Mặc dù mang những nét chung của lễ hội vùng Đông Bắc nhưng các lễ hội ở Lạng Sơn lại có nét độc đáo riêng. Người ta đến hội không chỉ là đi hội mà là để sẻ chia, gắn kết cộng đồng, hòa mình với thiên nhiên. Vì thế không gian lễ hội ở Lạng Sơn như rộng hơn, phóng khoáng hơn.
Có mặt tại lễ hội Đồng Đăng năm nay, chúng tôi chứng kiến con người sẻ chia, gắn kết với nhau bởi đi hội thành từng nhóm, đều chung một tâm trạng. Khi ấy người ta sẵn sàng mời nhau những gì mình có mà không cần tính toán, đi hội cốt là để vui. Ông Hoàng Văn Mằn, khu Dây Thép, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc tâm sự: “Đi hội thấy nhà nào có mâm là vào. Không được làm khách, bởi chủ nhà quan niệm càng đông người đến là càng nhiều bạn, năm ấy sẽ làm ăn thuận lợi”. Cũng chính vì thế mà nó đã tạo được một nét hội rất riêng ở Đồng Đăng. Những năm gần đây, mỗi mùa lễ hội chùa Bắc Nga thu hút được hàng vạn người. Người ta đến lễ hội để được đắm mình trong thiên nhiên, để được vui cái vui của cộng đồng, lễ hội ở đây tiêu biểu cho một lễ hội dân dã, gần gũi rất hồn nhiên kiểu miền sơn cước. Người ta tạm quên những chật hẹp đời thường để tắm mình với thiên nhiên, hướng thiện và cầu cho một năm mới thật tốt lành.
Khách du lịch chọn mua hoa tại lễ hội đền Mẫu Đồng Đăng
Khác với lễ hội chùa Bắc Nga, các lễ hội: Tam Thanh, Kỳ Cùng, đền Tả Phủ, chùa Tân Thanh lại mang đậm nét giao lưu tiếp xúc văn hóa các vùng miền, giao thương với bạn hàng. Hội ở đây là một dịp để tri ân khách hàng vì vậy các phường hội, xóm làng, liên gia bao giờ cũng sắp cỗ để mời khách. Những cửa hàng bình thường trong ngày hội đều biến thành nơi giao lưu, ẩm thực. Có lẽ nét độc đáo ấy chỉ có ở Lạng Sơn. Vẫn là những món ẩm thực dân dã hằng ngày, thế mà trong hội nó như lạ hơn, vui hơn và đây cũng là dịp để chia sẻ những buồn vui, mừng cho nhau có thêm những điều may mắn.
Anh Đường Ngọc Hải, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: “Năm nào tôi cũng làm mấy mâm cơm chiêu đãi khách, khách quen, khách lạ đều được mời. Lúc vui người ta mới chúc tụng, cởi mở, nói hết những điều cần nói để mình phục vụ khách tốt hơn”.
Nét độc đáo nữa của hội Xuân Xứ Lạng là người ta đến hội để giao lưu, sli, lượn, hát những câu hát tự mình sáng tác ra vì thế nó mộc mạc tự nhiên và đầy biểu cảm. Những diễn xướng dân gian độc đáo mà không phải vùng nào cũng có. Đến với lễ hội Xứ Lạng sẽ rất dễ nhận ra sự đan xen văn hóa các vùng miền. Qua tiếp xúc giao lưu văn hóa đã tạo nên nét văn hóa ở Lạng Sơn vừa có cái chung, nhưng cũng có những cái rất riêng.
Chị Nguyễn Hoài Thanh, trú tại tập thể Học viện Chính trị Quốc gia (Hà Nội) tâm sự: “Cái đặc sắc của lễ hội Lạng Sơn là tính cộng đồng cao, lễ và hội, ẩm thực như ba thành tố không thể tách rời vì thế nó rất dân dã nhưng lại phong phú, điều đó làm cho tôi rất thích. Năm nào tôi cũng cùng gia đình đi hội Lạng Sơn”.
Với trên 300 lễ hội, Lạng Sơn được xếp là một trong những tỉnh có nhiều lễ hội, đấy cũng là một nét riêng của Xứ Lạng. Đến lễ hội Lạng Sơn con người hòa đồng với thiên nhiên, gắn kết cộng đồng đấy chính là sự quyến rũ để người ta tìm về lễ hội của xuân sau.
Nguồn tin: baolangson.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự