Đền thờ của ông được lập ở nhiều nơi, có cả bên Trung Quốc; sách của ông được nhiều thế hệ thầy địa lý sau này "ăn theo"... Thế nhưng tại sao Tả Ao lại không truyền "nghề" cho hậu duệ?
Tả Ao chỉ là tên địa danh?
Ông là thuỷ tổ khai sinh môn địa lý phong thuỷ ở Việt Nam. Các sách vở cũng như truyền thuyết đều gọi ông là Thánh Địa lý Tả Ao, Trạng Tả Ao; là đệ nhất chính tông về địa lý, giỏi như Cao Biền bên Trung Quốc. Trong dân gian lưu truyền nhiều giai thoại về hành trạng pháp thuật của ông ở nhiều làng quê.
Thực ra, Tả Ao không phải là tên mà là địa danh nơi ông sinh sống, cũng như Nguyễn Tiên Điền là Nguyễn Du người xã Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Theo sách vở và cả truyền miệng thì Tả Ao có những tên sau: Vũ Đức Huyền hiệu Địa Tiên, Nguyễn Đức Huyền hiệu Phủ Hưng, Hoàng Chiêm, Hoàng Chỉ.
Ông sinh vào thời Lê sơ (1428-1527), có sách nói thời Lê – Mạc (1533-1592), thời Lê – Trịnh – Nguyễn (1592-1789), có người khẳng định ông sinh năm Nhâm Tuất (1442) có sách còn nói Tả Ao và Cao Biền thi thố tài năng (tức là đời nhà Đường ở thế kỷ IX). Tuy nhiên, qua những chuyện kể có liên quan đến Mạc Kinh Độ nên hiện nay người ta dễ chấp nhận ông sinh vào thời Lê sơ.
Quê quán, có sách nói ông sinh ở làng Tả Ao (Hà Tĩnh). Có sách lại nói gốc ở Sơn Nam (vùng Hải Dương, Hưng Yên), sau đó gia đình phiêu bạt và định cư ở làng Tả Ao. Do các sách đều ghi Vũ Đức Huyền (hợp với ngoài Bắc còn miền Trung trở vào là họ Võ). Từ suy đoán này có thế chấp nhận ông sinh ở vùng Sơn Nam (Hải Dương, Hưng Yên) phiêu bạt và định cư về xã Ao Cầu (sau này tách thành 2 xã Tả Ao và Tiên Cầu), phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, nay là xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ở đây có đền thờ Tả Ao, giếng Tả Ao. Ở thôn Nam Trì, xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên có đền thờ 3 thượng đẳng phúc thần: Tể tướng Lữ Gia (Bảo Công), tướng Nguyễn Danh Lang (Lang Công) và Cao Biền (Cao Vương) và Bản cảnh thành hoàng Tả Ao. Bởi nơi đây Tả Ao đã chọn đất lập làng để làng thịnh vượng và phát triển.
Tại sao ngài lại giỏi địa lý như vậy?
Có 2 nguồn truyền miệng về việc Tả Ao tầm sư học đạo nên nggười. Một truyền thuyết kể rằng, Tả Ao cứu một thầy địa lý người Trung Quốc chết đuối ở sông Phù Thạch xứ Nghệ. Ông ta đem vàng bạc trả ơn, ngài không lấy. Thấy ngài tướng mạo khôi ngô và tính tình hiền hòa, ông ta đưa về Tàu truyền nghề địa lý để trả ơn. Do thông minh nên ngài thu thập được những tinh hoa trong thuật phong thủy địa lý của người thầy, về nước rồi hành trạng pháp thuật.
Một giả thuyết thứ hai nói rằng, do mẹ của ngài mù lòa, nhà lại nghèo, để có thuốc chữa mắt cho mẹ, ngài đã ở không công cho người khách ngồi bốc thuốc ở Phù Thạch. Thấy ngài là người con hiếu thảo, lại ăn ở chu đáo, hiền lành, nên khi về nước, ông ta xin cho ngài đi theo. Ở đây ngài học lỏm được nghề cắt thuốc chữa mắt. Có lần ngài đã chữa khỏi mắt cho một thầy địa lý lành nghề, thấy tướng mạo tuấn tú, tính cách nhanh nhẹn hợp với nghề của thầy và cũng để trả ơn, ông xin phép thầy lang đưa ngài về nhà để truyền thuật địa lý.
Do bản tính thông minh ngài đã thâu tóm được phép thuật đó về nước. Giả thuyết này về sau được người đời tin là thật hơn vì cách lí giải trọn vẹn tình hiếu thảo với mẹ (sách nào viết về ngài cũng nói có người mẹ mù lòa), hợp với hoàn cảnh nhà nghèo, nhưng lại là người thông minh, có chí học hỏi nên thành tài.
Cái tài của thầy địa lý Tả Ao có bao câu chuyện hấp dẫn có trong sách vở cũng như truyền miệng dân gian, ta có thể tìm đọc hay nghe kể với các biệt tài: Xem thế đất để chọn hướng nhà thỏa mãn yêu cầu của thân chủ như sống thọ, phát tài phát lộc, phát quan, chọn nghề, sinh lắm con nhiều cháu; Chọn hướng táng mồ mả sao cho người sống được mạnh khỏe, giàu có, thành đạt; Chọn nơi đào giếng có nước lành, trong ngon, không cạn, không chạm long mạch; Chọn hướng đình để làng yên ấm trong ngoài, dân cư phát triển... Câu chuyện khẳng định cái tài địa lý của Tả Ao nhưng cũng lắm kết cục khôi hài (chứ không làm hại ai) nếu thân chủ, các chức sắc trong làng xã có những ý tưởng ngông cuồng...
Nhưng sao không truyền cho hậu duệ?
Tả Ao nổi tiếng bậc thầy về địa lý phong thuỷ, nhưng con cháu của ngài về sau thì không ai kế nghiệp được. Xung quanh câu chuyện này cũng có nhiều “dị bản” lí giải khác nhau. Có chuyện kể rằng, Tả Ao bị thầy địa lý (người dạy ngài) sang yểm huyệt táng cha của ngài nên không thể truyền nghề cho hậu duệ. Có truyện chép là một đêm nằm mộng, ngài được báo rằng “đất tốt là của quý, là bí mật của tạo hóa, nếu tiết lộ hết thì “âm” sẽ oán, nên phải tự dấu kín phép thuật”.
Cũng có ý kiến cho rằng, Tả Ao có con nhưng các con bất hạnh, làm ông nản. Sau này thi thoảng mới xem phong thủy địa lý cho người khác (cũng ở mức bình thường), ông dành thời gian để chữa mắt cho dân.
Tuy vậy, với 2 tập sách mỏng Tả Ao đã để lại cho đời như: Địa đạo diễn ca (chỉ 120 câu), Dã đàm (trong mấy trang văn xuôi) đã được người đời sau phát triển thành lý luận, thành gia bảo chân truyền. Trừ 2 cuốn nói trên, còn những sách khác hiểu lấp lửng là do ngài viết như: Địa đạo diễn ca (Tả Ao hiệu Địa Tiên); Dã Đàm (Tả Ao hiệu Địa Tiên) còn gọi Tả Ao tầm long gia truyền bảo đàm; Tả Ao chân truyền di thư; Tả Ao chân truyền điạ lý (Hoàng Chiêm – 5 tập); Hoàng Chiêm địa lý luận; Hoàng Chiêm truyền cơ mật giáo; Tả Ao tiên sư bí truyền gia bảo trân tàng; Tả Ao địa lý luận; Tả Ao chân truyền tập (nhiều tập); Tả Ao tiên sinh bí truyền gia bảo trân tàng (nhiều tập); Tả Ao tiên sinh địa lý (nhiều tập)...
Trừ 2 cuốn đầu là của Tả Ao, còn các cuốn sau là của các thầy địa lý khác phát triển về thuật địa lý Tả Ao. Với ngài, ngài không tự xưng là tiên sư, tiên sinh. Hay chân truyền, bí truyền, gia bảo vì không hợp với phong cách và hoàn cảnh của ngài.
Với hiệu trong đền thờ Tả Ao là Địa Tiên (còn hiệu của Nguyễn Đức Huyền là Phủ Hưng). Hầu như các sách đều viết : “Tả Ao tên là Vũ Đức Huyền hiệu Địa Tiên, có nơi còn gọi là Nguyễn Đức Huyền...”. Trong cuốn Nghi Xuân địa chí do Đông Hồ – Lê Văn Diễn soạn năm 1842 cũng viết vậy. Cuốn Từ điển Hà Tĩnh ngoài mục Tả Ao cũng ghi như vậy, còn có mục Vũ Đức Huyền, nhưng không có mục Nguyễn Đức Huyền.
Vậy ta dễ chấp nhận Thánh sư địa lý Tả Ao xưa còn gọi là Mỗ (một cách gọi dân dã), tên là Vũ Đức Huyền hiệu Địa Tiên. Sinh vào thời Lê sơ (1428 - 1527). Gốc người Sơn Nam (vùng Hải Dương, Hưng Yên), gia đình phiêu bạt và định cư ở làng Tả Ao nay thuộc xã Xuân Giang huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Có đền thờ Tả Ao, giếng Tả Ao nằm trong khuôn viên của cụm đền huyện Nghi Xuân.