Nhiều người cho rằng cuộc sống trên vùng đồi núi cao, khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ chính là nguyên nhân giúp đồng bào dân tộc Mường nơi đây sống khỏe, sống thọ. Tuy nhiên, trong một lần về Lũng Vân công tác, chúng tôi đã phát hiện ra bí quyết trường thọ thực sự của người dân vùng sơn cước này. Đó là một loài thảo dược rất đặc biệt được cư dân nơi đây sử dụng sử dụng từ rất lâu đời.
Thức uống truyền thống
Từ Hà Nội phải vượt hơn trăm cây số, chúng tôi mới tới được xã Lũng Vân. Cảnh vật nơi đây hiện hữu trước mắt thật kỳ ảo trong màn sương mờ, bốn bề là núi rừng, xung quanh cây cỏ xanh tốt. Không khí trong lành đến mức du khách đến thăm đều nghĩ rằng nếu nếu sinh sống ở đây chắc cũng…thọ hơn được mấy năm.
Được sự chỉ dẫn của cán bộ xã Lũng Vân, chúng tôi đến nhà cụ bà Bùi Thị Ón, năm nay đã 101 tuổi, hiện đang sống ở bản Chiềng cùng với con cháu. Đến nơi, chúng tôi khá bất ngờ khi thấy cụ đang ngồi may quần áo, đường kim mũi chỉ thoăn thoắt không kém gì những cô gái đôi mươi.
Cụ Ón và hai người con đều đã đến tuổi “cổ lai hy” nhưng vẫn rất khỏe mạnh, tinh tường. Cụ có nước da hồng hào và phong thái rất hoạt bát, khỏe mạnh. Người con trai ngồi cạnh cụ thấy chúng tôi ngạc nhiên còn cho biết thêm: “Đó chưa là gì đâu, hàng ngày cụ còn theo con cháu lên nương hái bắp, hái rau. Không cho cụ đi thì cụ dỗi, bảo con cháu chê cụ già cả không làm được việc gì”.
Cụ Ón sinh được 7 người con (2 trai, 5 gái), con trai đầu của cụ năm nay cũng đã gần 84 tuổi, cháu, chắt, chút cả nội cả ngoại cũng vài chục đứa. Ngồi nhẩm một lúc lâu nhưng cụ Ón vẫn chẳng thể “liệt kê” đủ số cháu, chắt, chút của mình, cụ chỉ biết rằng “chúng đông lắm”.
Nhắc tới bí quyết sống lâu, cụ Ón cười lớn: “Tôi ăn uống cũng bình thường thôi, mỗi ngày vẫn ăn đều 3 bữa. Tôi ăn đầy đủ chất từ rau, củ, quả đến thịt, trứng, cá, nhưng tôi thích ăn rau nhất”. Nói rồi cụ rót trong bình ra cốc nước màu đó sẫm mời khách và “À” lên một tiếng: “Quên không nói với cô chú, đây là loại nước mà chúng tôi pha uống mỗi ngày. Nước này uống tốt và quý lắm, phải hái ở trên tận núi đá cơ. Có lẽ loại nước này cũng giúp chúng tôi sống lâu hơn”.
Hỏi cụ Ón về loại cây này, cụ cho biết: “Chúng tôi gọi đây là cây khúc khắc. Từ xa xưa, các cụ đã thường hái cây này về nấu nước uống. Uống nước cây này thấy da dẻ mát mẻ, ít bệnh tật nên nhà nào cũng lấy về đun nước uống như một tập tục vậy”.
Rời bản Chiềng trong sự tò mò về loài cây cho nước màu đỏ được cụ Ón cho là bí quyết sống thọ của người dân trong vùng, chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà cụ Hà Thị Nỉ ở bản Bục. Cụ Nỉ đang hì hục thổi bếp củi đun nước.
Thấy có khách tới thăm, cụ nở nụ cười móm mém và nhanh nhẹn mời chúng tôi vào nhà. Thoạt nhìn, nếu không biết trước, chắc chắn không ai nghĩ rằng cụ đã sống qua hơn một thế kỷ. Năm nay đã 102 tuổi, tuy da của cụ không tránh khỏi có những nếp nhăn nheo vì tuổi tác song vẫn khá hồng hào và khỏe mạnh.
Cụ Nỉ cho biết, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, công việc của cụ từ nhỏ đến giờ là lên nương làm rẫy và đi rừng lấy củi... Bây giờ, tuy tuổi đã cao nhưng cụ vẫn còn rất ham việc. Ngày ngày, cụ vẫn tự tay nấu cơm, gặt giũ quần áo cho mình, thậm chí khi con ốm đau cụ còn “chăm ngược” con. Sự tinh tường của cụ Nỉ còn thể hiện ở thói quen “hay đi”. Không mấy khi cụ chịu ở nhà, cứ rảnh rang là lại sang thăm con cháu hoặc đi nhà nọ nhà kia chơi.
“Ngày xưa nhà tôi nghèo, đông con nên nguồn thức ăn hầu hết là tự cung tự cấp tức, nhà trồng được gì thì ăn nấy. Chủ yếu là khoai, sắn, ngô, thi thoảng thì bắt được con cá ở ngoài suối về nấu đổi bữa. Bây giờ đời sống bớt khó khăn, bữa ăn đã được cải thiện nhưng tôi cũng chủ yếu ăn rau thôi”, cụ Nỉ cho biết.
Gợi ý về loại nước thảo dược vừa được uống ở nhà cụ Ón, cụ Nỉ như chợt nhớ ra chưa rót nước mời khách liền đưa tay với ấm tích đựng nước trên bàn. Vừa rót, cụ vừa thủ thỉ: “Nước cây khúc khắc đó mà. Xưa nay, giàu nghèo gì thì trong nhà ai ở đây cũng phải có loại nước uống này. Không chỉ là thức uống hàng ngày, mỗi lần đi làm nương rẫy hay lên rừng, chúng tôi mang theo loại nước này. Khi đói và mệt, uống vào là thấy khỏe hẳn. Có thể nói đây là thức uống truyền thống của dân bản chúng tôi”.
Uống một ngụm hết cốc nước mà cụ Nỉ đưa, chúng tôi cũng cảm nhận được vị tươi mát của nó lan tỏa khắp cơ thể.
Chống đói hiệu quả
Không chỉ cụ Ón, cụ Nỉ, chúng tôi đã tìm tới rất nhiều gia đình có người cao tuổi trong xã Lũng Vân và đều nhận được câu trả lời tương tự về bí quyết “trường xuân”. Phần lớn họ có chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt giống nhau, những đặc trưng của người miền núi. Và dù không ai khẳng định loại nước uống nấu từ cây khúc khắc giúp kéo dài tuổi thọ nhưng đều tin rằng nó mang lại tác dụng trong việc tăng cường sức khỏe.
Cụ Bùi Văn Cẩn, (93 tuổi, hàng xóm nhà cụ Nỉ) vồn vã tiếp chúng tôi bằng cốc nước có màu đỏ sẫm với lời giới thiệu mộc mạc: “Ở đây chúng tôi chẳng có gì đãi khách cả, chỉ có cốc nước mát này thôi. Tuy nhiên ai uống vào cũng sẽ thấy mọi mệt mỏi được tiêu tan”.
Cụ Cẩn kể tiếp: “Từ nhỏ tôi đã theo cha mẹ lên rừng đốn củi. Đi đường thấy loại cây này là các cụ chỉ cho cách nhận dạng để thấy thì hái về nấu nước uống. Việc nhận dạng loại cây này với cũng khá khó khăn bởi nó nhìn giống nhiều loại cây trong khác trong rừng. Vì vậy, khi đi lấy chúng tôi phải xem kỹ từ lá đến, thân và củ.
Cụ Ón cho rằng nước cây khúc khắc chính là một trong những yếu tố cho cụ sự khỏe mạnh đến trăm tuổi. Ngày xưa người Mường ở đây khổ lắm, trồng lúa ngô thì hay mất mùa. Những năm mất mùa thì chỉ biết “đánh bạn” với rau rừng, nước cây rừng. Khi đói uống nước cây khúc khắc cũng rất có tác dụng. Bản thân tôi đã nhiều lần bụng sôi ùng ục, tưởng sắp lả đi vì đói nhưng uống nước vào cái bụng lại yên, không còn cảm giác đói nữa. Có lẽ vì tác dụng đó nên nhà nào cũng mang bình đựng nước cây rừng này đi nương rẫy”.
Để tìm hiểu rõ hơn về loại thảo dược được người dân “thung lũng trường thọ” ưa thích, chúng tôi tìm gặp ông Đinh Thanh Dững, Chủ tịnh Hội người cao tuổi xã Lũng Vân. Ông Dững cho biết: “Người dân ở đây hầu hết là dân tộc Mường. Nhìn chung tỷ lệ các cụ sống thọ trong xã cao hơn những địa phương khác rất nhiều. Hiện nay, cả xã có hơn 70 người trên 80 tuổi, trong đó có gần 20 người trên 100 tuổi. Ngày trước cũng có không ít cụ “hưởng dương” trên 100 tuổi.
Sở dĩ người dân ở đây sống thọ nhờ khí hậu trong lành, người dân leo đồi núi nhiều nên khá dẻo giai. Ngoài ra, loại nước uống từ cây khúc khắc cùng được người dân cho là có tác dụng tăng cường sinh lực, bồi bổ sức khỏe. Về điều này tôi không dám khẳng định vì chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh. Tuy nhiên có thể nói đây là thức uống truyền thống ở thung lũng này. Gia đình tôi cũng sử dụng nó hàng ngày”. Rượu ngâm khúc khắc trị mỏi gân cốt? Chẳng biết từ bao giờ, cây khúc khắc đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con dân tộc Mường vùng rừng núi Lũng Vân. Ngoài công dụng chống đói, bồi bổ sức khỏe, loài kỳ thảo này còn gắn liền với văn hóa, phong tục của người dân nơi đây.
Vào mỗi dịp lễ hội, họ không thể không có chén rượu ngâm khúc khắc. Khách quý đến nhà, gia chủ thường rót chén rượu ngâm với cây rừng này để tỏ lòng hiếu khách.
Tiếp chúng tôi, cụ Đinh Thị Trẵn ở thôn Pò cũng chủ động rót ra thứ rượu có màu đỏ sẫm mời khách. Cụ Trẵn giới thiệu: “Rượu này uống tốt lắm, những khi nhức mỏi gân cốt uống cái này là hết liền, còn bình thường uống một hai chén cũng cho cảm giác ăn ngon, ngủ yên”.
Chỉ vào bình nước nấu từ cây khúc khắc, cụ Trẵn tiếp tục: “Ngoài rượu thì ngày nào tôi cũng uống loại nước cây khúc khắc. Chúng tôi uống nó quen rồi nên không bao giờ để trong nhà không có”.
Được biết, cụ Trẵn năm nay đã 98 tuổi, có 5 người con và hơn 20 cháu, chắt nội ngoại. Cũng giống như nhiều cụ già sống hằng trăm tuổi khác ở “thung lũng trường thọ”, cụ vẫn rất hoạt bát và nhanh nhẹn. Cụ Trẵn cho hay, cụ được uống nước cây khúc khắc từ khi mới sinh ra. Tuy nhiên đây có phải lý do giúp cụ Trẵn sống “trường thọ” hay không vẫn là một câu hỏi lớn.
Còn tiếp…