Người ta đút tiền vào mọi... khe hở!

Thứ bảy - 18/01/2014 08:09
Người ta đút tiền vào mọi... khe hở!
Hối lộ chư Phật à?
 
Là người nghiên cứu văn hóa hay phải đi khảo sát di tích, anh có thấy đúng là hiện tượng nhét tiền vào tay tượng Phật rất phổ biến?
 
Những người làm văn hóa như tôi đã day dứt nhiều năm về hiện tượng này rồi. Bản thân tôi đã viết một số bài, trả lời một số báo chí truyền hình về hiện tượng đặt tiền ở ban thờ, tượng Phật, tứ phối (tức tứ Thánh - học trò của Khổng Tử), đặt tiền vào tay Khổng Tử... Có nơi như chùa Bái Đính chẳng hạn, người ta còn đút tiền vào mồm, mũi tượng... Ở Phủ Tây Hồ, người ta thò tay đút tiền vào mọi khe hở trong khán thờ, giắt tiền vào hoành phi, câu đối... Tiền ở khắp nơi gây một sự phản cảm rất lớn về mặt mỹ quan, văn hóa.
 
Theo anh, việc này xuất phát từ đâu?
 
Truyền thống văn hóa từ xưa, dân đi lễ bao giờ cũng có một khoản ý nhị: "tiền giọt dầu". Đây là những khoản tiền lẻ mà người dân đi lễ chùa bỏ vào hòm công đức để các vị sư trụ trì cũng như ban quản lý di tích thắp hương, thắp đèn, mua lễ vào những ngày sóc vọng (ngày rằm và mùng 1). Khoản tiền đấy để đem cúng lên Tam bảo, không phải tiền cho bản sư, hay ông từ. Tiền đấy thể hiện cái tâm hướng về đức Phật. Kể từ khi bùng nổ kinh tế, người ta quên hẳn nguồn gốc, ý nghĩa thuở xưa. Người ta cũng không cho tiền đó vào hòm công đức mà đặt hẳn lên Tam bảo. Vào chùa hay đình thì người xưa đều mang tiền giọt dầu. Tuy nhiên, ở chùa, không bao giờ được hóa vàng...
 
Ông nói sao? Không hóa vàng ở chùa? Tôi chưa nghe điều này bao giờ!
 
Thì bây giờ tất cả mọi người đều hóa vàng mã ở chùa.
 
Nhưng nhà sư hoặc người nhà chùa nói chung không thấy can thiệp hay giải thích về điều này...
 
Bản chất của vàng mã là tiền để cúng âm phủ. Các chư Phật ở trên cõi Niết bàn, ở cùng đất tịnh độ, chứ đâu ở âm phủ mà cúng!
 
Ở nhiều chùa, vẫn dành hẳn nơi để hóa vàng đấy!
 
Vậy các vị định cúng ai? Chư Phật ở trên Niết bàn chứ có ở âm phủ đâu mà cúng! Người dân đã đem tư duy từ đình, miếu, Phủ vào trong cả chùa. Ở đình, Phủ, miếu mới có văn hóa hóa vàng theo tín ngưỡng dân gian. Nơi đây thờ thành hoàng làng, đức ông, các vị anh hùng lịch sử... - những đối tượng thuộc lớp chúng sinh. Khi mất đi, họ ở một cõi nào đó trong âm phủ thì mới cần cúng tiền âm. Khi bạn đặt tiền thật và hóa vàng ở chùa, bạn định hối lộ Chư Phật à? Tuy nhiên, trong chùa cũng có chỗ hóa vàng, ấy là ở gần khu nhà mẫu, nhà vong. Nhưng nói chung, không nên đặt tiền hay hóa vàng ở các ban thờ Phật.
 
Người dân nhiều khi hồn nhiên
 
Về chuyện đặt tiền, vừa rồi Nhà nước nói là phản cảm nhưng thực tế nhiều người không nghĩ là phản cảm mà chỉ nghĩ: Không phải lúc nào đi lễ cũng mua được hoa quả bánh trái. Vậy thì đặt tiền cho tiện. Tức là không phải người ta biết là phản cảm mà cố đặt...
Người dân nhiều khi hồn nhiên lắm!
 
Đi lễ, có nơi người ta quy định không đốt hương vì sợ khói nghi ngút quá. Vậy là người đi lễ không mua hương. Đồ lễ cũng không mua vì không biết mua gì, và vào chùa lạ nên không biết bao nhiêu ban, đặt thế nào.... Vậy nếu không đặt tiền thì vào người không à?
 
Theo văn hóa truyền thống thì mua hoa quả. Việc dâng mâm ngũ quả là hệ giá trị biểu tượng để thể hiện lòng thành của người dân. Nhưng bây giờ nhiều người không nghĩ đến mâm ngũ quả mà dùng tiền (vật chất). Lên chùa thắp nén tâm hương cũng được, đâu nhất thiết cứ phải vật chất! Phật tại tâm mà!
 
Nói như anh thì đi lễ nhất thiết phải có hoa quả mới là đúng, là thành tâm?
 
Thực ra, kể cả không có hoa quả cũng không sao. Ở một ngôi chùa nào đó mà điều kiện không cho nhiều người đến thắp hương, mình có thể đem lòng thành đến để lễ Phật, không nhất thiết phải có lễ lạt đầy đủ.
 
"Tha hương văn hóa"
 
Vào dịp cận Tết, đặc biệt đầu năm mới, việc du xuân lễ chùa đôi khi hơi ồ ạt. Ở những chùa hơi có tiếng, thậm chí vào trong không thở được, mà cũng không chen vào được. Anh nghĩ gì về việc chen chúc đi lễ đầu năm?
 
Đi chùa đầu năm là một phong tục lâu đời. Đây cũng là một nét đẹp văn hóa. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày xưa là văn hóa làng xã, mỗi làng đều có một ngôi chùa, ngôi đình với sự phân chia các bà, các vãi ra chùa, các ông ra đình. Như thế, người ta cầu cúng ngay ở ngôi chùa làng mình. Trong đời sống hiện đại, cơ cấu làng xã bị phá vỡ, người ta hướng đến: chỗ nào thiêng thì đi. Người ta truyền tai nhau về những chỗ "linh thiêng" và đến đó cầu cúng mà đôi khi "quên" thắp hương ở chùa làng mình. Chỗ "linh thiêng" đó ở xa thì cũng cố đến, đặc biệt vào dịp đầu năm. Đã có người gọi hiện tượng này là sự "tha hương văn hóa".
 
Anh có nghĩ sự "tha hương văn hóa" cũng là một điều hay, phản ánh đời sống kinh tế phát triển, bởi kinh tế phát triển thì mới có điều kiện ra khỏi làng đi đây đi đó?
 
Việc đi du xuân là điều tốt. Quan trọng là tính mục đích. Nếu đi với tâm thái du xuân, thưởng ngoạn, vãng cảnh chùa thì rất tốt. Còn đi với mục đích mình có thể cầu xin thì không ổn.  Chùa, Phật không phải nơi để đến xin tài lộc, may mắn... Đến chùa là để tĩnh tâm chứ không phải cầu danh, cầu lợi. Giờ người ta "áp" vào ngôi chùa chức năng giải quyết những nhu cầu của đời sống con người. Chùa, đình, đền đang không được phân biệt rõ ràng. Người ta cứ nghĩ chỗ nào thắp hương được là chỗ ấy có thể "cầu".
 
Năm nay, nhà nước hạn chế in tiền mệnh giá nhỏ. Bộ VH-TT&DL cũng đã ra Chỉ thị triển khai các biện pháp để hạn chế sử dụng tiền mệnh giá nhỏ trong các hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng... nhưng với thực tế cuộc sống, anh có nghĩ, cấm thì cấm nhưng người dân vẫn sẽ đặt tiền bởi họ nghĩ đơn giản: Tôi không làm gì phạm pháp!
 
Chủ trương của Nhà nước rất tốt, nhưng cần một cơ chế, chế tài để chỉ thị đó được thi hành. Nên có thông tư xuống tận Sở Văn hóa, di tích theo hệ thống ngành dọc giải thích rõ nên làm thế nào, tại sao lại làm thế này mà không làm thế kia... Ban quản lý di tích phải có biện pháp để người dân không đặt tiền trên Tam bảo nữa. Nếu chỉ hô hào suông, e rằng đâu vẫn vào đấy thôi. Quan trọng là phải có chế tài!
 
Xin cảm ơn anh.

Tác giả bài viết: Hoài Lương

 Từ khóa: người ta

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây