Vị bác sĩ kì lạ có khả năng giúp bệnh nhân thâm nhập vào ký ức của người đã chết

Thứ tư - 05/10/2016 01:39
Vị bác sĩ ngồi trước mặt bà. Ông pha một tách trà. Hai người vừa uống trà vừa nói chuyện rất đỗi bình thường. Rồi đột nhiên, bác sĩ Morris nói nhanh hơn và nhiều hơn.
Vị bác sĩ kì lạ có khả năng giúp bệnh nhân thâm nhập vào ký ức của người đã chết
Vị bác sĩ ngồi trước mặt bà. Ông pha một tách trà. Hai người vừa uống trà vừa nói chuyện rất đỗi bình thường. Rồi đột nhiên, bác sĩ Morris nói nhanh hơn và nhiều hơn. Ông át cả những suy nghĩ chưa kịp ập đến của bà Dianstrom. Bà bắt đầu rơi vào cơn mộng mị và không ý thức được những gì xung quanh. Tâm tưởng bà chìm vào một thế giới khác và môi bà bắt đầu mấp máy kể chuyện.

Bà Dianstrom có chồng và một gia đình sung túc nhưng luôn bị một nỗi lo âu dằn vặt trong lòng về vấn đề tiền bạc. Mỗi khi có điều gì đó liên quan đến tiền thì bà luôn sợ sệt, lo lắng mất ăn mất ngủ nhất là phải nợ ai số tiền dù rất nhỏ. Bà luôn canh cánh bên lòng vì linh cảm nếu mắc nợ ai rồi sẽ có một sự khủng khiếp xảy đến với bà. Nỗi lo lắng lạ lùng ấy cứ xảy ra mãi làm bà trở thành một con người luôn suy nghĩ, lo âu và liên tục căng thẳng kéo dài. Ban đầu, bà lầm tưởng rằng đó là những triệu chứng của người mắc bệnh về tuyến giáp. Nhưng khi đến khám bác sĩ thì sức khỏe của bà hoàn toàn bình thường. Cuối cùng có người bạn mách bà nên đến khám bác sĩ Morris Netherton, người có khả năng thôi miên bệnh nhân để tìm ra căn nguyên của những căn bệnh kì quái.

Bác sĩ Morris Netherton sinh năm 1935 từng tham gia nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu về tiền kiếp của con người tại New York từ năm 1978. Ông cũng cho xuất bản cuốn sách “Lý thuyết về tiền kiếp” và là cuốn sách đầu tiên trên thế giới về đề tài tâm linh huyền bí này. Ông từng đi thuyết giảng tại Mỹ, Đức, Ấn Độ, Thuỵ Sĩ, Brazil và chứng thực với mọi người rằng tiền kiếp là có thực bằng khả năng đặc biệt của mình. Trước đó, ông đã phải dành ra 8 năm tại Los Angeles cho các nhà nghiên cứu khoa học chứng thực và kiểm định.

Vị bác sĩ ngồi trước mặt bà. Ông pha một tách trà. Hai người vừa uống trà vừa nói chuyện rất đỗi bình thường. Rồi đột nhiên, bác sĩ Morris nói nhanh hơn và nhiều hơn. Ông át cả những suy nghĩ chưa kịp ập đến của bà Dianstrom. Bà bắt đầu rơi vào cơn mộng mị và không ý thức được những gì xung quanh. Tâm tưởng bà chìm vào một thế giới khác và môi bà bắt đầu mấp máy kể chuyện.

Bà thấy mình là một bé gái ngây thơ tên là Rita. Rita là một đứa trẻ bị mẹ là một kịch sĩ ở New York bỏ rơi khi vừa 2 tuổi. Lúc đó, Rita gặp được một cặp vợ chồng ở Pensylvania nhận về nuôi. Năm lên 13 tuổi, Rita lại bơ vơ lần nữa vì cha mẹ nuôi bị tai nạn xe hơi qua đời. Rita sống lạc lõng, không nơi nương tựa suốt 6 năm trời. Đến năm 20 tuổi, cô gặp một người đàn ông tên là Keith Mc Culluw. Họ yêu nhau và cưới nhau. Rita hạ sinh một bé trai rồi bắt đầu có một việc làm ổn định. Cuộc sống viên mãn khiến Rita vô cùng hạnh phúc. Đây chính là quãng đời đẹp nhất và tròn trịa nhất của cô. Rita thiết kế thời trang và mở một tiệm may ở Đại lộ thứ 7 tại New York. Thế nhưng, cuộc sống hạnh phúc kéo dài chẳng bao lâu. Và mọi thứ trớ trêu đau khổ trong quá khứ lại tiếp tục lặp lại với cô.

Mùa đông năm 1928, chồng của cô qua đời. Năm sau đó, đứa con trai duy nhất, niềm hy vọng sống cuối cùng của cô cũng từ giã cuộc sống vì bạo bệnh. Trong khi đó, khắp nước Mỹ khi ấy khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Tình hình tiệm may của Rita cũng bị cuốn vào vòng xoáy ấy. Rita bị vỡ nợ. Số nợ quá lớn khiến cô bị phá sản. Rita tuyệt vọng đến nỗi phải tìm đến cái chết để giải thoát. Cô thắt cổ tự vẫn ngay trong phòng làm việc hôm đó là ngày 11/6 năm 1933. Lúc đó Rita vừa tròn 30 tuổi.

Dianstrom choàng tỉnh. Bác sĩ Morris đưa bà ra khỏi cơn mê. Sau khi biết rõ về tiền kiếp của mình, bà Dianstrom nhẹ nhõm hẳn. Bà cảm thấy giống như một người đau khổ được oà lên khóc nức nở và vơi đi cơn u uất trong lòng. Những nhà khoa học có mặt để chứng kiến cuộc thôi miên của bác sĩ Morris đã cẩn thận ghi chép đầy đủ. Và đương nhiên, họ lập tức cho chứng thực các chi tiết trong câu chuyện của bà Dianstrom. Các nhân viên văn phòng hồ sơ lưu trữ được ngày vất vả phải lục tung các tài liệu từ xa xưa. Và thật kì lạ, những chi tiết như tiệm may mặc ở Đại lộ thứ 7, tên của người đàn ông Keith Mc Culluw và cái chết của người phụ nữ mang tên Rita đều có thật. Và bác sĩ Morris khẳng định Rita chính là tiền thân của Dianstrom.

Trong một lần khác, bệnh nhân là một người phụ nữ có tên Dolores Jay. Bà Dolores bị chứng mất ngủ và thuờng xuyên gặp ác mộng. Bà mơ thấy nhiều chuyện lạ lùng và thường la hét, rên rỉ nói năng qua giấc mơ. Qua nhiều lần thực hiện phương pháp thôi miên, bác sĩ Morris đã đưa bà chìm vào giấc ngủ. Và ông bắt đầu hỏi bà về nội dung của những giấc mơ ấy trong cơn mộng mị của Dolores. Bà trả lời rất mạch lạc như một người tỉnh táo. Bà kể rằng trước đây bà là một cô gái người Đức tên là Gretchen Gottlieb. Lúc 16 tuổi, Gretchen và người cậu ruột cưỡi ngựa đi dạo thì bất ngờ bị một bọn cướp giết chết. Giờ đây, là bà Dolores nhưng những hình ảnh về cuộc giết chóc khủng khiếp ấy vẫn cứ xuất hiện rõ nét trong cơn mộng mị. Điều kì lạ là tất cả các câu trả lời của bà Dolores đều được bà trả lời bằng tiếng Đức. Bác sĩ Morris và các nhà nghiên cứu đã phải mời tới một phiên dịch tiếng Đức để thẩm định. Chính những người thân của bà Dolores đều xác nhận bà không biết tiếng Đức, chưa từng tìm hiểu qua văn hoá Đức để có thể bịa ra một câu chuyện về cô gái Gretchen và nước Đức rành mạch đến vậy.

Để chắc chắn hơn, những nhà nghiên cứu đã mời hai vợ chồng bà và bác sĩ Morris tới gặp chủ tịch Hội kiểm nghiệm dò xét người nói dối. Sau những câu hỏi đầy hóc búa và đầy tính kiểm chứng với sự hỗ trợ của máy dò thì kết luận đưa ra là bà Dolores hoàn toàn tỉnh táo và trung thực với những câu trả lời của mình. Bà Dolores chưa bao giờ học tiếng Đức nhưng lại nói tiếng Đức rành mạch trong giấc mơ với khẩu âm cổ của nước Đức thời đó. Băng ghi âm cũng được xác nhận lại và hoàn toàn trùng khớp với âm Đức cổ.

Bác sĩ Morris tiếp tục được kiểm định thêm ở một vài bài kiểm tra khác và các nhà nghiên cứu đã phải thừa nhận rằng ông có một năng lực đặc biệt giúp bệnh nhân có thể quay ngược về tiền kiếp của mình. Nhưng sau đó, ông dần rút lui và chỉ dùng thôi miên để chữa bệnh đau đầu cho bệnh nhân. Ông “bị” buộc phải từ chối đi vào tiềm thức bệnh nhân hay giúp họ tìm về tiền kiếp để chữa những căn bệnh của hiện tại.

Từ lâu, các nhà nghiên cứu về hiện tượng tâm thần như Freud, Jerome Kegan, Emest Havemann. William C.L.C. Macleod, Kripke.D.F., Simons R.N... đều cho biết rằng tiềm thức là cái thâm sâu vi diệu nhất thuộc về lĩnh vực tinh thần ở con người. Họ cố gắng nghiên cứu tìm hiểu những vùng sâu thẳm của tiềm thức, vì kinh nghiệm cho thấy, qua giấc mơ nhiều người đã quay về thời kỳ ấu thơ của mình rất rõ ràng tự nhiên như đang xem qua một cuốn album dán ảnh của họ chụp vào những giai đoạn từ ấu thơ đến khôn lớn. Những hình ảnh ấy vô cùng linh hoạt và rất chi tiết cả từ hình ảnh, màu sắc, cử chỉ, môi trường, sự việc xảy ra. Và họ khẳng định trong bộ não đã có những vùng giữ lại ký ức của mọi việc đã xảy ra từ lúc con người sinh ra.

Theo quan niệm dân gian Việt Nam. Những linh hồn trước khi đi qua chiếc cầu để đến chốn Diêm phù, họ đều được quỉ sứ cho ăn cháo. Cháo này gọi là cháo lú. Công dụng chính của cháo lú là để linh hồn người chết quên hết những gì về quá khứ của đời mình để dễ dàng cho việc đầu thai sau này, vì nếu không thì những linh hồn ấy vẫn còn mang nặng những nhớ thương tiếc nuối về cảnh cũ, người xưa, tình ruột thịt, máu mủ giữa cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái khiến lúc tái sinh luân hồi, họ lại tìm đến những gì liên hệ với tiền kiếp. Điều đó làm khó khăn trở ngại cho sự trả quả trong lần đầu thai lại này và cả những lần chuyển sinh khác nữa.

Theo Thẩm Giai Di - Báo Tuổi trẻ & Đời sống

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây