Trong hai mươi năm trị vì, với vị trí chăm dân, vua Minh Mạng (1820-1840) rất chú ý tới vấn nạn thuốc phiện và tỏ rõ quan điểm cũng như đưa ra những biện pháp đối việc với răn cấm, trừng phạt tội làm, buôn bán, hút thuốc phiện.
Nhận thức tác hại và thực trạng tệ nạn
Nhận thức rõ tác hại của “ả phù dung” nên ngay khi lên ngôi, vua dụ bề tôi: “Thuốc phiện là thứ thuốc độc từ nước ngoài đem lại, những phường du côn lêu lổng lúc mới hút cho là phong lưu, rồi chuyển thành thói quen, thường thường nghiện mà không thể bỏ được. Quan thì bỏ cả chức vụ, dân thì phá hết sản nghiệp, thậm chí gầy mòn thành tật. Tổn thương cơ thể sinh mệnh”. Lần khác vua nhấn mạnh “đã mắc phải bả độc nghiện ngập rồi thì không thể dứt bỏ được, thậm chí ruột héo, gan khô, khuynh gia, bại sản! Thuốc phiện nó làm mê mẩn lòng người, có quan hệ đến phong tục không phải là nhỏ”.
Nguồn thuốc phiện theo ghi chép trong sử nhà Nguyễn, chủ yếu do người Thanh mang đến, hoặc người Việt đi buôn mang về. Đại Nam thực lục còn ghi việc năm Tân Mão (1831), thuyền người Thanh mang thuốc phiện lậu đến Nghệ An, Hà Tiên. Hay năm Nhâm Thìn (1832), thuyền buôn Gia Định chở gạo đi bán, khi về mang theo thuốc phiện. Tệ tàng trữ, buôn bán thuốc phiện diễn ra ở khắp nước, có nơi bị điểm mặt chỉ tên như Gia Định thành, Bắc thành…
Hậu quả của việc buôn bán, hút thuốc phiện gây ra rất nghiêm trọng. Năm Kỷ Sửu (1829), ở Gia Định thành người Thanh lừa dỗ dân ta hút vụng thuốc phiện gây nên sự bất ổn trị an đến nỗi vua Minh Mạng cuối năm Nhâm Thìn (1832) phải than “họ đua nhau hút thuốc phiện, buông tuồng xướng ca, cờ bạc, lấy làm phong lưu”. Đến năm Quý Tỵ (1833) khi xuống chiếu ban ơn cho Nam Kỳ lục tỉnh, vua cũng nhắc đến việc “nọc độc thuốc phiện” làm hư hỏng con người. Năm sau vua lại phê, dân Nam Kỳ có tiếng trung hậu nhưng gần đây phong tục không được như trước. “Chính vì thuốc phiện, cờ bạc, chơi bời mà hết sạch tài sản cơ nghiệp, phải nên răn chừa tuyệt hẳn”.
Người nghiện bên bàn đèn thuốc phiện.
Để ngăn ngừa, nghiêm trị tệ nạn tàng trữ, buôn bán cũng như hút thuốc phiện, vua đã không ngừng gia tăng các biện pháp xử lý đối với tệ nạn này. Ngay năm Canh Thìn (1820) vua định rõ thêm điều cấm thuốc phiện đã có từ thời vua cha. Trong đó nêu rõ: Ai hút thuốc phiện, cất giấu, nấu nướng, buôn bán thì xử tội đồ (đi đày). Cha anh xóm giềng biết không tố giác đều bị phạt trượng. Quan chức phạm thì cách chức.
Năm Giáp Thân (1824), thấy tệ nạn vẫn chưa vãn nên vua định lại lệnh cấm thuốc phiện, nêu rõ khách buôn ngoại quốc biết rõ lệnh cấm mà cố ý giấu thuốc và nhựa để buôn bán và các tiệm phố tiêm thuốc bán cho khách, lại dịch hay quân dân hút trộm đều phải tội lưu cách 3.000 dặm; làng xóm, cha anh không cấm được con em đều phải tội đánh 100 trượng; quan chức hút trộm phải tội trượng và cách chức, mãi mãi không được bổ dụng, gia sản bị tịch thu.
Trong thời gian trị vì 20 năm, vua Minh Mạng không ngừng bổ sung, gia tăng các biện pháp ngăn ngừa, trừng phạt. Năm Tân Mão (1831) vua định lệnh nếu thuyền chở lậu thuốc phiện lập tức bắt cả người và tang vật. Lệnh này năm Giáp Ngọ (1834) được nhắc lại. Tháng 12 năm Nhâm Thìn (1832) định lại lệnh cấm hút thuốc phiện, đồng thời khuyến khích việc tố giác như năm Canh Thìn (1821) ai tố cáo thì thưởng bạc 20 lạng, năm Kỷ Hợi (1839) cáo giác được thưởng 60 quan…
Buôn bán, hút thuốc phiện bị xử tội chết
Để triệt nguồn cung cấp thuốc phiện, năm Đinh Dậu (1837) vua ra dụ chỉ rõ người buôn nước Thanh nói dối đóng thuyền đi buôn nhưng ngầm chở thóc gạo, mua trộm thuốc phiện, vì vậy “từ nay về sau người nhà Thanh cùng các người Minh Hương vĩnh viễn không được đóng thuyền vượt biển, nếu quan địa phương không xét được thì có tội”. Năm Mậu Tuất (1838) nhắc lại lệnh cấm này, chỉ cho họ buôn bán đường sông.
Việc cấm, xử tội liên quan đến thuốc phiện quy củ nhất là quy định năm Kỷ Hợi (1839). Theo đó quan lại, quân dân hút thuốc phiện tùy trọng lượng thuốc bắt được phạt 100 trượng, phát lưu 3.000 dặm đến tịch thu gia sản. Cha anh, lân cận giấu giếm đều phạt 100 trượng. Nấu, tàng trữ, bán thuốc phiện sung quân ở viễn biên đến xử giảo giam hậu (tử hình bằng cách thắt cổ nhưng còn được giam lại đợi vua quyết định), tịch biên gia sản sung công tùy khối lượng thuốc. Quốc triều chánh biên toát yếu cho biết năm Mậu Tuất (1838) vua ra lệnh cấm nha phiến và cờ bạc ở Trấn Tây thành vì người buôn nhà Thanh, các nhà ở phố nấu bán thuốc phiện để kiếm lời. Đất này có nhiều người dân tộc thiểu số nên triều đình chủ trương vừa cấm vừa dỗ.
Thuyền buôn ngoại quốc mang thuốc đến thì miễn tội nếu chưa rõ lệnh cấm, đem nộp. Cố ý thì bị xử giảo, tịch thu thuyền sung công. Bọn chở thuê, cất giấu giúp đều xử cùng tội với chính phạm, tịch thu gia sản. Thuyền công đi ngoại quốc mua thuốc phiện về nhẹ thì xử trảm giam hậu, nặng trảm quyết, tài sản bị tịch thu. Thuyền chuyển giúp giấu đồng tội với chính phạm và bị tịch thu gia sản. Người che giấu hay ăn tiền thì bị tội đánh trượng, phát lưu. Quan lại, lệ, dịch và quan lại khám xét thuốc phiện mà ăn tiền, dung túng đều xử cùng tội với kẻ phạm tội. Nếu vu cáo thì chiểu theo luật “vu cáo”; vu cho người ta đến tội chết mà đã chót xử thì phải tội chết.
Vua Minh Mạng rất quan tâm việc phòng chống, xử phạt tệ nạn tàng trữ, buôn bán, nghiện hút thuốc phiện.
Trong khi thi hành luật lệnh liên quan đến thuốc phiện, sử cũ ghi lại nhiều vụ xử nghiêm với tội danh liên quan. Để triệt nguồn cung cấp thuốc phiện, việc bắt, kiểm soát thuyền buôn được thực hiện gắt gao, nên năm Đinh Dậu (1837), Quản vệ Vũ Viết Tuần đi tuần bắt được thuyền người nhà Thanh ở biển Lý Sơn, Quản vệ Nguyễn Văn Cúc bắt được thuyền ở cửa biển Đại Cổ Lũy đều có chứa thuốc phiện là đồ cấm liền đưa về tỉnh tra xét, vua còn lệnh các hạt Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa tìm bắt. Rồi năm Kỷ Hợi (1839), nhân Trung Hoa có vụ nha phiến Tổng đốc Quảng Đông Lâm Tắc Từ bắt giữ trên 1.000 thùng thuốc phiện, vua lệnh cho bộ Công phải tăng cường khám xét các thuyền Linh phượng ở Đà Nẵng, thuyền An dương ở Cần Giờ, mật xét phố chợ…
Ở việc xử những kẻ mua bán, tàng trữ thuốc phiện, Thực lục ghi có trường hợp Hoàng Công Tài làm quan nhưng chứa thuốc phiện lậu “lập tức cách chức bắt giam để xét hỏi, xử tội. Khi thành án, Tài bị tội trảm giam hậu”. Cũng năm Nhâm Thìn (1832), có Mạc Hầu Hi đi Hạ Châu về buôn thuốc phiện lậu bị lộ, cũng bị tội trảm giam hậu. Đối với quan lại để cho tệ buôn bán thuốc phiện diễn ra cũng bị liên đới, như năm Tân Mão (1831) vì để thuyền người Thanh đem thuốc phiện đến buôn lậu mà Thự Hiệp trấn Hà Tiên Nguyễn Hựu Dự bị mất chức. Còn quan lại mà hút thuốc phiện thì sao? Năm Giáp Ngọ (1834), Hộ lý Tuần phủ Định Tường Ngô Bá Tuấn có tội, lại nghiện thuốc phiện nên bị miễn chức. Với người trong hoàng tộc, tôn thất vua còn xử nghiêm hơn để răn. Bằng chứng là năm Nhâm Thìn (1832), Cai đội dinh Thần cơ là Tôn Thất Huyên hút thuốc phiện. Hình bộ xử án phạt trượng và tội đồ, tước bỏ họ Tôn thất, đổi theo họ mẹ và phát vãng làm lính ở đảo Phú Quốc.
Dẫu thi hành luật lệnh cùng như xử phạt nghiêm là thế, nhưng vấn nạn “nàng tiên nâu” vẫn dai dẳng trong thời vua Minh Mạng đến nỗi cuối thời trị vì của mình vào năm Kỷ Hợi (1839) vua phải than: “Thuốc phiện là thứ hao tiền của, hại mạng người, làm hại ghê gớm, già trẻ đều biết, đã giáng dụ chỉ nghiêm cấm, khốn nỗi buôn bán thứ ấy được lời nhiều, cho nên chưa trừ hết kẻ bán trộm, thì chưa hết người hút”.