Lắp cổng chùa vào… cổng đền

Thứ sáu - 12/11/2010 15:07
Đi qua đền Voi Phục (thuộc P.Ngọc Khánh, Q.Ba Đình, Hà Nội) vừa được tôn tạo, tu bổ, nhiều người ngơ ngác không nhận ra vì chiếc cổng đền… quá mới. Đền Voi Phục thờ vị thần trấn ở phía tây kinh thành Thăng Long là Linh Lang Đại vương, tương truyền có từ thời vua Lý Thánh Tông (1054-1072). Ở hai bên cửa đền có đắp hai con voi quỳ dưới đất, chính vì thế mà nơi đây được quen gọi là đền Voi Phục.

Có thời kỳ thực dân Pháp đốt đền và phá nát cổng chính nhưng người dân đã xây dựng lại. Hình ảnh chiếc cổng đền Voi Phục với tượng hai con voi ở hai bên đã quá đỗi gắn bó, nằm sâu trong tiềm thức của người dân bao đời qua.

Vậy nhưng ngay sau khi dự án tu bổ đền Voi Phục kết thúc vào tháng 8.2010, nhiều người đi qua đây không còn nhận ra đền. Một chiếc cổng tam quan vừa được xây mới hoàn toàn, sát phía mặt đường, choán hết cả chiếc cổng cũ.

Một kiểu tôn tạo lãng phí

Năm 2009, dự án tu bổ đền Voi Phục được UBND TP Hà Nội giao cho UBND Q.Ba Đình thực hiện với tổng mức đầu tư trên 18 tỉ đồng. Có thể nhận thấy, kinh phí dùng để xây dựng chiếc cổng mới chiếm một phần không nhỏ trong tổng số tiền đầu tư. Vấn đề đặt ra là có cần thiết phải xây một chiếc cổng mới, che khuất chiếc cổng cũ mang giá trị lịch sử, văn hóa từ nhiều thế kỷ như vậy?

 “Hồi xưa, các cụ thường xây lui cổng đình, chùa hay đền vào phía trong, không sát với mặt đường để tách khỏi cuộc sống đời thường, tránh sự ồn ào, để không gian chốn linh thiêng được tĩnh mịch. Vậy mà bây giờ lại cho xây cái cổng mới ở đền Voi Phục ngay sát đường” - KTS Đoàn Đức Thành (Hội Kiến trúc sư VN) băn khoăn. Ông nói: “Theo tôi, việc xây một cái cổng mới là hoàn toàn không cần thiết. Phía trước ngôi đền nên để một khoảng trống tạo sự tĩnh mịch cho không gian như trước. Hơn nữa, chiếc cổng cũ đã ăn sâu vào lòng người từ lâu rồi”.

Cổng đền Voi Phục “nhái” tam quan chùa Láng?

Nhiều nhà nghiên cứu thấy rõ một điều lạ lùng là kiến trúc của chiếc cổng mới tương tự cổng tam quan chùa Láng. Nếu chỉ đi ngang qua, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng bị nhầm lẫn giữa hai di tích.

 Họa sĩ Bùi Hoài Mai (ĐH Mỹ thuật Hà Nội) bày tỏ: “Cái cách “copy” (sao chép lại) cổng chùa Láng sang để dùng cho đền Voi Phục là rất tùy tiện”. Họa sĩ phân tích: “Thứ nhất là họ đã làm hỏng không gian cổng cũ của đền Voi Phục. Thứ hai là làm mất tính độc đáo của cổng chùa Láng”. KTS Đoàn Đức Thành cho rằng: “Chúng ta cần tôn trọng sự độc đáo của chiếc cổng chùa Láng. Để nhìn vào là biết đây là tam quan chùa Láng. Chứ đừng để tam quan nào cũng giống cái tam quan nào. Đi qua đền Voi Phục mà ngỡ đi qua chùa Láng”.

 

Cổng chùa Láng (trên) và cổng đền Voi Phục hiện nay - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo ông, tam quan chùa Láng cũng đã được “nhân bản” ra nhiều nơi không chỉ riêng đền Voi Phục. Ông nói: “Các kiến trúc sư, các nhà trùng tu, tu bổ quá lười, không chịu nghiên cứu, tìm tòi”. Trong khi đó, theo ông, có thể nhận thấy, ở mỗi ngôi chùa cổ, các tam quan không hề giống nhau, mỗi tam quan ở mỗi chùa mang giá trị nghệ thuật khác nhau.

Ông nói: “Nếu như các di tích đều giống nhau thì chẳng có ý nghĩa gì cả”. Bên cạnh đó, PGS-TS Phạm Mai Hùng cho rằng: “Việc lấy mẫu cổng chùa để xây cổng đền là việc không bình thường, không ăn nhập với di tích, không phù hợp với văn hóa. Cổng đền và cổng chùa có cấu tạo, kiến trúc khác nhau”.

“Việc lấy mẫu cổng chùa để xây cổng đền là việc không bình thường, không ăn nhập với di tích, không phù hợp với văn hóa. Cổng đền và cổng chùa có cấu tạo, kiến trúc khác nhau”. PGS-TS Phạm Mai Hùng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây