Hành trình kỳ lạ của một người Việt đến Tây Tạng (P1)

Thứ sáu - 18/11/2011 08:07
Ngày nay, từ TP.HCM qua các chuyến bay bạn có thể đến Lhasa (thủ phủ Tây Tạng) trong chưa đầy một ngày. Thế nhưng, 75 năm trước, có một người Việt Nam phải cần đến 375 ngày để đi từ Sài Gòn qua các Phật tích ở Ấn Độ, Népal và vượt lên dãy Himalaya bằng cách cưỡi ngựa và đi bộ.

Ông ở lại đó hơn 150 ngày, thu hút sự chú ý đầy hiếu kỳ của dân chúng cả thành Lhasa về sự xuất hiện khác thường của mình. Đồng thời trở thành chuyện lạ truyền tụng trong giới quý tộc và các vị chức sắc cao cấp nhất của Tây Tạng thời ấy, bởi sự kiện: ông là người ngoại quốc duy nhất cho đến lúc đó được pháp vương Tây Tạng trực tiếp ban pháp danh và ấn chứng để trở thành vị Lạt ma người Việt Nam đầu tiên trong lịch sử truyền pháp trên xứ tuyết, có thể nói là cả trong lịch sử truyền pháp trên thế giới.

Ông là ai?

Đó là Lạt ma Thubten Osall Nguyễn Tấn Tạo đã một thân một mình xuống bến Nhà Rồng - Sài Gòn năm 1935 để thực hiện cuộc hành hương đơn độc trong hai năm. Khi trở về Việt Nam ông đã khai sơn chùa Tây Tạng tại Bình Dương - đến nay là ngôi chùa mang nhiều đường nét mỹ thuật theo phong cách kiến trúc Tây Tạng duy nhất ở nước ta.

Ông không chỉ là vị thiền sư đắc đạo, mà còn nổi danh là một vị chân tu yêu nước, được cử làm Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc và là người cha đỡ đầu cho các chi đội kháng chiến chống Pháp ở Thủ Dầu Một. Ông cũng là cố vấn quân dân chánh của tỉnh, nhiều lần kêu gọi tăng sĩ tham gia kháng chiến giành độc lập.

Những gì ông đã góp cho đất nước và cuộc đời thì rất rõ. Nhưng ít người biết về quá khứ kỳ diệu của ông trong cuộc hành hương đơn độc để cầu pháp và đắc pháp trên núi tuyết Himalaya. Ở đó ông đã gặp một tôn sư bí mật trong hang đá và truyền pháp cho ông.

Ông sinh vào rằm tháng bảy năm Kỷ Sửu 1888 trong một gia đình khá giả ở làng An Thạnh, quận Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương và là một trí thức am tường về lịch sử tư tưởng Đông phương lẫn Tây phương.

Qua nghiên cứu nhiều xu hướng triết học và tư duy kinh viện đương thời, cuối cùng ông đặc biệt chuyên tâm thâm nhập vào Phật học ngay thời trẻ nên ông xuống tóc xuất gia tại chùa sắc tứ Thiên Tôn với hòa thượng An Thành - Từ Thiện và được đặt pháp danh: Nhẫn Tế.

Sau ông đến Bà Rịa cầu pháp học đạo với Tổ Huệ Đăng tại chùa Thiên Thai, rồi cất am tu hành và độ chúng tại vùng chợ Búng (Lái Thiêu) trước khi hành hương sang Ấn Độ và Tây Tạng năm 47 tuổi.

Khởi hành

Ngày đi, các huynh đệ và cư sĩ thân cận không khỏi lo lắng cho ông, vì biết ông phải dấn thân vào nơi xa xôi không quen biết ai. Nhưng lạ một điều - và như được hộ pháp giúp đỡ - nên vào buổi sáng khởi hành, khi đến đường Catinat (tức đường Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM ngày nay) để đổi bạc chi dùng, tình cờ ông gặp một người Ấn Độ bận Âu phục khoảng hơn 20 tuổi.

Sau vài phút trò chuyện ngắn ngủi, người Ấn kia bảo ông đừng lo, rồi dẫn ông đến căn hộ số 27 đường Ohier (tức đường Tôn Thất Thiệp, Q.1 ngày nay) gặp một người trạc ba mươi tuổi là Mr. Ramassamy, Phó hội trưởng Hội xã tri Madras - Ấn Độ.

Ông Ramassamy viết hai bức thư dặn trao một bức cho ông Chánh hội trưởng khi tàu đến Singapore, bức còn lại trao cho người khác khi đến thành Bénarès, thì “ông sẽ được an ổn trên đất Ấn Độ” - Ramassamy bảo đảm như thế. Ông cầm hai bức thư như hai cánh chim báo điềm lành, bận chiếc áo tràng màu nâu giản dị và xách hành lý vỏn vẹn chỉ có hai túi vải đựng sách kinh và quần áo trên tay, bước xuống tàu với vé tàu hạng chót.

Khách mua vé hạng chót như ông đều phải nằm trong cái hầm tàu vốn là căn bếp nấu ăn cho hành khách Ấn Độ, chính ở đó ông đã tập ăn uống theo kiểu Ấn ngay từ ngày khởi hành 17.4.1935. Ông đến Singapore (20.4.1935), rồi đến Madras (25.4.1935) ăn bữa ăn đầu tiên trên đất Ấn Độ với “cà ri và vài món cà ri chua, cà ri khô không có nước. Họ nấu khéo, ngon, nhưng cay xé họng. Mới tắm đó, mà muốn tuôn mồ hôi”. Tiếp đó đến Calcutta, vào thành Bénarès (30.4.1935), đi chiêm bái Bồ đề đạo tràng (21.12.1935), đến Népal (29.1.1936) viếng vườn Lâm-tỳ-ni cùng nhiều Phật tích và di tích văn hóa khác.

Sau đó từ một nhân duyên đặc biệt ông đã được Lạt ma Gava Samden cùng ba đệ tử của Lạt ma ấy dẫn đường. Thế là sau gần một năm hành trình, ông đã bước lên những dãy núi đầu tiên của Himalaya hùng vĩ vào ngày 6.3.1936. (còn tiếp)

Ý nghĩa của từ lạt ma

Từ Lạt ma nguyên dùng để gọi các bậc trưởng lão, thượng tọa, cao tăng trong Phật giáo Tây Tạng. Lạt ma có những nhiệm vụ quan trọng như nghiên cứu học hỏi, mở mang sự hiểu biết cho đến việc giáo hóa dân chúng, thúc đẩy xã hội tiến lên. Trong chùa viện, vị Lạt ma một mặt giữ gìn giới luật nghiêm ngặt trong đời sống, một mặt tu học Hiển giáo và Mật giáo cùng các học thuật ở thế gian như thiên văn, y học... cho nên đời sống tu học của Lạt ma rất nghiêm cẩn, có thể cho rằng đây là đại biểu điển hình trong nền văn hóa cao nhất ở Tây Tạng (theo Từ điển Phật học Huệ Quang, Hòa thượng Thích Minh Cảnh chủ biên, NXB Tổng hợp TP.HCM 2004, tập 3).

Còn nữa...

Nguồn tin: Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây