Chùa “xe duyên”

Thứ tư - 23/11/2011 22:47
Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, cùng với đình Bối Hà lập thành cụm di tích Đình - Chùa Hà. Quần thể di tích này trước kia thuộc làng Dịch Vọng (tên nôm là làng Vòng), huyện Từ Liêm, nay thuộc phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Chùa Hà được lập ra để vua Lê Thánh Tông bày tỏ lòng nhớ ơn các đại thần: Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt... đã cưu mang mình.

Thời điểm đó, thái tử Nghi Dân (anh trai vua Lê Thánh Tông) là một kẻ phản vương, phản quốc. Năm 1460, các đại thần kể trên đã phế thái tử Nghi Dân để đưa Tư Thành lên ngôi, lấy hiệu là Lê Thánh Tông. Trải qua bao phen binh hỏa, chùa Thánh Đức đã bị phá hủy nhiều lần. Năm 1680, chùa vẫn còn lợp lá gồi, tường xây bằng gạch vồ nên người dân gọi là chùa Vồi. 

Đến đời vua Lê Hy Tông (1675 - 1705) có hai người quê làng Thổ Hà, tỉnh Bắc Giang sang ở chùa để bán các đồ gốm sứ ở chợ trong và ngoài thành Thăng Long. Nhờ buôn bán phát đạt, hai gia đình này tình nguyện công đức số tiền lớn cùng nhân dân trong xóm xây dựng lại chùa bằng gạch ngói vào năm đó. Từ đấy hai làng Thổ Hà và Dịch Vọng Trung kết nghĩa, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà và chùa có tên nôm là chùa Hà. Ngày kỵ hàng tháng, hàng năm ở Thổ Hà, nhân dân xóm Bối Hà cử đoàn đại biểu sang lễ và ngược lại. Diện mạo của chùa hiện nay chính là kết quả của lần trùng tu lớn đó và những lần trùng tu sau này.


Nét cổ kính của chùa Hà vẫn còn nguyên vẹn đến hôm nay

Chùa Hà xưa hướng tây nhìn ra sông Nhuệ, tam bảo năm gian rộng, Phật điện ba gian theo kiểu chữ đinh, phía trước là tam quan theo kiểu truyền thống. Trên có gác chuông. Gác nọ nối vào gác kia, mái cong cao vút bên góc tạo cho tam quan dáng vẻ nhẹ nhàng, thoáng mát. Ở chùa Hà còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ bằng gốm như bát hương, chĩnh, ang, vại...

Chùa Hà còn lưu giữ nguyên vẹn một quả chuông đồng đúc từ thời vua Cảnh Thịnh thứ 7 (1799), cao hơn 1,30m, chu vi 1,5m. Trên thân chuông có khắc bài văn cổ chứa đựng nhiều tư liệu quý. Ngày Tết tháng 11 năm Kỷ Mùi (1799), các bậc quan viên hương lão cùng bốn giáp ra sức bỏ tiền của lo việc đúc chuông. Quả chuông này là quả phúc, nặng hơn 300 cân, cao 1 thước 6 tấc.                       

Chùa Hà từ lâu đã là địa điểm cầu duyên nức tiếng Việt Nam. Không cứ ngày Tết mà bất kể khi nào, nhất là vào ngày rằm, mùng 1, nếu có dịp ghé thăm chùa Hà, bạn không khỏi ngạc nhiên vì có rất nhiều bạn trẻ (đa số là nữ) tới dâng hương, xin sớ, xem quẻ cầu duyên. Dọc phố chùa Hà, hàng quán hầu hết chỉ bán hoa hồng (hoa tượng trưng cho tình yêu). Các hàng lưu niệm quanh chùa cũng bán rất nhiều vòng, nhẫn... cái nào cũng đi theo đôi, theo cặp... Những mâm lễ nhỏ, xinh xắn có hương và hoa hồng đã trở nên quen thuộc đối với nhiều bạn trẻ dâng lễ ở đền thờ Mẫu để cầu duyên.  

Đa số khách thập phương tới chùa cầu duyên đều là phụ nữ trẻ. Có người đang bị người yêu rời bỏ hoặc tình cảm rạn nứt nên đến đây lễ để “gọi tình”. Những người chưa có bạn tình thì cầu nguyện để nửa còn lại nhanh đến với mình. Du khách đến lễ chùa Hà ai cũng cầu nguyện một tình duyên trọn vẹn. Người đang yêu mong tình yêu đẹp mãi, hạnh phúc bền lâu.

Những cô gái trẻ khi đang khấn vái bỗng bật khóc nức nở là chuyện hiếm có tại cửa Phật, nhưng tại chùa Hà, chuyện đó lại khá phổ biến. Hầu hết du khách đều không hay biết về sự tích cầu duyên của chùa Hà. Chùa Hà không có sư. Ban quản lý chùa là một nhóm các cụ cao niên tại địa phương. Giai thoại về tình yêu cũng không ai hay biết. Những điều đó đã khiến chùa Hà trở thành ngôi chùa độc đáo nhất Hà Thành cũng như Việt Nam. 

Không chỉ có các hạng mục kiến trúc đẹp, thanh nhã, hài hòa với cảnh quan, chùa còn có bề dày lịch sử. Giữa thế kỷ XX (tháng 6-1945), Thành ủy Hà Nội tổ chức lớp tập huấn chính trị quân sự cho cán bộ tự vệ và thanh niên xung phong bí mật toàn thành tại chùa Hà. Ngày 15-8-1945, đồng chí Nguyễn Quyết, Bí thư Thành ủy đã triệu tập và trực tiếp chủ trì cuộc họp các cán bộ lãnh đạo tự vệ và thanh niên tuyên truyền xung phong toàn thành phố ở tam quan chùa Hà.

Hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hà Nội, quy định rõ phương thức huy động quần chúng ở nội ngoại thành là cơ bản, có lực lượng tự vệ chiến đấu làm nòng cốt và tham gia khởi nghĩa vào sáng 19-8-1945. Đầu năm 1947, chùa Hà bị giặc phá, chỉ còn sót lại tam quan, một phần Phật điện với một số tượng Phật, trong đó có tượng Quan Thế Âm và tượng Đức Ông cao 1,92 mét tạo tác tinh xảo mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. Từ đống đổ nát, cụ Đức, người coi sóc chùa ngày ấy đã dựng lại mái chùa bằng tre gỗ đơn sơ.

Năm 1988, bằng tiền công đức của dân, từng bước chùa được tu sửa. Năm 1982, chùa đã được gắn biển “Di tích cách mạng”. Năm 1995, chùa Hà được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây