Dị nhân Nguyễn Ngọc Hải " Có “trí, lực, năng, tâm” thì “thiên” sẽ đến "

Chủ nhật - 04/12/2011 08:42
Với hơn 30 năm trong nghiệp võ, võ sư Nguyễn Ngọc Hải được coi là “người đàn ông của những kỷ lục Việt Nam”. Làm được những điều phi thường nhưng “dị nhân” này vẫn tin rằng tất cả mọi thứ mình làm được ngày hôm nay đều xuất phát từ những tháng năm kiên trì khổ luyện.

“Chung thủy” với võ thuật 

Hỏi thật anh nhé, nếu không làm một võ sư thì bây giờ anh sẽ là một Nguyễn Ngọc Hải như thế nào? 

Cho đến năm 1989, tôi vẫn đang đi diễn hợp đồng cho nhà hát tuồng Trung ương. Nếu vào được biên chế thì có khi bây giờ đã trở thành một nhạc công. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, bố là nghệ nhân dân gian, biết rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Cả gia đình tôi có thể trở thành một ban nhạc vì mỗi người đều chơi được một loại nhạc cụ từ dân tộc đến hiện đại. Trong nhà cũng có sẵn một số nhạc cụ nên hồi nhỏ tôi cũng tự mày mò tập chơi. Tôi có thể chơi được trống, ghita, óc-gan… 

Và anh không hối hận khi quyết định trở thành một võ sư? 

Gia đình tôi cũng có truyền thống về võ thuật nên từ hồi còn 5-6 tuổi tôi đã bắt đầu tập môn vật, đến 11 tuổi thì chuyển sang học võ. Tôi tập võ từ anh trai mình là Ngọc Huỳnh, cũng là người sau này sáng lập ra phái Lâm Sơn Động. Bên cạnh đó, sự bảo trợ lớn nhất là bà nội tôi, một trong những người có dòng máu võ thuật của gia đình. Đời tổ nhà tôi cách 7 đời vốn là một võ tướng từ vùng trong ra Bắc lập nghiệp. Được đi theo con đường của gia tộc và cũng là đam mê của mình thì không có gì phải hối hận. 

Người ta vẫn nói “văn ôn võ luyện”, quyết đi theo nghiệp võ, anh có lường trước khó khăn? 

Xưa nhà tôi nghèo, lại có 7 anh chị em nên chỉ có cơm độn sắn khô mà cũng không được ăn đủ no. Trong khi đó vẫn phải luyện võ. Cơ sở vật chất cũng không có. Tôi phải cuốc đất lên, tưới nước vào rồi lấy chân dẫm cho nó mềm, lắm lúc mảnh sành cắm vào đứt cả chân. Xong xuôi thì lấy bãi đó làm chỗ nhào lộn, quăng quật.

Nhìn thấy cái ruộng nào đất chưa khô hẳn, hơi ướt ướt là thích lắm. Vừa học văn hóa vừa luyện võ. Buổi sáng đi học, buổi chiều đi kiếm cá, được bao nhiêu lại ra chợ bán đưa tiền cho mẹ đong gạo. Thời gian dành cho luyện võ là tranh thủ sáng sớm và buổi tối. 

Thích thì theo thôi chứ cũng không nghĩ được tương lai sẽ thế nào. Hồi trước, luyện võ vẫn bị cấm, nên cứ tự học và tự rèn luyện thôi. Mãi đến năm 1990, Lâm Sơn Động được nhà nước công nhận là môn phái để truyền bá võ thuật trong toàn tỉnh Hà Tây cũ, tôi mới dám đi theo con đường của mình một cách danh chính ngôn thuận. 

Từ bao giờ anh chuyển sang học khí công? 

Bắt đầu học võ, tôi đã luyện khí công, nhưng lúc đó chỉ mới làm được những thế đơn giản như đập ngói vào đầu không bị làm sao. Để tập được bài này, tôi đã phải cắm đầu xuống đất và xoay vòng, nhào lộn không biết bao nhiêu lần. Ngoại công của tôi đã bắt đầu được tích lũy từ thuở đó. Tôi xác định khí công sẽ theo mình đến suốt đời nên cứ có thời gian là luyện tập, cho đến cả bây giờ. 

Trong luyện tập khí công, điều gì là khó nhất? 

Cái nào cũng khó, nhưng khó nhất là giữ được tâm của mình thật sạch, thật tĩnh. Tâm có sạch thì khí mới đắc. Tôi muốn đưa dòng khí vào một vị trí trong cơ thể mà tôi đang cần, nhưng nếu bị phân tâm bởi việc khác thì sẽ không được như ý muốn. Hoặc tôi muốn hạ nhiệt độ trong cơ thể, hạ huyết áp xuống để đóng đinh vào người không gây chảy máu, nhưng nếu tôi bị giật mình hoặc bị ảnh hưởng bởi xung quanh thì cơ địa và nhiệt độ trong người sẽ lập tức biến chuyển, nhịp tim, nhịp mạch tăng lên, sẽ gây chảy máu, rất nguy hiểm. 

Vậy anh làm thế nào để giữ cho tâm luôn được tĩnh? 

Tập cho đến khi nó trở thành thói quen, thành phản xạ tự nhiên. 

Nghĩa là luyện tập thường xuyên sẽ điều khiển và chế ngự được cảm xúc của mình? 

Cái gì cũng có thể làm được nếu chịu khó luyện tập. Nếu bảo là khó thì rất khó nhưng với những người luyện tập nhiều năm như tôi thì đã có thể kiểm soát được cơ thể và cảm xúc một cách hiệu quả. Tôi có thể làm tốt 2 - 3 việc cùng lúc. Tôi vừa điều chỉnh nhiệt độ, nhịp tim, huyết áp… để cho người khác đóng đinh vào, vừa có thể ung dung ngồi chơi đàn mà không hề bị nhầm hay sai nốt.

Vẫn biết là cứ kiên trì tập luyện thì sẽ làm được, nhưng để làm được những điều phi thường như anh ắt hẳn cũng phải có cách luyện tập khác người? 

Tôi không dám nhận hơn người mà chỉ nhận mình là người đầu tư chuyên sâu vào con đường mình đã chọn. Bất kỳ ai đầu tư chuyên sâu thì rồi cũng sẽ hái được quả ngọt, chứ không riêng gì tôi. 

Còn phong cách luyện tập. Ngày xưa, có những thế võ, tôi phải tập cả hàng tháng hoặc nửa năm mới được, vì vừa học vừa tìm tòi, thử nghiệm. Giờ dạy lại cho võ sinh, tôi có thể rút ngắn xuống chỉ còn 1/10 thời gian trước đây. Luyện khí công phải dựa trên cơ sở ngũ hành. Ví dụ như khi luyện hành Thổ, có những người nhìn thấy thầy trò tôi chôn nhau dưới đất thì họ bảo hâm thế, rồ thế.

Nhưng ở dưới đất khí âm nhiều, khí dương ít, nên chôn mọi người xuống để cảm nhận khí, trao đổi khí với cơ thể. Với hành Thủy, từ 5-7h sáng mùa hè chúng tôi đã ngồi thiền ngâm mình dưới nước đến ngang cổ để hấp thụ năng lượng của nước. Còn hành Hỏa thì tôi đã từng bị người ta chửi là điên khi trời nắng chang chang mà nằm trên đường, phơi mình ra mặt trời, mắt nhìn lên mặt trời.

Nóng bức nhưng thầy trò vẫn nhễ nhại mồ hôi ngồi thiền hàng tiếng đồng hồ, rồi áp mặt xuống lòng đường và đặt ấn đường sát đất. Luyện khí Mộc dễ nhất vì trong rừng nhiều ô xi và không khí rất dễ chịu. Khí của hành Kim lại cực độc, chúng tôi phải ngồi trên tấm kim loại và hấp thụ năng lượng của nó bốc lên khi mặt trời chiếu xuống. Dù là khí độc nhưng khi vào cơ thể sẽ giúp chế ngự được những cái độc khác. Người rèn luyện như thế gọi là tu hành cùng trời đất. 

Luyện khí công cũng phải học thêm ít nhiều kiến thức về y học, hiểu được đâu là phần huyệt, hấp thụ khí như thế nào. 

Liệu có yếu tố tâm linh, phù phép gì ở đây không khi mà con người ai cũng được làm từ da từ thịt? 

Không hề có phép thuật nào ở đây, mà tất cả có được từ sự tập luỵện của con người. Trước hết phải nói về nội khí. Bởi người luyện tập khí công thì năng lượng và nội khí của họ lớn hơn người bình thường rất nhiều. Mỗi một thế võ đều có phương pháp luyện tập riêng. Ví dụ, tôi úp cái bát vào bụng để kéo chiếc xe 5 tấn, thì tôi phải luyện tập phần bụng. Còn dùng mắt để kéo xe thì phải luyện nhãn pháp. Còn bây giờ kê tay lên quả dừa, để ném đá lên mà không vỡ tay, chỉ vỡ dừa thì tôi phải xung công và tách lực ra từng phần cơ thể để thiết bố sam công. Tôi cắm ngọn giáo vào cổ đẩy cái ô tô 5 tấn thì tôi phải xung công, vận khí. 

Có “trí, lực, năng, tâm” thì “thiên” sẽ đến 

Suy cho cùng điều gì giúp anh thành công và làm được những điều phi thường đến mức khó tin như vậy? 

Tôi nghĩ là sự kiên nhẫn. Nếu tôi không vững lòng vững chí ngay từ thuở nhỏ, chắc đã không có ngày hôm nay. Rất nhiều người luyện tập sơ sài phần gốc, ngay từ đầu đã không gò mình khổ luyện nên càng về sau càng nhiều chấn thương và di chứng. Chính bản lĩnh võ thuật ăn sâu vào máu đã mang lại cho tôi nghị lực sống và đương đầu với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Mặc dù tôi đã phải đánh đổi rất nhiều thứ để có nó. 

Anh vừa nói đánh đổi? 

Cuộc sống riêng của tôi không được như ý muốn. Thời gian tôi dành cho xã hội nhiều quá nên gia đình cũng ít được quan tâm hơn. Để làm hài lòng người thân là điều rất khó. Có nhiều mâu thuẫn nảy sinh và mình không thể bắt ép người khác phải thông cảm, hy sinh mãi cho mình được. Cũng vì thế mà hiện nay tôi lại trở thành gà trống một mình nuôi con. 

Để trở thành võ sư, tôi cũng phải từ bỏ sở thích chơi đàn và đá bóng. Tôi ham thích đá bóng từ bé và đã từng ước mơ trở thành cầu thủ. Nhờ rèn luyện võ nghệ nên hồi nhỏ cơ thể tôi đã săn chắc, dẻo dai. Nhưng cũng chính vì tập luyện nên xương ống chân của tôi rất cứng. Khi chạy chen bóng, ống chân của mình có vô tình va vào bạn thì bạn vừa ngã đau vừa sưng chân, nằm mãi không dậy được. Chính vì đó mà về sau tôi ngại không dám đá bóng nữa. 

Nếu thời gian quay ngược trở lại, anh có muốn thay đổi những điều đó? 

Tất cả những gì tôi đã trải qua để có ngày hôm nay là số phận của tôi, tôi chấp nhận. Tôi đã chọn võ thuật làm nghiệp thì nó sẽ theo mình suốt cuộc đời. Đàn thì bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn chơi. Không đá bóng được thì tôi đi tập cầu lông, tennis. Tôi có lỗi với những người mình yêu vì đã không có thời gian dành cho họ, tôi đã suy sụp rất nhiều nhưng tôi học cách sống với sự thật và nhận ra mình vẫn chưa mất tất cả. Một cậu con trai sinh viên năm thứ 2 và một cô con gái học lớp 6. Đó là hai thiên thần, là gia tài lớn nhất của tôi. 

Làm được những điều phi thường, không có nghĩa là anh chưa hề thất bại? 

Tất nhiên. Thất bại nhiều là đằng khác. Tôi luôn đặt ra cho mình một mục tiêu để luyện tập. Nhưng cũng có khi tôi không làm được. Ví dụ, tôi luyện tập để chịu được một vật nặng 500 kg trên người và để cho người khác cầm búa tạ đập lên vật ấy. Nhưng khi tôi muốn làm gấp đôi thì không được (cười). 

Tuy nhiên, mỗi một thất bại trong cuộc sống sẽ giúp bạn khám phá ra một điều mới mẻ khác. Trong võ thuật cũng vậy. 

Với những lần thất bại đó, liệu có giây phút nào anh cảm thấy chán nản và muốn gục ngã? 

Có lẽ là hồi 18 tuổi. Miệt mài luyện võ mà chưa biết phương hướng thế nào. Rồi những lúc bị thương, ăn không đủ no thì lấy đâu ra thuốc mà bôi, mà uống. Đau mấy cũng cứ để tự khỏi. Những lúc đó, tôi đã băn khoăn mình có sai lầm không, võ vẽ thì làm được cái gì?... Bạn bè, hàng xóm, thậm chí họ hàng cũng bảo “Nhà cậu ăn còn chả có, tập võ làm gì. Tập rồi cậu định đánh ai?”. Thanh niên trong làng, đến tuổi cũng đã có cái xe đạp để đi, mình thì chưa có gì, cũng suy nghĩ lắm. Nhưng rồi cứ cắm đầu cắm cổ vào luyện tập. Và đúng là người rèn luyện, tu hành thì chữ “thiên” nó đến cũng rất bình nhiên. 

Nói đến chấn thương, hẳn những vết sẹo trên người anh còn nhiều hơn cả con số 30 năm anh gắn bó với võ thuật? 

Trong quá trình luyện tập, chấn thương là không tránh khỏi rồi. Nhưng làm thế nào để nó không ảnh hưởng xấu, không để lại di chứng nặng nề thì đòi hỏi năng lực của bản thân rất lớn. Trong người tôi bây giờ cũng còn rất nhiều mảnh sành, mảnh chai nhưng tôi không đau đớn. Bởi nếu vật thể bé thì các nội khí và vệ khí sẽ đẩy ra ngoài cơ thể, còn nếu to quá thì nó sẽ được bọc lại như “mắt cá”, không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của mình. Thật may đầu tôi ngày xưa đập gạch, đập đá, đập thanh gang… rất nhiều, nhưng vẫn không ảnh hưởng gì. 

Vậy là “dị nhân” Nguyễn Ngọc Hải không có “gót chân Asin”? 

Có chứ. Cơ thể tôi không chịu được thuốc kháng sinh. Trước đây hầu như tôi chẳng bao giờ phải uống thuốc nên bây giờ nếu tôi bị gì đó và vô tình bác sĩ đưa một viên thuốc kháng sinh vào trong người thì lập tức đầu óc tôi quay cuồng, choáng váng, rất khó chịu.

Có bao giờ anh nghĩ là mình đang đi ngược lại với tự nhiên, có bao giờ anh muốn mình chỉ là một con người bình thường? 

Vạn vật sinh ra trên vũ trụ đều phải theo linh khí của trời đất. Tôi đang đi trên mặt đất, hít thở không khí trên mặt đất thì tôi vẫn phải tuân theo quy luật của tự nhiên. Tôi chỉ rèn luyện để chống lại tà khí. Trong một dòng khí mênh mông xung quanh, có thể bạn không nhìn thấy nhưng tôi lại biết đâu là điểm lạnh, điểm nóng để hấp thụ năng lượng. Luyện tập khí công giúp con người khám phá ra những khả năng tiềm ẩn trong chính họ. 

Ngoài những bài tập, có điều gì anh vẫn thường dạy cho các võ sinh? 

Tôi không dạy, chỉ khuyến khích mọi người hãy vững lòng, quyết tâm đi theo con đường mình chọn. Bất cứ ở lĩnh vực nào, muốn thành công thì chắc chắn phải có sự khổ luyện. Môn phái của tôi luyện tập theo 5 chữ: Trí, Lực, Năng, Tâm, Thiên. Trí là trí tuệ, Lực là sức khỏe, Năng là sự chăm chỉ rèn luyện, Tâm là tâm hồn trong sáng, hướng thiện. Có đủ tất cả 4 yếu tố đó rồi, thì chữ Thiên sẽ tự khắc đến với mình. 

Thế ví dụ một anh chàng hát rất dở nhưng vẫn cứ cứng đầu lao theo con đường trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, anh sẽ nói gì với họ? 

Tôi khuyên họ hãy cố gắng nỗ lực theo đuổi đam mê và biến đam mê thành hành động. Hát còn dở thì đi luyện thanh, học thanh nhạc, tầm sư học đạo… Nếu không được yêu vì giọng hát thì ít ra anh ta cũng sẽ được tôn trọng vì đã dám theo đuổi đam mê của mình. 

Nếu chỉ hô hào “đừng bao giờ bỏ cuộc” thì có vẻ hơi sáo? 

Tôi không hô hào mà tôi đã chứng minh bằng hơn nửa cuộc đời tôi. Nhiều người luyện chỉ giữ sức khỏe, nhẹ nhàng. Còn luyện chuyên sâu như tôi thì lại rất tốn thời gian và đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, ngày nào cũng luyện. Nếu không chịu khó, có lẽ tôi đã bỏ cuộc từ lâu rồi. 

Nhưng cũng đâu có nghĩa cứ bền bỉ luyện tập thì con người có thể làm được những điều phi thường? 

Chiến thắng chính mình là chiến thắng vĩ đại nhất. Cố gắng theo đuổi một cái gì đó, tôi tin rằng, bạn sẽ không phải thất vọng. Trong những lớp dạy võ của tôi vẫn có nhiều người là giáo sư, tiến sĩ đến học. Người ta học để có sức khỏe, sự nhanh nhẹn, bền bỉ và một cái vô cùng quan trọng nữa đó là sự kiên trì. 

Nếu một ngày nào đó, con cái muốn theo đuổi con đường khổ luyện võ thuật như anh, anh phản ứng thế nào? 

Tôi đồng ý, nếu cháu có đủ đam mê và quyết tâm theo đuổi đến cùng. Tôi đã cho hai cháu nhà tôi luyện tập khí công từ lúc còn bé. Tạm thời là để rèn luyện sức khỏe và tinh thần thượng võ, còn muốn hướng đến sự chuyên nghiệp hay không, tôi sẽ để các cháu được tự quyết định. 

 Xin cảm ơn anh về những chia sẻ! 

● Sinh năm 1969 tại Quốc Oai - Hà Nội 

● Trong các cuộc thi võ thuật, Lâm Sơn Động đã đạt được rất nhiều kỷ lục Việt Nam, trong đó có 34 kỷ lục chính và gần 10 kỷ lục phụ. 

● Phó chủ tịch Hội võ thuật Hà Nội, Quyền trưởng môn phái Lâm Sơn Động 

● Năm 2009, vị võ sư này đã dùng mí mắt kéo chiếc xe chở hoa hậu Tahiti mới đăng quang khắp khán đài. 

● Khi ông vận khí, nhịp mạch sẽ xuống thấp hơn 4 lần so với người bình thường. 

● Năm 2006, khi ông đi biểu diễn ở Nhật Bản màn khí công dùng đầu đập gãy 5 thanh gang kết thúc mà không hề sây sát, các giáo sư y học của Nhật Bản đã đề nghị ông kiểm tra các chỉ số của cơ thể. Và họ kết luận ông chỉ đang ở độ tuổi 17 so với độ tuổi thực của ông là 37. 

● Ông đã 4 lần lập kỷ lục Việt Nam  “Nhãn bì khiêu thuỷ” (dùng mí mắt nâng hai xô nước, mỗi xô khoảng hơn 20kg), “Thưởng nhạc lưu đinh” (ngồi chơi đàn cho người khác đóng 12 chiếc đinh vào người. Mỗi chiếc đinh dài khoảng 20cm, cái to có đường kính khoảng 4 - 5 mm), “Nhãn bì lôi công” (dùng mí mắt kéo chiếc xe ô tô 1 tấn), “Thiết đầu công” (chưa đến 30 giây, “dị nhân” này đã đập 5 thanh gang vào đầu, mỗi thanh chiều ngang 7cm, dài 40cm, bề dày 7mm).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây