Tảng đá thèm ăn thịt & chiếc giếng chốc cạn, chốc đầy

Thứ ba - 16/11/2010 14:35
Các thầy mo ở Hòa Bình thường nói: “Nhất thiêng đền Lu, thứ hai Bục Cả, thứ ba Khụ Khêng”. Khụ Khêng - Đình Khêng ở Mường Khêng (huyện Lạc Sơn) thờ ông Chưởng Tín, bà Triệu Ân. Theo tín ngưỡng dân gian của người Mường đây là nơi thu nạp hồn, vía các loại ma chết non, chết đột tử, chết vì dao kiếm.

Dạ Há được người dân đặt tên cho hòn đá tự nhiên, cao chừng 1 m, chân đế đường kính khoảng 1m nằm ngay ở chân núi.  Còn trong các câu chuyện dân gian Mường thì Dạ Há là con vật ác, con vật này thường ăn thịt người. Tượng Dạ Há ở phía Đông Namso với nhà đình, ngay cạnh sân đình. Người Mường thường cúng bằng cách vần tượng Dạ Há vào ngày mở hội.


Ông Bùi Văn Nhưởng, người Mường xóm Mận năm nay đã gần 80 tuổi, sống ở xã Văn Sơn (Lạc Sơn) kể ba năm làm hội một lần trên núi Khêng vào tháng rằm tháng hai lúc trăng non: Hội vui lắm, mổ một trâu, một lợn cả làng lên núi ăn trong hai ngày hai đêm. Trước hội là lễ múc nước cho vua ở giếng tại ruộng Tình Khêng. Bình thường mùa hạn giếng này không hề có nước, chỉ có một lỗ nhỏ như lỗ cua.

Bố tôi sai tôi đi lấy đất để be xung quanh cái lỗ đấy lên, tôi bảo: “Có quái gì nước mà be hở bố?”. Bố tôi lừ mắt bảo: “Cứ ra mà làm”. Ban ngày tôi ra đắp, be giếng tử tế. Mười hai giờ đêm hôm đó, bố tôi bảo ra lấy nước về đóng rượu cần cho vua uống, tôi cãi, ban ngày ra be bờ giếng có nước đâu, bố tôi bảo cứ ra mà lấy. Ra đến nơi, kỳ lạ thay nước đầy và trong vắt, mát lắm…


Hòn Dạ Há xưa kia có chiếc lưỡi bằng đá to bằng cái dép tông, về sau bị người nào nghịch ngợm lấy mất. Trước hội, dân làng treo tảng thịt lợn vào cổ tảng đá, lấy bốn cái đòn buộc bằng chão chòng vào. Nhà thầy cúng sau khi gieo quẻ âm dương, ông Dạ Há muốn quay hướng nào đông, tây, nam bắc thì quẻ phải một sấp một ngửa. Gieo quẻ xong ông thầy cúng khấn: “Hôm nay ông muốn đi ăn hướng nào?”. Bốn thanh niên khỏe cầm đòn xoay hòn đá.  Mồm Dạ Há quay hướng nào thì hướng đó người hay bị ốm đau, chăn nuôi súc vật, trồng trọt hay bị dịch bệnh.

 Lạ nữa là xã mình không bao giờ bị nhưng các xã khác là bị. Năm đấy quay về hướng Thượng Cốc, ở đó bệt quá, không làm ăn gì được, sợ quá họ bèn cử nhiều người lên quay trộm. Quay mãi cũng không được, cho Dạ Há ăn thịt cũng không quay được…Lúc đó tôi chưa vợ, cũng được cử ra để quay đá. Có nhiều người đã thử xoay khi không cúng, không cho Dạ Há ăn thịt lợn thì không thể xoay được còn cúng rồi, cho ăn thịt rồi bốn người quay dễ, chỉ nặng hơn cối xay lúa một ít.

Ở núi Khêng còn có ngôi chùa thiêng lắm. Hồi trước có một anh du kích ở Tân Lạc bị Pháp bắn gẫy chân, máu chảy chạy bò lê vào gần nhà chùa, khấn: “Các ngài thương con không chạy được chỉ có chết”. Pháp cứ theo vết máu mà tìm nhưng cuối cùng không biết đi đâu vì không còn dấu nữa. Hôm sau hai anh em trong tổ tam tam cáng anh du kích đi khỏi chùa”.

Ngoài lễ lớn ba năm một lần, hàng năm lễ nhỏ vào rằm tháng hai, tháng bảy, tháng tám mỗi nhà cúng một con gà hoặc góp tiền làm một con lợn cúng xong, ăn luôn. Người dân thường trồng ngô, trồng lúa. Mường Khêng có hai cánh đồng Bàn Cờ và đồng Khêng. Vào hai thời điểm rằm tháng hai và rằm tháng bảy nông nhàn trời cũng ít nắng, mưa nhiều thuận lợi cho sâu bọ phát triển. Người Mường hay nói đây là thời điểm “chổ cảnh rôi ke” nghĩa là châu chấu cắn, sâu ke cắn. Nhẹ thì vàng lụi lá, nặng thì đổ cây ngổn ngang. Tháng bảy, lúa vừa lên một gang, sâu bọ xuống ăn lúa, có năm ăn nhiều lắm.

Mỗi khi như vậy ông từ Cố ở chùa Khênh họp dân làng lại và bảo: “Năm nay mùa màng sâu bọ nhiều quá, phải cúng các ngài để sâu bọ khỏi phá”. Mỗi nhà cúng một con gà. Làm xong buổi chiều, tối ngủ một giấc, sáng mai ra chim sáo ở trong núi đá bay ra đầy đồng đã nhặt hết sâu bọ. Tôi theo cách mạng nhưng điều này lại tin vì chính mắt mình thấy có nhiều chim sáo về nhặt sâu vậy.

Lại nói về hội. Hội khi đó đông người tham gia lắm! Họ kéo một dải vải dài cỡ 20 mét có bốn chữ nho “Bình yên thiên bảo” cầu bình yên, no ấm đi xung quanh cái chùa Khêng. Thầy nho đi trước, thầy cúng đi thứ hai, những người cầm lọng, cầm cờ và dân đi sau rốt. Hòn đá xoay từ hồi kháng chiến chống Pháp là không mở hội, không xoay nữa, ngay cả cái đình giờ cũng bị san phẳng.

Anh Bùi Văn Mẩng nhà ở gần cái giếng xưa bảo có tới 3 cái lỗ giếng là giếng Biệng, giếng Khường, giếng Lở Lác. Giếng Lở Lác ai mà tắm y như rằng bị lở, lác toàn thân. Giếng Khường để lấy nước cúng vua trong lễ hội. Chính mảnh đất có giếng nhà anh Mẩng, chính anh đào ao, lấp giếng rồi chặt những cây si, cây duối cổ thụ xung quanh giếng. Tự dưng gia đình lục đục, con cái ốm đau, sợ quá, anh Mẩng bèn đem mảnh đất cho chị Quách Thị Chiên là chị dâu họ làm nhà, sinh sống.

Cứ như lời chị Chiên: Việc làm ăn cứ vào rồi lại ra hết còn sức khỏe của cả nhà cứ lao đao. Ngay như tôi lúc đau đầu, lúc mỏi chân tay, khi quặn ruột còn chồng tôi cũng bị tai nạn mất năm 2003. Đi xem thầy hết thầy nọ đến thấy kia người ta bảo đó là phạm vào giếng thiêng nên phải chuyển nhà đi, nhưng biết chuyển đi chỗ nào, nhà thì mới xây làm sao nhổ đi được. Sát chỗ cái lấp mấy cái giếng tôi cất cái chuồng lợn, nhưng mua lợn về nuôi thế nào về sau nó cũng chỉ bằng ấy, chậm lớn lắm! Các ô chuồng cách cái giếng mấy mét thì lợn cũng lớn gọi là tạm được.

“Chị Chiên kể tiếp: Một câu chuyện kỳ lạ chính mắt tôi chứng kiến là cách đây hơn hai năm, khi tết tôi mổ một con lợn trên 30 kg ở cạnh cái giếng đào tro.ng sân, lúc mổ giếng còn đầy tràn nước, chưa cạo xong lông lợn thì bơm không lên nổi một giọt vì đã cạn ráo tự lúc nào. Sợ quá tôi nhờ bà mỡi (một dạng thầy cúng) Bùi Thị Ninh ở cùng xóm cúng một lúc, nước lại dâng lên đầy, lại cạo lông, mổ lợn tiếp”..

Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây