Lên đồng - di sản hay là mê tín dị đoan?

Chủ nhật - 04/12/2011 08:48
Trời đã mát, năm cũ đã gần qua, Tết đã ngấp nghé ngoài ngõ, lòng mỗi người cũng ngấp nghé giao niên. Chùa, miếu, phủ đệ đã sửa sang, tô điểm. Và với riêng tôi, lại nhớ những buổi hầu đồng. Vốn xuất thân công giáo nhưng tôi mê hầu đồng từ bé. Một bà cô đàng ngoại có căn số sao đó, bỗng trở thành thanh đồng thường đưa tôi dự các buổi hầu đồng.

Lộc thánh với hoa thơm, quả ngọt đã dẫn tôi vào thế giới kỳ bí với những vũ điệu lạ kỳ và giọng hát văn mê đắm. Tôi đã lặng người trước giá đồng quan lớn đền Tranh đao kiếm múa vù vù, và vỗ tay reo vui trước giá cậu Bé. Tôi cũng đã hét lên khi thấy một thanh đồng cầm hai cái dùi đâm thẳng vào má và nhắm nghiền mắt không dám nhìn thanh đồng cứ để hai cái dùi lủng lặng trên má mà nhảy múa. Mãi đến khi lớn lên và bây giờ về già trong tôi vẫn cứ nhói lên một câu hỏi: Vậy lên đồng, hầu bóng là gì? Mê tín dị đoan hay là di sản văn hóa? 

Hình như chính tôi cũng không phân biệt được. Nhưng suy cho cùng thì chính tôi cũng chưa hiểu mê tín dị đoan là gì. Mê tín thì có thể hiểu, đó là lòng tin mê muội vào những điều không có thực. Nếu vậy có thể nói 100% những người có hiểu biết đều mê tín. Còn dị đoan? Có thể từ này bắt nguồn từ chính tôn giáo của tôi, đạo công giáo? Đó là tin vào những điều không được giáo lý cho phép, mở rộng ra là tin, hoặc làm những điều trái với lẽ thông thường. Nhưng nếu vậy thì không liên quan gì tới những buổi hầu đồng rực rỡ sắc màu, đầy ắp âm nhạc và vũ điệu yêu quý của tôi. Bài viết này thực sự được viết trong tâm trạng như vậy. 

Lên đồng là gì? 

Theo Bách khoa toàn thư mở, lên đồng hay còn gọi là hầu đồng, hầu bóng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian (dòng Saman giáo) của nhiều dân tộc trong đó có Việt Nam. Về bản chất đây là nghi thức giao tiếp thần kinh thông qua một người, trong trường hợp này chính là ông đồng, bà đồng.

Người ta tin rằng các vị thần linh (và có thể là hồn ma) có thể nhập vào một người trong điều kiện nào đó, dân gian gọi là có căn, có số và trong một hoàn cảnh nào đó, có thể là một buổi lễ, một khóa đồng... Thần linh qua người lên đồng có thể phán truyền, trừ tà ma, ban tài lộc, chữa bệnh v.v... cho những người dự lễ (dự đồng). 

Ở Việt Nam, lên đồng là lễ trọng của tín ngưỡng thờ Mẫu (hiện nay nhiều nhà nghiên cứu đã gọi là đạo Mẫu). Người trực tiếp lên đồng, tức là người được thánh thần nhập hồn vào gọi là thanh đồng. Namgiới làm thanh đồng được gọi là cậu, nữ gọi là cô. Hầu đồng trong đạo Mẫu (còn gọi là đạo Tứ phủ) các thánh nhập liên tiếp vào một thanh đồng, phán truyền và ban phát tài lộc (dĩ nhiên là đồ thật và có tính tượng trưng). Các thánh trong đạo Tứ phủ khoảng 50 người, hầu hết là các nhân vật theo các huyền thoại, có công với đất nước. 

Nhưng lên đồng còn có nhiều biến thể khác, như với người Việt có lên đồng Đức thánh Trần, gọi hồn, nhập hồn... với người Thái là lễ Một, người Mường là lễ Mời, người Tày là Then... Ở một số biến thể lên đồng như lên đồng Đức thánh Trần trước đây còn có những hành động như đi trên than hồng, xiên hình (dùng dùi đâm vào hai má, đâm vào mạng sườn), đai (dùng đây lụa thắt cổ)...

Còn có một hình thức giống như lên đồng là hình thức nhập hồn, gọi hồn hiện đang phổ biến tại các trung tâm tìm mộ hiện nay là để cho hồn ma người chết nhập vào người sống phán truyền những điều người chết cần thông báo như hài cốt, của cải còn giấu... 

Những biến thể này rất khác với hầu đồng  của tín ngưỡng thờ Mẫu, mặc dù cùng chung một nguồn gốc Saman giáo. Chính những biến thể có nhiều hình thức ghê rợn, bạo lực hoặc quá kỳ bí dễ bị lợi dụng này đã làm xấu đi hình ảnh của hầu bóng. Như trên đã nói hầu bóng là nghi lễ chính của tín ngưỡng thờ Mẫu mà người chủ trì chính là thanh đồng.

Tứ phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu chính là trời đất gồm có Thiên phủ do Mẫu thượng thiên cai quản trên trời, Nhạc phủ do Mẫu thượng ngàn cai quản vùng rừng núi, Thoải phủ do Mẫu Thoải cai quản vùng sông nước, Địa phủ do Mẫu địa cai quản về đất đai và dưới đất (âm phủ). Tuy nhiên chỉ có ba Mẫu: Thượng thiên, Thượng ngàn, Thoải là thờ trên chính điện, còn Mẫu địa thường thờ riêng cho nên người ta vẫn gọi là Tam tòa, tứ phủ là vậy. 

Thông thường thanh đồng phải là những người có căn đồng, nói theo ngôn ngữ hiện đại là dễ bị ám thị, hoặc tự ám thị. Người có căn đồng phải theo học thầy, tức là những thanh đồng lâu năm, biết hết các lễ nghi, các vũ đạo, thậm chí cả hát văn, biết các lề lối vào giá, ra giá, trang phục, bày lễ...

Sau khi được thừa nhận có căn đồng, thanh đồng mới phải làm một lễ ra mắt, gọi là ra đàn. Có hai loại lễ ra đàn là đại đàn và tiến cẩn. Đại đàn là lễ ba ngày, tiến cẩn là lễ vắn (ngắn) một ngày. Sau đó đồng mới được gọi là thanh đồng. Mỗi năm thanh đồng phải lên đồng ít nhất một lần (vấn, khóa). 

Theo tín ngưỡng thờ Mẫu, hiện nay hầu bóng có 36 giá, tức là có 36 vị thánh thường nhập vào các thanh đồng trong lễ hầu bóng. Các vị thánh nhập về làm 36 giá, gồm có: Tam tòa Thánh mẫu, Ngũ quan từ đệ nhất đến đệ ngũ: quan lớn tuần tranh, mười một giá chầu từ chầu bà đệ nhất đến chầu bà Bắc Lệ, phủ quan hoàng có 10 vị nhưng thường hầu giá 3 vị Hoàng Bơ, Hoàng Bảy, Hoàng Mười. Các Cô có 12 cô nhưng thường hầu giá 3 cô: cô Bơ, cô Chín, cô Bé. Các Cậu gồm có 4 cậu: Cậu Cả, cậu Hai, cậu Ba và cậu Bé. 

Mỗi vị thánh lần lượt nhập vào thanh đồng, tuy nhiên rất ít thanh đồng hầu đủ 36 giá. Thường họ chỉ hầu 6, 9, 12 giá tùy vào căn mệnh của họ. Mỗi giá đồng thanh đồng mặc trang phục khác nhau phù hợp với vị thánh sắp nhập vào họ.

Ví dụ Mẫu thượng thiên áo đỏ, Mẫu thượng ngàn áo xanh, Mẫu Thoải áo trắng. Mỗi lần thánh nhập và sau đó ra đi, gọi là thăng, kết thúc một giá đồng. Sự khác biệt giữa hầu đồng tín ngưỡng thờ Mẫu và các loại lên đồng khác của Saman giáo chính là rất nhiều các vị thánh lần lượt nhập vào thanh đồng trong một lễ hầu bóng.

Đến vị thánh nào nhập vào, thanh đồng ăn mặc và múa mô tả các hoạt đồng và tính cách của vị thánh đó, trong tiếng nhạc, tiếng hát văn ca ngợi công đức của vị thánh. Quá trình múa hát, thanh đồng do tự ám thị trong khung cảnh lễ hội với nhau và tiếng hát, gần như nhập vai vào vị thánh và vì vậy hoạt động, múa rất tự nhiên. 

Nét đặc sắc của lên đồng, được nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài quan tâm chính là chầu văn. Nếu hầu bóng là nghi lễ chính của tín ngưỡng thờ Mẫu, thì chầu văn chính là nhạc lễ của tín ngưỡng này. Bởi có tính dân gian, truyền khẩu là chính vì vậy hát văn có nhiều làn điệu, có nhiều dị bản cả về ca từ lẫn giai điệu.

Khi kết hợp với không khí hầu bóng với khăn chầu, áo ngự với hương khói và cả không khí phấn khích của dàn nhạc, các nghệ sĩ hát văn nhiều khi ngẫu hứng cải biên thêm bớt hoặc bỗng thêm vào làn điệu của các loại dân ca khác như quan họ, ca Huế... đều được cả. Chính vì vậy trong hát văn hầu bóng người ta thấy đâu đó cả chèo, tuồng, dân ca ba miền. Đó là một loại dân ca mở, luôn luôn tiếp nhận và phát triển. 

Tóm lại hầu bóng, lên đồng với thời gian từ hai giờ đến mười hai giờ, mỗi vấn hầu bóng với sự tham gia của hàng trăm người thật sự là những cuộc diễn xướng dân gian lớn nhất của dân tộc ta. Với tất cả những gì chúng ta đã thấy, hầu bóng, lên đồng thật sự là di sản văn hóa.

Chính vì vậy Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian đã từng đề nghị lập hồ sơ lên Unesco công nhận hầu bóng là di sản phi vật thể của nhân loại. Nhưng đề nghị này chưa được các cấp có thẩm quyền chấp nhận. Lý do chính: còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận. Cũng phải thôi, chính người viết bài này, cũng còn đang phân vân: di sản hay là mê tín dị đoan?

Nguồn tin: ANTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây