Vị thiền sư có khả năng tàng hình, thu phục cả tướng cướp

Thứ bảy - 23/05/2015 08:03
Ngôi chùa Bồng Lai bên con kênh Vĩnh Tế (thuộc xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang) luôn tấp nập người qua lại bởi một câu chuyện rất kỳ bí về vị thiền sư sáng lập ra ngôi chùa này với khả năng tàng hình, vượt qua sông suối để cứu nhân độ thế cho hàng trăm dân lành.
Chùa Bồng Lai nơi sư Đạo Lập dựng nên và viên tịch tại đây
Chùa Bồng Lai nơi sư Đạo Lập dựng nên và viên tịch tại đây
Nặng lòng từ bi
Những người dân ở quanh chùa Bồng Lai cũng như thị xã Châu Đốc dường như ai cũng dành một sự tôn kính nhất định dành cho thiền sư Thích Đạo Lập dù rằng có người sinh sau đẻ muộn chẳng biết ông là ai mà chỉ thông qua những câu chuyện kể được truyền tai nhau. Một trong những phật tử già ở chùa Bồng Lai, bà Thích Diệu Ni tâm sự rằng: “Phải nói ở vùng đất Thất Sơn này, ai cũng thán phục, kính nể và xem thiền sư ấy như Thánh, Ngài bây giờ đã hóa Phật nhưng ngay từ những ngày còn sống các phật tử và người dân đã xem vị sư ấy như Phật rồi. Pháp danh “Thích” của thiền sư là do sau này một ông thầy dạy học thời trẻ thơ đặt cho, còn khi thiền sư xuất hiện chỉ xưng tên là Đạo Lập.

Trong ký ức loáng thoáng của phật tử Diệu Ni thì: “Chúng tôi cũng không cặn kẽ lắm về gốc gác và con đường tu luyện của thiền sư này đâu. Nhưng đức độ của ngài chúng tôi thuộc như nằm lòng bàn tay, từ cuộc sống cho đến cách tu hành lẫn các hành động hành hiệp trượng nghĩa.

Theo như các bậc cao niên ở đây thì ngài nghiên cứu kinh Phóng Quang Bát Nhã và đạt được mức thanh tịnh không nhận đồ cúng dường của tín chúng. Ngài thích ẩn cư nơi núi rừng và ngồi thiền, do đó ngài đã lên núi Phục Chu ẩn tu. Tại đây, ngài không giao tiếp với mọi người cũng như không nhận đồ cúng dường. Nếu có ai phát tâm cúng dường tiền hay gạo cho ngài, Pháp sư Đạo Lập đều không nhận; cá tính ngài khác thường đến như vậy. Ngài ở trên núi nhiều năm không rời núi.

Đến một năm nọ, thấy thế sự nhiễu nhương, ngài vội vã xuống núi để đi đến Trường An và thỉnh mời tất cả các vị cao tăng tại đây đến dự Pháp hội. Khi tất cả các Pháp sư đã về tề tựu, ngài đã thuyết giảng kinh Nhị Thập Ngũ Thiên Bát Nhã Tụng. Mọi người rất kinh ngạc và hỏi ngài: “Khi sống trên núi ngài đã không giao tiếp cũng như không nhận đồ cúng dường của mọi người. Điều gì đã khiến ngài quyết định xuống núi và giảng kinh một cách thông tuệ đến thế này?”. Ngài đáp, “Pháp danh tôi là Đạo Lập, nghĩa là “Lập Đạo”. Ngài lên núi tu hành để rèn luyện đạo pháp. Sau khi đã tu luyện đạt mức đạo pháp tinh thông, ngài đã lựa chọn mảnh đất miền Tây để ẩn cư và phổ độ chúng sinh và sau đó thì khai sinh ra chùa Bồng Lai.

Phật tử Thích Thanh Long bộc bạch; “Tôi là một người rất tôn sùng thiền sư Đạo Lập. Nhưng do sinh sau đẻ muộn nên chỉ được nghe kể về ông từ cha tôi thôi. Cha tôi kể, lòng từ bi của Đạo Lập rất khác các vị thiền sư khác. Đứng trước những gã gian ác, chỉ cần một tiếng đồng hồ là thiền sư có thể thu phục được ngay. Đặc biệt khả năng di chuyển của ngài rất khác thường, có thể trong thoáng chốc đang phổ độ ở Gia Định loáng một cái lại đang ở An Giang rồi. Thời đó, có một tên tướng cướp gian ác tên Trần Văn Phục, gã cướp bóc và giết chóc khắp nơi mà ngay cả chính quyền sở tại cũng không làm gì được. Thế nhưng lạ thay, chỉ trong một cuộc tiếp chuyện ngắn với thiền sư Đạo Lập thì Trần Văn Phục đã quay đầu phục thiện. Có lần chỉ trong một giờ đồng hồ nhưng ngài có thể di chuyển từ Gia Định về Miền Tây, nhanh hơn cả ô tô bây giờ nên nhiều người đồn đoán Đạo Lập có khả năng tàng hình. 

Huyền bí những lời tiên tri
Theo sư thầy Thích Giác Tâm, người từng có hơn 10 năm tu hành ở chùa Bồng Lai thì trong suốt chuỗi thời gian tu hành trên núi, thiền sư Đạo Lập đã tự sáng tạo nên một bài kinh bí mật giống như những câu bùa chú mà khi nghe những câu bùa chú này, một kẻ lạc lối và gian ác có thể tìm hướng quay về nẻo thiện. Sư Tâm kể rằng, các lớp tu hành sau này của chúng tôi vẫn nhớ như in câu chuyện về Ngài Đạo Lập, bao giờ trước khi mở chuyện để khuyên nhủ hay phổ độ với một tên tướng cướp, ngài cũng đọc một bài kinh. Bài kinh này, Ngài tuyệt đối không cho các tăng ni ở chùa Bồng Lai biết. Chỉ trong một lần vào ngày lễ Phật, Ngài bảo khi nào viên tịch sẽ truyền bài kinh đó cho vị sư trụ trì kế nghiệp. Thế nhưng vì cuộc sống khi đó có nhiều biến cố nên bài kinh này đã chưa kịp truyền lại thì sư Đạo Lập đã viên tịch. Thế nên đến nay, những bút tích cũng như nội dung bài kinh này như thế nào cũng không ai được biết, ngay cả sư trụ trì chùa Bồng Lai cũng thế. 

Sư Tâm kể tiếp rằng: “Bởi đạo pháp quá cao việc di chuyển của Ngài Đạo Lập cũng rất bí ẩn, thoắt ẩn, thoắt hiện. Đến cả những tên cướp khét tiếng cũng phải thán phục và kiêng nể điều này. Trong thời gian phổ độ đạo pháp ở vùng đất Thất Sơn, thiền sư Đạo Lập đã băng sông giữa bão táp, sóng cuộn ầm ào để cứu hàng trăm chúng sinh trước miệng vực hiểm nguy. Các cụ xưa luôn nhắc nhở con cháu công đức của ngài Đạo Lập. Đầu tiên là việc ngài lập ra làng, xây chùa Bồng Lai. Hơn thế, sau khi xây xong chùa, ngài lại mở nhà thuốc nam chữa trị bệnh miễn phí cho người trong làng, ấp”. Ông Trần Năm Hùng kể, lâu lắm rồi, từ thời ông nội tôi truyền lại trong một đợt dịch bệnh, cả ấp gần như ngã quỵ không gượng dậy nổi, may mà có Thiền sư Đạo Lập tự bào chế thuốc nam và đọc những bài kinh bí mật để cứu cả làng này. Nếu không thì chẳng còn ai có thể sống sót cả.  

Niềm tin vực dậy những yếu mềm
Tuy là một cao tăng chân tu đắc đạo. Thế nhưng những chuyện phàm tục của thế gian luôn được vị sư Đạo Lập xắn tay vào trợ giúp. Bởi thế nên người dân càng suy tôn ông hơn. Dường như trong bất cứ biến cố nào, Đạo Lập cũng truyền đến cho những người dân một niềm tin. Ông luôn phổ độ rằng chính niềm tin sẽ vực dậy những yếu mềm và nỗi sợ hãi. Người xưa truyền rằng, ngày đầu chống Pháp, Đạo Lập cùng các đệ tử của mình không chỉ an tọa ngồi tu mà cũng tích cực chống giặc. Một câu chuyện về việc tham gia trị giặc của thiền sư mà những người dân vùng Thất Sơn này vẫn nhớ như in, đó là một lần quân Pháp vậy bắt ngài ở ngay trên quốc lộ Hà Tiên nhưng chỉ trong nháy mắt đã không thấy ngài ở đâu. Bọn Pháp ùa vào làng, xộc vào ngôi nhà nơi nuôi giấu thiền sư Đạo Lập. Nghe động, ngài nhảy vọt ra cửa sau, đẩy cửa trốn vào nhà kho để người nhà khóa trái lại. Tất cả vũ khí và quân lính dồn vào bao vây. Cửa kho được mở tung ra tất cả đồ đạc và mọi thứ vẫn y nguyên, khóa cửa sau cũng thế nhưng không thấy Đạo Lập đâu cả. Ai cũng ngỡ ngàng không biết thiền sư thoát ra bằng cách nào.

Người dân khẳng định, ông đã dùng thuật tàng hình để che mắt giặc, sau khi giặc rút đi ông mới lẳng lặng rời đi. Những người già ở vùng Thất Sơn này còn vẫn truyền tai nhau chuyện mỗi lần đi phổ độ và cứu giúp chúng sinh, Đạo Lập chỉ ăn mặc tuềnh toàng, tay cầm gậy, đầu đội chiếc nón lá rộng vành. Chiếc nón này ngoài chức năng che nắng, che mưa còn là vật để ông băng sông để cứu người. Khi qua sông, vượt biển, ông chỉ cần đặt chiếc nón lá xuống mặt nước, bước lên trên rồi dùng gậy chống thay mái chèo mà vượt sông, bao nhiêu người gặp nạn ông đều có thể cứu thoát. Khi về già, Đạo Lập còn tiên đoán chính xác trước sáu tháng là mình sẽ rời khỏi thế gian này. Đồng thời ngày quân Pháp bị đánh bật ra khỏi vùng Thất Sơn cũng được ông tiên tri chính xác. Đặc biệt, bất cứ khi nào Pháp sư Đạo Lập ngồi thiền, ngài đều ngồi thiền ít nhất là bảy ngày. Trong suốt thời gian đó ngài không ăn hay uống bất cứ thứ gì.

Nguồn tin: An ninh Thủ đô

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây