Tháp Chăm “độc nhất vô nhị” ở Tây Nguyên suýt thành phế tích vì một cây đa

Thứ năm - 03/08/2017 02:37
Tháp Yang Prông được người Chăm xây dựng từ thế kỷ XIII với kiểu kiến trúc độc đáo, mang ý nghĩa phồn thực. Năm 1991, Yang Prông được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây là ngôi tháp Chăm độc nhất và kỳ lạ nhất trên đất Tây Nguyên.
Nguồn gốc tháp Yang Prông

Theo các tài liệu khảo cổ học, tháp Yang Prông (tiếng bản địa là Thần lớn) được người Chăm xây dựng từ thế kỷ XIII, dưới thời vua Jaya Sinhavarman III (tức vua Chế Mân, chồng của công chúa Huyền Trân), tương ứng với triều đại nhà Trần của nước ta.

Tháp Yang Prông cao 9m, rộng 20m2, nằm lọt thỏm trong một cánh rừng già tại địa phận thôn 5, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp tỉnh Đắk Lắk.

Đây không chỉ là tháp Chăm "độc nhất vô nhị" ở khu vực Tây Nguyên mà còn là ngôi tháp Chăm duy nhất của nước ta nằm ở địa hình bằng phẳng.

Vào tháng 8/1991, tháp Yang Prông được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.


Mặt sau tháp Yang Prông

Cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời chính xác về việc vì sao có sự xuất hiện của tháp Yang Prông trên đất Tây Nguyên.

Theo giả thuyết trong cuốn “Lý lịch di tích kiến trúc tôn giáo Chăm” lưu tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk (bản đánh máy năm 1990), vào cuối thế kỷ XII, hai nước Chiêm Thành và Chân Lạp xảy ra chiến tranh. Sau đó, người Chăm đã chiến thắng, họ thống trị vùng đất Tây Nguyên và tiến hành xây dựng tháp Yang Prông.

Một giả thuyết khác lý giải, vào cuối thế kỷ XIII, quân Nguyên-Mông xâm lược Chiêm Thành, người Chăm phải di tản lên vùng rừng núi Tây Nguyên để lánh nạn, tháp Yang Prông được xây dựng trong khoảng thời gian đó.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, Yang Prông là một công trình dang dở. Bởi lẽ, đồng bào người Chăm thường xây dựng một quần thể chứ hiếm khi xây dựng độc một ngôi tháp như vậy. Theo lý giải, do người Chăm không hòa hợp với con người, khí hậu và điều kiện canh tác tại Tây Nguyên nên họ chỉ lưu trú một thời gian ngắn rồi bỏ đi và chỉ xây dựng được tháp Yang Prông.

Có gì trong tháp Yang Prông?

Theo ông Lê Văn Hoàn - Phó chủ tịch xã Ea Rốk, ngày trước bên trong Yang Prông không có ly hương, cũng chẳng có tượng thờ. Thứ duy nhất đặt trong ngôi tháp kỳ bí này là một bàn đá và biểu tượng của thần Shiva (bộ phận sinh dục nam) được làm bằng đá. Tuy nhiên, về sau, hai thứ này đã bị mất và thay vào đó là bát nhang.


Đường vào tháp Yang Prông.
Cũng lời ông Hoàn, một số người dân mê tín trong vùng từng đến lập nhiều miếu nhỏ gần Yang Prông để thờ cúng, gây mất thẩm mĩ và ảnh hưởng tới an ninh trật tự trên địa bàn. Trước thực trạng đó, UBND xã Ea Rốk đã có những biện pháp mạnh để giữ gìn nét văn hóa đúng nghĩa với ngôi tháp độc nhất Tây Nguyên này.

Ông Hoàn cho biết: “Chúng tôi đã tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu đây là ngôi tháp cổ của người Chăm, được xây dựng với ý nghĩa tâm linh phồn thực, thờ thần Shiva để cầu mong con đàn cháu đống. Thế nhưng, có một số người không hiểu ý nghĩa sâu xa của tháp, cứ tới thắp nhang, cầu khẩn với nhiều ý nghĩ tâm linh khác.

Những năm vừa qua, UBND xã đã mời những người có hoạt động mê tín xung quanh tháp lên trụ sở để xử phạt hành chính, đồng thời, ra quân đập bỏ những miếu bằng xi măng được người dân tự ý dựng lên xung quanh tháp”.

Suýt nữa thành phế tích vì…cây đa


Ngôi tháp cổ được bao quanh bởi nhiều cây cổ thụ.

Dù Yang Prông được xây dựng cách đầy gần 10 thế kỷ, có giá trị to lớn trong lĩnh vực văn hóa, kiến trúc và khảo cổ học. Tuy nhiên, do nằm biệt lập giữa rừng sâu, đường sá đi lại khó khăn nên Yang Prông ít khách tới tham quan.

Trước đây, ngôi tháp cổ này từng xuống cấp trầm trọng, nếu không có sự can thiệp, bảo vệ kịp thời của các cơ quan ban ngành thì có lẽ ngày nay Yang Prông chỉ còn là một phế tích vì…một cây đa.

Ông Hoàn kể lại: “Trước kia, trên đỉnh tháp có một cây đa lớn. Rễ của cây đa này bao quanh tháp, làm ngôi tháp cổ nứt đôi ra. Đến năm 2013, tỉnh Đắk Lắk mới chi hơn 10 tỷ đồng để trùng tu, chặt cây đa, dùng khung sắt thép cố định lại Yang Prông như ngày nay”.

Cũng theo ông Hoàn, hiện nay người dân tại địa bàn và những du khách tới Yang Prông tham quan đều rất tò mò về chất kết dính giữa các viên gạch. Có người cho rằng, các viên gạch được kết dính với nhau bằng nhựa cây, có người nói tháp được xây bằng gạch mộc, sau đó trùm lá cây lên nung chín mới tự dính lại với nhau. Thậm chí, có người còn nhận định, giữa các viên gạch chẳng có bất kỳ chất kết dính nào.

Để làm rõ những vấn đề trên, PV đã tìm đến Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, xem xét một số tài liệu.

Trong cuốn “Du khảo văn hóa Chăm”, nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh-Viện Nghiên cứu Đông Nam Á viết: “Chúng tôi khẳng định, người Chăm xây tháp bằng gạch đã nung chứ không phải xây bằng gạch sống rồi đốt. Đồng thời, người thợ xây tháp đã dùng chất kết dính và chất kết dính đó có yếu tố nhựa thực vật”.

Cũng theo lý giải của nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh, những viên gạch được dùng để xây tháp Chăm đều rất nhẹ, xốp và không già. Nhờ tính chất xốp nên tháp Chăm nói chung và Yang Prông nói riêng mới tồn tại được qua hàng thế kỷ mà vẫn giữ được màu gạch tươi. “Do gạch xốp nên cả khối tường dễ khô đều từ trong ra ngoài khi phơi nắng, lại vừa chống chọi lại được với khí hậu nắng lắm mưa nhiều…. Chính chất liệu gạch và kiến trúc xây dựng gạch đặc biệt của người Chăm xưa là yếu tố quan trọng tạo ra vẻ đẹp đặc biệt cũng như chất lượng độc nhất vô nhị của tháp cổ”, tài liệu phân tích.

Hiện nay, xung quanh tháp Yang Prông không còn bất kỳ ngôi miếu hay hoạt động mê tín dị đoan nào. Đây là ngôi tháp kỳ bí, độc-lạ, hứa hẹn sẽ là nơi tham quan thú vị của du khách thập phương khi đến Đắk Lắk.

Nguồn tin: Infonet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây