Cụ già 84 tuổi hơn 20 năm đi đuổi 'đinh tặc' làm từ thiện

Thứ bảy - 26/11/2011 20:16
Mỗi ngày ông rong ruổi trên các tuyến đường nhặt từng chiếc đinh do bọn "đinh tặc" ném xuống để bẫy người đi đường. Toàn bộ số tiền gom góp được từ việc bán phế liệu là các loại “đinh tặc” nhặt được trên đường, cụ đều dành để ủng hộ từ thiện.

Khắc tinh của ''đinh tặc''

Cụ Nguyễn Thành Long (84 tuổi) sinh ra ở vùng đất Thủ Dầu Một, tỉnh Sông Bé (nay tách thành 2 tỉnh Bình Phước và Bình Dương). Năm 18 tuổi, cụ gia nhập hàng ngũ quân đội, tham gia chiến đấu chống thực dân Pháp. Tháng 8/1954, Nguyễn Thành Long tập kết ra Bắc, năm 1964 tham gia học lớp sỹ quan và đóng quân tại thị xã Sơn Tây (tỉnh Hà Tây cũ). 

Trong thời gian tham gia chiến đấu tại nhiều chiến trường từ Nam – Bắc, cụ Long cũng vinh dự được gặp và chụp ảnh lưu niệm với Bác Hồ và 2 lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cụ từng nhận được nhiều danh hiệu, bằng khen chiến sĩ thi đua. Năm 1965, cụ lấy vợ và chuyển về định cư tại TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam cho đến nay. 


Cụ Long chuẩn bị đồ nghề lên đường thu dọn đinh tặc 

Trong thời gian sinh sống tại Hà Nam, cụ Long chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn thương tâm, khuôn mặt nhăn nhó của người dân khi dính bẫy “đinh tặc”. Cũng cần nói thêm là nạn “đinh tặc” ở Hà Nam rất phổ biến và diễn ra trắng trợn. 

Không thể khoanh tay đứng nhìn, cụ bắt đầu cái nghề “vác tù và hàng tổng” của mình. Thế là từ những năm đầu thập kỷ 90, người dân TP. Phủ Lý, Hà Nam lại thấy một cụ già ngày ngày cặm cụi đi nhặt những chiếc đinh do kẻ xấu vứt xuống đường để bẫy người tham gia giao thông. 

Cứ đều đặn như thế, hàng chục năm nay, khi mọi người còn chưa tỉnh giấc thì cụ Long đã bắt đầu hành trình đi bộ hàng chục cây số để làm công việc nhặt đinh. 


Không kể nắng mưa hay giá rét, hằng ngày cụ Long vẫn rong ruổi trên tuyến đường xung yếu để dọn sạch "đinh tặc".

Đến nay cụ đã trải qua thâm niên hơn 20 năm đi nhặt “đinh tặc”. Những ngày đầu thấy cụ làm vậy con cháu, người thân trong gia đình ai cũng can ngăn. Họ sợ mọi người nghĩ con cái đối xử với cụ thế nào mà lại để cụ ra đường “nhặt lá đá ống bơ”. Còn bàn dân thiên hạ thì cứ xì xầm bàn tán. Có người khen cụ, có người chê, thậm chí có kẻ độc miệng lại nói cụ bị điên, tâm thần. 

Thế nhưng cụ bỏ ngoài tai tất cả, cứ đều đặn mỗi ngày cụ lại bỏ ra một khoảng thời gian nhất định đi làm cái việc không giống ai này. Sau mỗi buổi nhặt đinh về, cụ gom lại rồi sau đó bán cho đồng nát lấy tiền bỏ lợn tiết kiệm góp để ủng hộ người nghèo, đồng bào lũ lụt, khuyến học của địa phương. 

Quả thực theo ghi nhận của mọi người cũng như thực tế cho thấy, từ khi cụ Long tình nguyện đi nhặt những chiếc đinh trên đường thì nạn đinh tặc giảm hẳn. 

Chị Hồng, một người dân sống bên QL1A cho hay: “Quanh các quán sửa xe ven đường hay có đinh và vật nhọn lắm, thường thì về ban đêm bọn “đinh tặc” hay rải đinh ra đường. Nhưng hôm nào chúng tôi cũng thấy cụ Long gom nhặt chúng lại nên người đi đường cũng bớt lo sợ dính phải “đinh tặc” của kẻ gian”.

Nhặt đinh bán lấy tiền làm từ thiện 

Suốt thời gian hơn 20 năm qua, từ việc nhặt đinh bán phế liệu lấy tiền, cụ Long đã góp vào qũy từ thiện, ủng hộ cho các thành phần hàng chục triệu đồng. Quả là một việc làm ý nghĩa, có tính nhân văn sâu sắc. 

Cụ Long từng bị bọn đinh tặc hù dọa nhiều lần nhưng chúng đâu dám làm gì cụ. Những lần “chạm trán” với kẻ gian, thấy cụ nhặt đinh trên đường bọn chúng đến xua đuổi cụ đi: “Lão già này, sao lấy đinh của bọn tôi, muốn ăn đòn à?”. 

Những kẻ chuyên rải đinh, vật nhọn trên đường để hành nghề sửa xe, lấy giá dịch vụ cắt cổ, bị cụ cương quyết: “Chúng mày làm việc thất đức thế có ngày cũng bị báo ứng, tao mà bắt được tên nào rải đinh thì tao gọi gọi một trăm mười ba (Cảnh sát 113) xích cổ hết chúng mày hết”.

Chiến lợi phẩm sau mỗi lần đi nhặt về

Mỗi lần nhặt đinh về, cụ Long gom lại lúc nào được nhiều thì đem đi bán. “Số tiền bán đinh và phế liệu, tôi cho tất vào một con lợn nhựa dùng để đựng tiền tiết kiệm. Lúc nào được nhiều thì mổ ra lấy tiền ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt”, cụ Long cho biết. 

Ngoài ra, cụ còn dùng một phần số tiền đó vào việc ủng hộ đến các cháu học sinh nghèo ham học và con em thương binh liệt sỹ gặp khó khăn ở địa phương. Cứ như vậy, đến nay cụ đã đóng góp hàng chục triệu đồng từ tiền nhặt đinh bán phế liệu để ủng hộ.


Tiền bán phế liệu "đinh tặc" được cụ Long cho vào ống tiết kiệm lợn nhựa sau đó dùng làm từ thiện.

Cụ Long lắc lắc con lợn nhựa rồi khoe với chúng tôi: “Trong này cũng được hơn 3 triệu rồi đấy, tất cả đều là tiền bán phế liệu của đinh tặc. Lúc nào nhà nước phát động ủng hộ thì tôi sẽ mổ ra để làm từ thiện. Đồng bào mình nhiều nơi còn nghèo khổ lắm, tuy không có nhiều nhưng mình cũng phải góp chút ít gì đó giúp họ vượt qua hoạn nạn”. 

Nói về việc làm của mình, cụ Long tâm sự: “Mình là lính cụ Hồ thì học tập và làm việc theo tấm gương Bác Hồ. Việc rải đinh kiếm lợi bất chính của nhóm người xấu rất nguy hiểm đến người đi đường nên mình cần phải ngăn chặn chứ không có ý gì khác”. 

Chỉ mong mình thất nghiệp 

Theo cụ Long thì đoạn đường mà bọn xấu thường rải đinh là QL1A từ TP. Phủ Lý đến thị trấn Đồng Văn. Hàng ngày cụ vẫn đều đặn dạo qua dạo lại một vòng trên đoạn đường này, cứ thấy đinh hoặc vật nhọn gì là cụ lại cúi xuống nhặt cho vào túi. 

Cụ Long cho hay, thời gian gần đây bọn “đinh tặc” hoạt động dày hơn, tinh vi hơn nên cụ cũng phải “tăng ca” thường xuyên. Những tên lưu manh này không từ một thủ đoạn nào để ép giá, tìm cách bóp chẹt tiền của những người lỡ dính “bẫy” của chúng. 

Trong hơn 20 năm làm cái nghề nhặt đinh tặc cụ cũng từng chứng kiến nhiều sự việc đau lòng. Có lần tận mắt chứng kiến vụ tai nạn đau lòng khiến một bé gái 3 tuổi bị chết đã ám ảnh cụ mãi. Người mẹ đang chở con đi trên đường, bỗng bánh trước của xe dính đinh, xe loạng choạng đâm vào ô tô đi ngược chiều khiến cho con chết, mẹ nằm viện. Đó là một trong những vụ tai nạn ám ảnh cụ nhất, còn cảnh chủ xe mếu máo vì phải trả một miếng vá với giá trời ơi thì thường xuyên. 

Những lần như thế cụ Long lại càng ghét bọn đinh tặc và quyết tâm dẹp nạn này bằng được.


Cụ Long bên giấy chứng nhận, bằng khen của các cấp trao cho với những việc làm mà cụ đã đóng góp cho xã hội.

Bà Lại Thị Xuyến, vợ cụ Long tâm sự: “Hơn 10 năm qua ông ấy cứ lủi thủi ở ngoài đường, mặc gia đình lo lắng khuyên ngăn. Có lần vào cuối năm 2006, trong một lần đi nhặt phế liệu, đinh ốc ở trên QL1A, trời gió rét ông bị tai biến mạch máu não, nằm ngay trên đường. May mà có người quen nhận ra và đưa ông vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu mới tai qua nạn khỏi. Gần một năm trời gia đình chăm sóc, thuốc thang ông mới phục hồi sức khỏe. Thế mà, đi lại được ông lại ra đường ngay”. 

Như để minh chứng cho những kết quả mình làm được trong thời gian qua, cụ Long lôi trong tủ ra một tập bằng khen chứng nhận việc nhặt đinh làm từ thiện cho chúng tôi xem. 

“Bây giờ tôi cũng đã nhiều tuổi rồi, chết ngày nào không hay. Nếu cho tôi một điều ước bây giờ thì tôi ước mình thất nghiệp càng dài ngày càng tốt, mong sao nạn đinh tặc không hoành hành trên các tuyến đường như hiện nay để người tham gia giao thông được yên tâm, tôi cũng có thời gian yên tâm nghĩ dưỡng tuổi già”, cụ Long thật thà giãi bày. 

Trước khi chia tay, rảo bước theo cụ trên con đường QL1A tìm những chiếc “đinh tặc”, tôi mới cảm thấy hết ý nghĩa và trân trọng việc làm này của cụ Long. Mong sao xã hội càng có nhiều người như vậy để ngày một giàu đẹp, văn minh, kỷ cương.

Nguồn tin: BĐVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây