Xúc động những Phật tử giúp người trọng bệnh thanh thản ra đi

Chủ nhật - 07/09/2014 19:27
Ban cầu siêu gồm mấy chục người, phát tâm làm công việc giúp người mắc trọng bệnh được nhanh chóng giải thoát về miền cực lạc.
Xúc động những Phật tử giúp người trọng bệnh thanh thản ra đi
Kỳ 1: Sư cô bí ẩn và ngôi chùa có ban cầu siêu kỳ lạ

Theo con số của Hội ung thư Việt Nam, mỗi năm, nước ta có thêm 150 ngàn bệnh nhân ung thư và 75 ngàn người chết vì căn bệnh này.

Hầu hết các bệnh nhân ung thư đã di căn giai đoạn cuối đều bị bệnh viện trả về và chờ chết trong đau đớn dằng dặc. Có những bệnh nhân đau đớn kéo dài hàng năm trời mà không đi được, khiến cả bệnh nhân và thân nhân rơi vào tuyệt vọng. Cùng với đó là hàng vạn bệnh nhân bại liệt, sống thực vật, đang mòn mỏi mong đợi tử thần đưa đi.

Trên thế giới đã diễn ra nhiều cuộc tranh cãi, rằng có nên giúp người bệnh đã hết đường cứu chữa được chết trong nhân đạo hay không và nhiều nước đã có luật được chết hẳn hoi.

Ở nước ta, chuyện cái chết nhân đạo cũng đã từng được đưa ra bàn thảo, nhưng chưa đi đến đâu.

Tuy nhiên, thực tế, ở các bệnh viện vẫn âm thầm diễn ra chuyện các bác sĩ yêu cầu bệnh nhân cùng thân nhân lựa chọn tiếp tục cứu chữa hay rút ống thở.

 
Xúc động những Phật tử giúp người trọng bệnh thanh thản ra đi
Một buổi tụng kinh hộ niệm
Trong hoàn cảnh đó, thì ở một vùng nông thôn thuộc tỉnh Hải Dương, từ mấy năm nay, đã xuất hiện một nhóm những Phật tử, chuyên làm công việc tụng kinh giải nghiệp cho các bệnh nhân, mà theo niềm tin của họ cũng như thân nhân các gia đình là giúp các bệnh nhân thanh thản trước lúc về thế giới bên kia.

Điều đặc biệt là việc làm của họ đều vô tư, trong sáng, vì nền Phật pháp cao cả, chứ không có bất cứ vụ lợi nào.

Trong lần trò chuyện với một nhà nghiên cứu văn hóa ở Hải Dương, anh kể rằng ở quê anh có một nhóm Phật tử chuyên làm một công việc kỳ lạ, có tên gọi là Ban cầu siêu.

Nhiệm vụ chính của nhóm Phật tử này là tụng kinh niệm Phật, hay còn cách gọi khác là hộ niệm, trợ niệm, trợ duyên để người sống lay lắt, sống thực vật, sống đau đớn, mà người đời gọi là nghiệp báo, được thanh thản tâm hồn, sau đó được siêu thoát bằng cách về với cát bụi sớm, không còn phải đau khổ nơi trần thế nữa.

Nghe chuyện anh bạn kể, tôi thấy khá kỳ lạ. Xưa nay, quan niệm đạo đức ở đời là phải tìm mọi cách để cứu người bệnh, kéo dài sự sống, dù là sống thực vật hay sống động vật (tâm thần, mất trí), nhưng ở đây, người ta lại "động viên" người trọng bệnh ra đi sớm hơn. Việc làm của nhóm Phật tử này lại được nhân dân và chính quyền địa phương ủng hộ.

Tò mò với câu chuyện của anh bạn, tôi quyết định tìm về Hải Dương, nơi có Ban cầu siêu đang làm một công việc lạ đời bao năm nay và được chứng kiến, nghe kể vô số chuyện huyền bí.

Xúc động những Phật tử giúp người trọng bệnh thanh thản ra đi
Ban cầu siêu chùa T. đang tụng kinh hộ niệm cho một người trọng bệnh

Ngôi chùa T. cổ kính, trầm mặc bên một quả núi thuộc huyện Kinh Môn (Hải Dương) đang bị các doanh nghiệp cài mìn bắn phá nổ ùng oàng lấy đá nghiền xi măng.

Ngôi chùa vắng khách, chỉ có tiếng quét lá xào xạc của một Phật tử theo hầu chốn thiền môn. Tôi cung kính xin được gặp sư thầy trụ trì chùa. Tiếng mõ vang lên cốc cốc từ tòa Tam thế. Đang là giờ tụng kinh, tôi ngồi đợi sư thầy dưới bóng cây mít già.

Trong lúc chờ đợi, tôi hỏi mấy vãi về chuyện sư thầy chủ trì Ban cầu siêu, chuyên tụng kinh giải nghiệp cho người bệnh trọng, mấy bà vãi bảo đúng là chùa có lập ra cái ban đó và đã hoạt động mấy năm nay. Tuy nhiên, thầy đã quán triệt không được bép xép chuyện này, nên các bà vãi không nói nhiều, bảo tôi cứ gặp thầy, thầy sẽ kể cho ngọn ngành.

Dù miệng nói sẽ không tiết lộ gì, nhưng các bà vãi cũng kể vài chuyện ngoài lề về cái Ban cầu siêu kỳ lạ này. Chuyện các bà kể nghe cứ như ở thế giới khác, nhuốm màu huyền bí.

Hàng trăm trường hợp sống lay lắt trên giường bệnh, chả ra người ra ngợm, ấy thế nhưng, Ban cầu siêu của nhà chùa chỉ đến tụng kinh gõ mõ vài buổi, nói với người bệnh những lời Phật dạy, thế mà họ vui vẻ nhắm mắt xuôi tay, linh hồn về với Phật, để lại xác thân cát bụi với vẻ mặt thanh thản lạ thường….

Tiếng chuông dứt, một bà sãi khấp khởi chạy ra báo tôi vào gặp thầy. Các bà sãi gọi là thầy, nhưng hóa ra sư trụ trì lại là cô. Sư còn khá trẻ, độ ngoài 40 tuổi, nước da trắng hồng và đôi mắt từ bi hỉ xả, toát lên vẻ siêu thoát của người cõi Phật.

Sư thầy không kể ngay cho tôi nghe những câu chuyện liêu trai, quái dị về những cái chết khủng khiếp mà sư đã phải làm lễ tụng kinh hộ niệm. Sư thầy giới thiệu tôi gặp một đệ tử thân tín, với điều kiện phải giấu kín mọi địa chỉ, vì công việc tụng kinh hộ niệm khá nhạy cảm.

Xúc động những Phật tử giúp người trọng bệnh thanh thản ra đi
Ông K. (trái) và sư cô chùa T.
Theo địa chỉ sư thầy cho, tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn K., là Phật tử trung thành của sư cô bí ẩn trụ trì ngôi chùa T. bên huyện Kinh Môn.

Ông K. chừng ngoài 50 tuổi, dáng người nhỏ bé, khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu, đôi mắt sáng hiền từ. Ông K. có vợ và hai con, nhưng đã phát tâm theo Phật từ chục năm nay.

Ngôi chùa dù ở bên kia sông, nhưng cách nhà có 4km, nên ngày nào ông cũng tìm sang tụng kinh niệm Phật. Ông cũng là thành viên chính của Ban cầu siêu gồm mấy chục người, phát tâm làm công việc mà cả đời ông không tin nổi, đó là giúp người mắc bệnh được nhanh chóng giải thoát, trả nghiệp, thanh thản đi theo Phật về miền cực lạc.

Cư sĩ Đồng Văn Thân (Đông Dư, Gia Lâm, Hà Nội, chuyên nghiên cứu Phật giáo nguyên thủy): Đức Phật dạy chúng ta: “Hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”. Nhiều người mắc trọng bệnh, nằm liệt bê bết hàng chục năm mà không ra đi được, ấy là vì họ vẫn còn bị mê hoặc bởi chân tướng vũ trụ nhân sinh.

 
Với những người theo Phật, đã ngộ rồi, thì thế giới này rất là khổ, sống ở thế giới này quả thật không có ý nghĩa gì. Đức Phật dạy chúng ta rằng, ngay trong đời này chúng ta phải tu thiện, tu phước, phải tích công đức.
 
Là con người chúng ta không thể làm công việc sát sinh. Chúng ta làm những việc tốt để làm gì? Để khi lâm chung, chúng ta có được phước báu. Phước báu chính là thần trí sáng suốt, không bị mê hoặc, không điên đảo, mịt mờ. Nếu không có được thần trí sáng suốt lúc ra đi, thì nhất định sẽ bị đọa vào ba đường ác. Việc thọ thân, chuyển kiếp vào đường nào chính là do ý niệm của người đó trước lúc ra đi.
 
Đức Khổng Tử nói: “Vật dĩ loài đủ nhân dĩ cũng phân”. Chúng ta có tâm hợp với pháp giới nào thì sẽ tái sinh vào pháp giới đó. Người thích được đến với Phật thì sẽ đến được Phật đường. Đã đi theo Phật thì không có gì phải sợ hãi nữa, cái chết thực sự là một điều hạnh phúc.

Còn tiếp...
 

Nguồn tin: VTC New

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây