Phú Thọ: Cả làng bị quả báo nhãn tiền vì đập phá đình chùa ?

Thứ sáu - 06/06/2014 07:44
Quãng đường dài chưa đầy 1km người ta đã đếm đến hơn 30 trường hợp bị điên, còn những người phụ nữ góa bụa thì kể mãi mà chẳng hết. Ở nơi ấy đang tồn tại lời đồn về xứ sở “sát đàn ông”. Tất cả đều bắt nguồn từ chuyện đập phá đình chùa, tượng Phật trong quá khứ, đang là nỗi ám ảnh người dân ở xóm Tây Tiến, xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Nhóm PV Đường dây nóng 0988811123 đã về địa phương để tìm hiểu sự thật.
Từ chuyện xúc phạm thánh thần…

Nhiều người cao tuổi trong làng cho biết, trước đây Phú Lạc cũng có phong trào bài trừ mê tín dị đoan, tuy nhiên việc thực hiện đã có sự "quá tay", khiến cả những công trình, kiến trúc không thuộc "mê tín dị đoan" vẫn bị phá hủy. Người làng kể lại, có một ngôi chùa cổ nằm trên quả đồi hoang đã bị phá, tượng Phật, thánh thời ấy được người ta sử dụng làm bù nhìn canh ngô hay vứt xuống sông hồ, ao rãnh. Một ngôi đình nằm ngay giữa làng cũng bị phá. Những chiếc cột to bằng cả chiếc vành xe chắc nịch hai người ôm không xuể được đục chạm bằng gỗ mít cũng bị cắt xẻ ra làm ghế ngồi. Chùa ấy hiện nay vẫn trơ lại nền, thuộc khu 7 xã Phú Lạc, cách Tây Tiến chưa đầy cây số.

Những ngôi đình, chùa, miếu thật vững vàng cổ kính, rêu phong xưa, là "hồn vía" của làng, đã không còn. Thế rồi từ những năm sau đó, Tây Tiến liên tiếp phải gánh họa lớn. Những câu chuyện tâm linh có thật hay không, hoặc chỉ do người dân thêu dệt nên thì không ai rõ nhưng có một sự thật là hiện có đến vài chục phụ nữ sống cảnh đơn độc hoặc mẹ góa con côi ở Phú Lạc. Cả xóm nhỏ nằm san sát trên con đường làng lạnh lẽo ấy chiều về chỉ bảng lảng vài bóng đàn bà và mấy người tâm thần đi dần vào bóng tối cô quạnh, nhìn mà thấy buồn. Bây giờ Tây Tiến đã xây lại đình chùa bằng công nghệ bê tông cốt thép và sơn nó bằng những loại sơn ngoại đắt tiền. Nền đình cổ xưa nay đã trở thành những nhà cao tầng. Nhưng bấy nhiêu thứ dường như vẫn chưa đủ để xóa đi cái buồn sâu thẳm của Tây Tiến.

Nhiều năm qua, những người phụ nữ độc thân ở đây đặt ra câu hỏi tại sao họ lại phải sống cuộc sống như vậy. Hầu hết những người lớn tuổi kể câu chuyện đập phá đình chùa của làng ra làm nguyên nhân để lý giải cho số kiếp đau buồn của con cháu. Đã nhiều thế hệ người dân của xã Phú Lạc đón thầy phong thủy từ tận miền Nam ra để tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng kì bí này nhưng đến tận bây giờ câu trả lời vẫn còn để ngỏ.

Đến chuyện về ngôi làng "sát đàn ông"

Đến đầu xã Phú Lạc rẽ vào con đường dài thượt nhếch nhác, nham nhở rồi đi tiếp khoảng 1km là đến xóm "rùng rợn". Người ta gọi là xóm rùng rợn từ bao đời nay vì nơi này nổi tiếng với những câu chuyện như: Cả nhà đều điên, bốn mẹ con đều góa bụa… Những người dân ở đây cũng thừa nhận rằng đàn ông trong xóm ấy "ra đi" rất kỳ lạ. Họ không chỉ chết do ung thư, tai nạn, đột tử, tai biến mạch máu não mà có khi đang ăn dưa hấu cũng mắc nghẹn mà chết. Khi nghe mọi người kể câu chuyện trên chúng tôi bán tín bán nghi, muốn "mục sở thị" mới tin. Nhiều nhà có năm người thì điên bốn, có gia đình cả ba bốn mẹ con góa bụa, họ dọn về ở chung một nhà thế là thành ngôi nhà góa chồng.

Đến đây tôi mới thấy được tận cùng nỗi đau chẳng kém gì những lời đồn thổi. Tôi tìm đến nhà ông Lê Xuân Phiên, người mà dân làng vẫn quen gọi là lão già đau khổ vì ba người con điên đã gây cho lão bao tang tóc, ông bất mãn đến mức phải nhờ hàng xóm đến nhà đóng cũi để nhốt con mình trong 7 năm qua. Chắc lão Phiên cũng khổ tâm lắm nhưng không làm vậy thì không ổn. Khi chưa bị cùm nhốt, nó đã dùng cuốc bổ vào đầu ông và nhiều lần làm cho ông chết hụt, người con khác của ông thì dùng chày giã gạo đập nát đầu đứa con dâu hiền dịu đang là lao động chính của gia đình. Làm chuyện động trời ấy xong nó vào nhà ngồi rít thuốc lào như không có chuyện gì xảy ra. Ông Phiên không chết thay cho con dâu được thì phải sống. Căn nhà lão Phiên ở bây giờ đẹp lắm, đó là tiền nhà báo xin được để xây cho ông căn nhà trước đã bị thằng con trai thứ ba mắc tâm thần nổi cơn điên lừa cả nhà đi vắng kì cạch dỡ đem bán dần cho chủ lò gạch làm củi đun. Nó bán để lấy tiền ra chợ mua thịt và thuốc lá hút phì phèo.

Chúng tôi hỏi ông Phiên về những người đàn bà góa trong xóm, ông cười xòa: "Úi trời! Hỏi tôi già rồi đầu óc lẩm cẩm kể trước quên sau, xóm này người góa nhiều lắm, hay để tôi đêm về nằm nghĩ đã rồi thống kê ra giấy, mai anh quay lại lấy được không?".

Tò mò về cái xóm chết gần hết đàn ông ấy, chúng tôi nhờ ông Phiên đưa đến nhà ai đó cao tuổi một chút nhưng lão lại chỉ đường cho tôi đến nhà một người đàn bà bị mù. Chúng tôi thắc mắc, sao lại cho người mù làm "công tác thống kê"? Ông Phiên kéo xoẹt chiếc áo đã cáu bẩn bạc màu lẩm bẩm gì đó rồi đứng dậy nói "Các anh cứ đi theo tôi".

Nhà chị Đức có năm người, trong đó bốn người bị mù. Ngoài chị Đức còn có hai người anh trai trên tuổi cũng không nhìn được mặt trời và mẹ đẻ ra chị Đức cũng bị mù đã vài chục năm. Căn nhà lá đơn sơ ấy chỉ có ông Lê Văn Vít đã gần 80 nhưng vẫn là lao động chính. Chị Đức biết nhiều chuyện làng chuyện xóm vì đôi mắt ngầu đục như cùi nhãn ấy chỉ nhìn vào một bầu trời riêng mịt mù tăm tối nhưng trí tuệ chị lại rất "sáng". Có ai đó nói rỉ tai chuyện gì là nhớ ngay, khả năng tổng hợp thông tin của người đàn bà mù này rất tốt. Chị Đức bắt đầu kể vanh vách như thể người hướng dẫn viên thực thụ. Như lời chị giới thiệu, khu 3, khu 4 là nơi nhiều người góa nhất, khu này gọi là khu Tây Tiến, xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Chị Đức còn hỏi rõ chúng tôi xem hỏi tên những gia đình có phụ nữ lấy chồng sau đó chồng chết hay cả những người không lấy chồng. Người phụ nữ ngồi lẩm bẩm: "Nhiều, nhiều thật, có những nhà còn ba bốn thế hệ góa bụa sống nuôi nhau”. Khu Tây Tiến nằm rải rác trên con đường nhầy nhụa dẫn vào trung tâm hành chính xã, phía tay trái đường vào là con ngòi lấp dở đang gồng mình chảy vì sỉ than và gạch vụn đang đổ tràn lan từ mấy lò gạch to uỵch cạnh đó. Sông ngòi chết, người bên sông cũng chết làm cho cảnh vật nơi đây không thể buồn hơn.

Kế bên dòng nước ngầu đục hắt hiu là cánh đồng hoang nẻ toác, trên cánh đồng có bóng vài người phụ nữ thong thả làm thay phần việc của đàn ông. Đồng hoang và dòng nước "chết" phần nào cũng thể hiện được sự khổ đau và nghèo đói của người dân nơi đây. Họ chỉ tập trung ở dọc bên phải con đường vào UBND xã nên việc thống kê phụ nữ góa bụa của chị Đức rành mạch hơn. Chị bắt đầu tính từ đầu thôn Tây Tiến: Bà Ngô Thị Đào, bà Nguyễn Thị Thịnh, chị Lê Thị Phương, bà Đinh Thị Trọng, bà Lê Thị Thu… Chị cứ kể, nhà báo cứ ghi nhưng ghi mãi vẫn không sao liệt kê một cách tỉ mỉ về số người phụ nữ góa bụa của Tây Tiến. Chị đột ngột dừng lại hỏi: "Ơ! Hình như chưa có tôi trong số đó nhỉ, tôi cũng không có chồng mà, chị bỗng dưng cười, nụ cười ấy có gì đó buồn lắm. Năm nay đã ngoài 40 nhưng chị chẳng đi đâu, chị muốn lấy chồng nhưng chẳng ai lấy, khối người khiếm thị kém sắc hơn mà họ vẫn lấy chồng, sinh con, họ vẫn được làm mẹ nhưng khốn nỗi chị lại sinh ra ở khu có những người đàn ông "rủ nhau" chết nên chẳng ai dám "rước". Vì sao đàn ông trong làng lại "rủ nhau ra đi" kỳ lạ như thế? Việc này liên quan gì đến việc phá đình chùa khi xưa và lời đồn đại những người đàn ông của làng phải hứng chịu cơn nổi giận của thánh thần?

Nguồn tin: Pháp luật & xã hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây