Bác sĩ 9X bỏ phố lên rừng, “xin” tiền cứu bệnh nhân

Chủ nhật - 08/05/2022 22:39
Khi đang công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Tuấn khiến người thân, bạn bè và đồng nghiệp ngỡ ngàng khi viết đơn tình nguyện vào Quảng Bình.
BS. Dương Minh Tuấn thăm khám cho bệnh nhân tại Minh Hóa, Quảng Bình. Ảnh: NVCC
BS. Dương Minh Tuấn thăm khám cho bệnh nhân tại Minh Hóa, Quảng Bình. Ảnh: NVCC

Gia đình giàu có, mẹ là doanh nhân thành đạt, bản thân đang có công việc ổn định tại BV Bạch Mai, bác sĩ Tuấn khiến nhiều người bất ngờ khi viết đơn tình nguyện lên biên giới xa xôi.

Gắn bó với ngành Y từ những biến cố cuộc đời

Qua những câu chuyện đời thường với lời viết hóm hỉnh và được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, bác sĩ Dương Minh Tuấn (SN 1991) khiến nhiều người hiểu hơn về cuộc sống, về ngành Y. Những việc làm của anh thực sự đã truyền được cảm hứng cho nhiều người trẻ về sự dấn thân cũng như tinh thần thiện nguyện.

Bác sĩ Tuấn kể, anh không chọn nghề Y ngay từ đầu. Tuy nhiên, nhiều biến cố cuộc đời sau đó khiến anh không thể không gắn bó với nghề chữa bệnh cứu người.

Năm Tuấn học lớp 11, anh tận mắt chứng kiến ông ngoại mất trên đường cấp cứu vì xuất huyết não. Ám ảnh đó khiến anh quyết định học để trở thành bác sĩ. Tuy nhiên, những năm tháng học ở Đại học Y ở Hà Nội, nhiều lúc anh thấy mình không phù hợp nên từng có ý định bỏ ngang.

Nhưng rồi một biến cố nữa lại xảy đến. Bố Tuấn ra đi đột ngột sau một cơn nhồi máu cơ tim ngay lúc Tuấn đang chuẩn bị tốt nghiệp đại học. “Đó là một cú sốc lớn và cũng từ đây tôi đã quyết tâm theo đuổi con đường y học đến cùng”, Tuấn nhớ lại.

Cách đây 2 năm, khi đang công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, anh khiến người thân, bạn bè và đồng nghiệp ngỡ ngàng khi viết đơn tình nguyện vào huyện Minh Hóa (Quảng Bình), theo chương trình đưa bác sĩ trẻ về vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo do Bộ Y tế phát động.

Lý giải về quyết định của mình, Tuấn cho biết, khi còn sống, bố của Tuấn là chủ doanh nghiệp lớn về xây dựng. Ông luôn dành 50% lợi nhuận mỗi năm để giúp đỡ những người hoàn cảnh khó khăn. “Chính những câu chuyện, hành động đẹp mà bố để lại khiến tôi càng kiên định hơn với quyết định lên biên giới làm việc”, Tuấn chia sẻ.

Dấn thân và trải nghiệm

Những ngày đầu có mặt ở Minh Hóa, nhiều người nghi ngại về việc Tuấn có thích nghi nổi hay không. Nhưng đến giờ, chẳng ai còn nhớ đến việc “bác sĩ Tuấn là người Hà Nội” nữa!Bác sĩ Tuấn là người có nghiệp vụ chuyên môn tốt, là cán bộ hoạt động phong trào Đoàn hết sức năng nổ, giàu lòng nhân ái. Trong thời gian công tác tại Minh Hóa, bác sĩ Tuấn nhiều lần kêu gọi, giúp đỡ bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn, thậm chí dùng tiền lương để hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Một số hoạt động rất ý nghĩa giúp đỡ bệnh nhân nghèo xuất phát từ ý tưởng của bác sĩ Tuấn như: Bữa ăn miễn phí, shop 0 đồng, lắp máy lọc nước cung cấp nước uống miễn phí cho bệnh nhân… BS. Đỗ Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hóa

Tuấn chia sẻ, khi đến mới tận mắt thấy được những khác biệt và khó khăn của các bác sĩ làm việc nơi đây. Nhân lực thiếu nên mỗi buổi trực chỉ có một bác sĩ phụ trách cấp cứu.

Về đây, một bác sĩ chuyên khoa nội hô hấp như Tuấn trở thành bác sĩ đa năng trong ca trực, từ đo nhịp tim, huyết áp, khám lâm sàng, chuyên gia tâm lý… kể cả tham gia đỡ đẻ cho sản phụ.

“Bệnh nhân hầu hết là người dân tộc, người nghèo nên chúng tôi luôn cố gắng hạn chế chuyển tuyến để đỡ tốn chi phí cho họ và cũng để người dân tin tưởng hơn vào bệnh viện tuyến huyện”, anh tâm sự.

Ngoài thời gian làm việc, Tuấn thường viết tản văn kể lại quá trình làm việc, điều trị cho bệnh nhân, những tâm sự, nỗi niềm của bản thân khi chứng kiến hoàn cảnh của bà con dân tộc thiểu số ở huyện Minh Hoá. Những câu chuyện ấy được Tuấn tập hợp lại thành sách.

“Những chất liệu cuộc sống ấy không phải ai cũng được trải nghiệm, tôi muốn ghi lại để mọi người cùng đọc, cùng hiểu và có thêm những cái nhìn nhân văn hơn nữa với hoàn cảnh, bệnh nhân nghèo nơi biên giới”, Tuấn chia sẻ.

Chính những kinh nghiệm khi làm việc tại Minh Hóa đã giúp ích rất nhiều khi sau đó, Tuấn cùng các đồng đội tình nguyện nhận công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM, vào lúc dịch bùng phát mạnh nhất.

Dành tiền lương để giúp bệnh nhân nghèo

Kể từ ngày đến Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hóa làm việc, chứng kiến nhiều cảnh đời, gặp gỡ nhiều thân phận khó khăn, càng thôi thúc chàng bác sĩ trẻ phải làm điều gì đó thật có ích.

BS. Tuấn vẫn nhớ mãi ca bệnh đầu tiên được anh cùng nhiều nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ để có đủ tiền về thành phố thực hiện phẫu thuật tim. Đó là bệnh nhân nữ 44 tuổi, tình cờ đến khám vì thấy khó thở. Thế nhưng khi nhắc đến chi phí mổ, bệnh nhân chỉ lắc đầu vì quá nghèo.

Nhận thấy bệnh nhân còn trẻ, cần tiếp tục phải sống, anh đã đứng ra kêu gọi hỗ trợ và chỉ trong ít ngày đã đủ chi phí phẫu thuật.

Cũng từ ca bệnh đó, anh quyết định lập quỹ riêng, dành toàn bộ số tiền lương khoảng 12 triệu đồng/tháng để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Ở Bệnh viện Đa khoa Minh Hóa, mọi người đã quen với việc giới thiệu bệnh nhân khó khăn đến gặp anh. Nếu chi phí không quá lớn, Tuấn trích từ quỹ riêng hỗ trợ, nếu quỹ không đủ, Tuấn lại xin mẹ, hay kêu gọi bạn bè trên mạng xã hội...

Khi được hỏi “góp hết tiền lương vào quỹ thì chi phí sinh hoạt hàng ngày ra sao?”, Tuấn cười: “Hết ca trực, tôi dịch tài liệu tiếng Anh cho một đồng nghiệp ở Hà Nội và dùng số tiền đó để sinh hoạt hàng ngày. Còn khó quá thì đi “ăn chực” gia đình cán bộ nhân viên trong bệnh viện!”.

Nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ Tuấn, có bà mẹ đơn thân nuôi 3 con nhỏ đã đủ tiền ra Hà Nội mổ tim; hay những ca cấp cứu khẩn phải chuyển viện ngay trong đêm mà người nhà không có tiền cũng nhanh chóng được hỗ trợ.

Không chỉ dừng lại việc làm thiện nguyện ở bệnh viện, Tuấn còn giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn của bà con quanh vùng theo cách riêng của mình.

Trở về sau 60 ngày cùng các đồng nghiệp lăn lộn chống dịch tại TP.HCM, bác sĩ Tuấn lại cặm cụi góp nhặt những câu chuyện vui, buồn… vào cuốn sách “Sài Gòn và đại dịch: Những mảnh ký ức…”.

Toàn bộ số tiền bán sách đó, anh dành hết cho dự án nho nhỏ của mình, mua chăn ấm trao tặng cho bà con dân tộc Chứt ở tít vùng Thượng Hóa sát biên giới kịp chống chọi với giá rét mùa đông.

Đây cũng là cuốn sách thứ 3 Tuấn viết. Cuốn sách đầu tiên “Lạc quan gặp niềm vui ở quán nỗi buồn và những chuyện chưa kể”, Tuấn cũng đã dành 50% lợi nhuận bán sách ủng hộ cho Quỹ Nhà chống lũ, xây những ngôi nhà nổi cho người dân vùng rốn lũ Tân Hóa, Quảng Bình.

Trận lũ tháng 10/2020, anh đã trực tiếp kêu gọi hỗ trợ hơn 700 triệu đồng, trong đó, anh đã trích 100 triệu đồng cho Quỹ Nhà chống lũ, số còn lại tổ bữa ăn miễn phí phục vụ bệnh nhân và người nhà tại bệnh viện; hỗ trợ nhu yếu phẩm cho đồng bào ở các bản của xã Dân Hóa…

Thời gian ở lại Minh Hoá của Tuấn chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa. Trong khi đó, vẫn còn nhiều việc anh đang ấp ủ. Bởi vậy, có thể khi kết thúc 3 năm công tác tại đây, anh sẽ xin gia hạn. 

Theo Báo giao thông.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây