Đền Mõ (xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) là ngôi đền cổ, được xây dựng từ thế kỉ 13, là nơi thờ công chúa Quỳnh Trân (thời nhà Trần) về lập am tu hành, khai khẩn đất hoang giúp dân lập nghiệp.
Tương truyền, một năm sau ngày Công chúa Quỳnh Trân về đây lập am tu hành (năm 1284), đích thân công chúa trồng cây gạo trước cửa đền, với ước nguyện nhân dân lo đủ, thóc gạo dồi dào.
Trải qua 736 năm, cây gạo như "chứng nhân" lịch sử khi chứng kiến biết bao thăng trầm, đổi thay của cuộc sống.
Năm 2011, Cây gạo đền Mõ là Cây Di sản Việt Nam thứ 65 được tổ chức lễ vinh danh trong tổng số hơn 70 cây được VACNE công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Năm 2012, cây gạo được Trung tâm xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận và tôn vinh là cây gạo nhiều năm tuổi nhất Việt Nam.
Cây gạo có chiều cao hơn 30m, đường kính gốc gần 2,5m. Theo ông Phạm Đức Thà, Trưởng ban quản lý di tích Đền Mõ, rễ cây gạo vươn xa hàng trăm mét, không ít lần chồi cao lên hàng gạch sân đền.
Cành cây gạo cổ thụ to, khỏe với đường kính khoảng 50cm, được ví như những "cánh tay" khổng lồ, "bảo vệ" người dân Ngũ Phúc.
Cây gạo tỏa bóng trên diện tích rộng lớn trước cửa đền Mõ, tạo cảnh quan, bóng mát cho ngôi đền cổ, nơi thờ bà chúa Mõ - công chúa Quỳnh Trân.
Một sáng tháng Giêng, nụ hoa gạo đậu sai chi chít. Theo ông Phạm Đức Thà, năm nay do ảnh hưởng thời tiết, cây gạo ra hoa muộn hơn mọi năm. Nhưng cứ đến 12.2 âm lịch (lễ hội đền Mõ), cây gạo nở hoa đỏ rực rỡ, "tô thắm" sắc màu cho lễ hội của người dân làng Nghi Dương xưa (nay là xã Ngũ Phúc).
Không chỉ được biết đến là cây gạo "cao tuổi" nhất Việt Nam, cây gạo đền Mõ còn nổi tiếng bởi dáng hình độc đáo gợi hình ảnh mẹ ôm con. "Từ thân cây gạo lớn "đẻ" ra nhánh cây gạo nhỏ, bao nhiêu năm trôi qua, cây gạo "mẹ" cứ mỗi ngày một lớn, "sải cánh" ôm lấy cây gạo nhỏ chẳng chút thay đổi theo thời gian" - ông Phạm Đức Thà cho biết.
Đặc biệt hơn, cây gạo "mẹ" nở hoa đỏ rực rỡ mỗi độ tháng ba, đến nỗi cách xa hàng cây số, người dân làng Mõ vẫn có thể nhìn thấy một màu đỏ rực từ tán gạo già. Ấy nhưng, cây gạo "con" chỉ ra tán lá xanh biếc, chưa một lần đâm nụ, trổ hoa. "Từ hình ảnh "mẹ ôm con" độc đáo của cây gạo, nhiều người dân tìm đến đền để cầu tự, xin chút vỏ cấy gối đầu giường mong sớm thụ thai. Có những người sau nhiều năm quay lại, dẫn theo con cái khấn tạ "bà chúa Mõ" - đại diện ban quản lý đền Mõ cho biết.
Cây gạo cổ chỉ cách cửa đền chưa đầy 10m, tán cây vươn dài ra các ngả. Cành cây khô, gẫy rụng đầy sân đền. Song, điều người dân làng đời này qua đời khác đều lấy làm lạ là tán cây hướng về cửa đền lại chưa một lần vươn dài qua mái đền, rơi rụng làm hư hại mái đền mà cứ gần đến cửa đền lại tự khô héo, mục nát.
Với người dân Ngũ Phúc, Đền Mõ với cây gạo cổ tuổi đời hơn 7 thế kỉ là niềm tự hào. Để mỗi năm vào dịp 12.2 âm lịch, bao thế hệ người dân trong xã lại tụ họp về đây, tham gia lễ hội đền Mõ, như một lời tri ân với "Bà chúa Mõ" - người có công xây dựng mảnh đất này. Ảnh MD.
Nguồn tin: Phunutoday
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự