Trong các thần thoại và truyền thuyết cổ xưa, “rồng” có hình tượng thân rắn, đầu cá sấu, chân rắn mối, móng vuốt diều hâu, đuôi rắn, sừng hươu, vẩy cá, khóe miệng có râu và dưới trán có viên ngọc. Rồng không phải là con vật của nhân gian, mà là thần linh hay thần thú trên Thiên thượng. Trong sách cổ ít nhiều đều có ghi chép về rồng, đa số chúng đều là thần thú, chẳng hạn như Thái Chân Vương phu nhân, Lộng Ngọc và Tiêu Sử cùng với không ít tiên nhân khác, hoặc là cưỡi rồng bay lên, hoặc là cưỡi rồng ngao du Thiên thượng.
Quách Phác trong “Sơn Hải Kinh Đồ Tán” viết rằng: “Núi Lư Khâu có Ứng Long, là một loài rồng có cánh, xưa kia khi Xi Vưu đấu với Hoàng Đế, đã lệnh cho Ứng Long tiến đánh vùng hoang dã Ký Châu. Thời Nữ Oa, Hạ Vũ trị thủy có Ứng Long dùng đuôi vẽ lên mặt đất, lập tức nước suối chảy thông”.
Thời Tây Tấn, Trúc Pháp Hộ dịch cuốn “Phật thuyết Hải Long Vương Kinh” có viết: “Phật tại Linh Thứu Sơn thuyết pháp, có Hải Long Vương dẫn đầu thân thuộc của ông đến nghe giảng, cũng thỉnh Phật quá bộ đến Long Cung ở đáy biển để ông cung dưỡng”. Trong các ghi chép này có thể thấy rồng là linh vật có thần thông.
Trong lịch sử Trung Hoa, Hoàng Đế, Đế Nghiêu, Đại Vũ, Hán Cao Tổ, Hán Vũ Đế, Đường Thái Tông,.. lúc sinh ra, lúc qua đời, hoặc lúc đăng cơ đều có điềm lành là hình tượng thần long xuất hiện. Đây có lẽ là lý do mà hoàng đế đời sau xưng chính mình là “Chân Long Thiên Tử”.
Trung Hoa từ xưa đến nay, văn hóa tu luyện kéo dài không dừng, người tu luyện vận dụng công năng có thể thấy được thần tích của rồng mà người thường không nhìn thấy được. Trên trang Chánh Kiến ngày 25/2 có đăng một bài viết, đề cập tới một người tu luyện đã nói rõ một số chân tướng của rồng mà trước đây không ai biết được.
Rồng có cảnh giới khác nhau
Trong cảnh giới của người tu luyện này triển hiện ra, Long tộc có cảnh giới sinh mệnh cao thấp khác nhau, được phân làm 3 bộ phận: Phàm long, Thiên Long và Thần Long. Phàm Long là rồng ở gần thế gian, sinh tồn ở biển hồ sông ngòi trong phạm vi thế giới người da vàng, là Vương của thủy vực ở nơi ấy.
Thiên Long là rồng ở các tầng trời khác nhau của Tam giới, sứ mệnh làm mưa hay hộ pháp. Thần Long sống phổ biến ở thế giới Thiên quốc của người da vàng ở ngoài Tam giới, cũng là cảnh giới cao nhất trong Long tộc.
Chức trách của rồng
Chức trách của rồng gồm có 3 phương diện, một là giữ gìn trật tự khu vực biển và sông ngòi của người da vàng ở phương Đông; thanh lý các loại sinh mệnh làm loạn, ảnh hưởng trật tự hải dương, bao gồm các loại thủy yêu, âm linh và sinh mệnh phụ diện trên và dưới mặt đất. Hai là phụ trách quản lý mây mưa của khu vực. Ba là với tư cách hộ pháp, trấn thủ Hoàng lăng và bảo vệ xung quanh người tu luyện trong Tam giới.
Hàng năm vào thời điểm xuân phân, rồng sẽ bay về trời, Long Vương – thủ lĩnh của quần thể rồng và Vương của thuồng luồng có cảnh giới khác nhau, sẽ đi tới các tầng trời khác nhau trong Tam giới để báo cáo công tác, tổng kết những sự kiện trọng đại và kết quả xử lý đã phát sinh trong một năm tại khu thủy vực được quản lý, rồi lại nhận chức trách cùng sứ mệnh mà Thiên thượng giao phó trong một năm mới. Mỗi năm đến đông chí là thời gian Long tộc ẩn núp trong vực sâu nghỉ ngơi lấy lại sức. Chu kỳ tuần hoàn cứ lặp đi lặp lại như vậy.
Kim Long trấn giữ lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Hoàng đế thời cổ đại tự xưng là Thiên tử (con trời). Vì sao lại gọi là Thiên tử? Chính là người được trời cao giao cho Vương quyền, tuân theo Thiên ý thống trị thiên hạ. Vua của các triều đại đều là do Thiên thượng tuyển chọn, cũng phái các tiên nhân và Long tộc đến để bảo vệ xung quanh, cho nên thời cổ đại có rất nhiều Hoàng lăng của quân vương được tiên nhân và Long tộc hộ pháp canh giữ.
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Ly Sơn là một tòa cung điện khổng lồ dưới mặt đất, mộ thất được cấu thành từ hai phần âm dương. Bộ phận phía trên là dương được phân thành 5 tầng, hình dáng như kiến trúc kim tự tháp. Bộ phận bên dưới là âm có 4 tầng là đảo ngược kết cấu hình kim tự tháp, hai bộ phận tiếp nối với phần chính giữa cung điện có tầng đất dày mấy mét, khiến hai bộ phận ngăn cách nhau, nhưng giữa chúng có đường hành lang bí mật thông nhau. Cung điện dưới mặt đất sâu đến 295m, lúc Tần Thủy Hoàng tại vị, đã điều động 72 vạn lao động làm việc trong 30 năm mới hoàn thành.
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng sở dĩ xây dựng ở Ly Sơn, là vì tại vùng đất trung tâm Ly Sơn có một chùm ánh sáng tím nối thẳng lên bầu trời, cả ngọn núi bị ánh sáng tím vây quanh, là vùng đất có long mạch của địa linh nhân kiệt. Mà hoàng lăng tọa lạc ở vị trí Long huyệt của Ly Sơn. (Long huyệt dùng khoa học hiện đại giải thích đó là trung tâm năng lượng của từ trường).
Trong mộ thất của Tần Thủy Hoàng có rót vào gần trăm tấn thủy ngân, tượng trưng cho biển hồ sông ngòi là ranh giới của Đại Tần ở nhân gian được mô phỏng đối ứng và thu nhỏ lại với tỉ lệ như thật ở trong cung điện. Trong không gian cung điện dưới mặt đất có 1800 tượng người thật chôn theo người chết, những tượng người này là binh lính triều Tần còn sống tuẫn táng, lúc còn sống uống đan dược đặc chế, trên thân có ghi lời nguyền pháp thuật của Hồng lam đại Đạo đối ứng với cảnh giới thấp. Đan dược và lời nguyền khiến cho vong linh hồn phách không tiêu tan và thi thể không bị hủy. Họ ở trong thế giới cung điện dưới mặt đất, thân thể không bị hủy mà làm âm binh trông coi Hoàng lăng.
Hình vẽ về khung cảnh bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. (Ảnh qua ming8.cc)
Tại Hoàng lăng, trong tầng thứ nhất của đại điện, có một con Kim Long trấn thủ, chung quanh Hoàng lăng ở Ly Sơn có tiên nhân và thiên binh trông coi, không cho phép bất kỳ kẻ nào phá hoại. Trong lịch sử, lăng mộ Tần Thủy Hoàng từng có bảy lần trộm mộ đột nhập với quy mô lớn, nhưng đều thất bại.
Màu sắc của rồng
Màu sắc thân thể rồng có thể chia làm 7 loại màu sắc: đen, trắng, đỏ thẫm, vàng, xanh lục, xanh lam, tím. Màu sắc của mắt rồng với màu của thân rồng về cơ bản giống nhau, chỉ có màu hơi đậm một chút. Trong Long tộc, loài rồng biển đực và cái đều giống nhau về ngoại hình, nhưng chiều dài thân thể có chút khác nhau.
Thân hình của rồng có thể tùy ý biến lớn hoặc thu nhỏ. Thân thể của rồng biển đực khi trưởng thành có chiều dài ước chừng 70-80m, phần đầu có 3 sợi râu dài, ở hai bên cánh mũi mỗi bên có 1 sợi, dưới trán mọc 1 sợi. Trên lưng rồng có vây hình dạng giống vây cá nổi lên, lớn và bén nhọn, phần đuôi dài và hoạt bát, móng vuốt sắc bén và khỏe. Ánh mắt sáng ngời, trước và sau thân uy phong lẫm liệt, có trường năng lượng lớn mạnh làm chấn động bốn phương.
Thân thể rồng biển cái dài chừng 40-50m, râu chỉ có 2 sợi, mọc ra từ hai bên mũi, mà lại tương đối ngắn hơn. Vây trên lưng hình dáng ngắn nhỏ mà lại mượt mà, vây của phần đuôi tương đối ngắn hơn. Móng vuốt trông nhỏ hơn, khí phách trong ánh mắt hơi giảm chút, nhiều sự dịu dàng và nhu hòa hơn.
Phương thức sinh sôi nảy nở của rồng
Rồng ở cảnh giới khác nhau có phương thức sinh sôi cũng khác nhau. Phàm Long thì đẻ trứng, một lần có thể sinh ra từ 3 đến 5 trứng, Phàm Long thai nghén trứng khoảng 13 tháng, sau khi đẻ, quá trình ấp trứng cần thời gian 3 tháng. Thiên Long vừa có thể sinh trứng vừa có thể sinh con, thông thường trung bình 300 năm sinh một đời, lúc rồng cái sinh con, sẽ sinh ra một màng mỏng giống vỏ trứng, bao bọc bên trong là thân thể rồng con, toàn bộ thể tích chừng 150cm x 80cm.
Tuổi thọ của rồng trong Tam giới, do cảnh giới không giống nhau, tuổi thọ cũng khác nhau, Phàm Long ở tầng không gian nhân loại này có tuổi thọ thông thường trên dưới 1000 năm. Thiên Long ở tầng trời khác nhau trong Tam giới, tuổi thọ thông thường 1500 – 3000 năm, cảnh giới càng cao tuổi thọ càng dài.
Thần Long là rồng của thế giới Thiên quốc, ngoài việc sinh con cho đời sau, còn có thể trực tiếp dùng pháp lực thần thông để tạo rồng con. Quá trình tạo thành rồng con cũng rất đặc thù. Thần Long đực và Thần Long cái từ miệng phun ra một chùm năng lượng hai bên tụ hội lại, hình thành một quả cầu năng lượng đường kính khoảng 150cm.
Khi năng lượng ngày càng lớn mạnh, trung tâm của quả cầu sẽ dần dần hiển hiện ra hình tượng của một con rồng con, tiếp tục phun nạp năng lượng, rồng con dần dần trưởng thành. Khi năng lượng mạnh thêm nữa, đến thời điểm chín muồi, rồng con từ trong quả cầu năng lượng sẽ phá kén mà ra, trở thành một con rồng nhỏ, hình tượng hoạt bát đáng yêu. Điều thú vị là Thần Long cái và Thần Long đực trong lúc phun nạp năng lượng, năng lượng của ai mạnh hơn thì hình tượng của tiểu long sẽ giống loài đó hơn.
Long tộc sinh nở đời sau cũng căn cứ theo thiên thời, thiên tượng, thuận thiên ý mà hành. Rất nhiều thần thú trong thế giới Thần đều dùng cách thức sinh sôi đời sau như thế này.
Chi thuồng luồng của Long tộc
Long tộc còn có một phân nhánh khác là thuồng luồng. Thuồng luồng trong Long tộc cai quản thủy vực ở vùng sông hồ nước ngọt. Là loài rồng do Thần tạo ra ở vùng nước ngọt, bề ngoài giống rồng biển, điểm khác nhau là trên đầu có một sừng, vảy nhỏ hơn.
Màu sắc thân thể thuồng thuồng tương đối nhạt, đại thể có 3 loại màu sắc cơ thể: màu trắng, màu xám và màu xanh nhạt. Chiều dài thân cũng hơi ngắn hơn rồng biển, thuồng luồng đực dài khoảng 40-50m, thuồng luồng cái dài khoảng 30m. Rồng biển và thuồng luồng tuy là sinh mệnh thuộc các vùng thủy vực khác nhau, nhưng vì sinh mệnh Long tộc có đầy đủ pháp lực thần thông, nên đều có thể ở vùng sông hồ tự do qua lại.
Thuồng luồng trong Long tộc cai quản thủy vực ở vùng sông hồ nước ngọt. (Ảnh: kknews)
Hình tượng và năng lực của rồng qua các triều đại
Qua các triều đại, văn hóa rồng được truyền thừa từ đời này đến đời sau. Bởi vì chịu ảnh hưởng của văn hóa thiên thể ở thiên quốc khác nhau, ngoại hình và năng lực của rồng được tạo thành cũng khác nhau rất nhiều. Hình tượng rồng ở một phương diện nào đó cũng thể hiện quốc vận thịnh suy của triều đại đó.
Rồng của nhà Hán có tứ chi ngắn nhỏ, có lúc tứ chi thu lại ở hai bên thân thể, giống như trạng thái ẩn hình, trông như một con rắn lớn, đặc điểm của rồng là đại đạo vô vi.
Hình tượng rồng đại biểu cho mùa xuân và phương Đông, được đúc trên ngói úp thường dùng cho cung điện và tông miếu triều Hán. (Ảnh qua shoucang.hexun.com.tw)
Rồng của triều Đường có tứ chi vừa thô chắc vừa mạnh, miệng rồng hẹp dài, ngoại hình đẹp đẽ uy vũ, đặc điểm của rồng là hùng bá thiên hạ, từ trên thân của rồng có thể thấy được sự thịnh thế phồn vinh và huy hoàng của đại Đường.
Rồng của triều Tống về hình tượng và khí thế không lớn mạnh bằng triều đại trước, triều Tống kinh tế tuy phát đạt, nhưng chịu đủ xâm lăng của ngoại tộc, lại có dấu hiệu hai vị Vua bị nước Kim bắt đi mà vong quốc, đây là sự thất bại hiếm có trong lịch sử. Rồng của triều Tống có đặc điểm là ‘cang long hối thiên’, chỉ sự kiêu ngạo và u ám, quân chủ của vương triều Tống làm ra đủ loại hành vi trái ngược Thiên ý, cuối cùng dẫn đến sinh linh lầm than, tai họa mất nước.
Rồng của triều Minh có đặc điểm là thu mình tứ phía. Sau khi hoàng đế triều Minh xây dựng chính quyền, đem đất đai và tài phú của thiên hạ phân cho con cháu hoàng tộc để hưởng thụ, các kiểu nô dịch ngang tàng khiến cho dân chúng khổ không thể tả, lòng dân oán hận sâu sắc, khắp nơi đao binh nổi dậy, đồng cỏ phì nhiêu cả ngàn dặm tràn ngập khói lửa.
Rồng triều Thanh có đặc điểm là chống đỡ bốn phương, thời kỳ Khang Hy thịnh thế, quân Thanh chinh chiến bốn phương, đánh đâu thắng đó, không gì cản nổi, thời kì cường thịnh của nhà Thanh có lãnh thổ quốc gia rộng bao la.
Thời đại ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, nhân loại tưởng rằng bản thân đã hiểu rất rõ về lịch sử Trái Đất, kỳ thực chỉ là hiểu biết phiến diện mà nông cạn, rất nhiều chân tướng đằng sau các hiện tượng tự nhiên, mà khoa học thực chứng không cách nào lý giải và kiểm chứng được, nhưng những sự tình huyền diệu và truyền kỳ đó vẫn thực sự tồn tại.
Ngày nay, các đại dương ở Trung Quốc và xung quanh vùng Đông Nam Á đều có Long tộc trấn giữ hải phận, sông hồ ở lãnh thổ Trung Hoa rộng lớn cũng có thuồng luồng Vương ở đó canh giữ một phương. Lịch sử của Trái Đất dài đằng đẵng, sinh mệnh đều ở trong bộn bề mà phồn vinh, từ đầu đến cuối đều có Thần thống trị vạn vật trong trời đất.