Sự sống nơi cửa thiền

Thứ bảy - 26/11/2011 20:26
Nơi cửa thiền tĩnh lặng, khát vọng cứu người vẫn cháy bỏng trong tâm một vị sư thầy, ngày ngày dốc hết tâm lực, ra sức giành giật sự sống cho bệnh nhân nghèo không có điều kiện chống đỡ cơn bạo bệnh.

Lặng lẽ, miệt mài, hơn 28 năm rồi, vị sư thầy ấy đã mở rộng lòng từ bi hỉ xả, thành lập "bệnh viện" từ thiện, tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo ngay tại sân chùa. Đó là sư thầy, lương y Thích Tuệ Tâm, trụ trì Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa (số 5 Lê Quý Đôn, TP. Huế).

Cứu một mạng người còn hơn xây bảy tầng lầu

- Chú đi khám bệnh đấy à? Hôm nay chủ nhật, "bệnh viện" đông bệnh nhân lắm, e là lương y không khám kịp cho chú mô. Răng chú không ráng chờ ngày mai đi cho đỡ chen chúc, đỡ khổ?

Mệ bán bún gánh bên đường ngỡ tôi là bệnh nhân đến khám bệnh, liền thao thao làm một hơi dài khi tôi vừa mở miệng hỏi thăm đến sư thầy, lương y Thích Tuệ Tâm.

Mà cũng lạ, cứ như mệ là họ hàng thân thích gì với sư thầy vậy, tay đong bát bún mà miệng liến thoắng liên hồi. À phải rồi, thì nhìn mệ đây cũng nghèo, chắc cũng đôi lần đến gõ cửa "bệnh viện" sân chùa. Hèn chi, không chỉ mệ bán bún mà ai ai ở vùng này cũng biết đến sư thầy.

Biết ý, tôi chọn thời điểm gần trưa mới vào Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa. Trời nắng như đổ lửa, mặt trời đã gần đứng bóng mà sân Tuệ Tĩnh Đường vẫn chật kín xe và người. Ngoài hành lang, hàng trăm người từ khắp nơi đổ về ngồi ngay ngắn xếp hàng chờ đến lượt mình. Các thầy thuốc vẫn đang miệt mài chống chọi với cái nắng gắt gao của mùa hè để khám, cấp thuốc, châm cứu cho bệnh nhân. Một không khí căng thẳng, khẩn trương, đua tranh với thời gian. Chờ quá trưa, khi đã vãn khách, tôi mới dám gõ cửa phòng khám của sư thầy, lương y Thích Tuệ Tâm.

- Chú thông cảm, bệnh nhân đến khám nhiều quá, phải tranh thủ chứ không kịp - lương y phân trần.

- Thấy thầy bận rộn, vất vả quá con không dám làm phiền.

- Chú ngại chi rứa hè, mệt người nhưng khỏe cái tâm chú à, chúng tôi không sợ vất vả mà chỉ sợ không đủ sức để khám, chữa bệnh cho bà con. Chữa được bệnh càng nhiều cho bà con là mình càng tích được nhiều điều thiện. Cũng may mà bây giờ chúng tôi cũng có điều kiện để khám, chữa bệnh được nhiều hơn, chứ như ngày trước còn khó khăn thì tội cho bà con lắm - sư thầy, lương y Thích Tuệ Tâm bộc bạch.

Ngày trước, cơ sở khám, chữa bệnh Đông y được sư thầy tổ chức ngay dưới mái chùa Diệu Đế. Đó là năm 1982. Ngày đó, còn khó khăn bội phần, cơ sở vật chất thì nghèo nàn, diện tích chật hẹp, chỉ có 6 thầy trò thay nhau khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc, châm cứu cho bà con. Nhưng cái tâm hướng thiện, cứu nhân độ thế của người tu hành đã tiếp thêm sức mạnh cho sư thầy, lương y Thích Tuệ Tâm vượt mọi khó khăn, dành hết cả tâm nguyện, cứu giúp người nghèo. Thấy bệnh nhân đến càng nhiều, lương y càng gắng sức giành giật cuộc sống cho họ.

Đồng cảm với tấm lòng cứu nhân độ thế của lương y Thích Tuệ Tâm, năm 2005, Hòa Thượng Pháp Nhẫn ở Mỹ và các phật tử, tổ chức từ thiện đóng góp đã xây dựng Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa nằm trong khuôn viên chùa Pháp Luân. Từ đó, phòng khám, chữa bệnh của lương y chuyển về đây nằm ở vị trí trung tâm để có điều kiện chăm sóc bệnh nhân tốt hơn.

- Tôi theo kiếp tu hành đã lâu, chứng kiến những cảnh đời nghèo khó phải gồng mình chống chọi với bệnh tật trong cơn túng quẫn, tôi không cầm được lòng. Tôi muốn dùng kiến thức y học và lương tâm của một nhà tu hành mang lại sự sống, bù đắp thiệt thòi cho họ. Chúng tôi chữa bệnh để cứu người nên khám, chữa bệnh hoàn toàn miễn phí - lương y chia sẻ.

- Cửa chùa phải là nơi yên tĩnh để tu hành, sao thầy không xây dựng chốn thiền riêng?

- Đối với một nhà tu hành thì việc xây dựng một ngôi chùa là điều quan trọng, nhưng với tôi, xây dựng cơ sở khám, chữa bệnh giúp người bệnh lại là việc cấp thiết hơn nên tôi đã quyết định tập trung đầu tư vào việc xây dựng Tuệ Tĩnh Đường này. Còn việc xây chùa thì tạm gác lại, phải ưu tiên cho người bệnh trước đã. Đức Phật đã dạy: "Cứu một mạng người còn hơn xây bảy tầng lầu" đó chú à - lương y nói.

"Thần y" của những kiếp người nghèo khổ

Tôi tản bộ một vòng quanh sân chùa. Trưa hè nắng như thiêu đốt. Cái nắng vẫn không ngăn được dòng người đến gõ cửa thiền tìm sự sống. Quanh sân chùa, người già, người trẻ, nằm chờ la liệt. Nhiều người lộ rõ vẻ mặt nhợt nhạt, lo lắng, khổ đau. Họ đều quê ở xa đến đây, có người tận Kon Tum, Đăk Lăk, có người ở mãi Hà Tĩnh, Quảng Bình lặn lội về Huế để kiếm tìm niềm hy vọng cho bản thân, người nhà mong qua cơn bạo bệnh. Chị Trần Thị Tuyền, 52 tuổi, quê huyện Bố Trạch, Quảng Bình, khuôn mặt còn lộ vẻ bồn chồn xen lẫn niềm hy vọng, nói:

- Tôi đến đây từ sáng sớm, 3 giờ sáng dậy bắt xe đò vào, sợ đi muộn không lấy được thuốc, thế mà chờ đến giờ vẫn đông khách. Chẳng giấu gì chú, ông nhà tôi bị đau khớp nằm một chỗ đã 5 năm nay, nhà tôi làm ruộng, một nách 4 đứa con nhỏ, nhà nghèo không có tiền đưa ông đi chữa bệnh. Nghe tin ở Huế có nhà sư chữa bệnh miễn phí, chúng tôi rủ nhau vào, mong được nhà sư cứu giúp.

Chủ yếu những người bệnh về đây đều rất nghèo. Đã thế, bệnh tật lại hành hạ lên xuống nhiều lần. Có nhiều người phải đến gõ cửa Tuệ Tĩnh Đường tới 6 - 7 lần, có gia đình cả nhà không sót một ai không nương nhờ cửa từ bi Tuệ Tĩnh Đường. Gia đình anh Trần Quang Thịnh ở huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) nhà quá nghèo, gạo không đủ ăn, bầy con nheo nhóc 5 đứa đều thất học. Đã thế bệnh tật vẫn không buông tha, lần lượt anh Thịnh bị bệnh đau thần kinh tọa, vợ bị đau lưng do làm lụng quá sức, rồi 3 đứa con nhỏ èo uột, suy dinh dưỡng, suy nhược thần kinh. Gia cảnh đã nghèo, bệnh tật lại càng làm gia đình anh túng quẫn thêm.

- Thế gia đình anh lấy đâu ra tiền mà chữa bệnh? - Tôi hỏi.

- Tiền gì đâu chú, lương y chữa bệnh miễn phí cả mà. Những người nghèo như tụi tui thì lương y không lấy một xu. Còn một số bệnh nhân chỉ phải trả 50% tiền thuốc, một số chỉ lấy vốn, nếu người có đủ điều kiện thì mới bán bình thường. Thuốc được cấp theo hoàn cảnh đó chú... Ơ! Chú không tin à? Chú tính, cả gia đình tui đau ốm triền miên rứa thì lấy tiền mô mà chạy chữa. May mà có lương y và các thầy thuốc ở đây ra tay cứu giúp. Bây giờ đã khỏi bệnh cả rồi, vậy mà lương y không lấy của gia đình tui một đồng nào. Nếu không có lương y chắc cha con tui về chầu ông vải hết chú ơi. Tui thật biết ơn vô cùng tấm lòng nhân hậu của lương y - anh Thịnh xúc động.

Với những bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện đến khám, chữa bệnh được, hằng năm, lương y Thích Tuệ Tâm đều tổ chức 8 - 10 chuyến khám lưu động từ thiện. Mỗi chuyến đi dài hàng chục ngày. Mới đây, lương y đã đến khám, chữa bệnh cho bà con ở vùng sâu, vùng xa Tứ Hạ, Bình Thành, Bến Ván (Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) hơn chục ngày. 28 năm qua, Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa mặc nhiên trở thành "bệnh viện" từ thiện, địa chỉ quen thuộc của người nghèo ở Huế và các vùng lân cận.

Bây giờ, Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa có gần 30 lương y, lương dược do sư thầy, lương y Thích Tuệ Tâm làm trưởng ban điều hành, chuyên khám và chữa bệnh cho những bệnh nhân mắc các chứng bệnh như suy nhược thần kinh, cơ thể, các bệnh khớp, đau lưng, thần kinh tọa... Mỗi ngày khám và chữa bệnh cho khoảng 200 - 250 người. Trung bình hàng năm, phòng khám phục vụ hơn 50 nghìn bệnh nhân, phần lớn là người nghèo. Số bệnh nhân thì đông mà cơ sở khám, chữa bệnh thì vẫn còn chật hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân.

Ở Huế có Phòng khám từ thiện Kim Long, một cơ sở của Thiên chúa giáo cũng dang tay cưu mang những bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS. Lương y chủ động phối hợp với họ để thành lập Ban quản lý chăm sóc những bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS. Với tấm lòng bao dung cao cả, lương y đã quy tụ được hơn 40 tình nguyện viên tự nguyện làm cái việc mà nhiều người cho là nguy hiểm, tự tay chăm sóc, động viên hơn 40 bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS, giúp họ hòa nhập với cộng đồng, bớt mặc cảm, tự ti với bệnh tật, sống có ích hơn.

Tôi ngồi nhẩm tính, mỗi năm hàng chục nghìn bệnh nhân được khám chữa bệnh, 28 năm qua, chí ít cũng có đến cả triệu bệnh nhân đã được vượt qua cơn bệnh tật, tìm lại sự sống nhờ bàn tay nhân ái, tấm lòng cưu mang của sư thầy, lương y Thích Tuệ Tâm. Trong tâm khảm của họ, lương y Thích Tuệ Tâm không chỉ là nhà tu hành sống tốt đời đẹp đạo, vị lương y như từ mẫu mà còn là vị cứu tinh, vị "thần y" của nhưng kiếp người nghèo khổ.   

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây