Ly kỳ ngôi miếu linh thiêng thờ chiến sỹ công an bị giặc Pháp xử bắn

Thứ bảy - 11/01/2014 08:58
Một chiến sỹ đã chiến đấu và hy sinh khi tuổi đời cho quá trẻ. Cảm phục trước tấm lòng vì dân vì nước, người dân đã lập miếu thờ ông và lấy tên là miếu ông Ba Tiền.
Miếu thờ ông Ba Tiền được người dân ngày đêm nhang khói.
Miếu thờ ông Ba Tiền được người dân ngày đêm nhang khói.

Gắn liền với ngôi miếu nhỏ là hàng loạt câu chuyện tâm linh, khó hiểu mà người dân nơi đây chưa lý giải được. Miếu thờ ông Ba Tiền, vậy ông Ba Tiền là ai? Vì sao được người dân lập miếu thờ?

Dân lập miếu thờ một công an

Được nhiều người dân giới thiệu, chúng tôi tìm đến nơi đặt ngôi miếu được cho là thờ một công an. Ngôi miếu nhỏ nằm trên đường Huỳnh Văn Nghệ (đoạn qua chợ cũ Bửu Long, thuộc phường Bửu Long, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Đó là một ngôi miếu nhỏ nằm ven đường, thờ ông Ba Tiền được người dân Đồng Nai lập nên từ gần 70 năm trước.

Ngôi miếu nhỏ nằm tựa lưng vào một ngôi nhà bỏ hoang mà trước đây là Công sở Bửu Long. Nơi hàng mấy chục năm trước ngày giải phóng miền Nam, bọn tề ngụy dùng làm nhà hội, nơi hàng ngày làng lính Bửu Long tập trung làm việc. Nhìn bên ngoài, nó chỉ là một ngôi miếu nhỏ, bình thường, chẳng có gì đặc biệt. Và nếu không được người dân kể trước thì chúng tôi cũng chẳng biết đó là miếu được người dân lập để thờ một nhân viên Quốc Gia Tự Vệ Cuộc Biên Hòa (tiền thân của Công an Đồng Nai ngày nay).

Người dân kính trọng gọi người được thờ trong miếu là "Cậu Ba Tiền". Theo những người sống xung quanh miếu, thì miếu thờ một chiến sỹ cách mạng và rất linh thiêng. Có người không tin nên đến gần miếu phóng uế, nhiều trẻ con đến đùa nghịch và xúc phạm ngôi miếu này. Những người "vô lễ" đều bị ông Ba Tiền trừng phạt. Những lúc như thế, chỉ cần làm lễ, cúng cho ông một vài lễ vật là ông tha cho. Đó là do người dân kể chứ chúng tôi chẳng biết nó có linh thiêng hay không. Chỉ biết rằng người dân rất kính cẩn đối với người được thờ trong miếu. Nhiều người đến thắp hương nhang khói và không ai dám nói lời xúc phạm. Có người còn thờ ông trong một ngôi nhà gần đó, ngày ngày nhang đèn chẳng sót một bữa nào. Theo nhiều người thì ông Ba Tiền là một người lính Việt Minh bị địch bắn chết, nhưng họ rất tin ông bởi ông sống chết vì cuộc kháng chiến bảo vệ nhân dân.

Điều đáng nói là mặc dù ông Ba Tiền là một chiến sỹ Quốc Gia Tự Vệ Cuộc, là người lính Việt Minh, nhưng sau khi bị Pháp bắn chết, người dân Bửu Long và cả xã Tân Thành (nay đều thuộc phường Bửu Long) đã dám xây hẳn một ngôi miếu thờ ngay tại nơi ông bị bắn chết, ngay trước ngôi nhà mà lính Bửu Long dùng nơi làm việc hằng ngày.

Sau khi lập miếu, người dân vẫn nhang khói bình thường. Có một chuyện lạ là dù ngôi miếu thờ một người lính Việt Minh, kẻ thù của đám lính ngụy tề nhưng trải qua mấy đời hương chức hội tề ở đây, cũng như đám lính đóng bót Bửu Long gần đó đều lờ đi như không biết, không dám đụng đến ngôi miếu linh thiêng này.

Ly kỳ vụ cướp súng của giặc

Tuy nhiên, khi hỏi những người cao niên sống cạnh miếu thì chẳng ai biết ông Ba Tiền là ai. Toàn bộ thông tin mà chúng tôi có được chỉ là người được thờ trong miếu là ông Ba Tiền, một công an Việt Minh bị Tây bắt và dụ dỗ quy hàng nhưng là người dũng khí nên không khai báo điều gì. Chúng tra tấn ông dã man, và cuối cùng ông bị bắn chết, sau đó bị chặt đầu. Khi tìm kiếm tung tích về người công an được dân thờ, may mắn chúng tôi gặp được một vị cao niên đi ngang ngôi miếu. Người này chỉ dẫn chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Tấn Khanh (tên thường gọi là Ba Khanh, 87 tuổi, ngụ tại Khu phố 2, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), để nghe ông kể về nguồn gốc miếu thờ và người được thờ trong miếu

Theo ông Khanh, ngôi miếu được xây từ năm 1946, ngay sau khi ông Ba Tiền bị chặt đầu. Ngày trước ông Khanh là công tác tình báo, còn ông Ba Tiền là nhân viên Quốc Gia Tự Vệ Cuộc. Dù là hai đơn vị khác nhau nhưng họ cũng có quen biết, nhiều lần thực hiện những nhiệm vụ chung do cấp trên chỉ đạo.

Nhớ lại những ngày đầu tham gia kháng chiến, ông Khanh cho biết: "Tôi nhận nhiệm vụ trinh sát những mục tiêu của địch, vào một ngày đầu tháng 4/1946, tôi cùng một đồng chí khác đi trinh sát ở gần bót Bửu Long. Khi đi ngang qua một cửa hiệu hớt tóc, tôi thấy một tên lính Việt gian đang ngồi hớt tóc một mình, vai mang một khẩu súng trường. Bí mật quan sát một lúc, tôi cùng đồng đội lên kế hoạch giật súng.

Theo nhiệm vụ được phân công, người đi cùng tôi đứng canh phòng bên ngoài, tôi đi vào hiệu cắt tóc giật khẩu súng, chĩa vào đầu tên lính, rồi bắt trói tên này về giao cho cấp trên tại căn cứ Tân Ba (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) để thẩm tra. Tên lính Việt gian tên Phước khóc lóc xin tha để về nuôi mẹ già. Vì không nỡ giết hắn nên sau khi giác ngộ tư tưởng, lãnh đạo đã thả tên lính này về nhà".

Hy sinh để cứu đồng đội

Cướp được khẩu súng hiện đại vào thời điểm đó, những người trong cứ chưa kịp mừng thì hai ngày sau, Bộ chỉ huy quân Pháp tại Tiểu khu Biên Hòa đã huy động lực lượng hùng hậu bao vây căn cứ khu vực Tân Thành - Bửu Long để càn quét hòng tìm ra khẩu súng, và cũng là để triệt tiêu lực lượng cách mạng của ta. Thì ra, tên lính sau khi được thả về đã không ăn năn và không giác ngộ được tư tưởng cách mạng như trong căn cứ, máu phản dân hại nước khiến hắn trở lại đầu thú, khai toàn bộ sự việc cho trưởng bót Biên Hòa. Và tên này báo cáo cấp trên, mở trận càn lớn, giết hại nhiều cán bộ của ta. Không lường trước được âm mưu của địch, lực lượng Việt Minh bị giết hại, một số người bị chặt đầu quăng xác xuống sông.

Ông Khanh nhớ lại: "Trong cảnh hỗn loạn, mọi người đều tìm đường trốn thoát khỏi trận càn của địch. Nhờ thông thạo địa hình ở Biên Hòa nên tôi nhanh chân chạy vào núi, rồi chạy một mạch không nghỉ băng qua nhiều đồi núi, chạy qua cánh đồng hoang, đến chùa Một Cột (tại phường Bửu Long) để trốn. Còn ông Ba Tiền không rành đường, lúc đó lại đang đi trên đường nên bị xe lính chạy qua, chúng dừng xe nhảy xuống bắt rồi đưa về sở chỉ huy.

Ban đầu chúng dụ dỗ ông Ba Tiền quy hàng, phục vụ cho nhà nước Đại Pháp. Nhưng ông là một chiến sỹ kiên trung nên chúng không đạt được mục đích. Không khai thác được gì, địch điên cuồng tra tấn. Cuối cùng chúng làm một cây Thánh giá (ông Ba Tiền theo đạo Thiên Chúa Giáo) treo ông lên và xử bắn. Mục đích chính của trận càn lớn này là lấy lại khẩu súng, và bắt kẻ dám giật khẩu súng hiện đại của địch. Nhưng chúng không thực hiện được ý định. Tôi là người giật súng, nhưng anh Ba Tiền và nhiều đồng chí khác phải hy sinh, nên tôi rất thương tiếc, họ đã chết thay tôi".

Sau khi người chiến sỹ cách mạng chết, tên sỹ quan Pháp hô lên: "Couper la corde!" (cắt dây - PV). Nhưng không hiểu sao tên lính Việt gian thừa lệnh lại nghe thành "Couper la tête!" (cắt đầu - PV), nên đã vung mã tấu chặt đầu ông Ba Tiền. Theo ông Khanh thì ông không nhớ rõ chính xác ông Ba Tiền chết vào tháng mấy, chỉ nhớ là khoảng tháng 6/1946, lúc đó ông Ba Tiền mới chỉ 27 tuổi. Cảm phục tấm lòng vì dân vì nước, người dân lập nên miếu thờ ông Ba Tiền ngay sau đó, và ngôi miếu này tồn tại đến ngày nay.

Nhân chứng duy nhất

Ông Khanh là nhân chứng duy nhất biết về ông Ba Tiền cũng như nguồn gốc ngôi miếu. Ông Khanh cũng chỉ nhớ loáng thoáng ông Ba Tiền có tên thật là Huỳnh Văn Tiền hay Huỳnh Bá Tiền gì đó. Nếu đúng như những gì mà ông Khanh cho biết thì người được người dân thờ trong miếu tại phường Bửu Long chính là chiến sỹ Huỳnh Văn Tiền (SN 1919, quê tại xã Bình Trước (nay là TP.Biên Hòa), quận Châu Thành, tỉnh Biên Hòa).

Tác giả bài viết: Công Thư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây