Chùa Bảo Vân những bữa ăn cho bệnh nhân nghèo

Thứ sáu - 10/12/2010 14:47
Bất kể nắng mưa, ngày nào cũng như ngày nào, cứ đúng 3h, căn nhà nhỏ của hẻm 23/4 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP HCM đã đỏ lửa. Gần hai chục con người từ nhiều tỉnh thành của miền Tây về đây làm công quả tại chùa Bảo Vân lại trở dậy chuẩn bị bữa ăn cho bệnh nhân nghèo.

Đúng 9h, hàng ngàn suất ăn được chăm chút bằng tấm lòng thiện nguyện lại theo xe của nhà chùa đến các bệnh viện. Nhưng, theo Ni sư Thích Nữ Như Giác, trụ trì chùa Bảo Vân (TP HCM) cho biết, thì mục đích sâu xa không chỉ là bữa ăn mà làm sao giúp những con người trong cơn bĩ cực vượt qua thử thách, giữ vững niềm tin vào cuộc đời, vào lòng người, mới là điều chương trình hướng đến… 

Những gánh trần ai nặng lòng cõi Phật 

Ni sư Như Giác nhớ lại: Ý tưởng về việc tổ chức các bữa ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo có cách nay đã khoảng hơn chục năm. Khi ấy, một Phật tử vốn là điều dưỡng của Bệnh viện Nhân Dân Gia Định hay qua lại chùa Bảo Vân kể rằng có khá nhiều bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh rất thương tâm, thiếu cả tiền ăn.

Ban đầu chỉ tính làm quy mô nhỏ theo kiểu huy động phật tử phát tâm và cử người đến các chợ đầu mối khất thực. Từ chỗ còn nghi ngại, dần dà, người ủng hộ càng nhiều hơn. 300 suất ăn mỗi ngày được cung cấp đều đặn cho Bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Thấy nhà chùa phát thức ăn, nhiều bệnh nhân đang chữa trị tại Trung tâm Ung bướu thành phố ở kế bên cũng qua xin… cháo. 

Vào trung tâm tìm hiểu, chứng kiến cơn bĩ cực của những người bệnh nghèo, người tu hành như các ni sư, ni cô mang nặng niềm xót xa nên lại động viên nhau cùng cố gắng thêm. Cho đến hôm nay, mỗi ngày bếp ăn từ thiện của chùa đã cung cấp đến trên 3.000 suất ăn mỗi ngày cho 4 bệnh viện, trung tâm tại thành phố.


Các tình nguyện viên làm công quả tại bếp từ thiện của chùa Bảo Vân chuẩn bị thức ăn cho bệnh nhân nghèo.

Khó có thể kể hết bao nhiêu tấm lòng và bao nhiêu con người đã được chùa Bảo Vân giúp đỡ trong những năm qua. Nhưng cũng đã có không ít câu chuyện ở nơi vốn chỉ được coi là "cõi tạm" của chốn hồng trần này lại khiến lòng người nơi cửa Phật chợt không tĩnh lặng.

Cách đây không lâu, một bé gái được người cha đưa đến chữa trị tại Trung tâm Ung bướu được chùa Bảo Vân hỗ trợ xe lăn. Đúng thời điểm lễ Noel, nhìn cô bé ngộ nghĩnh, xinh xắn với chiếc mũ đỏ, ai cũng nựng nịu. Khi cháu bỏ mũ ra, nhiều người bàng hoàng bởi dưới lớp mũ đỏ ấy là chiếc đầu đã trọc lốc vì tác động của thuốc. 

Cha cô bé cho biết, mẹ bé đã mất, hai cha con dắt díu nhau từ Phú Yên về đây chữa bệnh. Nhà nghèo, tài sản trong nhà lần lượt "đội nón" ra đi để đổi lấy tiền thuốc thang cho con. Bản thân ông về TP HCM vừa tranh thủ chăm con vừa đi làm phụ hồ. Điều bất ngờ với các ni cô là một thời gian sau, không biết tìm hiểu từ đâu, cô bé ấy đẩy xe lăn, dắt díu thêm một nhóm bạn sàn sàn tuổi và cũng đang chữa trị tại Ung Bướu tìm đến chùa Bảo Vân. 

Những chuyến thăm như thế ngày càng nhiều hơn nên lâu lâu, không thấy đám trẻ ríu rít ghé qua, nhà chùa lại thấy thiếu vắng. Rồi cũng chỉ được một thời gian, nhóm trẻ ấy ngày một "rơi rụng" dần. Có bé khi ghé lần đầu còn tương đối linh lợi, chỉ ít thời gian sau đầu cũng trọc lốc. Có bé được gia đình đưa về quê, có bé ra đi ngay tại thành phố. Cô bé mũ đỏ cũng không thoát khỏi số phận nghiệt ngã sau một thời gian chạy chữa. Cửa chùa vắng bóng hẳn các em… 

Kết nối nhân tâm 

Sẽ là một cái kết như bao thân phận trẻ em ung thư nặng khác từng được chùa Bảo Vân giúp đỡ nếu một ngày người cha của "cô bé mũ đỏ" không trở lại. Ông kể rằng mình đã tìm được một việc làm cố định cũng nhờ cầu nối vô tình của chùa Bảo Vân. Nói là vô tình bởi ông chủ của ông hiện nay chính là một chủ thầu từng vào viện nuôi vợ bị bệnh ung thư. Có khác chăng, họ tìm đến chén cơm chùa như chờ đợi một điềm may mắn nhưng họ đã không thắng được số mệnh. 

Thực tế, để có thể giúp đỡ được những người như cha con "cô bé mũ đỏ", riêng tại bếp ăn từ thiện chùa Bảo Vân luôn duy trì một lực lượng khoảng 12 đến 15 người. Toàn bộ nhân viên ở đây đều là các phật tử đến từ các tỉnh miền Tây, tự nguyện tập trung lên làm công quả. 

Chị Lý Thị Ửng, một trong những người gắn bó lâu năm của bếp ăn từ thiện Bảo Vân cho biết: Các thành viên đều làm nông nghiệp, tranh thủ thu hoạch mùa màng xong là sắp xếp việc nhà lên làm việc bếp. Khoảng 1 tháng lại thay phiên tốp khác. Riêng bản thân chị Ửng thì gắn bó quanh năm. Quê chị ở tận Vĩnh Long, gia đình có 6 anh chị em thì 5 người đã yên bề gia thất, riêng chị không lập gia đình, phát tâm đi làm công quả đã cả chục năm nay. Ăn cơm chùa, ở nhờ chùa, giúp người, phục vụ cộng đồng… 

Ngày chúng tôi ghé thăm bếp ăn từ thiện tại chùa Bảo Vân, ban quản lý bếp đã kiêm luôn vai trò "trung tâm cấp cứu" bất đắc dĩ của người bệnh nghèo, lo từ vận động hỗ trợ kinh phí chữa trị cho người bệnh hiểm nghèo, tổ chức xe đưa người bệnh không có tiền mua vé xe về quê, đặc biệt là các trường hợp hấp hối trong khi gia đình đã cạn tiền… 

Chị Ửng kể rằng: Tất cả đều nhờ sự phát tâm của mọi người. Xúc động nhất là có nhiều cô, cậu bé còn đi học nhưng cũng tiết kiệm từng đồng xu, bỏ ống mỗi ngày để mang đến giúp. Nhiều cụ ở địa phương đi tập thể dục cũng tranh thủ vận động các bạn già chung tay ủng hộ.

Thậm chí, có người bán ve chai cũng gom góp mỗi tháng 5 - 7kg gạo chia sẻ với nhà chùa… Sự thiện nguyện không phụ thuộc vào giàu hay nghèo và lòng thiện thì ai cũng có, vấn đề là làm sao quy tụ và phát huy trong cuộc sống mà thôi.

Nguồn tin: Ngọc Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây