảo chúng tôi:

- Đó chính là nhà tôi, do hai cụ tôi làm. Tôi đẻ ở ngôi nhà đó, lớn lên cũng ở đó. Nhưng sau khi các cụ tôi “hai năm mươi” thì tôi cũng bỏ luôn, làm cái nhà mới này, nhà cũ khóa cửa để đấy, đã gần hai chục năm rồi. Trên đồi, cũng còn mấy ngôi nhà hoang nữa, chủ nhân của chúng cũng như tôi, cũng lần lượt phải ra đi vì…không dám ở.

 

Sau 3 lần xây, miếu vẫn chỉ còn nền

Trèo lên đồi xem, chúng tôi thấy một cảm giác rất lạnh lẽo, khác hẳn với cảm giác khi lên những quả đồi ở trung du hay miền núi. Lạnh lẽo và hoang vắng. Vắng lặng đến gai người. Trên đồi Nham tre pheo, cây cối mọc um tùm, cỏ lút đầu gối, dây leo chằng chịt tầng tầng lớp lớp, cứ như thể từ thuở hồng hoang đến giờ chưa một ai đụng cuốc đụng dao.

Càng đi, càng nghe được nhiều chuyện quái dị về ngọn đồi này. Rằng bất cứ ai, chỉ cần chặt một vài cái cây, đào một ít đất trên đồi, thì sau đó sẽ “biết thân” ngay. Người thì tai nạn chết bất đắc kỳ tử, người thì phát dại phát điên, người thì gà toi, lợn chết… đến khuynh gia bại sản. Có người hàng đêm, đang ngủ tự nhiên cái giường cứ dựng đứng lên.

Gần đây nhất là anh Hào, chỉ lấy có mấy sọt đất mà rồi cuối cùng hâm hâm dở dở, bỏ nhà đi theo mấy người ra Quảng Ninh đào than thuê, ở nhà thì vợ con ly tán. Hai thanh niên là anh Khương, anh Thể, chỉ chặt vài cành cây mà bỗng dưng thấy một đàn ong, không biết từ đâu tới, đốt túi bụi, chạy chữa mấy năm giời nhưng mình mẩy, chân tay vẫn đau nhức…

Chuyện những người xâm phạm đồi Nham bị “trừng trị” bởi một thế lực siêu nhiên, cũng chẳng khác gì chuyện những người bắt cá tại suối “cá thần” ở Thanh Hóa bị “trừng trị” từng làm chấn động dư luận một thời.

Chính tôi, hồi ấy đã được phân công đến BV Việt Đức (Hà Nội) để gặp người nhà một thanh niên bị tai nạn giao thông. Người nhà anh ta kể rằng khi đi chơi ở suối “cá thần”, anh ta đã dại dột bắt một con cá lên nghịch chơi khiến con cá chết. Thế rồi trên đường về bằng xe máy, bỗng như bị ai xô mạnh từ phía sau, mất tay lái lăn ra đường nằm lịm. Nhìn người thanh niên bất động, mê man trên giường bệnh, tôi nổi da gà.

Trở lại câu chuyện đồi Nham, cách đây mấy năm, một người làng Bích Thủy bên cạnh là anh Quân, bất chấp những lời đồn, đã đưa gia đình lên đồi lập nghiệp. Nhưng từ khi dựng xong cái nhà trên đồi, thì không biết bao nhiêu là chuyện quái đản đã xẩy ra.

Kỳ lạ nhất là những bụi tre anh trồng quanh nhà, chỉ cao được ba bốn thước là bỗng nhiên…uốn cong lại rồi quay ngọn xuống đất. Cuối cùng, anh Quân đành bỏ nhà, đưa vợ con đI đâu chẳng rõ.

Anh Quân bỏ đi được mấy ngày thì ngôi nhà cứ vỡ ra từng mảng rồi đổ sụp. Một số bà con làng Bích Thủy kể, nhiều đêm nhìn lên đồi thấy cứ sáng rực lên. Có người đêm đi gần đồi, bỗng thấy một con lợn mẹ và bầy con, con nào con nấy vàng chóe, đã xông vào bắt. Có một con lợn què cứ lăn vào chân ông ta nhưng ông ta không để ý, cứ ham đuổi con khỏe, cuối cùng thì cả đàn lợn biến mất. Người kể kết luận:

- Đó chính là đàn lợn vàng. Con lợn què chính là con đầu đàn, bắt được nó thì cả đàn sẽ theo về ngay. Ông ta được trời cho vàng nhưng không biết lấy nên trời không cho nữa.

Kỳ lạ nhất là cái miếu được xây trên đồi. Bà Tăng Thị Mức, người trông coi miếu, kể rằng từ ngày xửa ngày xưa, dưới gốc một cây đa trên đồi có một tảng đá bằng rộng chừng năm, sáu thước vuông.

Lâu ngày, rễ phụ của đa trùm kín tảng đá. Cây đa to đến mức mấy chục người ôm không xuể, nhưng đến “thời Tây” thì đa chết, chỉ còn lại thân chính. Những năm 50 của thế kỷ trước, các cụ đã xây một cái miếu ở đó, lòng miếu bao trọn tảng đá, nhưng vừa xây xong thì miếu đổ.

Gần đây, bà con đã xây lại, người được giao xây miếu là ông Nguyễn Văn Trung, một người rất giỏi nghề xây, nhưng vừa xây xong hôm trước thì hôm sau miếu đổ sụp. Ông Trung bảo:

- Xây miếu là việc tâm linh nên tôi xây rất cẩn thận, không dám sơ sài một chút nào. Khi miếu đổ, bà con nhiều người ngờ ta tôi “rút ruột công trình” nên mới thế. Tôi rất buồn nên lần sau xây lại, tôi mời bà con thay nhau ra giám sát, từ khâu trộn vữa đến khâu xây dựng, hoàn thiện. Ai ngờ lần này cũng không khác lần trước, vừa xây xong miếu lại đổ sụp. Tính từ thời các cụ, thì đã ba lần xây cả thảy rồi. Từ đó không dám xây nữa. Miếu chỉ còn cái nền, bà con đặt bát hương trên đó thôi…

Gần như tất cả những người dân hai làng Bích Nham, Bích Thủy được chúng tôi hỏi chuyện, đều bảo:

- Các cô đồng, thầy bói bảo trên đồi này, người Tàu đã chôn người, giấu của rồi yểm bùa nên mới có những chuyện kỳ quái như vậy. Giờ, chỉ có biết được câu “chú” của họ, đọc lên để giải bùa, thì mới làm nhà, xây miếu trên đồi được. Nhưng không ai biết…

“Chuyện “người Tàu giấu của” rồi yểm bùa, khiến đất lành trở thành đất nghịch, tôi đã được nghe khá nhiều, chẳng hạn như ông Thế Lữ đã viết về chuyện một người Tàu giấu của ở hang Văn Dú tận Lào Cai, với những câu chú: “Mồm có hai nanh/ Ba chân, bốn tay/ Mày vào trăm chân/ Mày lên năm tay/ Tên mày là Đá/ Đá sinh trứng đá/ Trứng đá giữ của/ Mày có sức mang/ Mày giầu, mày chết”… Nhưng đó chỉ là chuyện, là lời đồn, còn sự thực đến đâu chẳng ai kiểm chứng được. Chỉ biết hiện giờ, giữa thời buổi “tấc đất tấc vàng” mà đồi Nham vẫn hoang sơ như hàng trăm năm trước”.

Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây