Kỳ lạ chuyện rắn liên tục xuất hiện trong ngôi đền ở Phú Thọ

Thứ tư - 05/02/2020 16:31
Mỗi khi “ông rắn” trở về đền, mặc dù ở đền khá đông người nhưng rắn rất bạo dạn và ngự ở đền trong thời gian khá lâu.
Đền Đá Thờ
Đền Đá Thờ

Ai có dịp đi qua dốc Đá Thờ, dốc chạy uốn lượn quanh chân núi Đá Thờ, hẳn không thể không dừng lại chiêm ngưỡng khung cảnh hùng vĩ nơi đây.

Đặc biệt, bên vách núi Đá Thờ cheo leo tọa lạc một ngôi đền mà khi đứng nơi đỉnh dốc, ngắm lên, người ta cứ ngỡ đó là bức tranh siêu thực.

Từ bao đời nay, ngôi đền thiêng là nơi chiêm bái của người dân quanh vùng và du khách thập phương. Đến đây, tâm khách còn được kể những câu chuyện ly kỳ về rắn thiêng ở đền Đá Thờ…

Ngôi đền giữa sơn thủy hữu tình…

Đền Đá Thờ thuộc địa phận thôn 16, xã Bến Sơn, Thị trấn Yên Lập (Phú Thọ). Từ lâu người ta vẫn nhắc tới địa danh dốc Đá Thờ vì nơi đây có địa hình khá hiểm trở. Phía trên là núi đá cao sừng sững, phía dưới là vực sâu, suối ngàn và lại tiếp nối những đỉnh núi cao.

Giờ có đường nhựa chạy qua, nhưng địa hình và cảnh vật hai bên đường vẫn giữ được những nét hùng vĩ và hoang sơ vốn có. Ngôi đền Đá Thờ tọa lạc ở một địa thế chênh vênh hiếm có.

Giữa vách núi đá dựng thẳng đứng, có một đường bằng đá bậc đưa lối lên phía trên cùng của vách đá với một khoảng đất bằng phẳng. Đó là nơi tọa lạc của ngôi đền.

Nhìn từ xa, toàn cảnh giống như bức tranh thủy mặc xưa bởi đền tựa lưng vào núi đá với ngút ngàn màu xanh của rừng và phía trước mặt là dòng suối Đá Thờ cuộn chảy như rồng cuộn.

Theo lời kể của thủ nhang Trần Thị Nhị (65 tuổi) thì đền Đá Thờ có từ lâu lắm rồi, có lẽ trong vùng không ai có thể xác định được niên đại của ngôi đền.

Lời truyền tụng từ xa xưa rằng, trước đây có một người đàn bà từ phương xa đến dốc Đá Thờ thì mất ở đó. Sau khi mất, linh hồn bà ẩn tại dốc Đá Thờ và linh ứng giúp cho nhiều người dân gặp nạn quanh vùng.

Biết được sự linh thiêng của bà, nhân dân quanh vùng Đá Thờ đã lập miếu nhỏ bên dốc núi thờ bà và gọi là đền Cô Nàng, sau này gọi là đền Cô Bốn.

Từ đó, ngôi đền và nhân vật Cô Bốn gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu nơi sơn ngàn.

ran (1)
Cảnh sắc trước đền

Ngày nay, ngôi đền được xây dựng khang trang và tọa lạc ở vị trí ban đầu. Đền chính có ba cung là cung Cô Nàng, cung Chúa Bà và cung Cậu.

Phía trên, qua những lối bậc đá với những tảng đá nhiều dáng vẻ là động Sơn Trang và tượng Quan Thế Âm Bồ Tát.

Tuy gần đường lớn, nhưng qua những bậc đá uốn lượn, ngôi đền như thoát hẳn cảnh bụi trần, ẩn hiện trong những tán cổ thụ xanh tốt như giữa một cảnh thần tiên hoa trái quanh năm đua nở, mây núi bồng bềnh, tiếng suối tựa đàn ca.

ran (2)
Đền Đá Thờ tọa lạc vách núi

Rắn thiêng về “dự hội” đền

Về dâng hương chiêm bái đền Đá Thờ, ai cũng được ngắm nhìn những bức ảnh chụp lại hình rắn. Đó chính là những hình ảnh được nhà đền chụp lại mỗi khi có sự kiện rắn về đền.

Đó là những câu chuyện ly kỳ nhuốm màu linh thiêng được thủ nhang Trần Thị Nhị và những người hương hỏa cho ngôi đền kể cho chúng tôi nghe.

Thoạt đầu, nghe nói về rắn, lại ở nơi rừng núi như ở dốc Đá Thờ thì có lẽ là chuyện khá bình thường. Nhưng ở đây, rắn trở về ngôi đền lại có sự trùng hợp với những sự kiện lớn của đền, nên khiến nhiều người tò mò.

ran (4)
Đôi rắn xuất hiện tại đền

Những lần “ông rắn” (cách gọi của thủ nhang ngôi đền) xuất hiện đều có sự chứng kiến của nhiều người đến làm lễ tại đền và đều được nhà đền ghi chép lại khá tỉ mỉ và đều gọi thợ ảnh, thợ quay phim ghi lại.

Tại lễ yên vị tượng Phật Bồ Tát vào ngày 12/7 năm Mậu T‎ý xuất hiện “ông rắn” về đền, trườn lên bệ tượng Phật và quấn xung quanh ngai một hồi khá lâu.

Vào ngày rước tượng cô Bốn, rắn trở về và cuốn vòng quanh cuộn tóc của Cô ở phía sau.

Vào ngày nhà đền hoàn thành động Sơn Trang có tới ba “ông rắn” bò lên động.

Vào ngày 25/5/2012, đền tổ chức tiệc ông Tuần Chanh thì lại xuất hiện rắn trở về và tắm hồi lâu tại giếng đá nhỏ phía trên đền.

ran (5)
Rắn về quấn tròn vào cuộn tóc tượng Cô Bốn

Không chỉ vậy, đợt lễ rước tượng “ông hổ” thì rắn cũng xuất hiện ngay tức khắc.

Có một câu chuyện đặc biệt ly kỳ, và đến giờ không ai có thể giải thích được đó sự kiện xảy ra vào ngày 15/4 năm Quý Tỵ 2013, sau khi đền Đá Thờ làm lễn trấn trạch thiên thủy bàn long mạch thì ở đoạn nước sâu và rộng của suối Đá Thờ, nơi hướng ngôi đền nhìn xuống xuất hiện những bóng đèn đỏ cùng những tiếng động ùm ùm trên mặt nước. Lần lượt từ một đến 12 đèn đỏ xuất hiện với hình của nhiều con vật như rắn, rùa, rồng, uốn lượn trên mặt suối đến tận 12 giờ đêm mới chấm dứt.

Thủ nhang Trần Thị Nhị kể rằng, “ông rắn” xuất hiện hầu như vào các sự kiện lớn của ngôi đền, và đặc biệt, mỗi lần rắn xuất hiện lại với màu sắc khác nhau. Và màu sắc của rắn lại trùng hợp với màu sắc của tượng Phật mỗi khi an vị.

ran (5)
Mỗi lần rắn xuất hiện tại đền, đều được thợ ảnh chụp lại

Chẳng hạn, khi tượng Cô Bốn mặc áo thổ cẩm thì mình rắn có hoa văn tựa như thổ cẩm, hay tượng Phật có màu vàng thì mình rắn màu vàng.

Mỗi khi “ông rắn” trở về đền, mặc dù ở đền khá đông người nhưng rắn rất bạo dạn và ngự ở đền trong thời gian khá lâu.

Câu chuyện về “ông rắn” tại ngôi đền thiêng Đá Thờ không hề mang màu sắc tô vẽ hay duy tâm nào đó mà đó là chuyện có thật diễn ra ở đây.

Vẫn biết ở nơi sơn thẳm suối ngàn này, rắn sẽ có nhiều nhưng sự xuất hiện trùng hợp với những sự kiện của ngôi đền càng tô đậm thêm vẻ huyền bí và linh thiêng của vùng đất nơi đây.

Nguồn tin: VTC News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây