Suốt nhiều năm
qua, chỉ có lâm tặc và bọn săn đồ cổ biết đến ngôi chùa cổ này và việc chúng
làm không phải báo cho các nhà chức trách, mà đem xà beng, thuổng, cuốc vào đào
phá tìm đồ cổ.
Đám lục lâm thảo
khấu kia nhồi cả mìn vào tường đá giật nổ tung để tìm báu vật. Tượng đá, bia đá
bị đập vỡ sạch sẽ.
Nền cũ chùa Hồ Thiên
Cả một vườn bảo
tháp tuyệt đẹp cũng bị đào rỗng ruột, giật đổ để lấy đi đồ cổ. Khi các nhà khoa
học tìm đến, cũng phải há hốc ngạc nhiên, bởi ở vườn tháp này chằng chịt đường
hầm do bọn đồ cổ tạo ra cứ như thể địa đạo đánh giặc.
Hai pho tượng được
cho là Phật hoàng Trần Nhân Tông và thiền sư Pháp Loa cũng bị bọn trộm đồ cổ
chặt rời đầu để kiểm tra xem có báu vật giấu bên trong không.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bị cụt đầu...
... giờ đã được gắn lại và đặt trong một cái am gạch
lúp xúp thế này
Giờ, đầu hai vị
được gắn với thân bằng vôi vữa, đặt trong một cái am dựng tạm bằng gạch lúp xúp
trông thật thảm hại, không xứng với một vị đế vương lừng danh lịch sử nước nhà.
Vào năm 1988, được
sự chỉ dẫn của những người hái măng, lấy thuốc trong rừng, một nhà khảo cổ của
Bảo tàng Bắc Giang đã tìm thấy phế tích ngôi chùa Hồ Thiên nổi tiếng này và
công bố phát hiện chấn động tới toàn thể giới khoa học.
Tháp gạch hiếm hoi dựng thời Lê còn nguyên vẹn ở Hồ
Thiên.
Khi đó, nhà khoa
học này cũng chưa thể xác định được di tích chùa Hồ Thiên thuộc địa phận tỉnh
Bắc Giang hay Quảng Ninh, bởi ngôi chùa nằm trên đỉnh một ngọn núi, trên độ cao
hơn 500m so với mặt biển, trên dãy Yên Tử bịt bùng hoang rậm.
Các nhà khoa học
đã tức tốc vạch rừng vào tận nơi và sững sờ trước một di chỉ khảo cổ khổng lồ
đổ nát giữa đại ngàn. Niềm an ủi lớn nhất với các nhà khoa học là còn một tháp
đá xanh 7 tầng tuyệt đẹp vẫn nguyên vẹn từ thời Trần.
Tháp đá 7 tầng được một nhà khoa học chụp lúc chưa đổ
Tháp đã mới được dựng lại
Nhà khảo cổ Vũ Thị
Khánh Duyên (Ban quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh) mô tả vẻ đẹp của
tháp đá: “Đó là một ngôi tháp được gia công rất công phu.
Tầng một của tháp
có cửa mở bốn hướng, chính giữa đặt một bệ đá hoa sen, trong chạm nổi hình
lưỡng nghi bát quái, bao quanh hình Lưỡng nghi là các hoa văn vân mây và các
chấm tròn (28 hạt) bố trí theo nguyên tắc của Kinh Dịch.
Bốn mặt bên của bệ
đá này đều chạm nổi hình cánh sen ba lớp, tổng cộng gồm 72 cánh. Các cánh sen
được tạo tác rất mập, dầy, so le, hướng lên trên và úp vào nhau.
Trên bề mặt mỗi
cánh sen được trang trí bởi những hoa văn khắc vạch chìm lá đề và hoa văn vân
mây ba dải. Ngôi tháp đá minh chứng cho nghệ thuật xây dựng tháp đá của cha ông
thời đó”.
Di vật tuyệt đẹp còn sót lại.
Tôi đang loay hoay
chụp ảnh tháp đá quét sơn trắng, thì sư trụ trì Thích Đạt Ma Trí Thông, dáng
người mảnh khảnh trong bộ đồ vàng xuất hiện từ trong rừng.
Sư Trí Thông dẫn
tôi lên gian thờ mới được dựng tạm bằng gỗ thắp hương, rồi ngài kể về duyên kỳ
ngộ với Hồ Thiên tự.
Theo sư, người đời
vẫn tưởng Hồ Thiên có nghĩa là hồ nước trên trời, nhưng thực ra, chữ “hồ” ở đây
không phải ao hồ, mà là “quần tụ”. Hồ Thiên chính là sự quần tụ trên trời. Ngôi
chùa nằm thế dựa lưng vào núi Phật Sơn, mùa đông chẳng có ngọn gió nào thổi
đến, nên dù ở độ cao hơn 500m so với mặt nước biển, thường xuyên có mây mù bao
phủ, song lại quanh năm ấm áp.
Bia đá bị đập vỡ được gắn lại.
Rồi ngài chậm rãi
đọc bài thơ chúa Trịnh Cương khắc trên bia đá ca ngợi cảnh đẹp của chùa: ''Miền
đông đều xinh đẹp/ Riêng một cảnh Hồ Thiên/ La liệt ngàn núi thẳm/ Vời vợi muôn
vẻ huyền/ Thượng thừa khai cảnh Phật/ Đại giác diễn chân thuyên/ Lầu gác thường
truyền giới/ Đầm vực nối đất liền/ Châu báu xây cổ tháp/ Ngọc vàng rạng mọi
miền/ Đạo lớn thâm hưng chấn/ Công quả được mãn viên/ Cuộc chơi vừa kết thúc/
Bút thánh đề non tiên''...
10 năm trước, vào
năm 2001, được sự giới thiệu của sư trụ trì am Ngọa Vân, sư Trí Thông đã tìm
lên ngôi chùa này, sống trong mái đá, ăn vả, ăn măng, rồi cùng nhân dân dựng
tạm mấy gian nhà, cố gắng giữ gìn các di tích.
Bia đá xanh tuyệt đẹp ca ngợi cảnh Hồ Thiên.
Thế nhưng, theo
lời sư Trí Thông, sự có mặt của ngài cũng không ngăn cản được đám lục lâm thảo
khấu. Hàng ngày, vẫn có những nhóm người vác súng, vác cưa máy đi qua Hồ Thiên
vào rừng săn thú, đốn cây, rồi xuống núi, cũng đi qua Hồ Thiên với các loại xác
thú trợn mắt, nhe nanh, máu chảy tí tách.
Bọn trộm đồ cổ
thường lợi dụng những ngày sư Trí Thông xuống núi để hành động. Chúng chặt gãy
ngọn tháp 7 tầng tuyệt đẹp để móc đồ cổ, đào hố thủng đáy tìm chum chóe, khiến
tháp đá nghiêng dần rồi đổ kềnh vào năm 2004
Rồi tấm bia đá xanh
tuyệt đẹp mô tả cảnh sắc tuyệt trần của Hồ Thiên cũng bị bọn trộm đồ cổ đào hở
hàm ếch, khiến bia đá bị lún, nghiêng.
Sư Trí Thông phải
cùng nhân dân dựng lại tháp đá. Dù tháp đá đã dựng lại nguyên vẹn, nhưng không
được chuyên nghiệp, nên trông nó mới mẻ quá, mất đi sự cổ kính, u hoài của tháp
đá 700 tuổi.
Thậm chí, cách đây
vài năm, cây vải tổ khổng lồ có tuổi ít nhất 400-500 năm, cũng bị lâm tặc vác
cưa máy cưa rụng một cành. Cành vải đó có đường kính tới 0,6m. Sư Trí Thông đã
phải liều cả mạng sống của mình mới bảo vệ được cây vải tổ, nếu không, chúng sẽ
hạ cả cây để lấy gỗ.
Nơi thờ tự Phật hoàng ở Hồ Thiên được dựng tạm như thế
này
Ba cây thông khổng
lồ, thân 3 người ôm, cao vọt khỏi tán rừng, đứng cách xa cả chục km vẫn nhìn
thấy ở khuôn viên chùa Hồ Thiên cũng bị lâm tặc hạ cả rồi.
Anh Tuấn - người
dẫn đường cho tôi vạch rừng đi về phía Đông để lần tìm những ngôi tháp đá rêu
phủ xanh rì chìm khuất trong những bụi rậm mà anh gặp rất nhiều trong những chuyến
đi rừng hái thuốc, lấy măng, bẫy thú chục năm trước. Anh đi một lát rồi về với
gương mặt thất vọng, vì không tìm thấy cái tháp đá nào nữa, chỉ thấy những tảng
đá vô tri vung vãi trong rừng.
Anh Tuấn bảo,
trong thời điểm từ 10 đến 20 năm về trước, người dân quanh vùng ầm ầm lên núi
Yên Tử đào đồ cổ đem bán. Rất nhiều người trúng đậm vì đào được chum chóe, đồ
gốm, tượng đồng, khánh đồng…Những thứ gì có giá trị thì họ đã khênh đi hết rồi.
Chỉ còn lại những thứ vỡ vụn, không có giá trị, hoặc nặng quá, không khiêng đi
được mà thôi.
Hình dung
về Hồ Thiên khi xưa:
Hồ Thiên gồm hệ
thống các hạng mục kiến trúc nằm giữa hai sườn núi chạy dọc từ đỉnh xuống chân,
tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ. Khu trung tâm là một tòa Tiền đường rộng 5 gian 2
chái (dài 26m, rộng 11m), và tòa Thượng điện gồm 3 gian. Tòa nhà này còn lại
một phần, với bức tường dày tới gần 1m.
Nền chùa được bó
vỉa bằng hệ thống đá phiến lớn màu xanh. Ngoài ra còn có khu nhà tổ, tọa lạc
trên một mặt bằng khoảng 300m2, rộng 7 gian còn khá rõ nền móng.
Đáng chú ý là khu
nhà bia được làm hoàn toàn bằng đá tảng xanh, thớ mịn, được mài nhẵn ở tất cả
các mặt, ghép bằng mộng rất khít. Nhà bia chỉ còn lại một bức tường đá xanh.
Tại khu nhà bia,
hiện vẫn còn tấm bia đá xanh khá nguyên vẹn, tuyệt đẹp, cao tới 2,76m. Việc đưa
được tấm bia nặng nhiều tấn này lên đỉnh núi quả là kỳ công. Tấm bia đá là một
cuốn “sử thạch” về Hồ Thiên.
Ngoài ra còn vườn
mộ tháp, với những tháp đá được làm bằng những phiến đá xanh rất đẹp, ghép mộng
rất khít. Mỗi tháp đá là một công trình nghệ thuật của một thời đại.
Nguồn tin: VTC
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự