Con gái của cướp biển lập chùa cầu phúc

Thứ tư - 30/11/2011 14:29
Nghe dân đảo kể rằng ở mạn Tây của Hòn Đốc (quần đảo Hải Tặc) vẫn còn con gái của thành viên băng cướp “Cánh Buồm Đen”, tôi tò mò muốn gặp cho kỳ được. Chính con gái của hải tặc đã đích thân xây nên ngôi chùa trên quần đảo cướp biển: Chùa Sơn Hòa Tự, từ hơn nửa thế kỷ trước. Trái với ý nghĩ dữ dội của tôi, con ruột của thành viên hải tặc là một người hiền lành mở lòng và đặc biệt hiếu khách.

Chân dung hậu duệ cướp biển 

Bà Mười tên thật là Nguyễn Thị Gái nhưng người dân trên đảo vẫn thân thiện gọi bà bằng cái tên Nam Bộ là bà Mười Bầu, nhưng từ khi bà lập ngôi chùa ở Hòn Đốc bà được gán thêm một cái tên bà Mười Chùa.

Bà sinh năm 1929, quê mãi tận trong Hòn Chông, tỉnh An Hà xưa (nay thuộc Hòn Chông, Kiên Lương, Kiên Giang). Thuở biết khôn bà đã thấy mình cùng cha mẹ và các em sống trên Bãi Bổn (nay là ấp Bãi Bổn, đảo Phú Quốc), cha bà là một người thao lược võ nghệ, thuộc vùng biển trong vịnh Thái Lan như con rái cá. 

Những câu chuyện về người cha từng là thành viên cướp biển một thời như bà nói là không còn nhớ nhiều vì tất cả chuyện quá khứ “làm nghề” của cha mình bà đều được nghe mẹ kể lại. Nhưng những gì thuộc về điểm trội của cha thì bà biết rất rõ. 

Bà hồi tưởng: "Ông (cha bà) tên là Nguyễn Thanh Vân, người phốp pháp, giỏi đấm đá lắm. Thời trẻ cha tui phiêu bạt khắp nơi trong vùng biển này, không hòn đảo nào mà ổng chưa đặt chân tới. Chính bản tính ngang ngạnh không biết sợ trời sợ đất cùng những tháng ngày ngang dọc đó đây trên biển, ông dần giao du với đám phỉ tứ phương, rồi cũng chặn tàu buôn để cướp.

Mà khi lấy được của người ta ổng tiêu xài đi đâu má con tui nào biết", nói đến đây bà lại cười xòa. Dường như trong ý nghĩ của bà có lẽ chuyện ai làm nấy chịu, chứ bà nghĩ bổn phận mình là phải kể lại cho thế hệ sau biết nguồn gốc cái tên bí hiểm nhưng đầy khêu gợi quần đảo Hải Tặc là do đâu mà có vậy. 

Bà Mười mang hai dòng máu cha người Việt, mẹ người Thái Lan. Số là trong những ngày tung hoành, khi đến Thái Lan cha bà đã bị vẻ đẹp của người con gái bản địa hút hồn.

Ông chính thức bỏ nghề cướp biển và hai người dắt nhau về Việt Nam ở, bà Mười chính là kết quả của mối tình xuyên biên giới đó. Tôi hỏi: "Thế má còn nhớ những chuyện cha mình tham gia nhóm cướp nào không?". Bà nói: "Tui cũng không nhớ lắm vì ổng đi hoài à. Tui chỉ biết hồi đó cùng làm nghề như ổng còn có các ông Sáu Minh, chú Năm Lộc, bác Năm Bùn". Bà cho biết lúc cuối đời cha bà cũng hoàn lương rồi đi tu theo đạo Cao Đài. Và cuối cùng cũng yên nghỉ ở chính quần đảo đại bản doanh của mình. 

Không phải ngẫu nhiên mà người ta gán cho Hòn Đốc và các hòn lân cận một cái danh dữ dội quần đảo Hải Tặc, rồi một thời từng là địa danh hành chính cho mười tám hòn lớn nhỏ ở vùng biển Tây Nam. Hiện nay tấm bia chủ quyền mang tên quần đảo Hải Tặc vẫn nằm phía Tây đảo Hòn Đốc là minh chứng cho một thời hỗn mang nhưng đầy dữ dội đó. Sử sách từng ghi rằng, từ khoảng (1700- đầu thế kỷ XX) khi dòng họ Mạc khai phá và xây dựng miền đất phía Namtrù phú. 

Gánh đá lập chùa mong hòa thuận 

Ở đảo Phú Quốc, thời chính quyền Sài Gòn cũ cuộc sống khó khăn, lính hay bắt bớ. Năm 1956 cha con bà Mười lại dong thuyền theo hướng Đông vào một quần đảo vắng người lánh nạn, sau này bà mới biết đây chính là quần đảo Hải Tặc. Ban đầu gia đình bà ở Hòn Giang sau đó mới chuyển đến Hòn Đốc cố cư. Là thế hệ đầu ra khai phá đảo, cuộc sống gặp nhiều khó khăn với thiên tai, bão biển. Hồi đó cả đảo lóp ngóp dăm ba cái nhà lá chứ không phải trên một nghìn dân như bây giờ. Cả gia đình bà lại phát rừng dựng nhà, xẻ núi làm đường, xuống biển chăng lưới tự túc mưu sinh.

Chùa Sơn Hòa Tự trên núi ở Hòn Đốc, quần đảo Hải Tặc

Khi cuộc sống tạm ổn, dân ra đảo nhiều hơn cũng là lúc chế độ cũ đưa máy bay, tàu chiến ra dựng lô cốt trên đảo Hòn Đốc. Xứ đảo yên bình lại ầm ì tiếng nổ tàu sắt, trực thăng rồi súng ống dội vạt cả ngọn dừa trên đảo. Dân tình ai nấy đều chắc mẩm lo lắng rồi chiến tranh sẽ ra đến đây mất. Những lúc đó bà con trên đảo chỉ còn cách cầu nguyện, rồi mong an bình đến. Từ sâu thẳm trong tâm, ý định lập chùa của bà Mười nảy sinh. 

Câu chuyện lập chùa lúc đó của bà cũng trăm bề nhọc nhằn, tâm ý của bà bị cản trở rất nhiều. Vì chế độ cũ do Ngô Đình Diệm lúc đó chủ trương bài Phật giáo gắt gao. Việc lập chùa đã khó, huống chi lại là một phụ nữ thấp bé hạt tiêu như bà lại lập chùa bằng hai bàn tay trắng. Nhưng rồi thương bà con không nơi hương khói, cầu nguyện, thiện ý mong hòa hợp yên bình trên đảo, bà lại quyết tâm xây chùa. 

Đầu tiên bà tìm đến địa thế cao nhất trên núi Hòn Đốc, từ đây trông ra biển Tây, bốn bề gió lộng nên rất tốt cho việc tu tỉnh. Nhưng điều khó nhất vẫn là khâu xây dựng. Không quản khó nhọc, đích thân ngày bà xuống bãi vục cát, đêm cạy đá núi rồi gùi lên lưng chừng đồi. Để có xi vữa xây bà bớt chút cây rau, con cá bắt được đổi cho bọn lính chế độ cũ ở đồn bốt. Không phụ công người, rồi ngôi chùa khang trang hoàn thành và cái tên Sơn Hòa Tự ra đời. 

Bà giải thích về cái tên chùa: Sơn là núi, Hòa là yên hòa, hòa bình. Có nghĩa ngôi chùa lập ra là mong muốn con người hòa bình, hòa hợp không còn chiến tranh, không còn cướp biển gây chết chóc đau thương. Rồi chừng như thấy được thiện ý của bà, không biết khâm phục hay kính nể mà từ đó lính chế độ cũ cũng không hoạch họe gì nữa, chúng càng thêm quý bà Mười. Cũng từ đó đến nay không hề có chiến tranh xảy ra trên đảo. Khi người dân ở các hòn lân cận có nhu cầu tu họ đều tìm đến Sơn Hòa Tự của bà hương khói. Ai muốn an lành cho những chuyến đi biển cũng tìm đến chùa Sơn Hòa Tự cầu an. 

Thời kỳ Mạc Thiên Tích (con của Mạc Cửu, người khai xứ Hà Tiên) làm Tổng binh trấn Hà Tiên, lúc này vùng đất Tây Nam nước ta phát triển cực thịnh, Hà Tiên là một thương cảng, nơi cập bến của những đội tàu buôn Đông-Tây.

Những con tàu của thương nhân Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha chở gốm sứ, rượu sang đổi sản vật, tơ lụa ở Châu á đều phải đi qua vùng biển này. Trên vùng biển kín của Vịnh Thái Lan nhiều hòn lắm đảo, lại nằm trên đường trung chuyển.

Đây chính là điều kiện lý tưởng để các băng cướp biển trú ngụ trên các hoang đảo, chặn tàu để cướp. Băng cướp Cánh Buồm Đen từng là nổi khiếp đảm xuyên thế kỷ cho các đội tàu bè cũng xuất hiện từ đó. Băng cướp này án ngữ vùng biển Nam cho đến mãi đầu thế kỷ XX mới tan rã. Như bà Mười kể thì cha bà chính là một trong số những tên tuổi góp phần làm nên cái danh Hải Tặc cho một vùng đảo này ngày nay. 

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, trên hòn đảo nằm sâu trong vịnh Thái Lan, ngôi chùa bà Mười vẫn còn đó như sự chế ngự lại cái ác. Nếu trên đảo từng có những con người làm phỉ, cướp biển thì cũng có con người lập chùa nhắc nhở nhân tâm hướng thiện như bà Mười.

Thấy bà lớn tuổi mà còn minh mẫn và tinh anh quá nên tôi nói vui: "Có lẽ 52 năm lập chùa cầu phúc cho đời nên ông trời thương phù hộ cho sức khỏe thì phải má Mười ạ". Bà lại nheo mắt cười móm mém: "Có lẽ thế, tui sống chỉ có chữ đức thôi, đời người được bao nhiêu đâu mà không sống cho tốt với nhau, phải không cậu?". 

Đến cái tuổi “xưa nay hiếm”, cái tâm của bà vẫn sáng như thuở gian nan lập chùa, 85 năm vui sống thanh thản cùng ngôi chùa Sơn Hòa Tự trên đảo Hòn Đốc mặt hướng biển Tây nghe từng đợt sóng vỗ ngọt ngào. Và giờ đây người ta biết đến bà Mười Chùa làm phước, gieo đức, sống hòa thuận chứ ít ai quan tâm bà là hậu duệ của một thành viên cướp biển.   

Nguồn tin: Kỳ Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây