Người xưa kính trời kính đất, mỗi khi gặp thiên tai đều cho rằng đó là cảnh báo của thiên thượng. Vì thế mỗi khi gặp hạn hán thì vua quan đều phải xem lại bản thân mình có làm gì sai không, làm biểu tạ tội với trời đất, thật tâm sửa lỗi, từ đó việc cầu đảo mới linh ứng.
Vua Lý Thần Tông
Năm 1128, vua Lý Thần Tông lên ngôi, mùa hè tháng 4 năm ấy gặp hạn hán nặng. Vua trai giới ăn chay, tạ tội trước trời đất cầu đảo, nhờ đó mà xin được mưa.
Mùa hè năm 1134 lại hạn hán nặng, vua Lý Thần Tông cho rước tượng Phật chùa Pháp Vân ở Cát Châu đến Đông Kinh, rồi tạ tội cầu mưa, nhưng đêm ấy chưa có mưa.
Nguyễn Thiên Hựu sốt ruột dâng sớ tâu rằng: “Bệ hạ sửa đức, tha tù oan, thả bớt cung nữ mà trời không mưa thì xin chém đầu thần để tạ trời đất.” (Đại Việt Sử ký Toàn thư). Tờ sớ vừa gửi đi chưa kịp đến tay Vua thì trời đã đổ mưa. Các lộ như Thanh Hoá ở phía nam, Tuyên Quang ở phía bắc đều báo đã có mưa to.
Đến năm 1137 lại gặp phải hạn hán, vua đến chùa Báo Thiên, tạ tội với trời đất, rồi làm lễ cầu mưa. Vua vừa cầu xong đêm ấy trời mưa rất to.
Vua Lê Nhân Tông
Năm 1449 thời vua Lê Nhân Tông gặp phải hạn hán. Vua làm lễ cầu mưa nhưng không ứng nghiệm. Giận mình trị quốc không tốt khiến trời làm ra hạn hán làm khổ bách tính, Vua ân hận xuống chiếu nhận lỗi về mình:
“Trẫm gặp phải gia biến, bên trong thì mẫu hậu coi chầu, bên ngoài thì đại thần giúp việc, mà liền năm đại hạn, lúa má mất mùa, dân chúng buồn than. Nghĩ kỹ tội ấy, hẳn có nguyên do. Có phải do trẫm không biết dốc niềm thành kính để được hưởng lòng trời, không biết lo tròn đạo hiếu để thờ phụng tông miếu, không ban ân huệ cho khắp muôn dân nên đến nỗi thế chăng? Có phải trẫm không biết sử dụng nhân tài, những kẻ được dùng đều là loại hèn kém mà đến nỗi thế chăng? Có phải do nạn hối lộ công khai, tệ phi tần lộng hành mà đến nỗi thế chăng? Hay là do trẫm không dè dặt tiêu dùng, thường lạm tiêu bừa, để hại của dân mà đến nỗi thế chăng? Hay là các đại thần giúp việc chưa trọn đạo điều hòa âm dương mà đến nỗi thế chăng? Hay là các tướng soái phiên thần không biết yêu thương quân dân, quen thói đục khoét mà đến nỗi thế chăng? Có phải vì các thú lệnh không biết vỗ nuôi nhân dân, chỉ lo bòn vét mà đến nỗi thế chăng? Hay là quan coi hình ngục không giữ công bằng, chỉ lo xử nặng, kẻ nào đút lót thì tha, để oán khí bốc lên mà đến nỗi thế chăng? Có phải các quan thừa hành chỉ chuộng hư văn, để ân trạch của vua bị tắc lại ở trên, tình của kẻ dưới không thấu lên trên được mà đến nỗi thế chăng? Hay là các nhà quyền quý cậy thế ra oai để dân mọn bị hại mà đến nỗi thế chăng? Có phải vì chọn lựa người hiền, cất nhắc người sót chưa được thi hành, để thói cầu cạnh chạy chọt ngày một tệ hại mà đến nỗi thế chăng? Hay là do chủ tướng đảo lộn quân công, lấy không làm có, làm hại đạo công mà đến nỗi thế chăng? Có phải vì chưa thi hành đầy đủ nhân chính, để dân chúng vẫn còn nhiều người thất nghiệp mà đến nỗi thế chăng? Hay là do đầm cá hoang khô, ngạch thuế chưa giảm, dân phải nộp nhiều mà đến nỗi thế chăng? Có phải vì con cháu các bậc công thần cố cựu chưa được bổ dùng hết để đền đáp công lao họ mà đến nỗi thế chăng? Tất cả tội lỗi trên chồng chất lại, đã làm tổn thương hòa khí, nếu không xét lời dạy sửa lỗi lầm, làm tròn đạo tu dưỡng mình thì làm sao trên có thể lay chuyển được lòng trời, dưới có thể cứu vớt được nạn dân?” (Đại Việt Sử ký Toàn thư)
Tờ chiếu vừa ban xuống, dù không cầu đảo nữa mà đêm ấy trời có mưa to.
Vua Lê Thánh Tông
Mùa hạ năm 1476 thời vua Lê Thánh Tông, hạn hán nặng nề, suốt từ mùa đông năm trước đến mùa hè đều rất ít mưa. Vua xem lại việc trị quốc của mình nhận thấy chưa đủ đức, liền làm bài biểu tạ tội với trời cao, rồi làm cầu đảo xin mưa.
Bài biểu tạ tội của vua Lê Thánh Tông như sau: “Kẻ không có đức, thần Lê mỗ xin dốc hết lòng chí thành, dâng lời kêu với đức Thái thượng khai thiên chấp phù ngự lịch hàm chân thể đạo hạo thiên chí tôn ngọc hoàng thượng đế bệ hạ: Nay từ mùa đông đến mùa hạ ít mưa, nắng suốt, việc dân vất vả. Người làm thợ, đi buôn không chỗ nương nhờ, kẻ cày ruộng chăn tằm hết bề trông ngóng. Chỉ vì thần không có đức, để đến nỗi trâm họ chịu tai ương. Bọn dân ngu nhớn nhác kêu thương, cơ hồ đến hết phương sinh sống. Vì thế, thần dám đâu không gõ cửa Đế đình để giãi tỏ lòng xót thương, để tâu bày niềm kinh sợ. Cúi xin ngài tha thứ cho tội lỗi, đổi tai họa thành điềm lành, ban cho mưa móc lớn, thấu khắp đến mọi nơi. Thần kính cẩn xin tâu lời cầu khẩn.” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).
Cuối năm 1495, vua Lê Thánh Tông xét 9 bài thơ “Cửu ca thi tập” đó là: Phong niên (năm được mùa), Quân đạo (đạo làm vua), Thần tiết (tiết tháo người làm tôi), Minh lương (vua sáng tôi hiền), Anh hiền (người hiền), Kỳ khí (người tài), Thư thảo (viết thảo), Văn nhân, Mai hoa.
Năm 1496 trời lại hạn hán, không mưa. Vua làm cầu đảo, cuốn Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi chép rằng:
Vua cầu đảo, tự tay viết các bài thơ trong thi tập của mình ra 4 tờ giấy, sai Nguyễn Đôn dán trên tường đền thờ thần. Hôm ấy, canh một trời mưa nhỏ, đến canh năm mưa to, nước tràn trề. Vua đề thơ ở miếu Hoằng Hựu rằng:
Cựu linh anh khi chấn dao thiên,
Uy lực nghiêm đề tạo hóa quyền.
Khấu vấn sơn linh năng nhuận vật.
Thông vi cam vũ tác phong niên.
Nghĩa là:
Khí thiêng lừng lẫy dậy trời cao,
Tạo hóa quyền uy nắm chắc sao.
Sơn thần nếu biết nhuần muôn vật,
Hãy tuôn mưa ngọt, lúa vàng trao.
Vua Minh Mạng
Minh Mạng trọng nông, rất quan tâm đến mùa màng, lo lắng mỗi khi có hạn hán, cuốn “Minh Mạng chính yếu” có ghi chép về việc này.
Mùa hè năm 1824 hạn hán, trời lâu ngày không mưa, Vua sai các quan làm lễ cầu đảo nhưng mưa không xuống. Vua lo lắng nói với các quan rằng:
“Từ khi trẫm lên ngôi đến nay, không ngày nào là chẳng lấy sinh dân làm lo, sao lại gặp hạn này vậy. Hay là về chính trị có thiếu sót chăng? Trẫm thấy các vua đời trước, gặp tai biến thì xuống chiếu trách mình và cầu lời nói thẳng. Ôi! Lỗi của mình thì mình tự trách vậy, sao lại phải xuống chiếu; đến việc cầu lời nói thẳng là một việc hư văn. Trẫm ngày thường vẫn mong những thần hạ đều được nói hết lời, há phải đợi đến có thiên biến rồi mới cầu lời nói thẳng hay sao?”
Rồi Vua lệnh cho bộ Lễ xem nơi nào còn sót chưa được phong tặng thì làm, bộ Hình rà soát lại xem án nào còn tồn đọng thì xử ngay. Những kẻ tội nặng thì hoãn xử, hoãn thi hành án với tử tù, những ai tội nhẹ thì khoan hồng giảm án.
Vua cũng chú ý thực hiện ngay việc giảm hình phạt, tiết kiệm chi tiêu, miễn giảm tô thuế, chẩn cấp cứu trợ, v.v..
Đúng tiết Vạn Thọ tức ngày sinh nhật của Vua trời đột nhiên cho mưa lớn. Nhưng Vua cũng tổ chức khánh tiết thật tiết kiệm. Vua nói với các quan rằng:
“Mùa xuân năm nay trong kinh kỳ ít mưa, tỉnh Thanh Hóa về phía bắc có động đất, tỉnh Nghệ An dân đói, lại trộm cắp quấy nhiễu. Gần đây trẫm thường xuống chiếu khoan hồng; giảm hình ngục, tha tô thuế, thôi công tác, chẩn cấp cho kẻ nghèo đói. Lại lệnh cho quan Đại thần đi kinh lược hai tỉnh Thanh – Nghệ để ủy lạo nhân dân, còn sợ trên chưa đáp ứng được lòng trời, dưới chưa yên được nhân dân. Sao dám lấy ngày khánh tiết để tự mình vui vẻ được.”
Rồi Vua lệnh bãi bỏ 23 việc ca nhạc, rước đèn, múa hoa.
Năm 1826 trời lại không mưa, Vua cho lập đàn ở điện Trung Hòa, ăn chay rồi làm lễ cầu đảo, nhận tội với trời đất, lập tức đến ngày hôm sau trời đổ mưa lớn.
Vua Đồng Khánh
Vào năm 1868 dưới thời nhà Nguyễn, vua Đồng Khánh cừng từng cầu đào xin mưa. Cuốn “Đồng Khánh chính yếu” có ghi chép lời vua rằng:
“Gần đây gặp hạn hán, quan các phủ, các bộ đã thành kính cầu đảo nhiều lần mà chưa được ứng nghiệm. Nhận được tờ tâu của Bộ thần, trẫm ở trong cung cũng đã khấn xin. Ngày 17 lại sai viên Phủ thừa Nguyễn Văn Dụ mang bản sớ do trẫm đích thân viết ra đến điện Huệ Nam thành tâm cầu khấn, may liền được ngay trận mưa rào, nhưng vẫn chưa đủ nước tưới cho mọi nơi.
Ngày 21, đình thần lại xin trẫm thành tâm cầu xin cho dân. Sáng sớm hôm đó, sau khi phê duyệt các bản chương tấu xong thì đã muộn, trẫm ra ngoài tản bộ thư giãn, đến xẩm tối trẫm vào lầu Nhật Thành ngồi tĩnh tọa trai giới, tới đêm khuya thắp ba nén nhang làm bài văn khấn hướng về phía đàn Giao cầu xin.
Vào buổi tối và đêm các ngày 22 và 23 đều có mưa nhỏ, đến tối ngày 24 được trận mưa rào đổ xuống như trút nước. Đó chính là do trẫm một lòng kính trời thương dân day dứt mãi không thôi nên may được ứng nghiệm tốt lành như thế, thực rất mừng cho thần dân ta vậy.”